Các phương châm hội thoại

Các phương châm hội thoại

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Các phương châm hội thoại

I. Kiến thức cơ bản

Phương châm hội thoại về lượng: khi giao tiếp cần nói cho có nội dung, nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thừa, không thiếu

- Phương châm về chất: Khi giao tiếp, đừng nói những điều mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực

- Phương châm quan hệ: Cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề

- Phương châm lịch sự: khi giao tiếp cần tôn trọng người khác

- Phương châm cách thức: chú ý nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Các nhân vật trong truyện cười sau không tuân thủ phương châm hội thoại nào?

Có hai anh bạn gặp nhau, một anh nói:

- Mắt tớ tinh không ai bằng! Kìa! Một con kiến kiến đang bò ở cành cây trên đỉnh núi phía trước mặt, tớ trông rõ mồn một từ sợi râu đến bước chân của nó.

Anh kia nói:

- Thế cũng chưa tinh bằng tớ, tớ còn nghe thấy sợi râu nó ngoáy trong không khí kêu vù vù và chân nó bước kêu sột soạt.

Bài 2: Xác định các phương châm hội thoại tương ứng với các câu tục ngữ dưới đây:

a, Ai ơi chớ vội cười nhau

Ngẫm mình cho tỏ trước sau hãy cười.

b, Ăn bớt bát, nói bớt lời.

c, Nói có sách, mách có chứng

d, Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

e, Trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Bài 3: Phương châm hội thoại nào không được tuân thủ trong đoạn hội thoại sau:

Mẹ chồng và con dâu nhà kia chẳng may đều góa bụa

Mẹ chồng dặn con dâu:

- Số mẹ con mình hẩm hiu, thôi thì cắn răng mà chịu!

Không bao lâu, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn ấy thì mẹ chồng trả lời:

-Mẹ dặn là dặn con, chứ mẹ có còn răng nữa mà cắn.

Gợi ý:

Bài 1:

Cả hai nhân vật trong đoạn hội thoại trên đều vi phạm phương châm về chất. Nói những điều sai sự thật.

- Thực tế hai nhân vật đều nói điều không có thật, không ai có thể nhìn thấy một con kiến trên đỉnh núi.

Bài 2:

a, Phương châm về chất

b, Phương châm về lượng

c, Phương châm về chất

d, Phương châm lịch sự

e, Phương châm quan hệ

Bài 3:

Nhân vật người mẹ chồng vi phạm phương châm quan hệ.

Bà mẹ chồng dặn con dâu một đằng nhưng bản thân lại thực hiện một nẻo. Giữa lời nói và hành động không có tính thống nhất với nhau.

Phần trắc nghiệm

Câu 1: Chương trình lớp 9, em được học mấy phương châm hội thoại?

A. 4    B. 5

C. 6    D. 7

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Phương châm hội thoại trong chương trình lớp 9: phương châm về chất, lượng, cách thức, lịch sự, quan hệ

Câu 2: Phương châm về lượng là gì?

A. Khi giao tiếp cần nói đúng sự thật

B. Khi giao tiếp không được nói vòng vo, tối nghĩa

C. Khi giao tiếp cần nói cho có nội dung, nội dung phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp

D. Khi giao tiếp không nói những điều mình không tin là đúng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 3: Thế nào là phương châm về chất?

A. Khi giao tiếp không nên nói những diều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực

B. Khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung, của lời nói phải đáp ứng đúng với yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa

C. Khi giao tiếp cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 4: Phương châm quan hệ là gì?

A. Khi giao tiếp cần nói lịch sự, tế nhị

B. Khi giao tiếp cần tôn trọng người khác

C. Khi giao tiếp chú ý ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ

D. Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 5: Câu thành ngữ “nói nhăng nói cuội” phản ánh phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm cách thức B. Phương châm quan hệ

C. Phương châm về lượng D. Phương châm về chất

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Giải thích: Nói nhăng nói cuội là nói những điều không chắc chắn, không đúng, vi phạm phương châm về chất trong giao tiếp

Câu 6: Câu thành ngữ “ăn ốc nói mò” liên quan tới phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm quan hệ B. Phương châm về chất

C. Phương châm về lượng D. Phương châm cách thức

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Ăn ốc nói mò có nghĩa là nói không có căn cứ, nói không chính xác

Câu 7: Thành ngữ “nói đơm nói đặt” liên quan tới phương châm hội thoại?

A. Phương châm về lượng B. Phương châm về chất

C. Phương châm cách thức D. Phương châm quan hệ

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Nói đơm nói đặt là nói những điều bịa đặt, không đúng thực tế

Câu 8: Xác định phương châm hội thoại của câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”?

A. Phương châm quan hệ B. Phương châm lịch sự

C. Phương châm cách thức D. Phương châm về lượng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 9: Câu “Cô ấy nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt” vi phạm phương châm nào?

A. Phương châm lịch sự B. Phương châm quan hệ

C. Phương châm cách thức D. Phương châm về lượng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Giải thích: Thừa thông tin: bằng đôi mắt

Câu 10: Phương châm quan hệ nào được thể hiện trong đoạn trích sau:

- Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:

- Mất mấy con bò?

A Phủ trả lời tự nhiên:

- Tôi về lấy súng, thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.

A. Phương châm quan hệ B. Phương châm cách thức

C. Phương châm về chất D. Phương châm về lượng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Câu trả lời của A Phủ không đáp ứng về mặt thông tin đối với câu hỏi, nhưng tạo ra hàm ý dùng công chuộc tội

Đọc truyện cười sau và trả lời câu hỏi:

HỎI THĂM SƯ

Một anh học trò gặp một nhà sư dọc đường , anh thân mật hỏi thăm:

- A Di Đà Phật! Sư ông vẫn khỏe chứ? Được mấy cháu rồi?

Sư đáp:

- Đã tu hành thì làm gì có vợ mà hỏi mấy con.

- Thế sư ông già có chết không?

- Ai già lại chẳng chết!

- Thế sau này lấy đâu ra sư con?

(Truyện cười dân gian Việt Nam)

Câu 11:

A. Phương châm về chất B. Phương châm về lượng

C. Phương châm quan hệ D. Phương châm cách thức

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Anh học trò không hiểu chuyện nên đưa ra những câu hỏi không có thực tế.

Câu 12: Để không vi phạm các phương châm hội thoại, cần làm gì?

A. Nắm được đặc điểm của tình huống giao tiếp B. Hiểu được nội dung mình định nói gì

C. Biết im lặng khi cần thiết D. Phối hợp nhiều cách nói khác nhau

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Nắm được các đặc điểm của tình huống giao tiếp như mục đích, nhân vật, hoàn cảnh giao tiếp… sẽ giúp người nói không vi phạm các phương châm hội thoại

Câu 13: Câu trả lời trong đoạn hội thoại sau vi phạm phương châm hội thoại nào?

Lan hỏi Bình:

- Cậu có biết trường đại học Sư phạm Hà Nội ở đâu không?

- Thì ở Hà Nội chứ ở đâu!

A. phương châm về chất B. Phương châm về lượng

C. Phương châm quan hệ D. Phương châm cách thức

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Trả lời thiếu thông tin

Câu 14: Các phương châm hội thoại là những quy định bắt buộc trong mọi tình huống giao tiếp, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Giao tiếp là sự linh hoạt trong việc truyền và tiếp nhận thông tin, vì vậy mà các phương châm hội thoại không phải sự bắt buộc trong mọi tình huống giao tiếp

Câu 15: Nhận định nào không phải nguyên nhân của các trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại?

A. Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp

B. Người nói phải ưu tiên một phương châm hội thoại, hoặc một yêu cầu khác cao hơn

C. Người nói muốn gây một sự chú ý để người nghe hiểu câu nói đó theo một hàm ý nào đó

D. Người nói nắm được các đặc điểm của tình huống giao tiếp

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 16: Các câu tục ngữ sau phù hợp với phương châm hội thoại nào trong giao tiếp?

1. Nói có sách mách có chứng

2. Biết thưa thì thốt

Không biết dựa cột mà nghe.

A. Phương châm về lượng B. Phương châm về chất

C. Phương châm quan hệ D. Phương châm cách thức

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Giải thích: Các câu tục ngữ hướng người giao tiếp nói đúng sự thật

Câu 17: Nói giảm nói tránh là phép tu từ liên quan đến phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm về lượng B. Phương châm về chất

C. Phương châm quan hệ D. Phương châm lịch sự

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

I. Kiến thức cơ bản

1. Muốn làm cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hóa hoặc cách thức vè, diễn ca

2. Các biện pháp nghê thuật được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Cho đoạn văn sau:

Múa lân có từ rất lâu đời và rất thịnh hành ở các tỉnh phía nam. Múa lân diễn ra vào những ngày Tết để chúc năm mới an khang, thịnh vượng. Các đoàn lân có khi đi đông tới trăm người, họ là thành viên của một câu lạc bộ hay một lò võ trong vùng. Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các họa tiết đẹp. Múa lân sôi động với các động tác khỏe khoắn, bài bản: lân chào ra mắt, lân chúc phúc, leo cột… Bên cạnh có ông Địa vui nhộn chạy quanh. Thông thường múa lân còn kèm theo cả biểu diễn võ thuật.

Đoạn văn trên thuyết minh về đối tượng nào? Văn bản cung cấp được tri thức khách quan về đối tượng không? Văn bản vận dụng phương pháp thuyết minh nào là chủ yếu? Đồng thời để cho sinh động, tác giả còn vận dụng biện pháp nghệ thuật nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Văn bản trên thuyết minh về tục múa lân mừng Tết

- Văn bản cung cấp tri thức khách quan về nguồn gốc ra đời, thời gian biểu diễn, cách thức tổ chức và hoạt động của hội múa lân

- Để sinh động, tác giả còn vận dụng yếu tố miêu tả:

   + Miêu tả hình dáng lân: Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các họa tiết đẹp

   + Biện pháp liệt kê: các hình thức múa lân (Múa lân sôi động với các động tác khỏe khoắn, bài bản: lân chào ra mắt, lân chúc phúc, leo cột… )

- Như vậy, để văn bản trở nên hấp dẫn, sinh động cần có các yếu tố như miêu tả, tự sự… các biện pháp nghệ thuật (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ…) bổ trợ

Phần trắc nghiệm

Câu 1: Muốn cho văn bản thuyết minh hấp dẫn, sinh động, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật nào?

A. Kể chuyện, tự thuật B. Đối thoại theo lối ẩn dụ

C. Hình thức diễn vè, thơ ca D. Tất cả các đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 2: Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng thích hợp trong văn thuyết minh nhằm tạo hứng thú cho người đọc, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Các biện pháp nghệ thuật giúp người đọc thấy thú vị và hấp dẫn hơn.

Cho đoạn văn sau:

Tôi không biết có từ lúc nào, không rõ lắm, nhưng chắc chắn là từ rất xưa. Từ khi con người biết trồng bông dệt vải may áo, chắc là phải cần kim để khâu áo. Làm ra cây kim lúc đầu hẳn là rất khó khăn, cho nên giờ mới có câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Họ nhà Kim chúng tôi rất đông. Ngoài kim khâu vải may áo, còn có loại kim dùng để thêu thùa, có kim khâu dùng trong phẫu thuật, kim khâu giày, kim đóng sách sách… Công dụng của kim là đưa chỉ mềm luồn qua các vật dày, mỏng để kết chúng lại. Thiếu chúng tôi thì ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn đấy! Nghe nói từ cuối thế kỉ XVIII, một người Anh đã sáng chế ra máy khâu, nhưng máy khâu vẫn cứ phải có kim thì mới khâu được!

Cùng họ Kim chúng tôi còn có cây kim châm cứu. Nó bé mà dài, làm bằng bạc, dùng để châm vào huyệt chữa bệnh. Những cây kim của ông Nguyễn Tài Thu đã nổi tiếng thế giới!

Câu 3: Đoạn văn vừa trích sử dụng phương thức biểu đạt nào?

A. Thuyết minh B. Nghị luận

C. Tự sự D. Miêu tả

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Thuyết minh về cây kim

Câu 4: Phương pháp thuyết minh nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Phương pháp nêu ví dụ B. Phương pháp so sánh

C. Phương pháp liệt kê D. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 5: Khi nào cần thuyết minh sự vật một cách hình tượng bóng bẩy?

A. Khi thuyết minh sự các đặc điểm cụ thể, dễ thấy của đối tượng

B. Khi thuyết minh các đặc điểm trừu tượng không dễ thấy của đối tượng

C. Khi muốn cho văn bản sinh động và hấp dẫn

D. Khi muốn trình bày rõ diễn biến của sự việc, sự kiện

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B