Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

I. Kiến thức cơ bản

- Phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc

- Tự sự và miêu tả để khơi gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối không nhằm mục đích kể chuyện, miêu tả đầy đủ sự việc, phong cảnh

II. Bài tập vận dụng

Bài 1:

Chỉ ra các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi

Gợi ý trả lời

Các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi

Yếu tố miêu tả: thể hiện trí tưởng tượng phong phú, độc đáo của tác giả

- Miêu tả tiếng suối, đá, rừng thông, rừng trúc

- Yếu tố biểu cảm: Thể hiện tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên

+ Tấm lòng yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi

Bài 2:

Từ bài ca Côn Sơn em hãy viết một bài văn biểu cảm về chủ đề tình yêu thiên nhiên.

Gợi ý trả lời

Tình yêu thiên nhiên từ xưa tới nay là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác thơ văn. Thiên nhiên trở thành đối tượng để thể hiện tình yêu cuộc sống, quan niệm thẩm mĩ của tác giả về cái đẹp. Trong Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi miêu tả chân thực vẻ đẹp sinh động, nhiều màu sắc, âm thanh của hoa lá, đời sống bình dị của người dân điều đó thể hiện tình yêu cuộc sống mãnh liệt của ông. Không những thế, thông qua hình ảnh về thiên nhiên nhà văn, nhà thơ có thể bày tỏ quan điểm sống thầm kín của mình. Như tác giả Trần Nhân Tông, mượn cảnh thanh bình của quê hương lúc chiều xuống để gửi gắm khát vọng dựng xây đất nước thái bình, thịnh trị. Nguyễn Du thông qua hình ảnh về thiên nhiên khắc họa nỗi buồn tâm trạng của nhân vật Kiều, sâu thẳm trong đó tác giả gửi gắm sự xót thương, đau buồn trước thực trạng của xã hội đương thời chà đạp lên chính nghĩa và những người yếu đuối. Hay như tác giả Hồ Chí Minh trong Tức cảnh Pác Pó, giãi bày tình yêu thiên nhiên, nỗi lo lắng, trăn trở trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc… Bức tranh thiên nhiên luôn chứa đựng những xúc cảm tinh tế, tâm trạng sâu sắc của tác giả. Thiên nhiên chắp cánh cho cảnh và tình bay bổng, trường tồn trong những vần thơ hay muôn đời.

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh, hãy dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Đọc đoạn văn sau:

Du khách Lào Cai, đến Sa Pa cũng qua một rừng đào đẹp không kém gì đảo ở Thập Vạn Đại Sơn. Đi vào rừng, trời mù mù như thể có sương bao phủ, nhưng bỗng nhiên đến một khúc quẹo, trời sáng hẳn ra. Nhìn lên không có một đám mây. Trời nắng ấm trông cứ như ngọc lưu li vậy. Gió từ trên đỉnh cao thổi xuống làm rung động những cành cây, hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như một cơn mưa màu sắc.

Vừa lúc đó có một đoàn ba cô nàng, cưỡi ngựa thồ, vắt chân về một bên đi nhởn nhơ dưới trận mưa hoa, vừa nói chuyện vừa ngửa mặt lên trời cười. Hoa đào vương vào tóc, rủ lên vai áo, làm bật cái cạp và cái nẹp, trông y như thể ba cô tiên nữ.

Bây giờ ngồi nghĩ lại những hình ảnh xa xưa ấy, tôi vẫn còn thấy đời người ngọt ngào như có vị đường và tưởng tượng như không bao giờ có thể quên được hương thơm của trời nước, của hoa đào, của những cô sơn nữ đẹp não nùng, sầu biêng biếc, ngửa mặt lên cười một cách hồn nhiên trong cánh rừng bạt ngàn sơn dã hoa đào.

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên:

A. Miêu tả B. Tự sự

C. Biểu cảm D. Thuyết minh

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 3. Nội dung chủ yếu của đoạn văn trên là gì?

A. Miêu tả vẻ đẹp của rừng núi Sa Pa buổi sớm mai

B. Miêu tả vẻ đẹp của những cô sơn nữ ở Sa Pa

C. Bộc lộ cảm xúc của tác giả trước cảnh sắc và hương vị của Sa Pa

D. Kể lại kỉ niệm về một chuyến đi tham quan Sa Pa

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 4. Câu nào chứa yếu tố tự sự?

A. Trời nắng ấm trông cứ như là ngọc lưu li vậy

B. Gió từ trên đỉnh cao thổi xuống làm rung động những cành cây, hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như một cơn mưa màu sắc.

C. Vừa lúc đó có một đoàn ba cô nàng, cưỡi ngựa thồ, vắt chân về một bên đi nhởn nhơ dưới trận mưa hoa, vừa nói chuyện vừa ngửa mặt lên trời cười

D. Hoa đào vương vào tóc, rủ lên vai áo, làm bật cái cạp và cái nẹp, trông y như thể ba cô tiên nữ

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 5. Yếu tố miêu tả có ý nghĩa gì trong đoạn văn?

A. Giới thiệu câu chuyện, sự việc B. Khêu gợi tình cảm, cảm xúc

C. Miêu tả tình cảm, cảm xúc D. Miêu tả phong cảnh, sự việc

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 6. Hình ảnh nào gây ấn tượng mạnh mẽ tới tác giả về cảnh sắc ở Sa Pa?

A. Rừng đào Sa Pa B. Gió núi Sa Pa

C. Những cô sơn nữ cưỡi ngựa thồ D. Những cô sơn nữ dưới trận mưa hoa đào

Hướng dẫn giải:

Đáp án D