Phương pháp tả người

Phương pháp tả người

4.2/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Phương pháp tả người

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    1. Muốn tả người cần:

    - Xác định đối tượng cần tả.

    - Quan sát, lựa chọn các chi tiết tiêu biểu.

    - Trình bày kết quả quan sát theo một thứ tự.

    2. Lúc tả người, ta cần chú ý đến các chi tiết sau đây:

    - Tả ngoại hình: mặt mũi chân tay, tóc tai, áo quần, tuổi tác, v. v...

    - Ngôn ngữ, cử chỉ, thói quen,...

    - Tính tình, sở thích,...

    - Tâm lí, tư tưởng, tình cảm, việc làm, hành động,...

    - Mối quan hệ và tình cảm của người viết bài miêu tả với con người được miêu tả như thế nào.

    3. Bố cục bài văn tả người gồm ba phần:

    - Mở bài: Giới thiệu người được tả

    - Thân bài: Miêu tả chi tiết (ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói,.. )

    - Kết bài: thường nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được tả

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Em hãy tả một người có hành động và ngoại hình khác thường?

    (Tả người bán bánh mì khuyết tật ở đầu phố)

    Gợi ý:

    A. Mở bài

    Giới thiệu về người bán bánh mì khuyết tật ở đầu phố.

    B. Thân bài

    - Giới thiệu chung: người bán bánh mì là cô gái ngồi trên xe lăn.

    - Miêu tả ngoại hình:

       + Dáng người gầy gò, khắc khổ, nửa dưới hai chân bị liệt và teo nhỏ.

       + Khuôn mặt tươi, ánh mắt sáng, vẻ mặt rắn rỏi, can đảm.

       + Cô gái ngồi trên chiếc xe lăn, bên cạnh có tay quay để điều khiển xe chuyển động.

    - Hoàn cảnh của cô gái:

       + Bị di chứng sau một trận sốt rét dài: liệt nửa người.

       + Hoàn cảnh gia đình: khó khăn, thiếu thốn.

       + Cô gái tự lao động kiếm sống nuôi thân và giúp đỡ gia đình.

       + Mọi sinh hoạt của cô đều trở nên khó khăn, vất vả ngàn lần so với người bình thường.

    - Miêu tả cụ thể về công việc của cô gái:

       + Thời gian làm việc: từ sáng sớm đến tối mịt. 4h sáng cô dậy láy bánh, lăn xe vào thành phố để bán.

       + Cô bán hàng rất nhanh nhẹn, cởi mở, thân thiện.

       + Cô gái trở thành quen thuộc với bà con các phố xung quanh.

    C. Kết bài

    - Cảm nghĩ của em về cô gái: Cảm phục cô gái tàn mà không phế.

    - Liên hệ nghị lực phấn đấu vươn lên của bản thân trong cuộc sống.

    Bài 2: Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

    Chú bé loắt choắt,

    Cái xắc xinh xinh,

    Cái chân thoăn thoắt,

    Cái đầu nghênh nghênh,

    Ca-lô đội lệch,

    Mồm huýt sáo vang,

    Như con chim chích,

    Nhảy trên đường vàng...

          (Tố Hữu, Lượm)

    A. Tìm những từ láy được dùng miêu tả hình ảnh Lượm trong đoạn thơ trên

    B. Qua đoạn thơ, em hình dung Lượm là người như thế nào?

    Gợi ý:

    A. Những từ láy dùng để miêu tả hình ảnh Lượm: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh,

    B. Qua đoạn thơ, ta thấy Lượm là người có ngoại hình nhỏ bé, nhanh nhẹn, tinh nghịch, hồn nhiên, lạc quan, yêu đời,...

    Bài 3: Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

    A Cháng đẹp người thật. Mười tám tuổi, ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân rắn như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng.

    Nhưng phải nhìn Hạng A Cháng cày mới thấy hết vẻ đẹp của anh… Tới nương, A Cháng mắc cày xong, quát một tiếng “mỗng” và bây giờ chỉ còn chăm chắm vào công việc. Hai tay Cháng nắm đốc cày, mắt nhìn thế ruộng, mắt nhìn đường cày, thân mình nhoài thành một đường cong mềm mại, khi đi bên trái, lúc tạt qua phải theo đường cày uốn vòng theo hình ruộng bậc thnang giống một mảnh trăng lưỡi liềm. Lại có lúc được xá cày thẳng, người anh như rạp hẳn xuống, đôi chân xoài dài hoặc băm những bước ngắn, gấp gấp.

       (Theo Ma Văn Kháng, Hạng A Cháng)

    A. Đoạn văn trên miêu tả Hạng A Cháng chủ yếu ở phương diện nào?

    B. Đoạn văn trên sử dụng chủ yếu những biện pháp nghệ thuật nào?Hãy ghi lại những câu văn có sử dụng những biện pháp nghệ thuật đó?

    C. Qua đoạn văn trên, em thấy Nhân vật Hạng A Cháng là người như thế nào?

    Gợi ý:

    A. Đoạn văn trên miêu tả Hạng A Cháng chủ yếu ở phương diện ngoại hình và hoạt động.

    B. Đoạn văn trên sử dụng chủ yếu những biện pháp nghệ thuật so sánh. Những câu văn có sử dụng phép so sánh trong đoạn văn: ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân rắn như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng. Hai tay Cháng nắm đốc cày, mắt nhìn thế ruộng, mắt nhìn đường cày, thân mình nhoài thành một đường cong mềm mại, khi đi bên trái, lúc tạt qua phải theo đường cày uốn vòng theo hình ruộng bậc thnang giống một mảnh trăng lưỡi liềm.... người anh như rạp hẳn xuống, đôi chân xoài dài hoặc băm những bước ngắn, gấp gấp.

    C. Qua đoạn văn trên, em thấy Nhân vật Hạng A Cháng là người cường trắng, khỏe mạnh, chăm chỉ, cần cù lao động.

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1. Muốn tả người cần?

    A. Xác định đối tượng cần tả B. Quan sát, lựa chọn chi tiết tiêu biểu

    C. Trình bày kết quả quan sát theo thứ tự D. Cả 3 đáp án trên

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 2. Phần mở bài của bài văn miêu tả người sẽ thực hiện điều gì?

    A. Giới thiệu đối tượng được tả

    B. Miêu tả chi tiết về ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói

    C. Thường nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được tả

    D. Cả 3 đáp án trên

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    → Mở bài là phần được sử dụng để giới thiệu về đối tượng được tả

    Câu 3. Chi tiết nào sau đây không phù hợp để miêu tả một em bé chừng 4 - 5 tuổi

    A. Khuôn mặt bầu bĩnh B. Đôi mắt đen, luôn mở to

    C. Mái tóc dài duyên dáng, thướt tha D. Dáng vẻ tinh nghịch, nhanh nhẹn

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án C

    → Chi tiết “mái tóc dài, thướt tha” là chi tiết miêu tả cô gái

    Câu 4. Chi tiết nào sau đây không dùng để tả ông cụ?

    A. Râu, tóc bạc phơ B. Da nhăn nheo

    C. Dáng lom khom D. Bước đi nhanh nhẹn, uyển chuyển

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 5. Phần kết bài văn miêu tả về người thường là nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được tả, đúng hay sai?

    A. Đúng B. Sai

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A