Ẩn dụ

Ẩn dụ

4.2/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Ẩn dụ

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    - Ẩn dụ là biện pháp tu từ dùng tên gọi của sự vật/hiện tượng này bằng tên của sự vật/hiện tượng khác có nét tương đồng giữa 2 đối tượng về mặt nào đó (như tính chất, trạng thái, màu sắc, …) nhằm tăng sức gợi hình và gợi cảm cho sự diễn đạt.

    - Có tổng cộng 4 kiểu ẩn dụ thường gặp đó là:

    1. Ẩn dụ hình thức (tức là tương đồng về hình thức)

    Ví dụ:

    Về thăm quê Bác làng Sen

    Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng

    Tương đồng về hình thức là màu hồng của lửa và màu đỏ của hoa râm bụt.

    2. Ẩn dụ cách thức (tức là tương đồng về cách thức)

    Ví dụ:

    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

    Tương đồng về cách thức là ăn quả tương đồng với hưởng thành quả lao động, còn trồng cây tương đồng với công lao người tạo ra thành quả.

    3. Ẩn dụ phẩm chất (tức là tương đồng về phẩm chất)

    Ví dụ:

    Người cha mái tóc bạc

    Đốt lửa cho anh nằm

    Tượng đồng về phẩm chất là người cha tức đang ẩn dụ Bác Hồ, Bác đang chăm lo giấc ngủ cho các chiến sĩ như những người cha ruột đang chăm sóc cho các đứa con yêu của minh.

    4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (tức là chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác hoặc cảm nhận bằng giác quan khác).

    Ví dụ:

    Giọng nói của chị ấy rất ngọt ngào

    Chuyển cảm giác từ thính giác sang vị giác. Từ giọng nói nghe bằng tai qua đến ngọt ngào cảm nhận bằng miệng.

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Hãy tìm phép ẩn dụ trong các câu thơ sau:

    Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

    (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

    B.

    Trăng cứ tròn vành vạnh

    Kể chi người vô tình

    (Ánh trăng – Nguyễn Duy)

    C.

    Từng giọt long lanh rơi

    Tôi đưa tay tôi hứng

    (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

    Gợi ý:

    A. Hình ảnh mặt trời trong câu thứ hai là một ẩn dụ. Tác giả đã dùng từ mặt trời để chỉ Bác Hồ- vị lãnh tụ dân tộc. Bác như một mặt trời soi sáng, dẫn đường chỉ lối cho dân tộc ta thoát khỏi cuộc sống nô lệ, tối tăm đi tới tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc.

    B. Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” ẩn dụ: sự trung thủy, vẹn nguyên, quá khứ ân tình của thiên nhiên , quê hương

    C. Hình ảnh giọt long lanh – giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện => ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Âm thanh tiếng chim từ cái vô hình được cảm nhận qua thính giác chuyển thành cái có hình qua cảm nhận xúc giác.

    Bài 2:

    Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, chúng ta thường nói:

    -Nói ngọt lọt đến xương.

    -Nói nặng quá

    ...

    Đây là ẩn dụ thuộc kiểu nào?

    Hãy tìm thêm một số ví dụ tương tự?

    Gợi ý:

    - Đây là kiểu ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – lấy những từ chỉ cảm giác của giác quan này để chỉ cảm giác của giác quan khác, ngọt (vị giác suy ra thính giác)

    - Có thể lấy thêm các ví dụ khác như:

       + giọng chua, giọng ấm,...

       + Nói nhẹ, nói đau,...

       + màu nóng, màu lạnh,...

    Bài 3: Các từ kim cương, ngôi sao sáng trong các câu thơ sau có phải là ẩn dụ không? Phân tích giá trị của cách diễn đạt đó?

    Nghe dào dạt mười bốn triệu Miền Nam đang tỉnh thức

    Khôn! Ba mươi triệu kim cương của thiên hà Tổ quốc

    Không! Hàng nhìn triệu ngôi sao sáng anh em đang chiếm lĩnh bầu trời

    Hứa một mùa gặt lớn ngày mai.

    Gợi ý:

    - Các từ: Kim cương, ngôi sao sáng trong đoạn trích là những ẩn dụ, dùng để biểu thị những cái quý giá của nhân phẩm con người.

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1. Ẩn dụ là gì?

    A. Là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó làm tăng sức gợi hình, gợi cảm

    B. Là đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác

    C. Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương cận

    D. Không xác định được

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    Câu 2. Có mấy kiểu ẩn dụ thường gặp?

    A. Ẩn dụ hình thức, cách thức B. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

    C. Ẩn dụ phẩm chất D. Cả ba đáp án trên

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 3. Tìm câu thơ có chứa phép ẩn dụ?

    A. Bóng bác cao lồng lộng B. Người cha mái tóc bạc

    C. Đốt lửa cho anh nằm D. Chú cứ việc ngủ ngon

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án B

    → Ẩn dụ hình ảnh Bác như người cha vĩ đại, thân thiết, giàu tình yêu thương

    Câu 4. Hình ảnh mặt trời nào được dùng theo lối nói ẩn dụ

    A. Mặt trời mọc ở đằng đông

    B. Thấy anh như thấy mặt trời

    Chói chang khó nói, trao lời khó trao

    C. Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

    D. Bác như ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh.

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án C

    → Ẩn dụ hình ảnh Bác như mặt trời, mang lại hạnh phúc, là nguồn sáng, soi đường dẫn lối cho vạn vật.

    Câu 5. Câu thơ: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” thuộc kiểu ẩn dụ nào?

    A. Ẩn dụ hình thức B. Ẩn dụ cách thức

    C. Ẩn dụ phẩm chất D. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    → Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (thính giác -> thị giác) , tiếng chim ẩn dụ cho nhân cách con người