Hoán dụ

Hoán dụ

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Hoán dụ

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    - Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

    - Hoán dụ gồm có 4 kiểu thường gặp:

       + Lấy một bộ phận để gọi toàn thể

    Ví dụ:

    Một trái tim lớn lao đã già từ cuộc đời

    Một khối óc lớn đã ngừng sống.

    Hình ảnh hoán dụ ở đây là chỉ cả con người của Bác Hồ - vị lãnh tụ, cha già kính yêu của chúng ta.

       + Lấy một vật chứa đựng để gọi 1 vật bị chứa đựng

    Ví dụ:

    Vì sao trái đất nặng ân tình

    Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

    Hình ảnh hoán dụ ở đây đó là trái đất hoán dụ cho hình ảnh nhân loại.

       + Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật

    Ví dụ:

    Sen tàn, cúc lại nở hoa

    Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.

    Hình ảnh hoán dụ ở đây là sen tức chỉ mùa hạ, cúc tức chỉ mùa thu.

       + Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

    Ví dụ:

    Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại lên hòn núi cao.

    Hoán dụ ở đây là chỉ ra sự đơn lẻ không đoàn kết, một là số lẻ ít và 3 là chỉ số lượng nhiều. Tức là một mình ta làm sẽ không bằng chúng ta đoàn kết lại cùng nhau làm.

    - Phân biệt hoán dụ với ẩn dụ:

    Giống nhau

    Đều gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên các sự vật, hiện tượng khác

    Khác nhau

    Ẩn dụ: Dựa vào mối quan hệ tương đồng, giống nhau

    Hoán dụ: Dựa vào quan hệ tiệm cận, đi đôi. Cụ thể:

    - Bộ phận – toàn thể

    - Vật chứa đựng – vật bị chứa đựng

    - Dấu hiệu của sự vật – sự vật

    - Cụ thể - trừu tượng

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Tìm và phân tích phép hoán dụ trong những câu sau:

    A.

    Không có kính, rồi xe không có đèn,

    Không có mui xe, thùng xe có xước,

    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

    Chỉ cần trong xe có một trái tim.

       (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

    B. Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

        (Đồng chí – Chính Hữu)

    C.

    Áo nâu liền với áo xanh

    Nông thôn cùng với thị thành đứng lên

       (Tố Hữu)

    Gợi ý:

    A. Phép hoán dụ: hình ảnh “trái tim” chỉ những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu của họ những con người dũng cảm, kiên cường, đã, đang và luôn dành trọn tình yêu cho đất nước

    B. Phép hoán dụ: hình ảnh “giếng nước gốc đa”: Sự nhớ mong chờ đợi của quê hương với những người lính. Câu thơ thể hiện nỗi nhớ của những người ở nhà, nỗi ngóng trông của người mẹ đối với con, những người vợ đối với chồng và những đôi trai gái yêu nhau...

    C. Phép hoán dụ:

    - Áo nâu: chỉ người nông dân

    - Áo xanh: chỉ người công nhân

    - Nông thôn: chỉ những người sống ở nông thôn

    - Thành thị: chỉ những người sống ở thành thị.

    Câu thơ nói lên sự thống nhất, sự đoàn kết quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập của dân tộc ta. Đó là sự đoàn kết từ người ở nông thôn đến người ở thành thị, của tất cả các tầng lớp nhân đân, từ những người nông dân đến những người công nhân.

    Bài 2: Tìm và phân tích phép hóan dụ trong câu thơ sau:

    A. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

       (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

    B. Từ hồi về thành phố

    Quen ánh điện, cửa gương

    Vầng trăng đi qua ngõ

    Như người dưng qua đường

       (Ánh trăng – Nguyễn Duy)

    Gợi ý:

    A. Phép hoán dụ: “Bảy mươi chín mùa xuân”. Bảy mươi chín mùa xuân ý nói Bác bảy mươi chín tuổi. Người đã dành 79 năm hi sinh và cống hiến vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

    B. Phép hoán dụ: “Ánh điện, cửa gương”: cuộc sống thành phố hiện đại, sang trọng, nhiều tiện nghi đầy đủ.

    Bài 3: Tìm phép hoán dụ trong những câu thơ sau và nêu tác dụng nghệ thuật của phép hoán dụ đối với các câu ca dao, câu thơ trên:

    A.       Áo chàm đưa buổi phân li

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

       (Việt Bắc – Tố Hữu)

    B. Mồ hôi mà đổ xuống đồng

    Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương

       (Giọt mồ hôi – Thanh Tịnh)

    Gợi ý:

    A. Phép hoán dụ: áo chàm (y phục) để chỉ đồng bào Việt Bắc

    - Tác dụng nghệ thuật: Chỉ người dân Việt Bắc vẫn mặc tấm áo chàm đơn sơ, bình dị. Màu áo chàm vừa mang vẻ đẹp mộc mạc, bền bỉ, khó phai như tấm lòng người dân Việt Bắc thủy chung, sâu nặng. Câu thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm sâu nặng của người dân Việt Bắc dành cho cán bộ về xuôi.

    B. Phép hoán dụ: mồ hôi (đặc điểm) để chỉ quá trình lao động nặng nhọc, vất vả.

    - Tác dụng nghệ thuật: ca ngợi sức mạnh của lao động, chỉ có lao động nặng nhọc, vất vả mới giúp chúng ta có một cuộc sống đầy đủ và ấm no hơn. Đồng thời khích lệ tinh thần lao động của con người góp sức phát triển kinh tế đất nước

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1. Hoán dụ là gì?

    A. Là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác

    B. Là đối chiếu tên sự vật hiện tượng này với tên sự vật hiện tượng khác

    C. Là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên, sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt

    D. Cả 3 đáp án trên

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án C

    Câu 2. Có mấy kiểu hoán dụ cơ bản?

    A. Có bốn loại hoán dụ B. Có năm loại hoán dụ

    C. Có sáu loại hoán dụ D. Có bảy loại hoán dụ

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    → Bốn kiểu hoán dụ thường gặp: lấy bộ phận để gọi toàn thể, lấy vật chứa đựng gọi vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật, lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng

    Câu 3. Câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây / Vì lợi ích trăm năm trồng người” sử dụng phép hoán dụ nào?

    A. Phép hoán dụ lấy bộ phận gọi tên toàn thể

    B. Phép hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

    C. Phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi tên sự vật

    D. Phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi tên cái trừu tượng

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 4. Trong câu ca dao, từ “mồ hôi” hoán dụ cho sự vật gì:

                                      Mồ hôi mà đổ xuống đồng

                             Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương

    A. Chỉ người lao động B. Chỉ công việc lao động

    C. Chỉ quá trình lao động nặng nhọc, vất vả D. Chỉ kết quả con người thu được trong lao động

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 5. Trong những trường hợp sau, trường hợp nào không dùng phép hoán dụ?

    A. Bàn tay ta làm nên tất cả

    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

    B. Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

    C. Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    D. Ngày Huế đổ máu

         Chú Hà Nội về

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án C

    Câu 6. Câu thơ sau sử dụng phép hoán dụ nào?

    Một trái tim lớn lao đã giã từ cuộc đời

    Một khối óc lớn đã ngừng sống

    A. Lấy bộ phận để chỉ toàn thể B. Lấy cụ thể để chỉ trừu tượng

    C. Lấy dấu hiệu để gọi đối tượng D. Lấy vật chứa đựng để gọi toàn thể

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    Câu 7. Hai câu thơ dưới đây thuộc kiểu hoán dụ nào?

                                  Vì sao? Trái đất nặng ân tình

                                  Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

    A. Lấy bộ phận để gọi toàn thể B. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

    C. Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật D. Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án D

    Câu 8. Câu thơ “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” thuộc kiểu hoán dụ nào?

    A. Lấy bộ phận để gọi toàn thể B. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

    C. Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật D. Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    → Má hồng: chỉ người con gái trẻ đẹp

    Câu 9. Trong câu thơ dưới đây, sử dụng biện pháp hoán dụ mượn bộ phận để nói cái toàn thể, đúng hay sai?

                                          Bàn tay ta làm nên tất cả

                                  Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

    A. Đúng B. Sai

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án A

    → Mượn hình ảnh bàn tay để chỉ sức lao động của con người.

    Câu 10. Trong câu “Nó là chân sút cừ của đội bóng” từ “chân sút cừ” sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, đúng hay sai?

    A. Đúng B. Sai

    Hướng dẫn giải:

    Đáp án B

    → “Chân sút cừ” biện pháp hoán dụ, lấy bộ phận để chỉ toàn thể, lấy hình ảnh chân sút để chỉ cả một cá nhân.