Hoàng Lê nhất thống chí

Hoàng Lê nhất thống chí

4.5/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Hoàng Lê nhất thống chí

A. Nội dung bài học

I. Đôi nét về tác giả

- Ngô Gia Văn Phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du

- Quê quán: làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây

- Ngô Thì Chí (1753-1788) làm quan dưới thời vua Lê Chiêu Thống

- Ngô Thì Du (1772-1840) là tác giả làm quan dưới thời nhà Nguyễn

II. Đôi nét về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự thống nhất của vương triều nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19. Cuốn tiểu thuyết bao gồm 17 hồi

- Đoạn trích trong SGK là hồi thứ 14 của cuốn tiểu thuyết này

2. Bố cục: 3 đoạn

- Đoạn 1: (Từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp): Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế thân chinh cầm quân dẹp giặc

- Đoạn 2: (“Vua Quang Trung tự mình dốc suất đại binh… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung

- Đoạn 3: (Từ “Lại nói Tôn Sĩ Nghị và vua Lê… cũng lấy làm xấu hổ”): Sự đại bại của tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống

3. Giá trị nội dung

    Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống

4. Giá trị nghệ thuật

    Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh

III. Dàn ý: phân tích Hoàng Lê nhất thống chí

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát những nét tiêu biểu nhất về nhóm tác giả Ngô gia văn phái: Đây là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì

- Giới thiệu về tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí và đoạn trích: Đây là một tiểu thuyết khắc họa chân thực, đầy đủ những biến động xã hội trong một thời kì lịch sử của đất nước, đoạn trích hồi thứ 14 đã đưa đến những khắc họa đặc sắc về hình tượng vua Quang Trung cùng sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh cùng số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống

II. Thân bài

    1. Hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung

a. Một người hành động mạnh mẽ, quyết đoán

- Nghe tin giặc chiếm Thăng Long mà không hề nao núng, đích thân cầm quân đi ngay

- Trong vòng hơn tháng, làm được rất nhiều việc lớn: “tế cáo trời đất”, lên ngôi và thân chinh cầm quân ra Bắc

b. Một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén

- Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén trong việc nhận định tình hình địch và ta

    + Quang Trung đã vạch rõ âm mưu và tội ác của kẻ thù xâm lược đối với nước ta: “mấy phen cướp bọc nước ta, giết dân ta, vơ vét của cải”...

    + Khích lệ tinh thần tướng sĩ dưới trướng bằng những tấm gương dũng cảm

    + Dự kiến được một số người Phù Lê có thể thay lòng đổi dạ nên có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc

- Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén trong xét đoán bề tôi:

    + Trong dịp hội quân ở Tam Điệp ta thấy Quang Trung nhận định tình hình sáng suốt để đưa ra lời ngợi khen cho Sở và Lân

    + Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao sự “đa mưu túc trí”

        ⇒ Dùng người sáng suốt

c. Một con người có tầm nhìn xa trông rộng và tài thao lược hơn người

- Tầm nhìn xa trông rộng:

    + Mới khởi binh những đã khẳng định “phương lược tiến đánh đã tính sẵn”

    + Đang ngồi trên lưng ngựa mà đã nói với Nhậm về quyết sánh ngọa giao và kế hoạch 10 năm tới ta hòa bình

- Tài thao lược hơn người thể hiện ở cuộc hành quân thành tốc mà đội quân vẫn chỉnh tề

    2. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh

- Hình ảnh Tôn Sĩ Nghị kiêu căng, tự mãn, chủ quan, kéo quân vào Thăng Long mà không đề phòng gì ⇒ Tướng bất tài

- Khi quân Tây Sơn đánh vào, “tướng sợ mất mật”, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp...chuồn trước qua cầu phao”

- Quân sĩ xâm lược lúc lâm trận thì sợ hãi, xin ra hàng hoặc bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết....

        ⇒ Kể xen lẫn tả thực cụ thể, sống động, ngòi bút miêu tả khách quan

    3. Số phận thảm bại của bọn vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân

- Khi có biến, Lê Chiêu Thống vội vã “chạy bán sống bán chết”, cướp cả thuyền dân để qua sông, luôn mấy ngày không ăn, may có người thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn

- Đổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt

- Sang Trung Quốc, vua phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và cuối cùng gửi gắm xương tàn nơi đất khách

        ⇒ Số phận tất yếu cho một người đứng đầu đất nước nhưng lại bán nước hại dân

III. Kết bài

- Khái quát lại những nét đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công về nội dung của tiểu thuyết chương hồi: Cách kể chuyện chân thực, sinh động, khắc họa nhân vật rõ nét...

- Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân về hình tượng Nguyễn Huệ, chân dung kẻ thù và vua quan Lê Chiêu Thống, từ đó đưa ra bài học nhận thức, hành động

B. Bài tập luyện tập

Câu 1: Văn bản do ai sáng tác

A. Ngô gia văn phái B. Ngô Thì Nhậm

C. Nguyễn Thiếp D. Ngô Văn Sở

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 2: Đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí thuộc hồi thứ bao nhiêu?

A. Hồi thứ 12 B. Hồi thứ 14

C. Hồi thứ 16 D. Hồi thứ 17

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 3: Cuộc chiến của vua Quang Trung trước giặc nào của Trung Quốc?

A. GiặcThanh B. Giặc Minh

C. Giặc Ngô D. Giặc Hán

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 4: Tác phẩm được viết bằng chữ Hán ghi chép lại sự thống nhất của vương triều nhà Lê thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 5: Nguyễn Huệ lên ngôi và đốc xuất đại quân vào khoảng thời gian nào?

A. Ngày 25 tháng Chạp B. Ngày 29 tháng Chạp

C. Ngày 30 tháng Chạp D. Mồng 3 tháng Giêng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Giải thích: Vua Quang Trung lên ngôi và hạ lệnh xuất quân vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân

Câu 6: Vua Quang Trung mở tiệc khao quân vào ngày 30 tháng chạp nhằm mục đích gì?

A. Cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ

B. Để quân sĩ có thời gian nghỉ ngơi trước khi ra trận

C. Củng cố tinh thần quân sĩ, thể hiện niềm tin chiến thắng

D. Tất cả các đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 7: Tên tướng giặc nào phải thắt cổ tự vẫn?

A. Sầm Nghi Đống B. Tôn Sĩ Nghị

C. Thoát Hoan D. Tô Định

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 8: Thái độ của vua tôi Lê Chiêu Thống khi giặc Thanh bị tiêu giệt?

A. Vua tôi Lê Chiêu Thống xin cầu hòa trước vua Quang Trung

B. Vua tôi Lê Chiêu Thống chịu trận trước quân Tây Sơn

C. Vua tôi Lê Chiêu Thống chạy trốn

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 9: Hoàng Lê nhất thống chí xây dựng hình ảnh vua Quang Trung như thế nào?

A. Hành động mạnh mẽ, quyết đoán

B. Trí tuệ sáng suốt, mẫn cán, điều binh khiển tướng tài tình

C. Tài thao lược, lãnh đạo tài tình, phi thường

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 10: Hình ảnh quân tướng nhà Thanh thua trận được miêu tả như thế nào?

A. Chân thực, sinh động

B. Quân tướng nhà Thanh thảm bại, hèn nhát

C. Quân tướng nhà Thanh bỏ chạy bán sống, bán chết

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 11: Ý nói đúng nhất nội dung của Hồi thứ mười bốn (trích Hoàng Lê nhất thống chí) là gì?

A. Ca ngợi hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ

B. Nói lên sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh

C. Nói lên số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống

D. Cả A, B, C đều đúng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 12: Nhận định nói đúng nhất những biểu hiện trí tuệ sáng suốt và nhạy bén của Nguyễn Huệ?

A. Phân tích tình hình thời cuộc B. Phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch

C. Xét đoán người và dùng người D. Cả A, B, C đều đúng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 13: Nhận định nào nói đúng nhất nội dung của những đoạn văn tả cảnh vua Quang Trung ra trận?

A. Ghi lại sự kiện lịch sử, diễn biến một cách gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian

B. Miêu tả cụ thể những hành động của nhân vật chính trong từng trận đánh

C. Nói lên tương quan đối lập giữa quân ta và quân địch

D. Cả A, B, C đều đúng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 14: Tại sao tác giả trung thành với nhà Lê nhưng viết chân thực về Quang Trung- “kẻ thù” của họ?

A. Vì họ tôn trọng lịch sử B. Vì ý thức dân tộc

C. Vì họ luôn ủng hộ kẻ mạnh D. Cả A và B đều đúng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 15: Trong những đoạn văn nói về cảnh bỏ chạy khốn cùng của vua Lê Chiêu Thống, tác giả vẫn gửi gắm cảm xúc trong đó, theo em, cảm xúc đó là gì?

A. Sự căm phẫn B. Sự bênh vực

C. Lòng thương cảm D. Sự tiếc nuối

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D