MỤC LỤC
A. Củng cố kiến thức cơ bản
1. Đặc điểm hình thức
- Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.
- Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán
- Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm (. )
- Đôi khi nó được kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…)
2. Chức năng:
- Chức năng chính dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả…
- Ngoài ra còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc…(vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác)
B. Ví dụ minh họa
1. Chức năng dùng để kể:
Em buộc con dao díp vào lưng con búp bê lớn và đặt ở đầu giường tôi. Đêm ấy, tôi không chiêm bao thấy ma nữa. Từ đấy, tối tối, sau khi học xong bài, Thủy lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt trên đầu giường tôi. Buổi sáng, em tháo dao ra, đặt nó về chỗ cũ, cạnh con Em Nhỏ. Hai con quàng tay lên vai nhau thân thiết. Từ khi về nhà tôi, chúng chưa phải xa nhau ngày nào, nên bây giờ thấy tôi đem chia chúng ra, Thủy không chịu đựng nổi.
(Cuộc chia tay của những con búp bê – Khánh Hoài)
- Đặc điểm hình thức: có dấu (. ) cuối câu
- Người anh đã kể về kỉ niệm của hai anh em gắn liền với hai con búp bê.
2. Chức năng dùng để thông báo:
An nói với Hoàng:
- Sáng mai lớp mình sẽ được nghỉ học đấy.
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (. ) cuối câu
- Đây là cuộc trò chuyện giữa An và Hoàng . An muốn thông báo với Hoàng ngày mai được nghỉ học
3. Chức năng dùng để nhận định
Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi. . . toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương. . .
(Lão Hạc – Nam Cao)
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (. ) cuối câu,
- Câu nói nhằm nhận định: Phải tìm hiểu những người xung quanh ta thì mới thấy hết được phẩm chất của họ.
4. Chức năng dùng để miêu tả
Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Ðôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Ðôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con vì cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (. ) cuối câu
-Dùng để miêu tả: hình dáng của Dế Mèn
5. Chức năng dùng để yêu cầu, đề nghị
NỘI QUY NHÀ TRƯỜNG
1. Kính trọng, lễ phép với thầy cô, cán bộ CNV. Giúp đỡ bạn bè trong học tập và rèn luyện hạnh kiểm.
2. Thuộc bài và làm bài đầy đủ theo yêu cầu của giáo viên bộ môn trước khi lên lớp.
3. Có ý thức bảo vệ tài sản chung của nhà trường, giữ gìn vệ sinh và cảnh quang môi trường XANH - SẠCH - ĐẸP.
4. Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá và dùng các chất kích thích khác….
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (. ) cuối câu,
-Dùng để yêu cầu, đề nghị đối với học sinh trong nhà trường
6. Chức năng dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc
Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi.
(Bài học đường đời đầu tiên – Tô Hoài)
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (!) và dấu (. ) cuối câu
- Bộc lộ thái độ ăn năn, hối hận của Dế Mèn
C. Vận dụng luyện tập
Bài 1: Nêu tác dụng của những câu trần thuật dưới đây:
(1) Mỗi câu “Chối này” chị Cốc lại giáng một mỏ xuống.
(2) Mỏ Cốc như cái dùi sắt chọc xuyên cả đất.
(3) Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá.
(4) Em gái tôi tên là Kiều Phương, nhưng tôi quen gọi nó là Mèo vì nó luôn bị chính nó bôi bẩn.
(5) Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt.
(6) Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con.
(7) Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, Hà Nội, được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành sau bốn năm, do kiến trúc sư nổi tiếng Người Pháp ép – phen thiết kế.
Hướng dẫn làm bài
(1): Kể
(2): Miêu tả
(3): Miêu tả
(4): Kể (Giới thiệu)
(5): Miêu tả (Nhận xét)
(6): Thông báo (Tuyên bố)
(7): Kể (Giới thiệu)
Bài 2: Những câu trần thuật in đậm dưới đây dùng để làm gì?
a. Thôi em chào cô ở lại. Chào tất cả các bạn, tôi đi.
b. Thôi tôi ốm yêu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
Hướng dẫn làm bài
a. Chào
b. Khuyên răn
Bài 3. Chuyển những câu sau thành câu trần thuật mà mục đích trực tiếp của mỗi câu, về cơ bản, vẫn giữ được.
Mẫu: Anh uống nước đi! - (Tôi) mời anh uống nước.
a. Anh đóng cửa sổ lại đi!
b. Ông giáo hút trước đi !
c. Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão ?
Hướng dẫn làm bài
Câu | Câu trần thuật |
Anh đóng cửa sổ lại đi! | Anh đóng cửa sổ lại giúp tôi. |
Ông giáo hút trước đi ! | Mời ông giáo hút thuốc. |
Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão ? | Nhà mình có sung sướng gì đâu mà giúp lão được. |
Bài 4: Đặt câu trần thuật dùng để:
- Miêu tả một loài hoa
- Kể về một việc nào đó
- Thông báo ngày mai cả lớp được đi du lịch
- Nhờ vả ai đó
- Khen ngợi một bạn chữ đẹp
Hướng dẫn làm bài
Yêu cầu | Câu trần thuật |
Miêu tả một loài hoa | Bông hồng kia màu sắc sặc sỡ. |
Kể về một việc nào đó | Hôm qua, lớp tôi vừa đi cắm trại. |
Thông báo ngày mai cả lớp được đi du lịch | Mai lớp mình sẽ đi du lịch ở Ao Vua nhé. |
Nhờ vả ai đó | Giải giúp tới bài này. |
Khen ngợi một bạn chữ đẹp | Chữ cậu đẹp. |
Phần trắc nghiệm
Câu 1: “Câu trần thuật có đặc điểm hình thức của các câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán” Nhận xét trên đúng hay sai ?
A. Đúng B. Sai
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 2: Khi viết câu trần thuật, người viết thường sử dụng dấu gì ?
A. Dấu chấm B. Dấu hỏi
C. Dấu chấm than D. Một trong ba loại dấu trên đều đúng.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: A
Câu 3: Trong 4 câu sau câu nào là câu trần thuật:
A. Xin lỗi, ở đây không được hút thuốc lá. B. Hãy bỏ ngay thuốc lá!
C. Anh có thể tắt thuốc lá được không? D. Anh tắt thuốc lá đi!
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: A
Câu 4: Chức năng chính của câu trần thuật là gì?
A. Để hỏi B. Yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo
C. Kể, thông báo, nhận định, miêu tả D. Bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: C
Câu 5: Ngoài những chức năng chính trên, câu trần thuật còn dùng để?
A. Yêu cầu B. Đề nghị
C. Bộc lộ tình cảm, cảm xúc D. Cả A,B,C đều đúng.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: D
Câu 6: Trong 4 kiểu câu đã học, kiểu câu nào được sử dụng phổ biến nhất trong giao tiếp hằng ngày ?
A. Câu nghi vấn B. Câu cầu khiến
C. Câu cảm thán D. Câu trần thuật
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: D
Câu 7: Câu nào dưới không dùng để kể, thông báo ?
A. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. (Hồ Chí Minh)
B. Lão muốn ngài nhấc hộ bó củi lên cho lão. (Tôn-xtôi)
C. Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới. (Tế Hanh)
D. Sáng ra bờ suối, tối vào hang. (Hồ Chí Minh)
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 8: Cho đoạn văn sau:
« Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
- Ai đấy nhỉ ?. . . Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên ?
- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
- Quái nhỉ ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc:
- Hay là vợ anh cu Tràng? ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
- Ôi chao ! Rời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết nó nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?”
(Kim Lân, Vợ nhặt)
Đoạn văn có mấy câu trần thuật?
A. 5 câu B. 6 câu
C. 7 câu D. 8 câu
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 9: Câu trần thuật sau dùng để làm gì?
“Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương”
A. Kể B. Miêu tả
C. Thông báo D. Nhận định
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: A
Câu 10: Câu trần thuật sau dùng để làm gì? “Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. ”
A. Kể B. Thông báo
C. Nhận định D. Miêu tả
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Xem thêm các bài tiếp theo bên dưới