Câu cảm thán

Câu cảm thán

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Câu cảm thán

MỤC LỤC

    A. Củng cố kiến thức cơ bản

    1. Đặc điểm hình thức

       - Có các từ cảm thán: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào…

       - Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than (!)

    2. Chức năng:

       - Chức năng dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết): vui, buồn, mừng, giận…

       - Thường xuất hiện trong ngôn ngữ hằng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

    B. Ví dụ minh họa

       - Trời ơi! Mệt mỏi quá! (Cảm xúc mệt mỏi)

       -Thương thay cho những người nô lệ! (Thương cảm)

       -Hôm nay, đội bóng mình thua. Đau đớn thật! ( Xót xa, đau đớn)

       - U23 đá quá đỉnh (Khen ngợi)

    C. Vận dụng luyện tập

    Bài 1: Hãy đặt câu với các từ cảm thán sau: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào…

    Hướng dẫn làm bài

    Từ cảm thán

    Câu cảm thán

    Ôi

    Ôi, hôm nay trời thật đẹp!

    Than ôi

    Than ôi, mệt mỏi quá!

    Hỡi ơi

    Hỡi ơi ông trời!

    Chao ôi

    Chao ôi, bạn ấy xinh thật đấy!

    Trời ơi

    Trời ơi, sao số tôi khổ thế!

    Thay

    Thương thay cho những người nghèo khổ!

    Biết bao

    Quê hương em biết bao tươi đẹp!

    Xiết bao

    Nhớ mẹ xiết bao!

    Biết chừng nào

    Biết chừng nào mình mới có tiền!

    Bài 2: Tìm câu cảm thán trong các câu sau, chỉ ra đặc điểm hình thức

       a.

    Ôi quê hương! Mối tình tha thiết

    Cả một đời gắn chặt với quê hương

       b.

    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. . .

    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

    ( Bếp lửa – Bằng Việt )

       c. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? ( Nhớ rừng – Thế Lữ )

       d. Phỏng thử có thằng chim cắt nó nhòm thấy, nó tưởng mồi, nó mổ cho một phát, nhất định trúng giữa lưng chú, thì chú có mà đi đời! Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

       e. Con này gớm thật!

       g. Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi.

       h. Ha ha! Một lưỡi gươm!

       i. Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế! Đòi một cái nhà thôi à? Trời! Đi tìm ngay con cá và bảo nó rằng tao không muốn làm một mụ nông dân quèn, tao muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân kia.

       j. Cứ nghĩ thầy sắp ra đi và tôi không còn được gặp thầy nữa, là tôi quên cả những lúc thầy phạt, thầy vụt thước kẻ. Tội nghiệp thầy!

    Hướng dẫn làm bài

    Câu cảm thán

    Đặc điểm hình thức

    Ôi quê hương!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Có từ cảm thán: Ôi

    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Có từ cảm thán: Ôi

    Than ôi!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Có từ cảm thán: Than ôi

    Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

    - Có dấu (!), (. ) cuối câu

    - Có từ cảm thán: ôi (Thái độ khinh thường Dế Choắt)

    Con này gớm thật!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Có từ cảm thán: Thật

    Khốn nạn!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Bộc lộ cảm xúc: Uất ức

    Ha ha! Một lưỡi gươm!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Bộc lộ cảm xúc: sung sướng

    Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Bộc lộ cảm xúc: Mắng chửi

    Tội nghiệp thầy!

    - Có dấu (!) cuối câu

    - Bộc lộ cảm xúc: Lòng thương

    Bài 3: Chỉ ra các cảm xúc mà mỗi câu cảm thán dưới đây biểu thị.

       a- Than ôi cũng một kiếp người

       Sống nhờ hàng xứ, thác vùi đường quan.

    (Văn chiêu hồn, Nguyễn Du)

       b- Thương thay thân phận con rùa

       Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia.

       c, Tình yêu quê hương của Tế Hanh thật đằm thắm biết bao!

       d- Hỡi ơi, súng giặc đất rền lòng dân trời tỏ.

    (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiều)

       e - Thiêng liêng thay tiếng gọi của Bác Hồ ! ( Tố Hữu )

       f - Ôi, quê mẹ nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng rực rỡ chiến tích kì công !

       g- Ôi, buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp ! ( Tố Hữu )

       h - Mệt ơi là mệt !

    Hướng dẫn làm bài

       a. Thương cảm cho những kiếp người khổ sở

       b. Thương cảm cho thân phận con rùa (ý nói về những con người khổ sở ngày xưa)

       c. Ca ngợi tình yêu quê hương của Tế Hanh

       d. Thái độ uất ức về các cuộc khởi nghĩa

       e. Ca ngợi Bác

       f. Ca ngợi quê mẹ

       g. Bộc lộ cảm xúc ngợi ca thời tiết buổi trưa

       h. Bộc lộ cảm xúc mệt mỏi

    Bài 4: Viết 5 câu cảm thán cho 5 chủ đề sau:

       - Cảm xúc trước nội dung một bộ phim hay.

       - Nhìn thấy một cảnh tượng thương tâm.

       - Được điểm mười

       - Bị điểm kém

       - Nhìn thấy con vật lạ

    Hướng dẫn làm bài

    Yêu cầu

    Câu cảm thán

    Cảm xúc trước nội dung một bộ phim hay

    Ôi, bộ phim này hay thật đấy!

    Nhìn thấy một cảnh tượng thương tâm

    Khổ thân họ!

    Được điểm mười

    Thật tuyệt vời! Hôm nay, em được điểm 10 môn Toán.

    Bị điểm kém

    Buồn ghê gớm! Sao mình lại bị điểm kém thế này?

    Nhìn thấy con vật lạ

    Trời ơi! Con gì đây?

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1: Dòng nào dưới đây nói đúng nhất dấu hiệu nhận biết câu cảm thán ?

    A. Sử dụng từ ngữ nghi vấn và dấu chấm hỏi ở cuối câu.

    B. Sử dụng ngữ điệu cầu khiến và dấu chấm than ở cuối câu.

    C. Sử dụng từ ngữ cảm thán và dấu hiệu chấm than ở cuối câu.

    D. Không có dấu hiệu hình thức đặc trưng.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C

    Câu 2: Trong 4 kiểu câu đã học, kiểu câu nào được sử dụng phổ biến nhất trong giao tiếp hằng ngày ?

    A. Câu nghi vấn      B. Câu cầu khiến

    C. Câu cảm thán      D. Câu trần thuật

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 3: Dòng nào, tất cả các từ đều là từ ngữ cảm thán?

    A. Hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào. B. ôi, than ôi, thay, xiết bao, chao ơi. . .

    C. Hãy, ôi, than ôi, biết chừng nào. . . D. Ai, gì, nào, à, ư, hả. . .

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: B

    Câu 4: Trong các câu sau, câu nào không phải câu cảm thán?

    A. Ôi! Bác Hồ ơi những xế chiều

         Nghìn thu thương nhớ Bác bao nhiêu.

    B. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

    C. Ai làm cho bể kia đầy

         Cho ao kia cạn cho gầy cò con.

    D. Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C

    Câu 5: Trong các câu sau câu nào là câu cảm thán

    A. Thương thay cũng một kiếp người! B. Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

    C. Tiến lên chiến sĩ, đồng bào! D. Một người đã khóc vì chót lừa một con chó

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 6: Câu nào sau đây là câu bộc lộ cảm xúc trước tình cảm của một người thân dành cho mình?

    A. Tôi rất yêu mẹ của tôi.

    B. Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!

    C. Mẹ luôn quan tâm, chăm sóc tôi.

    D. Mẹ luôn dành tất cả tình yêu thương cho chúng tôi.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: B

    Câu 7: Câu nào sau đây là câu bộc lộ cảm xúc khi nhìn thấy mặt trời mọc.

    A. Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa B. Cậu có đi cùng tớ xem mặt trời mọc không?

    C. Ôi, mặt trời lúc bình minh thật huy hoàng! D. Cả A, B, C đều sai

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C

    Câu 8: Từ cảm thán nào có thể điền được vào chỗ trống trong câu sau:

    “Cô đơn…… là cảnh thân tù!”.

    A. thay B. hỡi ơi

    C. trời ơi D. ôi

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 9: Câu nào dưới đây không phải là câu cảm thán ?

    A. Thế thì con biết làm thế nào được!( Ngô Tất Tố)

    B. Thảm hại thay cho nó! (Nam Cao)

    C. Lúc bấy giờ ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! (Trần Quốc Tuấn)

    D. ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu! ( Tố Hữu)

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 10: Câu nào dưới đây là câu cảm thán?

    A. Cậu có thể giúp mình mở cửa được không? B. Than ôi! Sao số cụ lại khổ thế này.

    C. Anh nên đi sớm đi thì hơn. D. Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: B