Cách lập ý của bài văn biểu cảm

Cách lập ý của bài văn biểu cảm

4.7/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Cách lập ý của bài văn biểu cảm

I. Kiến thức cơ bản

Để tạo ý cho bài văn biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết có thể hồi tưởng kỉ niệm, quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tới tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm, hoặc vừa quan sát, vừa suy ngẫm, vừa thể hiện cảm xúc

Tình cảm được bộc lộ trong bài văn phải chân thật, sự việc được nêu ra phải có trong kinh nghiệm, bài văn như thế mới làm cho người đọc tin và đồng cảm

II. Bài tập vận dụng

Bài tập: Lập dàn ý cho bài văn biểu cảm về mẹ

Gợi ý trả lời:

Dàn ý cho bài văn biểu cảm về người mẹ

Mở bài: Giới thiệu về người mẹ mà em yêu quý nhất.

Thân bài

Miêu tả khái quát và chi tiết về mẹ: đôi mắt, bàn tay, gương mặt, dáng người, giọng nói…

- Nghề nghiệp, sở thích, tính tình của mẹ

- Tình cảm, cách hành xử của mẹ với những người xung quanh: ông bà, hàng xóm, các con…

- Sự chăm sóc của mẹ dành cho mọi người trong gia đình

+ Chu đáo, tỉ mỉ trong từng bữa ăn, giấc ngủ của mọi người

+ Thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với các thành viên trong gia đình

- Tình cảm của mọi người dành cho mẹ:

+ Yêu quý, kính mến

- Gợi nhắc kỉ niệm của em với mẹ: cùng đi sắm Tết, cùng đi chợ mua đồ ăn, cùng đi mua quần áo, cùng tới thăm họ hàng…

+ Kỉ niệm trong ngày đầu tiên đến trường cùng với mẹ

Kết luận: Bày tỏ tình cảm của mình dành cho mẹ.

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Để tạo ý cho bài văn biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết cần?

A. Hồi tưởng kỉ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ tới tương lai, tưởng tượng tình huống gợi cảm, vừa quan sát, vừa suy ngẫm thể hiện cảm xúc

B. Tìm cảm hứng từ cuộc sống, soi chiếu vào và thể hiện cảm xúc cá nhân đối với sự vật, hiện tượng

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 2. Tình cảm thể hiện trong bài phải chân thật, sự việc nêu ra phải có trong kinh nghiệm thì bài văn mới có sự tin tưởng, đồng cảm. Đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

U tôi đã đi ngủ từ lâu. Nhưng tôi buông bút, nhìn ra bốn bên, chỗ nào cũng thấy bóng u. Cái bóng đen thủi, hòa lẫn với bóng tối, vẽ nên một khuôn mặt trăng trắng với đôi mắt nhỏ, lòng đen nhuộm một mau nâu đồng. Cái bóng mơ hồ yêu dấu ấy đứng bên cạnh lớp lớp những ngày tháng ngậm ngùi đói khổ, những năm này năm khác qua đi trong cơn thấp thỏm đợi chờ dài dặc, mang ngấn nước mắt và tiếng thở dài. Người ta nhiều lúc nhàn, quây quần bên cạnh người thân, nhưng không mấy khi lại tỉ mỉ, vẩn vơ mà nhìn ngắm những người yêu mến của ta. Cho nên thỉnh thoảng sực nhớ, tôi chợt nhìn u, tôi bỗng giật mình, tôi ngờ ngợ như người ngồi trước mặt đây không phải là u tôi. Có đâu u tôi lại thế kia. Tóc đường ngôi của u tôi lốm đốm, rụng, chỉ còn lưa thưa. Lúc cười, nếp nhăn ở đuôi con mắt nheo lại, xếp lên nhau, đến khi hết cười cũng chỉ còn hằn những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má. Hàm răng trên của u tôi khểnh,khuyết ba lỗ mấy năm nay. U tôi già đi từ bao giờ? U tôi đã già đi từ lúc nào? Tôi thực không hay

Câu 3. Qua đoạn văn trên, tác giả thể hiện tình cảm gì?

A. Tình cảm yêu mến, trân quý mẹ của mình

B. Thể hiện tình cảm với những người thân của tác giả

C. Thể hiện tình cảm với quê hương nơi tác giả sinh ra

D. Cả 3 ý trên đều đúng

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 4. Cho biết tác dụng của sự quan sát trong vệc biểu hiện tình cảm của tác giả trong đoạn trích trên?

A. Sự quan sát làm tiền đề để tác giả bộc bạch tình cảm của bản thân

B. Tác giả quan sát chi tiết, tỉ mỉ, có chọn lọc, thể hiện được tình cảm yêu thương dành cho mẹ

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án C