Ôn tập về dấu câu (dấu phẩy)

Ôn tập về dấu câu (dấu phẩy)

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Ôn tập về dấu câu (dấu phẩy)

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    - Dấu phẩy được dùng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận của câu.

    Cụ thể là:

    - Giữa các thành phần phụ của câu có chủ ngữ và vị ngữ

    - Giữa các từ ngữ có cùng chức vụ trong câu

    - Giữa một từ ngữ với bộ phận chú thích của nó

    - Giữa các vế của một câu ghép

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Đặt dấu phẩy thích hợp vào đoạn văn sau:

    Mùa xuân cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh,lung linh trong nắng. Chào mào sáo sậu sáo đen… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau trêu ghẹo nhau trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy.

    Gợi ý:

    Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy.

    Bài 2: Nêu công dụng dấu phẩy trong mỗi trường hợp sau:

    A. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.

               (Thép Mới)

    B. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải Trường Giang Vôn –ga, con sông Vôn –ga đi ra bể.

               (I. Ê-ren-bua)

    C. Và cứ mỗi lần ngẩng lên nhìn bầu trời Hà Nội trong xanh, lòng tôi lại nhớ những năm tháng chống đế quốc Mĩ oanh liệt và oai hùng

               (Thúy Lan)

    D. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫ đi trên con đường làng dài và hẹp

               (Thanh Tịnh)

    Gợi ý:

    Công dụng của dấu phẩy trong mỗi trường hợp:

    A. Đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận cùng làm vị ngữ trong câu.

    B. Đánh dấu ranh giới giữa các vế trong một câu ghép.

    C. Đánh dấu ranh giới giữa bộ phận trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ của câu.

    D. Đánh dấu ranh giới giữa từ ngữ với bộ phận chú thích của nó.

    Bài 3: Viết một đoạn văn ngắn từ 5-7 câu với đề tài chiến tranh, hòa bình, trong đó có sử dụng các dấu câu đã học (dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hỏi, dấu chấm) ?

    Gợi ý:

    Chiến tranh – hai chữ gợi lên sự bất lực của tình thương, mất mát đến cực độ. Ai? Ai sẽ là người phải chịu đựng những hy sinh, mất mát ấy? Dù chiến tranh xảy ra dưới hình thức nào đi chăng nữa thì những người tham gia trực tiếp vào chiến tranh cũng đều phải trả giá. Khi thời gian đã trôi qua lâu nó giống như một vết sẹo nhưng nếu vô tình ta chạm vào vết sẹo ấy lại âm ỉ chảy máu - giọt máu của hòa bình nhưng mang mùi tanh của chiến tranh. Trên mỗi tấc đất hòa bình ngày hôm nay đều thẫm đẫm mồ hôi, xương máu, nước mắt, tính mạng,... của hàng nghìn, hàng vạn các chiến sĩ anh hùng. Thật đau xót nhưng cũng thật tự hào biết bao về các thế hệ cha ông của chúng ta!