Lựa chọn trật tự từ trong câu

Lựa chọn trật tự từ trong câu

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Lựa chọn trật tự từ trong câu

MỤC LỤC

    A. Củng cố kiến thức cơ bản:

    1. Định nghĩa:

       - Trong một cây có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ, mỗi cách đem lại hiệu quả diễn đạt riêng.

       - Người nói (người viết) cần biết lựa chọn trật tự từ thích hợp với yêu cầu giao tiếp

    2. Tác dụng:

       - Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm (Như sắp xếp theo thứ bậc quan trọng của sự vật, thứ tự trước sau của hoạt động, trình từ quan sát của người nói)

       Ví dụ: Nhà em gồm 6 người: ông, bà, bố, mẹ, anh và em.

       Hôm qua, em lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo và học bài.

       -Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

       Ví dụ: Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

       -Liên kết câu này với câu khác trong văn bản.

       Ví dụ: Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù. Ở tù, hắn coi là thường.

       -Đảm bảo sự hài hòa về ngữ âm của lời nói.

       Ví dụ: Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

    B. Bài tập vận dụng

       Trật tự các từ và cụm từ in đậm dưới có tác dụng gì?

       a. Tiếng Việt chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và tập thể lớn là dân tộc, quốc gia.

    (Phạm Văn Đồng)

       b.

    Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

    Em đã sống lại rồi, em đã sống!

    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

    Không giết được em, người con gái anh hùng.

    (Tố Hữu)

       c.

    Tin vui chiến thắng trăm miền

    Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

    Vui từ Đồng Tháp, An Khê

    Vui lên Việt Bắc, đồi De, núi Hồng.

       d. Ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương, ai oán. . .

       e. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên.

       f. Ruộng, tôi có năm sào. Tiền, tôi có rất nhiều.

       g. Quần áo được tôi giặt rồi.

       h. Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. (Nam Cao)

       i. Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát.

    Hướng dẫn làm bài

       a. Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng (Sắp xếp theo thứ tự tăng dần)

       b. Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng (Sắp xếp hành động dã man của giặc)

       c. Nhấn mạnh những địa danh làm nên chiến thắng lừng lẫy

       d. Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng (Sắp xếp từ vui đến buồn)

       e. Nhấn mạnh hành động nhân vật

       f. Nhấn mạnh nhằm tác dụng khoe khoang

       g. Nhấn mạnh hành động quần áo do tôi giặt

       h. Nhấn mạnh làm nổi bật tầm quan trọng của thẻ và hình đều bị người ta giữ.

       i. Nhằm tạo sự kết nối, âm hưởng ngân vang ( từ "Lô" hợp âm với "ô" trong cùng một câu.

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1: Câu nào có động từ (cụm động từ) đặt trước cụm chủ - vị ?

    A. Nghe ngóng mãi, cụ bà mới thở dài mà rằng. (Vũ Trọng Phụng)

    B. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen. (Nguyễn Tuân)

    C. Tôi thách các thợ giỏi nhất mà làm nổi đấy. (Mô-li-e)

    D. Còn chị, chị công tác ở đây ạ ? (Nguyễn Đình Thi)

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 2: Hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong câu văn sau là gì ?

    Chung quanh đang cười nói bô bô nhiều anh em công nhân mỏ than vẫn còn nguyên vẹn cái tính tình con người nông dân Thái ở quanh bản, quanh châu Quỳnh Nhai đây.

    (Nguyễn Tuân)

    A. Nhằm diễn tả những đức tình tốt đẹp của anh em công nhân mỏ than.

    B. Nhằm nhấn mạnh nét hồn nhiên của anh em công nhân ở mỏ than.

    C. Nhằm thể hiện tình cảm trìu mến của tác giả đối với các ah em công nhân mỏ than.

    D. Nhằm thể hiện trình tự hành động của các anh em công nhân mỏ than.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: B

    Câu 3: Lí do của việc lựa chọn trật tự từ trong câu: “Sáu đồng bạc với ba đồng của thầy các cháu cho, ba mẹ con ăn không đủ” là gì?

    A. Nhằm thu hút sự chú ý của người nghe (người đọc) vào cụm từ “Sáu đồng bạc với ba đồng của thầy các cháu cho ”.

    B. Nhắm nhấn mạnh tầm quan trọng của “Sáu đồng bạc với ba đồng của thầy các cháu cho” .

    C. Nhằm thể hiện tài năng của người nói (người viết)

    D. Gồm A và B.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 4: Hiệu quả diễn đạt của việc sắp xếp trật tự các cụm từ in đậm trong câu văn “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” là gì ?

    A. Nhằm thể hiện trình tự theo thời gian của sự việc được nói đến.

    B. Nhằm thể hiện quan hệ không gian của các sự việc được nói đến.

    C. Nhằm tạo mối liên kết giữa hai vế của câu văn.

    D. Gồm A và C.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 5: Trật tự của câu nào đảm bảo sự hài hoà về mặt ngữ âm ?

    A. Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên. (Tố Hữu)

    B. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. (Thạch Lam)

    C. Chữ ông Huấn cao đẹp lắm, vuông lắm. (Nguyễn Tuân)

    D. Tháng Tám, hồng ngọc đỏ, hồng hạc vàng, không ai không từng ăn trong tết Trung thu. . . (Băng Sơn)

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 6: Việc sắp xếp trật tự từ trong câu gạch chân ở ví dụ sau có tác dụng gì ?

    …. “ Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

    A. Thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng

    B. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật hiện tượng

    C. Liên kết câu với các câu khác trong văn bản

    D. Đảm bảo sự hài hoà về ngữ âm của lời nói

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 7: Câu văn nào sau đây sử dụng lựa chọn trật tự từ nhằm nhấn mạnh tính chất của sự việc:

    A. Trong vườn những chùm quả xoan lắc lư. B. Tôi thấy một anh bọ ngựa trịnh trọng tiến vào.

    C. Tôi thấy trịnh trọng tiến vào một anh bọ ngựa. D. Hôm nay, trời mưa tầm tã.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C

    Câu 8: Sự sắp xếp trật tự từ ( những từ gạch chân) trong đoạn văn dưới đây là hợp lý nhất vì:

    “Cây tre Việt Nam ! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre xanh mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quí của dân tộc Việt Nam. ”

    A. Đúc kết được những phẩm chất của cây tre theo đúng trình tự miêu tả trong bài văn

    B. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật hiện tượng

    C. Có tác dụng liên kết câu với các câu khác trong văn bản

    D. Đảm bảo sự hài hoà về ngữ âm của lời nói

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 9: Trật tự từ của các cụm từ im đậm trong đoạn văn sau thể hiện điều gì?

    “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Những cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến. ”

    (Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

    A. Thể hiện thứ tự trước sau của sự việc.

    B. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

    C. Liên kết câu với câu khác trong văn bản.

    D. Đảm bảo sự hài hòa về mặt ngữ âm của lười nói.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 10: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?

    “Một thời đại vừa chẵn mười năm.

    Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới. ”

    A. Thể hiện thứ tự trước sau của sự việc.

    B. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

    C. Liên kết câu với câu khác trong văn bản.

    D. Đảm bảo sự hài hòa về mặt ngữ âm của lười nói.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C