MỤC LỤC
A. Củng cố kiến thức cơ bản
1. Đặc điểm hình thức
- Có các từ nghi vấn: ai, gì, nào, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có) … không, (đã) … chưa hoặc có từ “hay” ( nối các quan hệ lựa chọn)
- Khi viết, câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi (?)
- Nếu không dùng để hỏi thì có thể kết thúc bằng dấu chấm (. ), dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…)
2. Chức năng:
- Chức năng chính dùng để hỏi
- Ngoài ra còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc…, không yêu cầu người đối thoại trả lời
B. Ví dụ minh họa
1. Chức năng dùng để hỏi:
Thoáng thấy mẹ về đến cổng, thằng Dần mừng nhảy chân sáo:
- U đi đâu từ lúc non trưa đến giờ? Có mua được gạo hay không? Sao u lại về không thế?
(Tắt đèn- Ngô Tất Tố)
-> Câu nghi vấn có chức năng hỏi: U đi đâu từ lúc non trưa đến giờ? Có mua được gạo hay không? Sao u lại về không thế?.
- Đặc điểm hình thức: có dấu (?) cuối câu, các từ nghi vấn (không, sao)
- Đây là cuộc trò chuyện giữa thằng Dần và mẹ. Dần muốn hỏi mẹ về lí do đi lâu thể, có mua được gạo không, sao về không thế.
2. Chức năng dùng để cầu khiến:
An nói với Hoàng:
- Cậu có thể mở cửa giúp tớ được không?
Hoàng trả lời:
- Được cậu.
-> Câu nghi vấn có chức năng cầu khiến (có yêu cầu và đáp lại): Cậu có thể mở cửa giúp tớ được không?.
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (?) cuối câu, từ nghi vấn (được không)
- Đây là cuộc trò chuyện giữa An và Hoàng . An muốn nhờ Hoàng mở hộ với thái độ lịch sự (Hoàng có thể giúp hoặc không)
3. Chức năng dùng để khẳng định
- Ai dám bảo chúng tôi không hạnh phúc?
-> Câu nghi vấn có chức năng khẳng định (thường không có câu trả lời):
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (?) cuối câu, từ nghi vấn dùng để khẳng định (ai, không)
- Câu nói nhằm khẳng định: Chúng tôi hạnh phúc
4. Chức năng dùng để phủ định
- Sao cậu không học bài thế?
-> Câu nghi vấn có chức năng phủ định (thường không có hoặc có câu trả lời):
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (?) cuối câu, từ nghi vấn dùng để phủ định (sao, thế)
-Dùng để phủ định: Trước đó cậu không học bài
5. Chức năng dùng để đe doạ
- Con có học bài không thì bảo?
-> Câu nghi vấn có chức năng đe dọa (thường không có câu trả lời):
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (?) cuối câu, từ nghi vấn (không)
-Dùng để đe dọa: Mẹ muốn răn đe con việc học hành
6. Chức năng dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc
- Sao nay mệt thế?
-> Câu nghi vấn có chức năng bộc lộ tình cảm, cảm xúc (thường không có câu trả lời):
- Đặc điểm hình thức: Có dấu (?) cuối câu, từ nghi vấn (sao, thế)
-Dùng để bộc lộ cảm xúc: Mệt mỏi
C. Vận dụng luyện tập
1. Xác định câu nghi vấn trong những ngữ liệu dưới đây, chỉ ra đặc điểm hình thức nào cho biết đó là câu nghi vấn?
a, Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Lượm ơi, còn không?
(Lượm – Tố Hữu)
b. Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để giải khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn?. Những lúc buồn có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút.
(Lão Hạc – Nam Cao)
c. Chị Dậu ôm con vào ngồi bên phản, sờ tay vào trán chồng và sẽ sàng hỏi:
- Thế nào? Thầy em có mệt lắm không? Sao chậm về thế? Trán đã nóng lên đây này!
Anh Dậu nằm thừ không cựa, cũng không trả lời. Chị Dậu lại gặng:
-Chắc thầy em mệt lắm thì phải? Từ sáng đến giờ đi những đâu? Hỏi vay của ai?
Vắt tay lên trán, anh Dậu thở một tiếng dài và cất cái giọng lề dề của người ốm:
-Tôi lên nhà lão Hội Ích.
-Có được đồng nào hay không?
- Chẳng được gì cả.
(Tắt đèn – Ngô Tất Tố)
d. Tôi cố vui vẻ theo em, nhưng nước mắt đã ứa ra. Bỗng Thủy lại xịu mặt xuống:
- Sao bố mãi không về nhỉ? Như vậy là em không được chào bố trước khi đi.
Tôi nhìn sang cửa phòng bố. Mấy ngày rồi, bố vẫn biệt tăm. Tôi xót xa nhìn em. Bao giờ nó cũng chu đáo và hiếu thảo như vậy.
(Cuộc chia tay của những con búp bê – Khánh Hoài)
e. Tôi quắc mắt:
- Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa?
- Thưa bác, thế thì …hừ hừ… em xin sợ. Mời bác cứ đùa một mình thôi.
(Dế Mèn phiêu lưu kí – Tô Hoài)
f. Đấy, có tiếng người sang sảng quát:
- Mày muốn lôi thôi cái gì? … Cái thằng không cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi cái gì?
Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng Lý Cường. Lý Cường đã về! Lý Cường đã về! Phải biết …A ha!
(Chí Phèo – Nam Cao)
g. Phó may:
- Mời ngài mặc thử bộ lễ phục chứ ạ?
Ông Giuốc - Đanh:
- Ừ, đưa đây tôi.
( Ông Giuốc – Đanh mặc lễ phục – Mô –li-e)
2. Đặt 4 câu nghi vấn không dùng để hỏi mà để:
- Yêu cầu một người hãy ngừng nói chuyện
- Khẳng định một người bạn hôm qua học bài quá khuya.
- Bộc lộ cảm xúc về thời tiết hôm nay.
- Đe dọa một con vật.
Phần trắc nghiệm
Câu 1: Dấu hiệu nhân biết câu nghi vấn:
A. Có từ "hay" để nối các vế có quan hệ lựa chọn. B. Có các từ nghi vấn.
C. Khi viết ở cuối câu có dấu chấm hỏi. D. Một trong các dấu hiệu trên đều đúng.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: D
Câu 2: Trong các câu nghi vấn sau, câu nào không có mục đích hỏi:
A. Bố đi làm chưa ạ? B. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?
C. Bao giờ bạn được nghỉ tết? D. Ai bị điểm kém trong buổi hoc này?
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 3: Dòng nào nói lên chức năng chính của câu nghi vấn?
A. Dùng để yêu cầu B. Dùng để hỏi
C. Dùng để bộc lộ cảm xúc D. Dùng để kể lại sự việc
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 4: Trường hợp nào không chứa câu nghi vấn?
A. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi: “Vịt của ai đó?”
B. Lơ lơ cồn cỏ gió đìu hiu / Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
C. Nó thấy có một mình ông ngoại nó đứng giữa sân thì nó hỏi rằng:
- Cha tôi đi đâu rồi ông ngoại ?
D. Non cao đã biết hay chưa? / Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 5: Trong những câu nghi vấn sau, câu nào không có mục đích hỏi?
A. Mẹ đi chợ chưa ạ? B. Ai là tác giả của bài thơ này?
C. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này? D. Bao giờ bạn đi Hà Nội?
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: C
Câu 6: Câu nào là câu nghi vấn?
A. Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang / Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
B. Nhớ ai giãi nắng dầm sương / Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
C. Người nào chăm chỉ học tập người ấy sẽ tiến bộ.
D. Sao không để chuồng nuôi lợn khác!
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: D
Câu 7: Câu thơ “Hồn ở đâu bây giờ?” là câu nghi vấn. Đúng hay sai?
A. Đúng B. Sai
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: A
Câu 8: Đoạn văn trên có mấy câu nghi vấn?
“Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Nhời (lời) của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp, vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương. ”
A. 2 câu B. 3 câu
C. 4 câu D. 5 câu
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: A
Câu 9: Câu nào sau đây không phải là câu nghi vấn ?
A. Anh Chí đi đâu đấy? B. Bao nhiêu người thuê viết / tấm tắc ngợi khen tài.
C. Cái váy này giá bao nhiêu? D. Lớp cậu có bao nhiêu học sinh?
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B
Câu 10: Câu nào là câu nghi vấn?
A. Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu.
B. Con có nhận ra con không?
C. Không ai dám lên tiếng khi đối diện với hắn.
D. Nó bị điểm không vì quay cóp trong giờ kiểm tra.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: B