Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

A. Nội dung bài học

I. Đôi nét về tác giả Đặng Thai Mai

- Đặng Thai Mai (1902-1984) quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

- Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội có uy tín.

- Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông vừa dạy học, hoạt động cách mạng, vừa sáng tác và nghiên cứu văn học

- Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông giữ nhiều trọng tách trong bộ máy chính quyền và các cơ quan văn nghệ, đồng thời viết một số công trình nghiên cứu văn học có giá trị lớn

- Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

II. Đôi nét về tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ

“Sự giàu đẹp của tiếng Việt” (tên bài do người soạn sách đặt) là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc”, in lần đầu vào năm 1967, được bổ sung và đưa vào “Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II”

2. Bố cục (2 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “qua các thời kì lịch sử”): Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt

- Phần 2 (còn lại): Chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt

3. Giá trị nội dung

Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc

4. Giá trị nghệ thuật

- Kết hợp khéo léo giữa lập luận giải thích và lập luận chứng minh, bình luận

- Lập luận chặt chẽ

- Dẫn chứng phong phú, bao quát toàn diện

- Câu văn mạch lạc, trong sáng, sử dụng nhiều biện pháp mở rộng câu

III. Dàn ý phân tích tác phẩm Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Đặng Thai Mai (những nét chính về tiểu sử, cuộc đời, các công trình nghiên cứu…)

- Giới thiệu về văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt

- Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay

   + Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu

   + Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử

⇒ Cách lập luận rành mạch, ngắn gọn, có sức khái quát cao, đi từ khái quát đến cụ thể

2. Biểu hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt

a) Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp

- Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc:

   + Nhận xét của những người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta

   + Một giáo sĩ nước ngoài đã nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”

   + Gồm hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú

   + Giàu về thanh điệu, giàu ngữ âm như những âm giai trong một bản nhạc trầm bổng

b) Tiếng Việt là một thứ tiếng hay

- Thỏa mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa con người với con người

- Thỏa mãn nhu cầu ngày của đời sống ngày một phức tạp về mọi mặt:

   + Dồi dào về cấu tạo từ ngữ, hình thức diễn đạt

   + Từ vựng: tăng lên qua các thời kì

   + Ngữ pháp: dần dần trở nên uyển chuyển, chính xác hơn

   + Ngữ âm: không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng

⇒ Mối quan hệ giữa cái hay và cái đẹp của tiếng Việt: cái đẹp và cái hay có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau tạo nên sức sống cho tiếng Việt

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

   + Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, kết hợp nhiều thao tác lập luận, chứng cứ chặt chẽ và toàn diện…

- Liên hệ bản thân: cần có ý thức giữ gìn sự giàu có, trong sáng của tiếng Việt…

B. Bài tập luyện tập

Câu 1: Tác giả Đặng Thai Mai đã chứng minh sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt về những mặt nào ?

A. Ngữ âm     B. Từ vựng

C. Ngữ pháp     D. Cả ba mặt trên

Hướng dẫn giải:

Đáp án: D

Câu 2: Để chứng minh sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt, trong bài văn của mình, Đặng Thai Mai đã sử dụng kiểu lập luận gì ?

A. Chứng minh

B. Giải thích

C. Kết hợp chứng minh, giải thích và bình luận vấn đề

D. Kết hợp phân tích và chứng minh vấn đề.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 3: Bài viết Sự giàu đẹp của tiếng Vịêt của Đặng Thai Mai gần với văn phong nào ?

A. Văn phong khoa học B. Văn phong nghệ thụât

C. Văn phong báo chí D. Văn phong hành chính

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 4: Trong các câu sau, câu nào nêu lên vấn đề cần nghị luận của bài văn ?

A. Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một một thứ tiếng khá đẹp.

B. Tiếng Việt chúng ta gồm có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú.

C. Về phương diện này, tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ cũng như hình thức diễn đạt.

D. Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 5: Đoạn mở đầu bài viết: “ Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó. ” Nêu lên nội dung gì ?

A. Nêu lên lí do về lòng tự hào tiếng Việt của người Việt

B. Khẳng định vị trí và ý nghĩa của tiếng Việt

C. Khẳng định lòng tin tưởng của người Việt với tiếng Việt

D. Nói lên tình cảm của tác giả với tiếng Việt

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 6: Đoạn đầu của bài văn (từ đầu đến qua các thời kì lịch sử), sau khi nêu nhận định tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay, tác giả đã sử dụng kiểu lập luận nào ?

A. Chứng minh nhận định ấy B. Phân tích nhận định ấy

C. Bình luận nhận định ấy D. Giải thích nhận định ấy.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 7: Đoạn đầu của bài văn có nhiệm vụ gì ?

A. Giới thiệu vấn đề chính sẽ được đề cập và lí giải trong bài viết

B. Nêu lên các thao tác lập luận của bài văn

C. Định hướng những kết luận mà bài văn sẽ đạt tới

D. Nêu các luận cứ cần có của bài văn.

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 8: Chứng cứ nào không được tác giả dùng để chứng minh “cái hay” của tiếng Việt ?

A. Dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt

B. Ngữ pháp uyển chuyển, chính xác.

C. Một thứ tiếng giàu chất nhạc

D. Thoả mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 9: Chứng cứ nào không được tác giả dùng để nói lên “cái đẹp” của tiếng Việt ?

A. Một thứ tiếng giàu chất nhạc

B. Dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt

C. Rành mạch trong lối nói

D. Hệ thống nguyên âm và phụ âm phong phú.

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 10: Tính chất của dẫn chứng trong bài văn Sự giàu đẹp của tiếng Việt là gì ?

A. Cụ thể, tỉ mỉ B. Phong phú

C. Toàn diện, bao quát D. Tiêu biểu, chính xác

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 11: Nhận xét nào không phải là ưu điểm trong nghệ thụât nghị luận của bài văn ?

A. Kết hợp giải thích với chứng minh, bình luận B. Lập luận chặt chẽ

C. Các dẫn chứng khá toàn diện, bao quát D. Sử dụng nhiều loại biện pháp tu từ.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 12: Trong các loại câu sau, loại câu nào được tác giả sử dụng trong bài văn để vừa làm rõ nghĩa vừa bổ sung thêm các khía cạnh mới hoặc mở rộng điều đang nói ?

A. Câu đơn B. Câu đặc biệt

C. Câu được mở rộng các thành phần D. Câu rút gọn

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 13: Dấu câu nào không dùng để tách thành phần câu được mở rộng trong bài văn này ?

A. Dấu ngoặc đơn B. Dấu hai chấm

C. Dấu phẩy D. Dấu ngoặc đơn và dấu phẩy

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 14: Kết luận của tác giả khi chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt là gì ?

A. Tiếng Việt là thứ tiếng giàu đẹp nhất trong các thứ tiếng trên thế giới.

B. Tiếng Việt là ngôn ngữ tốt nhất dùng để giao tiếp ttrong đời sống của người Việt Nam.

C. Tiếng Việt có cơ sở để phát triển mạnh mẽ trong tương lai

D. Cấu tạo và khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử là một biểu hiện về sức sống dồi dào của tiếng Việt.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 15: Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” của tác giả nào?

A. Hồ Chí Minh B. Đặng Thai Mai

C. Phạm Văn Đồng D. Hòa Thanh

Hướng dẫn giải:

Đáp án B