Thứ tự kể trong văn tự sự

Thứ tự kể trong văn tự sự

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Thứ tự kể trong văn tự sự

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    - Khi kể chuyện, có thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tự tự nhiên, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau, cho đến hết.

    - Nhưng để gây bất ngờ, gây chú ý, hoặc để thể hiện tình cảm nhân vật, người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại kể ra trước, sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các sự việc đã xảy ra trước đó.

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

           Bức chân dung

    Một hôm, tại thị trấn xa xôi nọ xuất hiện một người họa sĩ từ phương xa ghé tới. Khi đang nghỉ chân dưới bóng râm rợp mát của tán sồi đầu làng, ông gặp một người đàn ông nồng nặc mùi rượu đi ngang qua. Thấy ông, gã khinh khỉnh hỏi với vẻ gây hấn:

    - Ông ngồi đây có việc gì?

    - Tôi chỉ là một họa sĩ lỡ đường, ghé chân ngồi nghỉ dưới tán cây mà thôi! Nếu ông muốn, tôi có thể vẽ cho ông một bức chân dung! –Người họa sĩ điềm tĩnh đáp.

    - Thế thì được, nhưng ông phải vẽ cho giống vào nhé! – Gã say vẫn thô lỗ.

    Thế là ông họa sĩ tập trung vào từng nét vẽ. Ông vẽ một cách say sưa trước “người mẫu” là gã đàn ông chếnh choáng hơi men, với khuôn mặt lởm chởm râu và bộ quần áo lấm lem, bẩn thỉu. Một lát sau, đặt chiếc cọ xuống, người họa sĩ nhẹ nhàng cất bức tranh ra khỏi giá đỡ và mang đến cho người đàn ông nọ xem.

    - Đây không phải là tôi – Gã tỏ ra ngạc nhiên pha lẫn xấu hổ khi nhìn thấy khuôn mặt mình trong tranh, trong dáng vẻ lịch lãm với nụ cười thân thiện.

    - Không, đây chính là hình ảnh tôi thấy trong anh. Anh hoàn toàn có thể là một người lịch lãm, thành đạt nếu như anh thật sự muốn điều đó!

    Bức tranh ấy đã làm biến đổi cuộc đời người đàn ông say xỉn nọ. Một năm sau đó, khi người họa sĩ ghé lại ngôi làng, gã say trước kia đã trở thành một anh nông dân chăm chỉ, tháo vát và tốt bụng được nhiều người yêu quý.

       (Theo Hạt giống tâm hồn, quyển Tám)

    A. Câu chuyện được kể theo thứ tự nào? Vì sao?

    B. Có thể kể câu chuyện trên theo thứ tự khác được không?

    C. Thông điệp mà câu chuyện gửi gắm đến bạn đọc là gì?

    Gợi ý:

    A. Câu chuyện được kể theo thứ tự tự nhiên: theo trình tự thời gian từ trước đến sau, sự việc gì xảy ra trước kể trước, sự việc gì xảy ra sau kể sau.

    B. Có thể kể câu chuyện trên theo thứ tự khác, đó là: Kể kết quả trước, nguyên nhân sau. Cụ thể: câu chuyện bắt đầu từ hiện tại của một người nông dân chăm chỉ, tốt bụng, được nhiều người yêu quý. Anh hồi tưởng nhớ lại quá khứ của mình, nhớ lại câu chuyện gặp người họa sĩ lạ và bức chân dung anh ta vẽ tặng.

    C. Thông điệp:

    - Nếu bạn nhìn thế giới này qua một góc độ khác, có thể bạn sẽ thấy những thay đổi thật đáng ngạc nhiên.

    - Con người nên có một thái độ sống, lối sống tích cực (vui vẻ, thân thiện) để trở thành người có ích cho xã hội.

    Bài 2: Em hãy kể lại truyền thuyết Thánh Gióng?

    Gợi ý:

    A. Mở bài

    Giới thiệu truyền thuyết “Thánh Gióng”.

    B. Thân bài (Diễn biến sự việc)

    - Sự kiện mở đầu: Đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng mãi mà chưa có con. Một hôm bà mẹ ra đồng trong thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình vào ướm thử rồi về có thai sinh ra một cậu bé khôi ngô. Thế nhưng, đứa trẻ đến ba tuổi vẫn không biết nói, biết cười, biết đi chỉ biết đặt đâu nằm đó.

    - Sự kiện thắt nút: Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta.

    - Sự kiện phát triển:

       + Nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước

       + Đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con người sắt và một tấm áo giáp sắt”.

       + Chú bé vùng dậy lớn nhanh như thổi, vươn vai một cái bỗng nhiên biến thành tráng sĩ.

       + Tráng sĩ oai phong, lẫm liệt cầm áo giáp, roi nhảy lên mình ngựa. Roi sắt gãy, Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.

    - Sự kiện mở nút: Gióng đánh tan giặc Ân

    - Kết thúc: Gióng cưỡi ngựa lên núi Sóc Sơn, cúi chào quê hương rồi bay lên trời. Vua phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương.

    C. Kết bài

    Ý nghĩa câu chuyện: tinh thần đoàn kết chống giặc cứu nước