Thầy bói xem voi

Thầy bói xem voi

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Thầy bói xem voi

A. Nội dung bài học

I. Đôi nét về tác phẩm: Thầy bói xem voi

1. Tóm tắt

Năm ông thầy bói mù góp tiền để xem con voi có hình thù thế nào. Mỗi ông sờ một bộ phận của voi. Ông sờ vòi bảo con voi sun sun như con đỉa; ông sờ ngà bảo con voi chần chẫn như cái đòn càn; ông sờ tai bảo con voi như cái quạt thóc; ông sờ chân nói con voi như cái cột đình; ông sờ đuôi lại bảo con voi tun tủn như các chổi sể cùn. Năm ông cãi nhau rồi đánh nhau toác đầu chảy máu.

2. Bố cục (3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “thầy thì sờ đuôi”): Hoàn cảnh xem voi của các thầy bói

- Phần 2 (tiếp đó đến “như cái chổi sể cùn”): Các thầy bói xem voi và phán về voi

- Phần 3 (còn lại): Kết quả của việc xem voi

3. Giá trị nội dung

Từ câu chuyện chế giễu cách xem voi và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện “Thầy bói xem voi” khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.

4. Giá trị nghệ thuật

- Cách giáo huấn nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu sắc

- Dùng đối thoại, tạo nên tiếng cười kín đáo, hài hước

- Dùng lối nói phóng đại

- Lặp lại các sự việc

II. Phân tích văn bản Thầy bói xem voi

I. Mở bài

- Giới thiệu về thể loại truyện ngụ ngôn (khái niệm, đặc trưng về nghệ thuật, ý nghĩa…)

- Giới thiệu về truyện “Thầy bói xem voi” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh xem voi của các thầy bói

- Hoàn cảnh: nhân buổi ế hàng, ngồi tán gẫu với nhau

- Đặc điểm:

   + Đều bị mù

   + Chưa biết gì về hình thù con voi

- Cách xem voi:

   + Dùng tay để sờ

   + Mỗi thầy chỉ được sờ một bộ phận của con voi

→ Cách mở đầu ngắn gọn, hấp dẫn

2. Các thầy bói phán về con voi

- Phán về hình thù con voi:

   + Thầy sờ voi: sun sun như con đỉa

   + Thầy sờ ngà: chần chẫn như cái đòn càn

   + Thầy sờ tai: bè bè như cái quạt thóc

   + Thầy sờ chân: sừng sững như cái cột đình

   + Thầy sờ đuôi: tùn tũn như cái chổi sể cùn

→ Đúng được từng bộ phận nhưng không đúng được tổng thể

- Thái độ của các thầy khi phán:

   + Chủ quan, bảo thủ, phiến diện

   + Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của người khác, khẳng định quan điểm của mình, luôn cho mình là đúng

→ Sai lầm về phương pháp nhận thức

3. Kết quả của việc xem voi

- Không ai chịu ai, ai cũng cho là mình đúng

- Xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu

→ Nghệ thuật phóng đại tạo tiếng cười, tô đậm sai lầm, lí sự của các thầy bói

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: Từ câu chuyện chế giễu cách xem voi và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện “Thầy bói xem voi” khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện

   + Nghệ thuật: phóng đại, dùng đối thoại tạo nên tiếng cười kín đáo…

- Bài học cho bản thân: phải xem xét sự vật, sự việc một cách toàn diện, phải biết lắng nghe ý kiến của người khác…

B. Bài tập luyện tập

Câu 1. Thầy bói trong truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” tại sao lại cãi nhau?

A. Tranh nhau xem bói

B. Va phải nhau nên cãi nhau

C. Mỗi thầy xem chỉ một bộ phận của voi, nhưng đã khẳng định ý kiến của mình đúng.

D. Không rõ lý do

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 2. Nguyên nhân sâu xa của việc tranh cãi của năm ông thầy bói?

A. Do các thầy không có chung ý kiến

B. Do xem xét phiến diện, qua loa, chủ quan sự vật

C. Do không hiểu biết, không chịu lắng nghe ý kiến của người mọi người xung quanh

D. Do các thầy không nhìn thấy

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 3. Năm thầy bói tiếp xúc với voi thật nhưng không ai nói đúng con voi là gì?

A. Vì họ dùng tay để xem voi thay cho mắt nhìn

B. Vì con voi to quá, mỗi thầy chỉ xem được một bộ phận, chưa xem được toàn thể

C. Họ không biết lắng nghe nhau, không kết hợp các ý kiến nhận định của nhau

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 4. Những bài học của truyện thầy bói xem voi?

A. Phải tìm hiểu sự vật bằng phương cách tiếp cận thích hợp

B. Phải xem xét khái quát một cách toàn diện, không lấy cái bộ phận, cái đơn lẻ thay thế cho toàn bộ

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B đều sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 5. Năm ông thầy bói tượng trưng cho điều gì?

A. Sự thiếu hiểu biết của con người

B. Những góc khuất mà mỗi người không thể nhìn thấy

C. Sự phiến diện, chủ quan của con người

D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Đáp án D