Lập dàn ý bài văn tự sự

Lập dàn ý bài văn tự sự

4.6/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Lập dàn ý bài văn tự sự

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Khái niệm lập dàn ý văn bản tự sự

Lập dàn ý bài văn tự sự là nêu rõ những nội dung chính cho câu chuyện mà mình sẽ viết, sẽ kể

Ví dụ: Lập dàn ý cho bài văn kể về một việc tốt mà em đã làm, người viết phải trình bày được những nội dung chính cho câu chuyện đó của mình như:

- Nêu hoàn cảnh, thời gian diễn ra sự việc.

- Kể lại diến biến sự việc:

   + Việc tốt đó là gì? Xảy ra ở đâu?

   + Gặp công việc đó, em đã suy nghĩ như thế nào?

   + Hành động cụ thể của em khi đó là gì?

- Việc làm của em đã mang lại ích lợi như thế nào cho người khác?

- Sau khi làm được một việc tốt, em cảm giác ra sao?

2. Hình thành ý tưởng

Để chuẩn bị viết một văn bản tự sự, cần hình thành ý tư¬ởng, dự kiến cốt truyện, suy nghĩ, tư¬ởng tư¬ợng về các nhân vật cùng các sự việc, chi tiết tiêu biểu đặc sắc làm nên cốt truyện. Những dự kiến này giúp cho quá trình lập dàn ý đ¬ược rõ ràng hơn và dàn ý cũng cụ thể, chi tiết hơn.

Ví dụ: Cho đoạn văn

“Tôi sẽ viết chuyện về cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận anh Đề. Tôi có ngay cảm giác phải tìm một tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó Kinh quá, người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều.

Tôi chưa hình dung câu chuyện, cốt truyện sẽ diễn biến cụ thể ra sao, nhưng tôi đã thấy rõ, cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu - mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình, và truyện sẽ kết thúc cũng bằng một cảnh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận, nghĩa là “bố cục” cơ bản đã thấy được rồi...Sau đấy mọi sự bỗng trở nên rõ ràng, dễ dàng đến kì lạ. Chị Dít “đến” - như là tất yếu vậy. Nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện. Vậy thì có phải Mai, chị của Dít. Mai đối với tôi chẳng khó khăn gì. Tôi đã “có” hàng trăm cô gái Tây Nguyên để hình dung và dựng lên một cô Mai [...]. Và cái gì để dẫn đến cuộc bùng dậy ghê gớm như vậy của Tnú? Tức phải có một nỗi đau riêng bức bách dữ dội, bật ra từ nỗi đau chung của làng xóm, dân tộc: đứa con bị đánh chết tàn bạo, Mai gục xuống, ngay trước mắt Tnú. Chi tiết ấy đến một cách tất yếu. Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên trường tồn đến hôm nay [...]

Tất cả trở nên dễ dàng đến ngạc nhiên đối với tôi. Tôi hình dung ra, thấy hiển hiện ra tất cả. Các chi tiết tự nó đến: các bà cụ già lụm cụm bò từ trên thang nhà sàn xuống, các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng..., cả đến tiếng nước lanh tanh trong đêm khuya,...cả mười ngọn lửa xà nu cháy giần giật trên mười đầu ngón tay đau đớn của Tnú... Tất cả, tôi không phải “bịa” thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Mặc dầu tất cả đây hoàn toàn là một câu chuyện bịa. Mà như thật. Với tôi, nó hoàn toàn có thật.”

◊(Nguyên Ngọc, ‘Về truyện ngắn Rừng xà nu', Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, Nxb Giáo dục, 2000))

→ Trong văn bản, nhà văn Nguyên Ngọc kể lại câu chuyện về quá trình suy nghĩ, chuẩn bị để sáng tác truyện ngắn Rừng xà nu. Từ những con người có thật mà nhà văn đã gặp, từ câu chuyện được nghe, Nguyên Ngọc dự kiến, truyện sẽ mở ra và kết thúc bằng hình ảnh rừng xà nu; phần giữa kể câu chuyện đánh Mĩ qua cuộc đời, số phận của Tnú, ở đó ông sẽ miêu tả quan hệ của Tnú với các nhân vật khác.

3. Dàn ý chung

- Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật,...)

- Thân bài: những sự việc, chi tiết chính theo diễn biến câu chuyện.

- Kết bài: kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ của nhân vật hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa)

B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ

1. Lập dàn ý cho bài văn viết về câu chuyện: “một học sinh tốt phạm phải một số sai lầm trong “những phút yếu mềm” nhưng đã kịp thời tỉnh ngộ, “chiến thắng bản thân...”, vươn lên trong cuộc sống, trong học tập

Trả lời:

a. Mở bài: giới thiệu câu chuyện (một học sinh học tập chăm ngoan nhưng do bị bạn bè lôi kéo đi chơi điện tử nhiều nên bê trễ việc học nhưng đã kịp thởi tỉnh ngộ do đọc được một cuốn sách của Nguyễn Ngọc Kí về nghị lực sống vượt qua nghịch cảnh).

b. Thân bài:

- Linh là học sinh chăm ngoan, học giỏi môn Tiếng anh, vị trí luôn đứng đầu lớp

- Giữa học kì Linh ngày càng thân thiết với một nhóm bạn xấu hay rủ rê bạn bè đi chơi, và đánh điện tử.

- Ban đầu, Linh đi cùng chỉ đứng xem, sau đó thấy thích đã lao vào chơi. Càng chơi lại càng ham, Linh quên ăn, quên ngủ, quên luôn cả việc học chỉ vì chơi điện tử. Thành tích học không được duy trì, ngày càng thụt lùi.

- Bị mẹ bắt được trong quán nét sau 2 ngày không về nhà, Linh xấu hổ không dám đến trường

- Cô giáo chủ nhiệm đến hỏi thăm, động viên, khuyên bảo.

- Sáng hôm sau, em đến lớp với sự hứng khởi và xin cô thêm bài tập để làm ở nhà.

- Linh nỗ lực bắt đầu lại từ đầu và lại dành vị trí số 1 của lớp.

c. Kết bài: Bài học về sự sa ngã trong những phút yếu lòng của Linh là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bạn học sinh

2. Lập dàn ý cho bài văn về một kỉ niệm mà em nhớ mãi.

Trả lời:

a. Mở bài: Thấy các em nhỏ chuẩn bị sách vở, quần áo đón năm học mới, tôi lại nôn nao nhớ đến ngày đầu tiên đi học của mình.

b. Thân bài:

* Trước ngày khai giảng:

- Trước ngày đi học, tôi được mẹ mua quần áo mới, tập sách mới. Lòng nôn nao không ngủ được.

- Trằn trọc, rồi lại ngồi dậy mân mê chiếc cặp mới và những quyển tập còn thơm mùi giấy.

Sáng, tôi dậy thật sớm, thay bộ đồng phục mới tinh mẹ mua từ mấy hôm trước. Trong lòng bồi hồi khó tả.

* Trên đường đến trường:

- Chỉnh tề trong bộ đồng phục áo trắng quần xanh, đội nón lúp xúp đi bên cạnh mẹ.

- Bầu trời buổi sớm mai trong xanh, cao vòi vọi, vài tia nắng xuyên qua cành cây, tán lá. Vài chú chim chuyền cành hót líu lo.

- Xe cộ đông đúc, bóp còi inh ỏi.

- Hàng quán hai bên đường đã dọn ra, buôn bán nhộn nhịp.

- Có nhiều anh chị học sinh với khăn quàng đỏ trên vai, tươi cười đi đến trường.

- Hôm ấy là ngày tổng khai giảng năm học mới nên phụ huynh đưa con đến trường thật đông.

- Tôi trông thấy vài anh chị trong xóm, các bạn học mẫu giáo chung cũng được ba mẹ đưa đến trường.

- Cảnh vật quen thuộc mọi ngày sao hôm nay thấy khác lạ.

- Lòng tôi hồi hộp pha lẫn cảm giác e ngại rụt rè khi gần đến cổng trường tiểu học.

* Vào sân trường:

- Ngôi trường bề thế, khang trang hơn trường mẫu giáo nhiều.

- Trước cổng trường được treo một tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ mà tôi lẩm nhẩm đánh vần được: “Chào mừng năm học mới”.

- Sân trường thật nhộn nhịp với cờ hoa, học sinh, phụ huynh, giáo viên,…trông ai cũng tươi vui rạng rỡ, áo quần tươm tất.

- Các anh chị lớp lớn vui mừng tíu tít trò chuyện với nhau sau ba tháng hè mới gặp lại.

- Tôi quan sát thấy nhiều bạn có lẽ cũng là học sinh mới vào lớp một như tôi bởi cái vẻ rụt rè, nhiều bạn còn bíu chặt lấy tay mẹ và khóc nức nở làm mắt tôi cũng rơm rớm theo.

- Một hồi trống vang lên, theo hướng dẫn của một thầy giáo các anh chị nhanh chóng xếp hàng vào lớp. Chỉ có lũ học trò lớp một bọn tôi là bối rối không biết phải làm gì.

- Chúng tôi được các cô giáo chủ nhiệm đọc tên điểm danh, có nhiều bạn được gọi tên nhưng lại sợ sệt im lặng không đáp lời cô đến nỗi phụ huynh phải lên tiếng đáp thay. Khi nghe gọi đến tên tôi, tôi giật mình. Tim đập nhanh. Trán rịn mồ hôi. Dù đã đi học mẫu giáo rồi nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy hồi hộp, lo sợ thế nào ấy. Khi buông tay mẹ để bước vào hàng tôi có cảm giác bơ vơ lạc lõng. Vậy là tôi đã bước vào một thế giới khác: Rộng lớn và đầy màu sắc hơn. Nhiều bạn òa lên khóc nức nở bám lấy mẹ không chịu xếp hàng, cô giáo phải dỗ dành. Các bạn khác cũng khóc theo.

- Thầy hiệu trưởng bước lên bục đọc lời khai giảng năm học mới.

- Sau đó giáo viên chủ nhiệm dẫn chúng tôi vào lớp. Tôi ngoái lại tìm mẹ, chân ngập ngừng không muốn bước. Mẹ phải dỗ dành an ủi.

* Vào lớp học:

- Ngồi vào chỗ, đón nhận giờ học đầu tiên. (Ấn tượng sâu đậm về tâm trạng vừa bỡ ngỡ vừa sợ sệt, hồi hộp, gần gũi và tự tin,..).

- Mùi vôi mới, bàn ghế sạch sẽ …

- Quan sát khung cảnh lớp học: Các bạn ai cũng ngồi ngay ngắn, háo hức đón giờ học đầu tiên.

c. Kết bài: Nhớ mãi kỉ niệm trong sáng êm đềm của tuổi thơ.