Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

4.7/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Khái niệm

a. Xét ngữ liệu

Xe chạy chậm chậm… Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và, khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:

- Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.

Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi nói. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

(Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng)

Đoạn trích trên kể lại giây phút Hồng được gặp lại mẹ. Sự việc này được thể hiện thông qua các yếu tố miêu tả và biểu cảm:

- Yếu tố miêu tả đã làm rõ hình ảnh người mẹ trong con mắt của Hồng sau bao năm không gặp

   + Xe chạy chầm chậm. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và khi trèo lên xe tôi ríu cả chân lại.

   + Mẹ tôi không còm cõi xơ xác như cô tôi nói

   + Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má

   + Hơi quần áo của mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn… thơm tho lạ thường.

- Yếu tố biểu cảm thể hiện niềm sung sướng, xúc động của hai mẹ con khi gặp lại nhau, đặc biệt là chú bé Hồng khi được nằm trong lòng mẹ

   + Tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở.

   + Hay tại sự sung sướng bỗng chốc được trông thấy cái hình hài… sung túc

   + Tôi thấy những cảm giác ấm áp… khắp da thịt

   + Phải bé lại và lăn vào lòng… êm dịu vô cùng

Yếu tố miêu tả và biểu cảm giúp cho cuộc gặp gỡ giữa Hồng và mẹ trở nên sinh động, cụ thể, hấp dẫn và cảm động hơn.◊

b. Kết luận

- Miêu tả là sử dụng ngôn ngữ làm cho người nghe (người đọc, người xem) có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.

- Biểu cảm bộc lộ những tình cảm, cảm xúc của bản thân trước sự vật, hiện tượng trong đời sống

- Miêu tả trong văn tự sự là phương tiện để làm cho sự vật, con người, sự việc trở nên rõ ràng sinh động. Miêu tả trong văn miêu tả là phương thức chính để biểu hiện sự vật, hiện tượng, con người…

- Biểu cảm trong văn tự sự cũng là phương tiện để bộc lộ cảm xúc trước nhân vật, hiện tượng, sự vật. Biểu cảm trong văn biểu cảm với mục đích chính thể hiện tình cảm, cảm xúc trước sự vật, hiện tượng.

2. Quan sát, liên tưởng tưởng tượng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự.

a. Xét ngữ liệu

Nếu có lần nằm ngoài trời suốt mấy đêm, hẳn bạn thừa biết giữa lúc chúng ta ngủ thì cả một thế giới huyền bí bừng dậy trong cảnh cô quạnh và u tịch. Lúc ấy suối reo rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, /…/ và văng vẳng trong không gian những tiếng sột soạt, những tiếng rung khe khẽ, tưởng đâu cành cây đang vươn dài và cỏ non đang mọc. Ban ngày là cuộc sống của chúng sinh còn ban đêm là cuộc sống của cây cỏ. Không quen thì dễ sợ… Cho nên tiểu thư của chúng ta cứ mỗi làn nghe thấy một tiếng động nhỏ là đã run lên và nép sát vào người tôi. Một lần, từ phía mặt đầm lấp lánh dưới kia nổi lên một tiếng kêu dài, não ruột, ngân vang rền rền tới chỗ chúng tôi ngồi. Cũng vừa lúc một vì sao rực rỡ đổi ngôi, lướt trên đầu chúng tôi về cùng một hướng đó, dường như tiếng than vãn mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng.

- Cái gì thế? – Xtê-pha-nét khe khẽ hỏi.

- Có một linh hồn lên thiên đàng, cô chủ ạ. – Nói rồi tôi làm dấu thánh.

Nàng cũng làm theo và cứ ngồi ngửa cổ như thế một lát, vẻ rất trầm ngâm. /…/

Nàng vẫn ngước mắt lên cao, tay đỡ lấy đầu, vai khoác tấm da cừu, nom nàng như chú mục đồng của nhà trời.

- Nhiều sao quá! Đẹp quá kìa! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sao như thế này. Mục đồng có biết tên các ngôi sao không?

- Dạ có, thưa cô chủ. /…/

Và trong khi tôi cố giảng cho nàng thế nào là đám cưới sao thì tôi cảm thấy như có một cái gì mát rượi và mịn màng tựa nhè nhẹ xuống vai tôi. Thì ra đầu nàng nặng trĩu vì buồn ngủ đã ngả vào tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng-ten và làn tóc mây gợn sóng. Nàng cứ ngồi yên như thế, không nhúc nhích cho đến khi ngàn sao trên trời mời dần, nhoà đi trong buổi ban mai đang rạng. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, đáy lòng hơi xao xuyến nhưng vẫn giữ được mình vì đêm sao sáng kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Quanh hai chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn; và đôi lúc, tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp ngủ…

⇒Trong văn bản trên, để miêu tả đêm sao sáng và cô gái, tác giả đã quan sát bằng mắt (thị giác), bằng tai (thính giác), bằng da thịt (xúc giác)... ; liên tưởng cô chủ nhỏ như chú mục đồng (cậu bé chăn cừu) của nhà trời; tưởng tượng ra cuộc hành trình thầm lặng của các vì sao như một đàn cừu lớn.

⇒ Cảm xúc, suy nghĩ của chàng chăn cừu (nhân vật tôi) được rút ra từ: Các hình ảnh quan sát được từ trời sao và cô bé, những liên tưởng của nhân vật tôi, hững sự vật, sự việc gây cảm xúc mạnh: Cô chủ nhỏ ngả đầu lên vai.

b. Kết luận

- Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người, bản thân, đồng thời chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng về sự vật, hiện tượng khách quan.

   + Miêu tả cần đến quan sát nhưng cũng cần đến liên tưởng, tưởng tượng, vì liên tưởng giúp cho việc so sánh, lựa chọn các chi tiết quan sát được, còn tưởng tượng giúp hình dung ra sản phẩm (hình tượng) một cách hoàn chỉnh và sáng tạo.

   + Để câu chuyện không gây cảm giác khô khan, người kể phải: Tìm xúc cảm, rung động từ sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, hồi ức; từ những sự vật, sự việc đã và đang lay động trái tim người kể.

B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ

1. Tìm yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích. Phân tích giá trị của các yếu tố đó.

Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi?

- Bán rồi? Họ vừa bắt xong.

Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:

- Thế nó cho bắt à?

Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...

Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

(Lão Hạc – Nam Cao)

Trả lời:

- Các yếu tố miêu tả và biểu cảm:

   + Miêu tả: Trông lão cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước. Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.

   + Biểu cảm: Lão cố làm ra vui vẻ, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà khóc òa lên. Tôi ái ngại cho lão

- Giá trị biểu hiện: Khắc họa nỗi đau xót, tiếc thương của lão Hạc khi phải bán đi cậu vàng. Thể hiện niềm đồng cảm, chia sẻ của ông giáo với lão Hạc.

2. Viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một lần thăm lại trường cũ.

Gợi ý:

a. Mở bài: Giới thiệu về ngôi trường cũ của mình

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh về thăm trường cũ:

   + Nhân ngày kỉ niệm 20/11 tôi về thăm trường, ôn lịa kỉ niệm xưa, thăm thầy cô thăm bạn bè

   + Tôi cảm thấy rât háo hức và mong chờ.

   + Chúng tôi cùng về chung một lớp, những ai bận có thể về sau.

   + Tôi đi trên con đường lúc nhỏ tôi vẫn đi mà sao nay khác hẳn, từng hàng rào, lối đi, đến con đường cũng có cảm giác lạ.

- Không khí ngày về thăm trường: Vô cùng nhộn nhịp. tấp nập

- Miêu tả cảnh trường: Cổng trường, sân trường, lớp học, bàn ghế . hàng cây,..

- Miêu tả về thầy cô, bạn bè: Thầy cô, bạn bè đều khác lạ, chỉ có những thầy cô trẻ còn những người thầy dạy tôi năm xưa đã về hưu, hay chỉ còn lại vài người.

- Cảm xúc của bản thân: Sung sướng, tự hào khi trường ngày một khang trang, đẹp đẽ. Bồi hồi, xúc động khi gặp lại thầy cô, bạn bè, bâng khuâng nhớ đến những kỉ niệm cũ. c. Kết bài: Suy nghĩ và cảm xúc của bản thân sau lần về thăm trường cũ