Đề tuyển 10 môn văn chuyên lê hồng phong nam định 2017-2018 có đáp án

Đề tuyển 10 môn văn chuyên lê hồng phong nam định 2017-2018 có đáp án

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề tuyển 10 môn văn chuyên lê hồng phong nam định 2017-2018 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NAM ĐỊNH Năm học: 2017-2018

Môn: Ngữ văn (chuyên)

Thời gian làm bài:150 phút.

(Đề thi gồm: 02 trang)

Phần I. Đọc - hiểu văn bản (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CỔ TÍCH VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA NGƯỜI MẸ

“Ngày xưa, khi tạo ra người mẹ đầu tiên trên thế gian, ông Trời đã làm việc miệt mài suốt sáu ngày liền, quên ăn quên ngủ mà vẫn chưa xong việc. Thấy vậy, một vị thần bèn hỏi: “Tại sao ngài lại mất quá nhiều thời giờ cho tạo vật này?”.

Ông Trời đáp: “Ngươi thấy đấy, đây là một tạo vật cực kì phức tạp gồm hai trăm bộ phận có thể thay thế nhau và cực kì bền bỉ, nhưng lại không là gỗ đá vô tri vô giác. Tạo vật này có thể sống bằng nước lã và thức ăn thừa của con nhưng lại đủ sức ôm ấp trong vòng tay nhiều đứa con một lúc. Nụ hôn của nó có thể chữa lành mọi vết thương, từ vết trầy trên đầu gối cho tới một trái tim tan nát. Ngoài ra, ta định ban cho vật này có thể có sáu đôi tay”.

Vị thần nọ ngạc nhiên: “Sáu đôi tay? Không thể tin được!”

Ông Trời đáp lại: “Thế còn ít đấy. Nếu có ba đôi mắt cũng chưa chắc đã đủ”.

– Vậy thì ngài sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về con người do chính ngài đặt ra trước đây – vị thần nói.

Ông Trời gật đầu thở dài: “Đành vậy. Sinh vật này là vật ta tâm đắc nhất trong những gì ta đã tạo ra, nên ta dành mọi sự ưu ái cho nó. Nó có một đôi mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đóng kín và biết được lũ trẻ đang làm gì. Đôi mắt thứ hai ở sau gáy để nhìn thấy mọi điều mà ai cũng nghĩ là không thể biết được. Đôi mắt thứ ba nằm trên trán để nhìn thấu ruột gan của những đứa con lầm lạc. Và đôi mắt này sẽ nói cho những đứa con đó biết rằng mẹ chúng luôn hiểu, thương yêu và sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của chúng, dù bà không hề nói ra”.

Vị thần nọ sờ vào tạo vật của ông Trời đang bỏ công cho ra đời và kêu lên: – Tại sao nó lại mềm đến thế?

Ông Trời đáp: “Vậy là người chưa biết hết. Tạo vật này rất cứng cỏi. Người không thể tưởng tượng nổi những khổ đau mà tạo vật này sẽ phải chịu đựng và những công việc mà nó phải hoàn tất trong cuộc đời.”

Vị thần dường như phát hiện ra điều gì bèn đưa tay sờ lên má người mẹ đang được ông Trời tạo ra: “Ồ, thưa ngài. Hình như ngài để rớt cái gì ở đây”.

– Không phải. Đó là những giọt nước mắt đấy – ông Trời thở dài.

– Nước mắt để làm gì, thưa ngài – vị thần hỏi.

– Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng, đau đớn, đơn độc và cả lòng tự hào, những thứ mà người mẹ nào cũng sẽ trải qua”.

(Dẫn theo: truyenngan.com.vn)

Và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định thành phần trạng ngữ trong câu văn mở đầu văn bản.

Câu 2. (0,25 điểm)

Câu văn kết thúc văn bản thuộc kiểu nào xét về cấu tạo ngữ pháp?

Câu 3. (1,25 điểm)

Chỉ ra những yếu tố thể hiện tính chất “cổ tích” của câu chuyện trong văn bản.

Câu 4. (1,0 điểm)

Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ai? Cách xây dựng nhân vật chính có gì đặc sắc?

Câu 5. (1,0 điểm)

Dụng ý của người viết khi kể chuyện “Cổ tích về sự ra đời của người mẹ”.

Phần II. Tập làm văn (6,0 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Lấy “Đôi mắt mẹ” làm tựa đề, viết đoạn văn nghị luận (dài không quá 1/2 trang giấy thi). Câu 2. (4,5 điểm)

“… Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”.

(Ra-xun Gam-da-tốp) Em hiểu ý kiến trên như thế nào?

Phân tích bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) làm sáng tỏ ý kiến ấy.

---------HẾT---------

Họ và tên thí sinh:………………………….. Họ tên, chữ ký GT 1:………………………

Số báo danh:……………………………….. Họ tên, chữ ký GT 2:……………….....…...

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

Năm học: 2017-2018 Môn: Ngữ văn (chuyên)

Thời gian làm bài: 150 phút.

Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Câu 1. Xác định thành phần trạng ngữ trong câu văn mở đầu văn bản. (0,5 điểm) Thành phần trạng ngữ trong câu văn mở đầu văn bản: Ngày xưa khi tạo ra người mẹ đầu tiên. HS nêu đúng 1 trạng ngữ cho 0,25 điểm.

Câu 2. Câu văn kết thúc văn bản thuộc kiểu nào xét về cấu tạo ngữ pháp? (0,25 điểm) Câu văn kết thúc văn bản thuộc kiểu câu rút gọn.

Câu 3. Chỉ ra những yếu tố thể hiện tính chất “cổ tích” của câu chuyện trong văn bản. (1,25 điểm) Những yếu tố thể hiện tính chất “cổ tích” của câu chuyện trong văn bản.

Yếu tố 1: Cách đặt nhan đề; cách mở đầu bằng “Ngày xưa”;

Yếu tố 2: Nhân vật: ông Trời, vị thần; người mẹ có 200 bộ phận có thể thay thế nhau, có 6 đôi tay, 3 đôi mắt,…

Yếu tố 3: Cốt truyện: nói về sự ra đời của người mẹ đầu tiên trên thế gian do ông

Trời tạo ra trong suốt 6 ngày quên ăn quên ngủ.

Yếu tố 4: Chi tiết tạo vật – người mẹ, có thể sống bằng nước lã và thức ăn thừa của con, nhưng đủ sức ôm ấp trong tay nhiều đứa con một lúc; nụ hôn; đôi mắt,Cách chấm điểm:

Mức 1: nêu đúng từ 3 đến 4 yếu tố trên hoặc nêu 4 yếu tố nhưng không đầy đủ, được 1,25 điểm.

Mức 2: nêu đúng 2 yếu tố trên hoặc nêu 3 yếu tố nhưng không đầy đủ, được 1,0 điểm. Mức 3: nêu đúng 1 trong các yếu tố 2,3,4 hoặc nêu 2 yếu tố trên nhưng không đầy đủ, được 0,75 điểm.

Mức 4: nêu đúng yếu tố 1 hoặc nêu đúng nhưng không đầy đủ 1 trong các yếu tố 2,3,4 được 0,5 điểm.

Mức 5: không trả lời hoặc sai hoàn toàn được 0 điểm.

Câu 4. Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ai? Cách xây dựng nhân vật chính có gì đặc sắc? (1,0 điểm)

Ý 1: Nhân vật chính trong câu chuyện trên là người mẹ. (0,25 điểm)

Ý 2: Cách xây dựng nhân vật chính đặc sắc ở chỗ: người mẹ được khắc họa gián tiếp thông qua cuộc trò chuyện của ông Trời và vị thần (0,25 điểm); bằng các chi tiết, hình ảnh có tính chất hoang đường, không có thực, giàu ý nghĩa biểu tượng (về ngoại hình, về tính cách, phẩm chất), ví dụ như “nụ hôn”, “đôi mắt”, “giọt nước mắt”… (0,5 điểm).

Ý 2 cho điểm như sau:

Mức 1: nêu đúng và đầy đủ như trên được tối đa 1,75 điểm. Mức 2: nêu đúng nhưng không đầy đủ được từ 0,25 đến 0,75 điểm.

Mức 3: không trả lời hoặc sai hoàn toàn được 0 điểm.

Câu 5. Dụng ý của người viết khi kể chuyện “Cổ tích về sự ra đời của người mẹ”. (1,0 điểm) Ý 1: Thể hiện thái độ, tình cảm của người viết: ca ngợi, tôn vinh hoặc lí giải một cách thú vị … về người mẹ (0,25 điểm)

Ý 2: Thể hiện sự vĩ đại của người mẹ: sức chịu đựng phi thường; lòng yêu thương, vị tha cao cả, đức hi sinh; sự thấu hiểu, sự trải đời và lòng bao dung vô hạn; nghị lực cứng cỏi, tâm hồn dịu dàng, đa cảm... (0,75 điểm). Ý 2 cho điểm như sau:

Mức 1: nêu đúng từ 3 đến 4 ý nhỏ hoặc nêu không đầy đủ 4 ý như trên được tối đa 0,75 điểm.

Mức 2: nêu đúng 2 ý nhỏ hoặc nêu không đầy đủ 3 ý như trên được 0,5 điểm.

Mức 3: nêu đúng 1 ý nhỏ hoặc nêu không đầy đủ 2 ý như trên được 0,25 điểm. Mức 4: không trả lời hoặc sai hoàn toàn được 0 điểm.

Phần II. (6,0 điểm)

Câu 1: 1,5 điểm

Lấy “Đôi mắt mẹ” làm tựa đề, viết đoạn văn nghị luận (dài không quá 1/2 trang giấy thi).

Yêu cầu chung: Đây là câu hỏi mở (có nhiều phương án trả lời), kết nối kĩ năng tạo lập đoạn với kĩ năng đọc hiểu, gắn với trải nghiệm của cá nhân; đòi hỏi HS biết tích hợp kiến thức đọc hiểu trong phần I, để viết đoạn văn nghị luận xã hội có chủ đề “Đôi mắt mẹ”. “Đôi mắt” có thể hiểu nghĩa thực và nghĩa bóng: cái nhìn, quan điểm của mẹ; tâm hồn, tình cảm của mẹ (tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự tinh tế của người mẹ - như trong một đoạn của văn bản phần đọc hiểu đã nói). HS có thể kết hợp nghị luận với các phương thức biểu đạt khác (tự sự, miêu tả, biểu cảm,…) một cách phù hợp, hiệu quả nhưng phương thức biểu đạt chính phải là nghị luận (nêu ý kiến, luận bàn về đôi mắt mẹ; khác với miêu tả vẻ đẹp đôi mắt hoặc nêu cảm xúc về đôi mắt của mẹ). Câu hỏi này có khả năng phát hiện HS có năng lực cảm xúc, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Cụ thể:

- Nêu được ý kiến rõ ràng về “Đôi mắt mẹ”; có lập luận thuyết phục. (0,75 điểm) HS có thể triển khai đoạn văn theo một trong những hướng sau hoặc theo cách khác nhưng cần đảm bảo nêu được ý kiến và biết dùng thao tác chứng minh, giải thích, hoặc phân tích… để lập luận:

+ Trong mắt mẹ, con dù lớn vẫn thấy mình bé bỏng.

+ Hạnh phúc lớn nhất của người con là mỗi bước đi đều có đôi mắt mẹ dõi nhìn…

+ Nhìn vào đôi mắt mẹ mỗi người con đều nhận ra…

- Đảm bảo hình thức đoạn văn (các câu liên kết với nhau cùng làm rõ chủ đề “Đôi mắt mẹ”; chữ đầu tiên của đoạn thụt vào đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu, không xuống dòng); dung lượng không quá 1/2 trang giấy thi. (0,5 điểm).

- Diễn đạt lưu loát, không mắc hoặc chỉ mắc 1 đến 2 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

(0,25 điểm). Cách cho điểm:

Mức 1: đảm bảo tốt hoặc tương đối tốt các yêu cầu nêu trên nhưng có sáng tạo, văn cảm xúc được tối đa 1,5 điểm.

Mức 2: đảm bảo là một đoạn văn nghị luận có chủ đề “Đôi mắt mẹ”, nhưng ý còn nghèo, lập luận chưa thuyết phục hoặc diễn đạt lủng củng, mắc hơn 2 lỗi chính tả, dùng từ đặt câu, được 1,0->1,25.

Mức 3: viết lại ý của đoạn văn về đôi mắt mẹ trong văn bản phần đọc hiểu bằng ngôn ngữ của mình, được 0,75 điểm.

Mức 4: về cơ bản nhắc lại gần như nguyên văn, có thay đổi một số từ ngữ đoạn văn về đôi mắt mẹ trong văn bản phần đọc hiểu, cho 0,25->0,5 điểm.

Mức 5: đoạn văn không phải là nghị luận hoặc lạc chủ đề cho 0 điểm.

Câu 2: 4,5 điểm

“… Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”.

(Ra-xun Gam-da-tốp)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào?

Phân tích bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) làm sáng tỏ ý kiến ấy.

Yêu cầu về nội dung: 4,0 điểm

Ý 1: Trình bày ý hiểu về ý kiến: (chỉ yêu cầu HS trả lời câu hỏi nghĩa là gì, không yêu cầu giải thích vì sao). (0,5 điểm)

- Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn: điều cốt lõi, cơ bản đầu tiên tạo nên giá trị của tác phẩm chính là hiện thực cuộc sống khách quan được phản ánh một cách trung thực, sinh động đúng như chúng vốn có, nên có, bằng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. (0,25 điểm)

- Muốn vậy người nghệ sĩ “cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình” (thể hiện được không khí, hơi thở của thời đại mình) miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo (phản ánh chính xác, khách quan bằng những hình ảnh tự nhiên, chân thực, có sức lôi cuốn). (0,25 điểm)

HS có thể diễn đạt cách khác nhưng cần hiểu đúng tinh thần của câu nói: đề cập tới tiêu chuẩn đầu tiên, thước đo giá trị của bất kì tác phẩm nào phải là sự phản ánh trung thực, khách quan, chính xác hiện thực cuộc sống, một cách nghệ thuật.

HS nêu được một trong 2 ý hoặc nói cả 2 ý nhưng chưa mạch lạc, rõ ràng, đầy đủ cho 0,25 điểm.

Ý 2: Phân tích “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu làm sáng tỏ ý kiến: (3,0 điểm) Có thể trình bày nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: - Giới thiệu: (0,5 điểm)

+ Tác giả (0,25 điểm): Chính Hữu (1926-2007) tên khai sinh là Trần Đình Đắc, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; gia nhập Trung đoàn thủ đô năm 1946 và hoạt động trong quân đội suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Thơ ông hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh;

+ Hoàn cảnh sáng tác (0,25 điểm): Chính Hữu là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô, cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc. Khi ấy, bộ đội ta còn hết sức thiếu thốn; nhưng nhờ tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và tình đồng đội, họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng. Sau chiến dịch Việt Bắc, Chính Hữu viết bài thơ “Đồng chí” vào đầu năm 1948, tại nơi ông nằm điều trị bệnh.

- Chân lí được khắc họa trong bài thơ “Đồng chí” một cách trung thực, bằng tất cả tài nghệ của nhà thơ; ông đã hát đúng giai điệu của thời đại mình bằng những hình ảnh trung thực, hấp dẫn, không một chút giả tạo: (2,5 điểm)

+ Chân lí đó trước hết là hiện thực cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, khó khăn, thiếu thốn của người lính thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (thông qua những hình ảnh chân thực, sinh động, chọn lọc: “đêm rét chung chăn, sốt run người, áo anh rách vai, quần tôi vài mảnh vá, chân không giày, rừng hoang sương muối”) (0,5 điểm)

+ Chân lí sâu sắc, cảm động hơn cả chính là vẻ đẹp tình đồng chí đồng đội của những người lính (1,75 điểm):

@ phân tích cơ sở của tình đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá; từ chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu Súng bên súng, đầu sát bên đầu; đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới, sự sẻ chia mọi gian lao cũng như niềm vui, mối tình tri kỉ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ…(0,5 điểm);

@ phân tích những biểu hiện cụ thể cảm động của tình đồng chí như sự cảm thông sâu xa những nỗi lòng, tâm tư của nhau Ruộng nương anh…nhớ người ra lính, đồng cam cộng khổ: Áo anh…không giày, Anh với tôi biết từng cơn ớn

lạnh…, sự gắn bó sâu nặng Thương nhau…bàn tay (0,75 điểm);

@ phân tích sức mạnh của tình đồng đội qua 3 câu cuối bài thơ (0,5 điểm).

+ Tài nghệ của tác giả bài thơ “Đồng chí” trong việc khắc họa chân lí cuộc sống, con người, thời đại những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vĩ đại của dân tộc Việt Nam, không chỉ tập trung ở cách xây dựng hình ảnh thơ tự nhiên, chân thực, giản dị (phân tích trong các ý trên) mà còn ở cách lựa chọn thể thơ tự do, cách cấu trúc bài thơ một cách sáng tạo (từ đồng chí vừa làm nhan đề, vừa làm một dòng thơ riêng biệt trong bải, như bản lề đóng mở hai nửa bài thơ)… (0,25 điểm) Lưu ý:

HS không có ý thức định hướng mà phân tích đầy đủ giá trị nội dung nghệ thuật của bài thơ, cho tối đa 2,0 điểm ở ý 2. Ý 3: Đánh giá (0,5 điểm)

- Ý kiến của Ra-xun Gam-da-tốp đề cập đến vấn đề cốt tủy của văn chương đó là tính chân thực và tính nghệ thuật: văn học trước hết phải là tấm gương trung thành soi chiếu con người và thời đại mà nó ra đời. Bởi vì văn học nghệ thuật bao giờ cũng bắt rễ từ đời sống hàng ngày, lấy vật liệu thực trong cuộc sống xung quanh (ý Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói văn nghệ). Để tác phẩm hấp dẫn được bạn đọc, nhà văn nhất thiết phải có tài năng, phải thể hiện linh hồn của thời đại mình bằng hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo. Và xây dựng những hình ảnh tự nhiên, chân thực, không giả tạo chính là một phương diện thể hiện tài nghệ của người viết, bên cạnh những phương diện khác: cách xây dựng kết cấu, tạo thi tứ, tình huống, chi tiết, sử dụng ngôn từ, thể loại,… (0,25 điểm)

- Liên hệ mở rộng để khẳng định bài thơ “Đồng chí” thực sự là một minh chứng tiêu biểu cho ý kiến của Ra-xun Gam-da-tốp: người lính là một đề tài quen thuộc, nhưng sở dĩ bài “Đồng chí” có sức sống lâu bền, trước hết là bởi bài thơ đã hát đúng giai điệu của buổi đầu, ngay sau ngày lập nước, quân đội Việt Nam vô cùng non trẻ, thiếu thốn mọi mặt; họ nghèo nàn về quân trang quan bị, nhu yếu phẩm nhưng giàu tình đồng chí, giàu nhiệt huyết cứu nước và tinh thần vượt khó, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Cùng với “Đồng chí” có “Ngày về” (Chính Hữu), “Cá nước, Phá đường” (Tố Hữu), “Đèo Cả” (Hữu Loan), “Tây Tiến” (Quang Dũng)… nhưng bài thơ “Đồng chí” quả đúng như Ra-xun Gam-da-tốp nói, đạt thành công nổi bật về nghệ thuật xây dựng hình ảnh chân thực, tự nhiên, hấp dẫn – như bứng ra từ cuộc sống, tươi ròng chất nhựa cuộc đời; nhưng không vì thế mà thô ráp, thiếu đi chất thơ, ngược lại vẫn giàu sức gợi, sức biểu cảm, đạt đến độ hàm súc, mang tính biểu tượng. Đó là kết tinh của những cảm xúc mãnh liệt, chân thành, sâu lắng, nảy nở trong quá trình trải nghiệm cuộc sống chiến đấu của một người chiến sĩ thực thụ; được thăng hoa bởi một tài nghệ đích thực trong văn chương. (0,25 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng tạo lập văn bản: 0,5 điểm

- Vận dụng tốt các thao tác nghị luận như giải thích, phân tích, chứng minh,… trong bài văn nghị luận văn học; trích dẫn thơ chính xác. (0,25 điểm)

- Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần (lưu ý: mở bài cần trích dẫn câu nói của Ra-xun

Gam-da-tốp và bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu); trình bày sạch sẽ; diễn đạt lưu loát, không sai hoặc chỉ sai dưới 3 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25 điểm) Cách cho điểm:

• Điểm từ 4,0 ->4,5: Đảm bảo đầy đủ hoặc chưa thật đầy đủ các yêu cầu nêu trên nhưng có ý sâu sắc; văn viết mạch lạc, cảm xúc, có hình ảnh.

• Điểm từ 3,0 -> dưới 4,0: Đảm bảo tương đối đầy đủ các yêu cầu trên; phân tích bài thơ “Đồng chí” chưa thật thuyết phục, nhưng có ý kiến đánh giá đúng dù chưa thật sâu sắc.

• Điểm 2,0 -> dưới 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên ở mức độ sơ sài, chưa biết phân tích định hướng bài thơ “Đồng chí”; chưa biết đánh giá; văn còn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

• Điểm dưới 2,0: Chưa hiểu đúng ý kiến của Ra-xun Gam-da-tốp; phân tích bài thơ “Đồng chí” một cách chung chung, thiếu thuyết phục; văn viết sai nhiều lỗi, trình bày cẩu thả.

Lưu ý chung:

- Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.

- Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn.

Hết