Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN
ĐỀ CHÍNH THỨC |
Môn thi: Ngữ văn (chuyên) Thời gian làm bài:150 phút.
(Đề thi gồm: 02 trang)
Phần I. Đọc - hiểu văn bản (4,0 điểm) Đọc văn bản sau:
“Người ta bảo ở bên Pa - le - xtin có hai biển hồ… Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Ga - li - lê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này.
Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc - đăng. Nước sông Gioóc - đăng chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Ga - li - lê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc - đăng rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người.”
(Trích “Quà tặng cuộc sống”, SGK Ngữ văn 7, tập 2, NXBGD, 2008) Trả lời các câu hỏi dưới đây:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, điểm giống nhau và khác nhau giữa biển Ga - li - lê và biển Chết là gì?
Câu 3 (1,25 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong văn bản?
Câu 4 (0,75 điểm). Theo anh/ chị, đâu là điểm gặp gỡ về lẽ sống như đời sống của biển Ga - li - lê và lẽ sống của nhân vật trữ tình trong khổ thơ sau:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD, 2007)
Câu 5 (1,0 điểm). Hãy rút ra và ghi lại thông điệp từ văn bản trên bằng một câu văn. Viết tiếp 3 câu để lí giải thông điệp mà anh/ chị vừa rút ra.
Phần II. Tập làm văn (6,0 điểm)
Câu 1 (1,5 điểm).
Từ thông điệp của văn bản đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (không quá 01 trang giấy thi) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến: “Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi hé mở thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng ban trao, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng”.
Câu 2 (4,5 điểm).
“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.
(Trích Ý nghĩa văn chương, SGK Ngữ văn 7, tập 2, NXBGD, 2008) Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào?
Làm sáng tỏ ý hiểu của bản thân qua việc cảm nhận nhân vật Nhĩ trong tác phẩm Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu.
---------HẾT---------
Họ và tên thí sinh:……………… Số báo danh:…………………… | Họ tên, chữ ký GT 1:…………………… Họ tên, chữ ký GT 2:…………………… |
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN
Năm học: 2018 - 2019
Môn: Ngữ văn (chuyên)
Thời gian làm bài: 150 phút.
Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)
Câu 1. Trả lời: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự (0,5 điểm)
Câu 2. Trả lời (0,5 điểm)
- Giống nhau: cùng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc - đăng. (0,25 điểm)
- Khác nhau: (0,25 điểm)
+ Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình, nên nước trong biển Chết không có sự sống.
+ Biển Ga - li - lê đón nhận và chia cho hồ, sông, nên nước luôn sạch trong và đầy sự sống.
* Lưu ý: Nếu HS chỉ trả lời được 1 ý của điểm khác nhau thì không cho điểm
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của nghệ thuật nhân hóa (1,25 điểm)
- Ý 1: Chỉ ra nghệ thuật nhân hóa: Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nguồn nước; Biển hồ Ga - li - lê đón nhận nguồn nước… ( 0,5 điểm)
- Ý 2: Tác dụng: (0,75 điểm)
+ Làm nổi bật sự khác biệt về đời sống của biển Ga - li - lê và biển Chết, nhấn mạnh về hai cách sống trái ngược nhau của con người: lẽ sống biết sẻ chia, yêu thương như biển Ga - li - lê và lối sống ích kỉ như biển Chết.
+ Chuyển tải thông điệp của tác giả về lẽ sống: Hãy sống biết trao gửi yêu thương, biết cho đi thì sẽ hạnh phúc; ngược lại, lối sống ích kỉ sẽ giết chết con người. + Làm cho cách diễn đạt giàu hình ảnh, sinh động.
* Lưu ý: Ở ý 2, mỗi ý: 0,25 điểm
Câu 4. Điểm gặp gỡ về lẽ sống như đời sống của biển Ga - li - lê và lẽ sống của nhân vật trữ tình trong khổ thơ của Thanh Hải (0,75 điểm) - Lẽ sống cống hiến, trao gửi yêu thương.
+ Biển Ga - li - lê: chia sẻ, bao trao cho những dòng sông nhỏ để làm giàu đời sống của mình. + Nhân vật trữ tình: khao khát hòa nhập và hiến dâng một cách lặng thầm, tự nguyện tuổi trẻ và những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
* Lưu ý: Nếu HS chỉ nói được ý khái quát, không chỉ ra ý nhỏ thì cho: 0,25 điểm
Câu 5. (1,0 điểm)
- HS biết rút ra thông điệp hợp lí và viết dưới dạng một câu văn: (VD: Lối sống cao thượng;
Cần biết cho đi và nhận lại; Bài học về lẽ sống đẹp; Cái giá của sự ích kỉ….) ( 0,5 điểm)
- Viết tiếp 3 câu lí giải ý của câu văn trước một cách hợp lí. ( 0,5 điểm)
* Lưu ý: Nếu viết được 1 đến 2 câu hợp lí thì cho: 0, 25 điểm
Phần II (6,0 điểm).
Câu 1(1,5 điểm). Từ thông điệp của văn bản đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (không quá 01 trang giấy thi) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến: “Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi hé mở thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng ban trao, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng”.
* Yêu cầu về kĩ năng: Có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội bàn về lối sống biết sẻ chia yêu thương với lập luận rõ ràng, ý tứ phong phú, hợp lí, diễn đạt trôi chảy, có giọng điệu; Có ý thức liên hệ với gợi ý của văn bản ở phần đọc hiểu, kết hợp với những trải nghiệm cá nhân.
* Yêu cầu về kiến thức:
+ Giải thích (0,25 điểm): Bằng cách nói hình ảnh, ý kiến khẳng định giá trị của sự cho đi, chia sẻ yêu thương, từ đó, đề nghị một lẽ sống đẹp của con người giữa cuộc đời.
+ Bày tỏ suy nghĩ của bản thân (0,75 điểm): Chấp nhận những suy nghĩ khác nhau của thí sinh, song phải là những suy nghĩ tích cực, có sức thuyết phục. Sau đây là một đề xuất:
@ Cuộc sống là một quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng, các mối quan hệ được thiết lập tốt đẹp hơn như đời sống biển Ga - li – lê.
@ Sống biết cho nhiều hơn là nhận, sống biết sẻ chia yêu thương sẽ làm cho tâm hồn của cả người ban trao và người đón nhận hạnh phúc.
@ Có nhiều mức độ của sự ban trao: chia sẻ, thấu hiểu, cống hiến, hi sinh…
+ Mở rộng (0,25 điểm):
@ Trao tặng cho ai điều gì đã là đáng quý nhưng cái đáng trọng hơn còn là cách trao tặng.
@ Phê phán những người chỉ giữ cho riêng mình hoặc những kẻ thờ ơ trước sự trao tặng hay kẻ thụ động đón nhận sự trao tặng để làm đầy cuộc sống của bản thân.
+ Bài học (0,25 điểm): Cần biết trân trọng giá trị của những điều mà mình đón nhận được cũng như luôn phải biết cho đi để cuộc sống tràn đầy tình yêu thương. Cách cho điểm:
- Điểm 1,25 -> 1,5: Bài làm có sức thuyết phục cao với lí lẽ và dẫn chứng phong phú, lập luận chặt chẽ, diễn đạt có giọng điệu.
- Điểm 0,75 -> 1,0: Bài làm có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý lập luận, diễn đạt rõ, có mắc một vài lỗi chính tả.
- Điểm 0,25 – 0,5: Bài làm đảm bảo cấu trúc đoạn, có triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý tứ còn hạn chế, lập luận chưa thực sự thuyết phục, còn có một và lỗi chính tả.
- Điểm dưới 0,25 điểm: Bài làm còn nhiều hạn chế về ý tứ, lập luận.
- Mắc lỗi về hình thức đoạn văn: trừ 0,25 điểm
Câu 2 (4,5 điểm). “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”. (Trích Ý nghĩa văn chương, SGK Ngữ văn 7, tập 2, NXB GD ). Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ ý hiểu của bản thân qua việc cảm nhận nhân vật Nhĩ trong tác phẩm Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu.
* Yêu cầu về kĩ năng: Có kĩ năng xác định yêu cầu của đề; cách làm kiểu bài nghị luận văn học; phân tích tác phẩm có định hướng; diễn đạt trôi chảy, có giọng điệu.
* Yêu cầu về kiến thức: Đảm bảo các ý sau:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,25 điểm): HS giới thiệu được vấn đề cần nghị luận: chức năng và giá trị của văn học; dẫn ý kiến của Hoài Thanh và giới thiệu về nhân vật, tác phẩm.
Giải thích ý kiến (0,75 điểm)
- Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có: tức là tác phẩm văn chương có khả năng gieo mầm những tình cảm mới trong tâm hồn con người khi tiếp cận tác phẩm; Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có: tức là chính văn chương sẽ giúp cho những tình cảm trong tâm hồn con người trở nên đẹp hơn, tinh hơn, sâu sắc và bền vững hơn.
- Vấn đề đặt ra từ nhận định đề cập tới giá trị và chức năng của văn học. Văn chương không chỉ gieo trên mảnh đất tâm hồn những mầm giống mới mà chính văn chương đã giúp đời cây tình cảm xanh hơn, đơm hoa kết trái.
- Ý kiến của Hoài Thanh đã đề cập đến vấn đề cơ bản của văn chương đó là giá trị và chức năng của văn học. Bởi mỗi tác phẩm văn học đưa độc giả tới những chân trời mới với những cuộc đời, số phận mới, đem lại cho ta những tình cảm mới mà ta chưa gặp trong đời. Văn chương đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả. Văn chương vừa phản ánh cuộc sống ở vẻ bề ngoài vừa khám phá chiều sâu, phát hiện ra giá trị thẩm mỹ để nâng con người lên, “có khả năng thanh lọc, thanh tẩy” (Arixtot) tâm hồn con người.
Chứng minh qua việc cảm nhận về nhân vật Nhĩ trong tác phẩm Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu. (2,75 điểm)
Chấp nhận các cách triển khai khác nhau, song thí sinh cần đạt được các ý sau:
- Ý 1: (0,25 điểm) Khái quát chung:
+ Nguyễn Minh Châu là một trong số những “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của nền văn học Việt Nam hiện đại. Hàng loạt những truyện ngắn của ông thể hiện sự trăn trở, day dứt về thế sự, về con người thời hậu chiến để vươn tới giá trị nhân bản bền vững. + Tác phẩm Bến quê (1985) chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, đã làm thức tỉnh ở người đọc sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương qua nhân vật trung tâm Nhĩ. - Ý 2: (2,5 điểm) Cảm nhận nhân vật Nhĩ để làm sáng tỏ ý kiến:
+ Tác phẩm đã khơi dậy và làm bền vững hơn những hạt ngọc ẩn tiềm trong tâm hồn mỗi người: tình cảm gia đình, quê hương, cuộc sống qua cảm xúc của nhân vật Nhĩ. (1,5 điểm)
@ Bối cảnh nảy sinh cảm xúc: Suốt đời Nhĩ đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, nhưng những ngày cuối đời bị cột chặt vào chiếc giường bệnh, Nhĩ đã ân hận, xót xa và bừng tỉnh nhận ra bao điều giản dị mà thiêng liêng.
@ Tình cảm với quê hương qua cảm nhận của Nhĩ về vẻ đẹp của cảnh vật nơi bến quê: Phân tích hình ảnh: màu sắc của những bông bằng băng cuối mùa, của bầu trời thu, của dòng sông Hồng, vẻ trù phú của bãi bồi bên kia sông… để thấy một “chân trời gần gũi” mà “xa lắc” vì Nhĩ chưa hề bao giờ đi đến.
@ Tình cảm với gia đình qua cảm nhận của Nhĩ về vợ, về con trai. Phân tích chi tiết: tấm áo, lời nói cử chỉ, hành động của vợ Nhĩ; hành động chăm sóc bố của Tuấn, cảm nhận về con của Nhĩ… để thấy nhận thức của nhân vật về người vợ tảo tần, thầm lặng hi sinh vì chồng, tình yêu con của Nhĩ.
@ Tình cảm với những người xung quanh qua cảm nhận của Nhĩ về những đứa trẻ ngoan ngoãn và sự thăm hỏi động viên của cụ Khuyến.
@ Tình cảm với cuộc đời qua cảm nhận của Nhĩ về thời gian đời người ngắn ngủi và khát khao được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông. Phân tích hình ảnh: màu sắc hoa bằng lăng, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, thái độ miễn cưỡng và hành động xem phá cờ thế của cậu con trai… để thấy được cuộc sống có biết bao điều bình dị mà “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.
+ Tác phẩm đã lay thức ở người đọc những triết lí muôn thuở về quê hương, gia đình, cuộc sống, đời người qua những chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ. (0,75 điểm)
@ Phải biết trân qúi gia đình với những người thân yêu. Bởi gia đình là bến đỗ bình yên của mỗi con người.
@ Phải biết trân trọng những cảnh vật quê hương thân thuộc vì đó là máu thịt, tâm hồn của mỗi chúng ta.
@ Phải luôn biết gìn giữ những giá trị bền vững, bình thường và sâu sắc của cuộc sống.
@ Đời người ngắn ngủi biết bao, đừng sa vào những điều vòng vèo, chùng chình để hướng tới những giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi và bền vững của cuộc sống.
+ Nghệ thuật (0,25 điểm): Những tình cảm của nhân vật được tác giả thể hiện bằng một nghệ thuật viết văn già dặn: sáng tạo tình huống nghịch lý giàu giá trị nhận thức để nhân vật có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về bản thân, con người, cuộc sống; Những diễn biến tâm lí của nhân vật được thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, lời nói, qua cái nhìn của nhân vật trước ngoại cảnh; sử dụng nhiều hình ảnh và chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng…
* Lưu ý: Ở ý 2, nếu HS chỉ phân tích nhân vật Nhĩ thì cho 2/3 số điểm: 1,75 điểm.
Đánh giá, mở rộng (0,5 điểm)
- Tác phẩm Bến quê là một minh chứng cho ý kiến của Hoài Thanh: văn chương làm đẹp thêm tình người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Bằng việc lựa chọn tình huống nghịch lí, sử dụng những hình ảnh biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, nhà văn không chỉ đem đến cho người đọc chất ngọc tâm hồn mà còn làm cho thứ ngọc sẵn có của tâm hồn trở thành bảo ngọc. Tác phẩm như là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi người: hãy biết thương yêu, hãy biết chia sẽ, hãy biết nâng niu những gì mình đang có.
- Ý kiến của Hoài Thanh có ý nghĩa với cả người sáng tác và người tiếp nhận. Muốn văn chương có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, nhà văn không chỉ có tài mà cần có một “tấm lòng nhân đạo từ trong cốt tủy”.
- Cách cho điểm:
- Điểm từ 4,0 -> 4,5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên; có kĩ năng giải thích tốt; phân tích tác phẩm có định hướng, có chiều sâu; văn viết có giọng điệu; làm chủ được bài viết.
- Điểm từ 3,0 -> dưới 4,0: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên; có kĩ năng giải thích; hiểu và phân tích tác phẩm có định hướng; diễn đạt mạch lạc.
- Điểm 2,0 -> dưới 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên ở mức độ sơ sài, chưa biết phân tích định hướng hình tượng Nhĩ; chưa biết đánh giá; văn còn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
- Điểm 1,0 -> 1,75: Không hiểu ý kiến; không phân tích nhân vật, văn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm dưới 1,0: Không làm bài hoặc lạc đề.
- Lưu ý chung:
- Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.
- Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn.
Hết
Xem thêm các bài tiếp theo bên dưới