Quan hệ từ

Quan hệ từ

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Quan hệ từ

I. Kiến thức cơ bản

Quan hệ từ dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ như sở hữu, so sánh, nhân quả,… giữa các bộ phận của câu hay giữa câu với câu trong đoạn văn

- Khi nói hoặc viết có những trường hợp bắt buộc sử dụng quan hệ từ, nếu không có quan hệ từ câu văn sẽ đổi nghĩa hoặc không rõ nghĩa.

   + Một số quan hệ từ được sử dụng thành cặp

- Một số lỗi thường mắc khi sử dụng quan hệ từ như:

   + Thiếu quan hệ từ;

   + Dùng quan hệ từ không thích hợp về nghĩa

   + Thừa quan hệ từ

   + Dùng quan hệ từ không có tác dụng liên kết

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Em hãy tìm các quan hệ từ được sử dụng trong đoạn trích sau:

Chúng tôi leo lên dốc đồn Cô Tô hỏi thăm sức khỏe anh em bộ binh và hải quân cùng đóng sát nhau trong cái đồn khố xanh cũ ấy. Trèo lên nóc đồn, nhìn bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm toàn cảnh đảo Cô Tô. Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.

Gợi ý trả lời

Các quan hệ từ được sử dụng trong đoạn trích trên:

Và, trong, mà, càng, như, ở

Bài 2: Thay những quan hệ từ dùng sai trong các ví dụ dưới đây bằng các quan hệ từ khác:

a, Tuy có tài đến mấy không có đức nhưng cũng không được sử dụng.

b, An là học sinh giỏi toàn diện. Càng giỏi về môn Toán, An càng giỏi về môn Văn.

c, Không nên đánh giá con người qua bề ngoài hình thức mà nên đánh giá con người bằng những hành động, cử chỉ, cách đối xử của họ.

Gợi ý trả lời

Các quan hệ từ dùng sai:

a, Sai cặp quan hệ từ tuy… nhưng.

- Dù có tài đến mấy không có đức cũng không được sử dụng.

b, Sai quan hệ từ càng…càng… Sửa lại:

- An là học sinh giỏi toàn diện. Vừa giỏi về môn Toán, An lại vừa giỏi về môn Văn.

c, Sai quan hệ từ bằng. Sửa lại:

- Không nên đánh giá con người qua bề ngoài hình thức mà nên đánh giá con người qua những hành động, cử chỉ, cách đối xử của họ.

Bài 3: Viết đoạn văn ngắn có sử dụng quan hệ từ (gạch chân dưới các quan hệ từ trong đoạn văn đó.

Gợi ý trả lời

Tình yêu thiên nhiên luôn là đề tài bất hủ trong các sáng tác của thi nhân, văn nhân. Họ bằng lăng kính nghệ thuật của mình thổi vào những trang thơ, trang văn đầy ắp những khung cảnh thơ mộng, kiều diễm của thiên nhiên, tạo hóa. Chẳng những thế, tình yêu thiên nhiên giúp họ gần gũi với thiên nhiên hơn, sống thanh thản và nhẹ nhàng hơn trong cuộc đời vốn nhiều đa đoan này. Nhiều tác phẩm trở nên bất hủ như Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu…đằng sau những bài thơ đó là khát vọng hòa nhập với thiên nhiên, vào cuộc sống, đồng thời qua đó cũng gửi gắm tâm tư, tình cảm, những chiêm nghiệm về cuộc đời.

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Quan hệ từ là gì?

A. Dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ như sở hữu, so sánh, nhân quả… giữa các bộ phận của câu, hay giữa câu với câu trong đoạn văn

B. Từ dùng để bổ sung ý nghĩa cho động từ và tính từ

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 2. Dòng nào có sử dụng quan hệ từ?

A. Vừa trắng lại vừa tròn B. Bảy nổi ba chìm

C. Tay kẻ nặn D. Giữ tấm lòng son

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

→ Quan hệ từ “lại”

Câu 3. Quan hệ từ “hơn” trong câu sau biểu thị ý nghĩa quan hệ gì?

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

A. Sở hữu B. So sánh

C. Nhân quả D. Điều kiện

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 4. Đặt câu với các cặp quan hệ từ sau:

A. Nếu… thì… B. Càng… càng…

C. Tuy… nhưng… D. Bởi… nên…

Hướng dẫn giải:

A. Nếu thời gian quay trở lại thì tôi sẽ không làm bạn ấy buồn lòng.

B. Càng lúc trời càng mưa lớn

C. Tuy cuộc sống này có nhiều điều khó khăn, vất vả nhưng chúng ta vẫn có bạn bè, người thân bên cạnh cùng chia sẻ, giúp đỡ.

D. Bởi nó không chịu học nên nó thi trượt kì thi cuối kì.

Câu 5. Trong câu “Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi” sử dụng quan hệ từ nào?

A. Nếu B. Cả

C. Vào D. Nếu… thì…

Hướng dẫn giải:

Đáp án D