Điệp ngữ

Điệp ngữ

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Điệp ngữ

I. Kiến thức cơ bản

- Khi nói hoặc viết, người ta sử dụng biện pháp lặp lại từ ngữ để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh được gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ

- Có nhiều dạng: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp

II. Bài tập vận dụng

Tìm điệp ngữ trong các đoạn trích dưới đây và cho biết tác dụng:

a,

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

b,

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu, rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

c,

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Gợi ý trả lời:

- Điệp ngữ “nghe” được lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích thể hiện sự âm vang của tiếng gà khiến người lính trở về miền kí ức của tuổi thơ.

- Điệp ngữ “nhớ” nhấn mạnh nỗi nhớ về Việt Bắc- căn cứ cách mạng một thời của những người lính chiến đấu.

- Điệp ngữ “muốn làm” diễn tả nguyện vọng tha thiết, nguyện ước muốn được gắn bó với lăng Bác tình cảm mãnh liệt muốn được tận hiến với Bác.

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Điệp ngữ là gì?

A. Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.

B. Việc vận dụng sự gần âm, đồng âm để tạo ra lối diễn đạt vui nhộn, hài hước

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 2. Điệp ngữ có mấy dạng

A. 2 dạng B. 3 dạng

C. 4 Dạng D. Không xác định được

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

→ Có nhiều dạng điệp ngữ: điệp cách quãng, điệp nối tiếp, điệp chuyển tiếp

Câu 3. Xác định kiểu điệp ngữ trong câu sau:

Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu

Cô gái Thạch Kim Thạch Nhọn

Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm

Sách giấy mở tung tăng trắng cả rừng chiều.

A. Điệp cách quãng B. Điệp ngữ nối tiếp

C. Điệp ngữ chuyển tiếp D. Cả A và B

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

-> Điệp nối tiếp “ rất lâu, rất lâu” và “khăn xanh, khăn xanh”

Câu 4. Xác định kiểu điệp ngữ trong đoạn thơ dưới đây

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

A. Điệp ngữ cách quãng B. Điệp ngữ nối tiếp

C. Điệp ngữ chuyển tiếp D. Cả B và C đều đúng

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

→ Điệp ngữ nhóm, nhấn mạnh sự tảo tần của bà

Câu 5. Điệp ngữ trong đoạn thơ sau:

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu

A. Điệp ngữ cách quãng B. Điệp ngữ nối tiếp

C. Điệp ngữ vòng D. Hai kiểu A và B

Hướng dẫn giải:

Đáp án D