Bài tập Ôn tập tiếng Việt cuối học kì I

Bài tập Ôn tập tiếng Việt cuối học kì I

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Bài tập Ôn tập tiếng Việt cuối học kì I

MỤC LỤC

    A. Nội dung bài học

    1. Cấu tạo từ của Tiếng Việt

    • TIẾNG là đơn vị cấu tạo nên từ.

    • TỪ là đơn vị nhỏ nhất dùng để đặt câu.

    • TỪ ĐƠN: Từ do một tiếng tạo thành. VD: cây, đứng, đẹp, vui…

    • TỪ PHỨC: Từ do 2 hoặc nhiều tiếng tạo thành. VD: trồng trọt, sách vở, xinh xắn, hợp tác xã, chủ nghĩa xã hội…

    • TỪ LÁY: Là từ phức mà giữa các tiếng có quan hệ láy âm. VD: Khanh khách, Xinh xinh, long lanh, lom khom…

    • TỪ GHÉP: Những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.

    2. Nghĩa của từ

    • NGHĨA CỦA TỪ là nội dung ( sự vật,tính chất,hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị.

    • NGHĨA GỐC là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành nên các nghĩa khác

    • NGHĨA CHUYỂN là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc

    VD: Mũi ( DT)

    1. Bộ phận nhô cao ở mặt người và động vật, là cơ quan để thở và ngửi. ( Nghĩa gốc )

    2. Bộ phận có đầu nhô ra ở phía trước của một số vật: mũi thuyền mũi kéo, mũi giầy… ( Nghĩa chuyển )

    3. Mỏm đất nhô ra biển: mũi Cà Mau ( Nghĩa chuyển)

    • GIẢI NGHĨA TỪ: Có thể giải nghĩa từ bằng 2 cách chính:

       + Trình bày khái niệm mà từ biểu thị. VD: Trạng nguyên: học vị cao nhất trong hệ thống thi cử chữ Hán ngày trước

       + Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích

    VD: Lẫm liệt: hùng dũng , oai nghiêm

    3. Phân loại từ theo nguồn gốc

    • TỪ THUẦN VIỆT: là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra ( phần lớn là từ đơn,biểu thị các sự vật, hành động, trạng thái ,tính chất sinh hoạt trong nền kinh tế nông nghiệp) VD: Lúa , ngô. khoai, sắn, nhanh , chậm,cày ,cuốc, mua, bán, vui, buồn…

    • TỪ MƯỢN: Là những từ vay mượn của tiếng nước ngoài đẻ biểu thị những sự vật,hiện tượng,đặc điểm …mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.

    - Từ mượn tiếng Hán là bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt.

    - Từ mượn của các ngôn ngữ khác: Pháp , Anh, Nga …

    4. Lỗi dùng từ:

    • LỖI LẶP TỪ: Sự dùng từ trùng lặp gây cảm giác nặng nề nhàm chán.

    • LỖI LẪN LỘN CÁC TỪ GẦN ÂM: VD: Tham quan- thăm quan, hủ tục – thủ tục…

    • LỖI DÙNG TỪ KHÔNG ĐÚNG NGHĨA.

    5. Từ loại và cụm từ

    • DANH TỪ

    + Khái niệm: Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm.

    + Khả năng kết hợp: kết hợp với số từ , lượng từ ở phía trước, chỉ từ và một số từ khác ở phía sau để tạo thành cụm danh từ.

    + Chức vụ ngữ pháp: Chủ yếu làm chủ ngữ, khi làm vị ngữ cần có từ là đứng trước.

    + Phân loại: Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên và danh từ chỉ đơn vị quy ước

    • CỤM DANH TỪ:

       + Khái niệm: Là loại tổ hợp từ do danh từ và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.

       + Mô hình cụm DT:

    • ĐỘNG TỪ

       + Khái niệm: Là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.

       + Khả năng kết hợp: Thường kết hợp với những từ đã ,sẽ,đang,không, chưa,chẳng, hãy, đừng, chớ, cũng ,vẫn, cứ ,còn…để tạo thành cụm động từ

    + Chức vụ ngữ pháp: Chủ yếu là làm vị ngữ. Khi làm chủ ngữ ĐT mất khả năng kết hợp với các từ đã ,sẽ. đang….

    + Phân loại: ĐT tình thái ( thường đòi hỏi ĐT khác đi kèm) và ĐT chỉ hành động, trạng thái.

    • CỤM ĐỘNG TỪ:

       + Khái niệm: Là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.

       + Cấu tạo phức tạp hơn động từ nhưng hoạt động trong câu giống như động từ.

       + Mô hình cụm ĐT: 3 phần: Phần trước phần trung tâm và phần sau

    • TÍNH TỪ

       + Khái niệm: TT là những từ chỉ đặc điểm ,tính chất của sự vật, hành động, trạng thái…

       + Khả năng kết hợp: Có thể kết hợp với các từ đã ,sẽ, đang, rất, hơi, quá , lắm…để tạo thành cụm tính từ. Kết hợp hạn chế với hãy ,đừng, chớ

       + Chức vụ ngữ pháp: Có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu. Khả năng làm vị ngữ cuả TT hạn chế hơn ĐT

       + Phân loại: TT chỉ đặc điểm tương đối. ( Có thể kết hợp với từ chỉ mức độ: rất ,hơi, quá…) và TT chỉ đặc điểm tuyệt đối. ( Không thể kết hợp với từ chỉ mức độ )

    • CỤM TÍNH TỪ:

       + Mô hình cụm tính từ gồm phần trước, phần trung tâm và phần sau

       + Trong cụm tính từ: Các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất; sự khẳng định hay phủ định. Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí; sự so sánh; mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất;...

    • SỐ TỪ: Số từ là những từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật. Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Khi biểu thị thứ tự, số từ đứng sau danh từ.

    • LƯỢNG TỪ: là những từ chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật. Có 2 nhóm lượng từ:

    - Nhóm chỉ ý nghĩa toàn thể: cả ,tất cả, hết thảy, toàn bộ …

    - Nhóm chỉ ý nghĩa tập hợp (những , các , mấy... ) hay phân phối (mọi, mỗi, từng…)

    • CHỈ TỪ: Là những từ dùng để trỏ vào sự vật , nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian. Chỉ từ thường làm phụ ngữ trong cụm DT, ngoài ra nó còn làm chủ ngữ hoặc trạng ngữ của câu.

    B. Bài tập luyện tập

    Bài 1: Em hãy sửa lại những từ ngữ sau để đúng chính tả

    1. Gai gắt

    2. Tre trở

    3. Dụng xuống

    4. Sương rồng

    5. Trọi gà

    6. Nghi nhớ

    7. Lãng mạng

    8. Khoảng khắc

    Gợi ý

    1. Gay gắt

    2. Rụng xuống

    3. Xương rồng

    4. Chọi gà

    5. Ghi nhớ

    6. Lãng mạn

    7. Khoảnh khắc

    Bài 2: Chọn các từ thích hợp điền vào chỗ trống:

    A. Bàng hoàng/hoang mang.

    .....: ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa.

    B. Khẩn thiết/ khẩn khoản.

    .....: nài nỉ một cách tha thiết để người khác chấp nhận yêu cầu của mình.

    C. Tận tụy, tận tình.

    .....: hết lòng, hết sức với công việc, không ngại gian khổ, khó khăn.

    D. nhanh nhẹn/nhanh nhảu.

    .......: nhanh trong nói năng, việc làm, không để người khác phải chời đợi.

    E. minh mẫn, minh bạch.

    ......: có khả năng nhận thức nhanh và rõ ràng, ít nhầm lẫn.

    Gợi ý:

    A. bàng hoàng B. khẩn khoản

    C. tận tụy D. nhanh nhảu

    E. minh mẫn

    Bài 3: Tìm số từ trong câu sau và giải thích ý nghĩa của nó:

    Dù ai nói ngả nói nghiêng

    Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

    (ca dao)

    Gợi ý:

    - Số từ: “ba”

    - Ý nghĩa: số nhiều, sự chắc chắn.

    Bài 4: Điền vào chỗ trống trong các câu sau:

    A. Thân em như... lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

    (Ca dao)

    B. Mẹ em mua biếu bà nội một... áo lụa.

    C. Ngoài thềm rơi... la đa

    Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

    (Trần Đăng Khoa)

    Gợi ý:

    A. dải

    B. tấm

    C. chiếc

    Bài 5: Tìm danh từ trong hai đoạn văn sau:

    A. Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nàng bèn tìm đến thăm. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang.

       (Con rồng cháu Tiên)

    B. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết.

       (Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng)

    Gợi ý:

    Các danh từ trong hai đoạn văn trên:

    A. núi cao, vùng, nàng, Âu Cơ, phương Bắc, dòng họ, Thần Nông, vùng đất, Lạc, hoa, cỏ, vợ chồng, cung điện, Long Trang, Lạc Long Quân,...

    B. cô, bác, cậu, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

    Bài 6: Cho các danh từ: bờ đê, cây tre, đồng lúa, đàn cò, dòng sông. Phát triển chúng thành cụm danh từ.

    Gợi ý:

    - Bờ đê ⇒ bờ đê thoai thoải

    - Cây tre ⇒những cây tre cứng cỏi

    - Đồng lúa ⇒ đồng lúa mênh mông

    - Đàn cò ⇒một đàn cò trắng phau

    - Dòng sông ⇒ một dòng sông hiền hòa, thơ mộng