Văn bản văn học

Văn bản văn học

4.1/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Văn bản văn học

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Tiêu chí của văn bản văn học.

- Văn bản văn học là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

VD: Đoạn trích “Trao duyên” là tâm trạng đau đớn, xót xa đầy bi kịch của Thúy Kiều khi buộc phải hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu, đành trao duyên lại cho em

- Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật có tính hình tượng, tính thẩm mĩ cao, tính hàm súc, đa nghĩa.

VD: Viết về sự biến đổi của đất trời lúc sang thu, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

(Sang thu)

→ Thể hiện vẻ đẹp của đất trời lúc sang thu và cảm xúc của nhà thơ◊Ngôn từ trong đoạn thơ là ngôn từ nghệ thuật: có sự chọn lọc, trau chuốt, hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm, các từ láy được sử dụng dày đặc có tính tạo hình cao

- Văn bản văn học được xây dựng theo một phương thức riêng - nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc về một thể loại nhất định và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó. Tuy nhiên văn bản văn học không chỉ là những biện pháp, những kĩ xảo ngôn từ mà là một sáng tạo tinh thần của nhà văn.

VD: Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) – thể cáo, phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu) - phú cổ thể, cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) - thơ thất ngôn xen lục ngôn, tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) - tiểu thuyết chương hồi.

2. Cấu trúc của văn bản văn học

a. Tầng ngôn từ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

VD:

Chú bé loắt choắt

Cái sắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

(Lượm – Tố Hữu)

◊Đoạn thơ trên có nhịp thơ nhanh, sử dụng các từ láy liên tiếp “loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh” gợi sự nhanh nhẹn, tươi trẻ

→ Để hiểu một tác phẩm văn học, cần hiểu được nghĩa của từ, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, nghĩa tường minh đến nghĩa hàm ẩn. Tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần vượt qua để đi vào chiều sâu văn bản.

b. Tầng hình tượng

Ví dụ:

- Hình tượng Thúy Kiều được kết dệt nên bởi những hình ảnh về:

   + Ngoại hình:

“Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh…”

   + Tài năng:

“Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương…”

   + Tâm trạng:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa…”

◊Nguyễn du đã xây dựng hình tượng một nhân vật tài sắc vẹn toàn nhưng số phận hẩm hiu, nhiều nỗi gian truân…

◊→ Khái niệm: Hình tượng nghệ thuật là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng, sáng tạo trong những sáng tạo nghệ thuật. Đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên hay một sự kiện xã hội được cảm nhận. Nhưng nói đến hình tượng nghệ thuật người ta thường nói đến hình tượng con người.

→ Hình tượng được sáng tạo nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng, tùy quy mô văn bản, tùy thể loại mà có sự khác nhau.

c. Tầng hàm nghĩa

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

◊Bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp của loài hoa bình dị mà thanh cao, ngợi ca phẩm chất trong sạch của người lao động Việt Nam.

→ Tầng hàm nghĩa là những ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản. Đây chính là điều nhà văn, nhà thơ muốn tâm sự, giãi bày, gửi gắm. Ý nghĩa này được suy ra từ tầng ngôn từ, tầng hình tượng.

B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ

1. Phân tích tầng hàm nghĩa của bài thơ sau:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

(Hồ Xuân Hương)

Trả lời:

Thông qua việc miêu tả chiếc bánh trôi, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ thông qua số phận bấp bênh, chìm nổi, tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo, nhân văn vô cùng sâu sắc:

- Đó là sự ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ.

- Thấy được thái độ đồng cảm, trân trọng, đề cao vẻ đẹp của người phụ n

2. Trong “Truyện Kiều”, tả nỗi đau của Thúy Kiều khi tiễn Thúc Sinh về nhà, Nguyễn Du viết:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

Em hãy phân tích tầng hình tượng trong câu thơ trên.

Trả lời:

Trong câu thơ trên, hình tượng vầng trăng không chỉ nói về mặt trăng, mà còn là biểu tượng của hạnh phúc tròn đầy.