Luyện tập viết đoạn văn nghị luận

Luyện tập viết đoạn văn nghị luận

4.5/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Luyện tập viết đoạn văn nghị luận

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

I. Khái niệm đoạn văn.

1. Về nội dung: Đoạn văn diễn đạt tương đối trọn vẹn một ý.

2. Về hình thức: Đoạn văn là phần văn bản:

   + Bắt đầu từ chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.

   + Kết thúc là một dấu chấm xuống dòng.

   + Đoạn có một hoặc do nhiều câu liên kết tạo thành.

3. Các câu trong đoạn văn.

- Câu mở đoạn: Là câu nêu vấn đề.

- Câu khai triển đoạn: Là câu phát triển ý được nêu ở câu mở đoạn.

- Câu kết đoạn: Là câu khép lại vấn đề.

- Câu chủ đề: Là câu mang ý chính của toàn đoạn. Vị trí của câu chủ đề tùy thuộc vào kết cấu của đoạn.

II. Đoạn nghị luận.

1. Khái niệm.

Đoạn văn nghị là một phần của văn bản nghị luận.

Văn bản nghị luận là văn bản được viết ra nhằm xác lập cho người đọc (Người nghe) một tư tưởng, một quan điểm.

2. Các yếu tố chính trong bài văn nghị luận.

Muốn xây dựng bài văn nghị luận cần phải xác lập các yếu tố:

a. Luận điểm: Là ý kiến thể hiện quan điểm, tư tưởng trong bài văn nghị luận.

b. Luận cứ: Là căn cứ để xây dựng luận điểm.

c. Luận chứng: Là chứng cứ minh họa cho luận cứ, luận điểm.

d. Lập luận: Là cách lựa chọn, sắp các luận cứ để dẫn đến luận điểm.

3. Một số cách viết trong bài văn nghị luận.

a. Đoạn diễn dịch: Diễn dịch là phương pháp trình bày ý từ luận điểm suy ra các luận cứ (Từ ý tổng quát suy ra ý cụ thể).

VD: Tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Châu Á (1).Chính phủ Hàn Quốc bắt giam hai cựu bộ trưởng Bộ quốc phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận hối lộ một triệu đô la (2).Giới lập pháp ở Đài Loan hiện phải công khai tài sản của mình và rồi đây các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó (3). Cũng do tham nhũng, đảng dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã mất đa số ghế tại hạ viện (4).

(Báo Tuổi trẻ, số ngày 05/08/1993)

b. Đoạn quy nạp: Quy nạp là phương pháp trình bày ý từ các luận cứ rút ra những nhận định tổng quát, rút ra luận điểm (Từ các ý cụ thể rút ra nhận định chung).

VD: Tại Nhật Bản, do tham nhũng Đảng tự do cầm quyền đã mất đa số ghế tại hạ viện (1). Chính phủ Hàn Quốc đã bắt giam hai cựu bộ trưởng Bộ quốc phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận hối lộ một triệu đô la (2).Giới lập pháp ở Đài Loan hiện phải công khai tài sản của mình và rồi đây các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó (3).Tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Châu Á (4).

c. Đoạn tổng- phân- hợp: Đoạn tổng- phân- hợp là đoạn nghị luận có cách triển khai ý từ luận điểm suy ra các luận cứ, rồi từ các luận cứ khẳng định lại luận điểm.Qua mỗi bước vấn đề được nâng cao hơn.

VD: Tiếng Việt chúng ta rất đẹp.Đẹp như thế nào đó là điều khó nói (1). Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹph như thế nào, cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên (2). Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn (3).Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp (4). (Phạm Văn Đồng)

B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ

1. Sắp xếp các câu sau đây thành một đoạn văn mạch lạc.

a) Trong Truyền kì mạn lục, mỗi mảnh đời dù nhỏ như Nhị Khanh, oan khúc như Vũ Nương, bị dồn đuổi đến cùng như Đào Thị đều được Nguyễn Dữ thuật kể với tình cảm chân thành đầy thương cảm.

b) Niềm ước mơ được đoàn tụ với chồng của người chinh phụ, nỗi khát khao thầm kín của người cung nữ, nỗi đau xé lòng cho những số phận bất hạnh,... là nguồn cảm hứng sáng tác của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm (?), Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du.

c) Thế kỉ XVIII rộ lên trào lưu văn học viết về tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình.

d) Tư tưởng nhân đạo trong văn học thể hiện ở sự quan tâm tới số phận con ngựời.

e) Nhu cầu bức xúc về quyền sống của con người, sự bùng nổ mãnh liệt của cá tính là nội dung của thơ Hồ Xuân Hương, thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ,...

Trả lời:

Các câu trong đoạn văn phải được sắp xếp một cách mạch lạc, nghĩa là ý nghĩa của chúng phải có quan hệ với nhau chặt chẽ, hợp lí. Để xác định vị trí của các câu, trong trường hợp này, cần xem xét mối quan hệ giữa cái khái quát và cái cụ thể, trật tự thời gian diễn ra của các sự kiện được đề cập đến.

Sắp xếp: d – a – e - c – b

2. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của ý chí, nghị lực

Trả lời:

Muốn vượt qua gian nan thử thách trên đường đời, con người không thể thiếu đi nghị lực. Vậy nghị lực là gì? Đó là là ý chí, là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Người giàu nghị lực luôn có sức sống mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách khó khăn, kiên trì vượt qua nghịch cảnh để đi đến thành công. Trong thực tế, ta có thể bắt gặp không ít con người như vậy. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujick sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận, Stephen Hawking bị bại liệt ở tuổi ngoài 20 và được ngợi ca là nhà vật lí học đương đại nổi tiếng nhất… Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Vậy nhưng, trong xã hội vẫn có một số người có lối sống ỷ lại, dựa dẫm, không có tinh thần phấn đấu, ý chí tiến thủ. Không chỉ tự đưa mình vào ngõ cụt, những người như vậy còn kéo lùi dòng chảy văn minh của nhân loại, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hôi. Thế hệ trẻ hôm nay cần phê phán lối sống này, không ngừng rèn đức luyện, nỗ lực bằng tất cả khả năng để có thể vững vàng tiến về phía trước. Bởi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”