Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé
SỞ GD&ĐT THANH HÓA TRƯỜNG THPT CHUYÊN LAM SƠN
ĐỀ THI CHÍNH THỨC (Đề thi có 02 trang) |
KỲ THI KSCL CÁC MÔN THI TN THPT NĂM 2022- LẦN 2 Ngày thi: 02/4/2022 Thời gian làm bài: 120 phút, không tính thời gian phát đề |
Họ và tên thí sinh………………………… ……………..Số báo danh………………………………
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
…Không thể nào chấp nhận sống:
Với lời cầu xin, lời doạ nạt
Con người luôn đi sau thời gian
Để thời gian chỉ còn báo mộng
Không thể nào bưng hai tay
Một bình an đặng sống
Không thể nào cúi đầu
Nhìn ngón chân bất lực.
Không thể nào chấp nhận sống:
Mà không biết mình về đâu
Không biết mình có thể làm gì
Buồn vui theo kẻ khác.
Không thể nào chấp nhận sống:
Trong sợ hãi, trong lọc lừa
Chẳng nhớ tim mình còn đập.
Không thể nào chấp nhận sống:
Khi mình chưa là mình
Trống trơ như vực thẳm…
(Trích Sống – Nguyễn Khoa Điềm, thivien.net)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra ba lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích.
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống…
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến của tác giả Không thể nào chấp nhận sống/Mà không biết mình về đâu không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm).
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc sống là chính mình.
Câu 2. (5,0 điểm)
… Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb Giáo dục, 2014, tr.31 )
Anh/Chị hãy cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân.
………………………HẾT……………………………….
|
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Thể thơ: tự do | 0,5 | |
2 | Lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích: sống với lời cầu xin, lời doạ nạt; sống cúi đầu; sống không biết về đâu, không biết có thể làm gì; sống buồn vui theo kẻ khác; sống trong sợ hãi, trong lọc lừa; sống chưa là mình - Học sinh trả lời được 03 ý trong các ý trên: 0,75 điểm. - Học sinh trả lời được 02 ý trong các ý trên : 0,5 điểm. - Học sinh trả lời được 01 ý trong các ý trên: 0,25 điểm. Lưu ý: Học sinh có thể chép lại những câu thơ có lối sống không thể chấp nhận vẫn cho điểm tối đa. | 0,75 | |
3 | Tác dụng của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống... - Nhấn mạnh, khẳng định quan niệm sống của tác giả: không chấp nhận sống giả dối, hèn nhát, vô giá trị, không dám là chính mình. Đồng thời làm nổi bật thông điệp: sống thật, sống tích cực với những giá trị mình có. - Góp phần tạo nhịp điệu dồn dập, âm hưởng thôi thúc, tăng sức biểu cảm cho đoạn thơ. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời được cả 03 ý: 0,75 điểm. - Học sinh trả lời được ý trên: 0,5 điểm. - Học sinh trả lời được 01 ý dưới : 02,5 điểm. | 0,75 | |
4 | - Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần. - Lí giải hợp lí, thuyết phục. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. | 1,0 | |
II | LÀM VĂN | 7,0 | |
1 | Viết đoạn văn về sự cần thiết của việc sống là chính mình | 2,0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của việc sống là chính mình. | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nhưng phải lí giải được vấn đề, có thể theo hướng sau: - Sống là chính mình khiến ta không phải che giấu suy nghĩ, cảm xúc, được thành thật với bản thân. Từ đó, tìm thấy niềm vui, sự an yên trong cuộc sống. - Được sống là chính mình giúp ta có ý chí, kiên định, có động lực, niềm tin hoàn thiện mình và thực hiện mục tiêu sống. - Sống là chính mình sẽ tạo nên bản sắc riêng, làm cho cộng đồng đa sắc diện. Hướng dẫn chấm: + Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm). + Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm). + Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm). Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. | 0,75 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có dẫn chứng, cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề;có cách nhìn riêng, mới mẻ; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục. - Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. - Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25 điểm. | 0,5 | ||
2 | Cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo trong đoạn trích; nhận xét cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân. | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo; nhận xét cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân. Hướng dẫn chấm: - Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. - Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau: | 3.5 | ||
c1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích | 0,5 | ||
c2. Cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động - Cảnh ngộ của người lao động trong nạn đói: + Thực tại đói khổ: bữa cơm ngày đói thảm hại chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo, niêu cháo lõng bõng mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn, món quà cưới là nồi cháo cám đắng chát,… + Ám ảnh về đói khát tước đi những giây phút hạnh phúc đời thường: Nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người trong bữa cơm đoàn tụ đầu tiên. Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại; Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. - Vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói: + Dù đói, khổ vẫn lạc quan hướng đến tương lai: Trong bữa cơm, bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này; bà vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp (mua lấy một đôi gà, nghoảnh đi nghoảnh lại chả mấy mà có đàn gà); bà gọi cháo cám là chè khoán; bà động viên các con bằng niềm lạc quan (ngon đáo để, xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn),… + Dù đói, khổ vẫn yêu thương, trân trọng nhau, vẫn muốn sống cho ra người: bữa cơm đầu tiên tuy sơ sài, thiếu thốn nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương (bà cụ Tứ hồ hởi kể chuyện làm ăn gia cảnh, Tràng vâng rất ngoan ngoãn, không khí gia đình đầm ấm, hòa hợp); người con dâu trân trọng tình cảm của người mẹ nghèo (tuy hai con mắt tối sầm lại trước bát cháo cám nhưng thị vẫn điềm nhiên và vào miệng),… - Nghệ thuật: Cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói được thể hiện bằng tình huống truyện độc đáo, éo le; khả năng miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế, khéo léo; cách kể truyện ở ngôi thứ ba khách quan, tự nhiên gây hứng thú; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc;… Hướng dẫn chấm: - Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm - 2,5 điểm - Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu : 1,0 điểm - 1,75 điểm. - Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm - 0,75 điểm. | 2,5 1,0 1,0 0,5 | ||
c3. Nhận xét cách nhìn con người của Kim Lân - Cách nhìn con người sâu sắc và mới mẻ: Không chỉ nhìn ra tình cảnh thê thảm của người lao động trong nạn đói mà còn phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tình người, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc; tin tưởng vào khả năng thay đổi cuộc đời của họ. - Ý nghĩa: Đó là cách nhìn nhân văn, góp phần quan trọng làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo cho tác phẩm; khẳng định tài năng và phong cách của Kim Lân trong nền văn học dân tộc. Hướng dẫn chấm: -Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm. -Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm. | 0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt Lưu ý: Không cho điểm nếu bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo:Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của ngòi bút Nguyễn Tuân; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc. - Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. - Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |
…………………HẾT……………………..
Xem thêm các bài tiếp theo bên dưới