Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé
ĐỀ ĐỌC HIỂU ÔN TẬP HỌC KÌ II
TRONG CHƯƠNG TRÌNH HỌC - SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Đề số 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“...Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?
Con bé bịu xịu nói:
- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
- Sao không bảo u mày may cho?
Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.
Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”…
(Trích Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam)
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Dựa vào dấu hiệu nào để em biết điều đó?
Câu 2: Đoạn trích trên có những nhân vật chính nào?
Câu 3: Xác định lời nhân vật và lời của người kể chuyện trong đoạn văn sau:
“...Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?
Câu 4: Xác định các thành phần chính trong câu Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo.
Câu 5: Qua đoạn trích, em cảm nhận được nhân vật Sơn và chị Lan là người như thế nào?
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ ba. Dấu hiệu nhận biết điều đó: người kể giấu mình, gọi tên theo tên của nhân vật (Sơn, Lan, Hiên).
Câu 2: Đoạn trích trên có những nhân vật chính: Sơn, Lan, Hiên
Câu 3:
Lời nhân vật : Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?
Lời của người kể chuyện:
Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
Câu 4: Thành phần chính trong câu:
- Chủ ngữ:chị Lan
- Vị ngữ: hăm hở chạy về nhà lấy áo.
Câu 5: Qua đoạn trích, em cảm nhận được nhân vật Sơn và chị Lan là những người tốt bụng, trong sáng và giàu tình yêu thương.
Đề số 2
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
( Những cánh buồm, Hoàng Trung Thông)
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì?
Câu 2: Em hãy chỉ ra yếu tố miêu tả và tự sự trong đoạn thơ trên.
Câu 3: Từ “đi” trong câu thơ Hai cha con bước đi trên cát được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển. Giải thích nghĩa đó.
Câu 4: Trong đoạn thơ, khung cảnh cuộc dạo chơi của hai cha con được miêu tả như thế nào?
Câu 5: Tìm các từ láy có trong đoạn thơ và nêu tác dụng của các từ láy đó.
Câu 6: Hình ảnh cha và con trong đoạn thơ khơi gợi trong em những suy nghĩ, cảm xúc gì?
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do
Câu 2:
+ Hình ảnh thiên nhiên: Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh, cát càng mịn, biển càng trong, trận mưa đêm rả rích, ánh mai hồng.
+ Hình ảnh con người: Bóng cha dài lênh khênh - Bóng con tròn chắc nịch
Câu 3: Từ “đi” trong câu thơ Hai cha con bước đi trên cát được dùng theo nghĩa gốc. Nghĩa gốc của từ “đi”: chỉ hành động của người hay dộng vật tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân.
Câu 4: Trong đoạn thơ, khung cảnh cuộc dạo chơi của hai cha con được miêu tả :
- Thời gian: Hai cha con dạo chơi trên bờ biến vào buổi sớm mai.
- Khung cảnh thiên nhiên: bình minh rực rỡ sắc màu; có cát trắng mịn, nước biển xanh trong, nắng vàng óng ả. Tất cả tạo thành bức tranh ban mai tươi hồng tuyệt đẹp.
Câu 5:
- Các từ láy trong đoạn thơ: rực rỡ, lênh khênh, rả rích, phơi phới.
- Tác dụng: Làm cho bức tranh được miêu tả sinh động, giàu hình ảnh hơn. Giúp người đọc cảm nhận được không gian thiên nhiên đẹp đẽ, khoáng đạt sau đêm mưa và tâm trạng của người cha khi cùng con đi dạo trên bờ biển.
Câu 6: Hình ảnh cha và con trong đoạn thơ khơi gợi trong em những suy nghĩ, cảm xúc:
Thể hiện tình cảm cha con thiêng liêng. Bóng cha cao lớn, bóng con thấp tròn chắc nịch gợi liên tưởng đến sự từng trải trong cuộc đời của cha, tương phản với sự thơ ngây, trong sáng của con. Cha và con yêu thương nhau. Có cha dìu dắt, con nhất định sẽ vững bước và trưởng thành. Cha dắt con đi hay chính quá khứ dìu bước cho hiện tại, lớp trước nâng bước cho lớp sau. Đó cũng là niềm tin tưởng vào sự tiếp nối của thế hệ sau với thế hệ trước.
Đề số 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Rét dữ dội. Tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.
Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.
Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ!
Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.
Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc đem tung lên trời. Nó còn nói với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.
Thế là em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên rồi tím bầm lại vì rét.
Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.
Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.
Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.
Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sự nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa.
Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi vào chút ít.
Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.
Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.
(Trích Cô bé bán diêm – An-đéc-xen)
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Nhân vật chính trong đoạn trích là ai?
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3: Nêu các chi tiết miêu tả ngoài hình của cô bé bán diêm? Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật.
Câu 4: Hoàn cảnh gia đình của cô bé bán diêm được thể hiện qua những chi tiết nào?
Câu 5: Theo em, tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản là gì?
Câu 6: Nêu công dụng của dấu chấm phẩy trong câu sau: Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.
GỢI Ý ĐÁP ÁN:
Câu 1: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ ba. Nhân vật chính trong đoạn trích là cô bé bán diêm.
Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Hoàn cảnh đáng thương của em bé và sự vô cảm của mọi người khi bị bố bắt đi bán diêm suốt ngày 30 và cả đêm giao thừa – ngày cuối năm; em luôn nghe những lời mắng nhiếc và chửi rủa của bố.
Câu 3: Các chi tiết miêu tả ngoài hình của cô bé bán diêm: một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối, chân em đỏ ửng hết lên rồi bầm tím lại. Tóc em xõa, em đeo chiếc tạp rề cũ kỹ, lê hết các con phố ngõ ngách để bán những bao diêm, bụng đói cật rét, cả một ngày em chưa được ăn…
Những chi tiết đó giúp em hình dung về cuộc sống của nhân vật: khó khăn, nghèo khổ, không có ai chăm sóc, yêu thương.
Câu 4: Hoàn cảnh gia đình của cô bé bán diêm được thể hiện qua những chi tiết: thần Chết đã cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa; căn phòng trên gác mái của cha con em cũng chẳng khác gì ở ngoài trời.
Câu 5: Theo em, tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản thể hiện sự thương xót, cảm thông cho số phận của đứa trẻ nghèo.
Câu 6: Công dụng của dấu chấm phẩy trong câu: đánh dấu ranh giới giữa các vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp.
Đề số 4
Đọc kĩ đoạn trích sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa..
(Cô bé bán diêm, H.An-đéc-xen, Ngữ văn 6, tập 1)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.
Câu 2. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 3. Tìm các từ ghép và từ láy trong đoạn trích trên.
Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 5. Theo em, đoạn trích thể hiện tình cảm gì của tác giả?
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1. Các phương thức biểu đạt của đoạn trích: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2. Ngôi kể trong đoạn trích trên: Ngôi thứ ba.
Câu 3.
Từ ghép: Mặt đất, mặt trời, trong sáng, bầu trời, buổi sáng, xó tường, xanh nhợt, má hồng, mỉm cười, giá rét, giao thừa.
Từ láy: Chói chang, vui vẻ, lạnh lẽo
Câu 4. Nội dung chính của đoạn trích: Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm và sự vô tâm của những người đi đường.
Câu 5. Đoạn trích thể hiện tấm lòng thương xót, đồng cảm, trân trọng của nhà văn dành cho cô bé.
Đề số 5
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
LỄ CÚNG THẦN LÚA CỦA NGƯỜI CHƠ-RO
…
Lễ cúng Yang được bắt đầu vào buổi trưa, thường sau khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất và mọi người cùng tham gia đông đảo. Trước khi vào nghi thức cúng chính thì người phụ nữ lớn tuổi trong nhà mang gùi lên rẫy chặt lấy ngọn mía, thân chuối non, trái bầu khô, những bông lúa (để lại sau mùa thu hoạch) đem về nhà. Nghi thức này còn gọi là rước hồn lúa. Những lễ vật ấy được đem về bài trí trên bàn thờ và nơi để nhang. Lúc này, những con vật hiến tế được đem làm thịt để lấy huyết bôi lên cây nhang bài trí bàn thờ.
Người gọi Yang ngồi trước ché rượu cần, hướng về bàn thờ đọc lời khẩn trình. Sau đó người gọi Yang đi đến nhà kho đựng lúa, người phụ giúp mang lễ vật đi theo. Trên mâm lễ có cây nhang đã được bôi huyết những con vật hiến tế. Mọi người tham dự đi theo. Lễ vật bày hẳn trên lúa và bắt đầu nghi thức gọi Yang-va.
Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chỉnh để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa,... Thật tưng bừng, náo nhiệt!
Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Châu Ro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, công chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hòa trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cùng Yang-va.
Lễ hội cúng Yang-va là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Châu Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc người ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung.
(Thanh Vân – Thư viện tỉnh Đồng Nai)
Câu 1. Đoạn trích cung cấp cho người đọc thông tin nào? Theo em, văn bản này được viết nhằm mục đích gì?
Câu 2. Trong đoạn trích, lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động nào? Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự nào?
Câu 3. Trong đoạn văn sau, câu nào tường thuật sự kiện, câu nào miêu tả sự kiện, câu nào thể hiện cảm xúc của người Việt?
“ Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chỉnh để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa,... Thật tưng bừng, náo nhiệt!”
Câu 4. Ý nghĩa của lễ hội cúng Yang - va là gì?
Câu 5. Văn bản giúp em hiểu gì về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên?
GỢI Ý TRẢ LỜI:
Câu 1.
- Đoạn trích cung cấp cho người đọc thông tin về lễ hội cúng thần lúa của người Chơ - ro.
- Văn bản này được viết nhằm mục đích: cung cấp thông tin cho người đọc, giúp người đọc có thêm hiểu biết về văn hóa, phong tục của vùng miền địa phương.
Câu 2:Trong đoạn trích, lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động
- Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động :
+ Phụ nữ đi rước hồn lúa bài trí trên bàn thờ và nơi để nhang.
+ Già làng hoặc chủ nhà đọc lời khấn. Người gọi Yang đi đến nhà kho đựng lúa, người phụ giúp mang lễ vật đi theo.
+ Mọi người tham dự đi theo. Lễ vật bày hẳn trên lúa và bắt đầu nghi thức gọi Yang-va.
+ Khi cúng xong, mọi người lên nhà sàn dự tiệc.
- Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự thời gian diễn ra buổi lễ.
Câu 3 :
- Câu tường thuật sự kiện:
+ Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chính để dự tiệc.
+ Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác.
- Câu miêu tả sự kiện: Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa,...
- Câu thể hiện cảm xúc của người viết: Thật tưng bừng, náo nhiệt!
Câu 4. Ý nghĩa của lễ hội cúng Yang - va là:
Lễ hội cúng Yang-va là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Châu Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc người ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung.
Câu 5: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên:
- Thiên nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó, khăng khít.
- Thiên nhiên cung cấp những giá trị vật chất, tinh thần để giúp đời sống con người đầy đủ hơn.
- Nếu con người biết ơn, chăm sóc thiên nhiên thì sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên đem lại.
Đề số 6
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
[…] Một tuần sau, gia đình tôi có một chuyến đi du lịch. Tôi ngồi ở băng ghế sau, say mê đọc cuốn tiểu thuyết yêu thích trong khi cha và em trai tôi ngồi ghế trước trò chuyện. Những lời em nói khiến tôi chú ý và tôi giả vờ vừa chăm chú đọc sách vừa lắng nghe cuộc trò chuyện của hai người. Em kể với cha: “Tuần trước, con với chị đi bộ ra trạm xe buýt. Tụi con đã nói chuyện với nhau rất vui và chị tốt với con lắm”.
Những lời em nói thật chân thành và giản dị. Em không những không ghét tôi mà còn nghĩ tôi là một người chị tốt. Tôi gấp sách lại và nhìn chằm chằm vào bìa sách. Gương mặt của tác giả nhoè đi trong nước mắt của tôi.
Tôi không dám nói mối quan hệ hiện tại của chị em tôi là hoàn hảo. Tôi chỉ có thể nói giờ đây tôi không còn trừng mắt nhìn em nữa. Tôi sẽ đi cùng em giữa chốn đông người mà không cảm thấy ngượng ngùng. Tôi sẽ dạy em học và chỉ em cách sử dụng máy vi tính. Tôi sẽ trò chuyện nhiều hơn với em – đó là những cuộc trò chuyện nhàm chán theo một cách dễ thương nhất. Và trên hết, tôi sẽ gọi em bằng cái tên Eric Carter cha mẹ đặt cho em thay vì những biệt danh xấu xí như trước đây.
(Trích Chị sẽ gọi em bằng tên, Jack Canfield & Mack Victor Hansen, cuốn Tình yêu thương gia đình, bộ sách Hạt giống tâm hồn).
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2. Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu sau là gì: Em kể với cha: “Tuần trước, con với chị đi bộ ra trạm xe buýt. Tụi con đã nói chuyện với nhau rất vui và chị tốt với con lắm”.
Câu 3. Trong đoạn trích, cách đối xử của nhân vật người chị trước đây với em trai mình thể hiện qua những hành động nào?
Câu 4. Theo em, vì sao người chị trong đoạn trích trên lại khóc?
Câu 5. Qua đoạn trích, em học được cách cư xử với những người thân trong gia đình như thế nào?
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Tự sự
Câu 2 : Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu là: Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật, ở đây là lời nói của người con.
Câu 3. Trong đoạn trích, trước đây người chị có cách đối xử không hay với em trai mình thể hiện qua những hành động như: trừng mắt nhìn em; thấy ngượng ngùng khi đi cùng em giữa chốn đông người; gọi em bằng những biệt danh xấu xí thay vì tên gọi thật cha mẹ đặt.
Câu 4 : Người chị đã khóc khi nghe thấy cuộc trò chuyện của em trai với bố mình. Người chị cảm động vì em trai không hề ghét chị mà luôn coi cô là một người chị tốt, mặc dù người chị đã có nhiều hành động tỏ ra lạnh lùng, ghét bỏ em trai. Những giọt nước mắt của người chị cho thấy sự hối hận về những hành động, thái độ của mình đối với em trai trước đây, người chị cảm động trước tấm lòng bao dung và tình cảm của em trai dành cho mình.
Câu 4 : Bài học: Chúng ta cần phải biết yêu thương, trân trọng, sẻ chia và thấu hiểu đối với những người thân trong gia đình. Đó là những người luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn bên cạnh ta dù ta thành công hay thất bại.
Đề số 7
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.
Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được ?”
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.
“ Mẹ mình đang đợi ở nhà”- Con bảo- “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”.
Thế là họ mỉm cười bay đi .
(Trích Mây và sóng, Ra - bin- đờ - ra - nát Ta- go)
Câu 1. Yếu tố miêu tả trong đoạn thơ trên được thể hiện qua những cụm từ nào? Tác dụng của yếu tố miêu tả đó.
Câu 2. Yếu tố tự sự trong đoạn thơ trên được thể hiện như thế nào? Tác dụng của yếu tố tự sự đó.
Câu 3. Dấu ngoặc kép dùng trong đoạn thơ trên có tác dụng gì?
Câu 4. Trước lời rủ rê của người trên mây, em bé đã từ đưa ra lí do từ chối là gì? Em hiểu gì về lời từ chối ấy?
Câu 5. Giả sử hôm đó em được nghỉ học, bạn bè rủ em đi chơi một trò chơi game mới ra rất hấp dẫn đợi hết giờ học mới về nhà. Em sẽ làm gì để vượt qua cám dỗ ấy?
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1. Yếu tố miêu tả trong đoạn thơ trên được thể hiện qua những cụm từ:
bình minh vàng
vầng trăng bạc
họ mỉm cười bay đi
Tác dụng của yếu tố miêu tả : giúp hình ảnh trong bài thơ được hiện lên sống động, kì ảo.
Câu 2. Yếu tố tự sự trong đoạn thơ trên được thể hiện qua việc kể lại câu chuyện của người trên mây và em bé.
Tác dụng: Yếu tố tự sự thuật lại cuộc trò chuyện giữa em bé và những người trên mây góp phần thể hiện rõ câu chuyện của em bé qua đó làm nổi bật tình yêu mẹ của em bé.
Câu 3: Dấu ngoặc kép dùng trong đoạn thơ trên có tác dụng đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật. Cụ thể:
+ Đánh dấu lời trực tiếp của người trên mây:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.
Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.
+ Đánh dấu lời trực tiếp của em bé : “ Mẹ mình đang đợi ở nhà”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”.
Câu 4. Trước lời rủ rê của người trên mây, em bé đã từ đưa ra lí do từ chối là “ Mẹ mình đang đợi ở nhà”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”.
Qua đó cho thấy em bé rất yêu mẹ, luôn nghĩ về mẹ. Vì có mẹ đợi ở nhà, em sợ mẹ buồn nên em không thể đi chơi. Tình yêu mẹ khiến em chiến thắng ham muốn nhất thời là được đi chơi. Lí do từ chối lời mời gọi của người trên mây còn giúp em hiểu tình yêu thương của mẹ dành cho em rất lớn lao, da diết. Tình yêu ấy trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp em vượt qua cám dỗ.
Câu 5. Giả sử bạn bè rủ em đi chơi một trò chơi game mới ra rất hấp dẫn khi cô giáo cho nghỉ học, em sẽ làm những việc như: từ chối bạn, nói không với trò chơi gây nghiện như game…; trở về nhà với mẹ, giúp mẹ làm những việc như dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, trông em hoặc trò chuyện cùng mẹ...
Đề số 8
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo chuyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn chuyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang
Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì
Tôi nghe chuyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
(Trích Chuyện cổ nước mình - Lâm Thị Mỹ Dạ)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ gì? Chỉ ra cách gieo vần trong 4 câu thơ sau:
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ?
Câu 3. Vì sao tác giả yêu chuyện cổ nước nhà?
Câu 4. Qua câu thơ "Tôi nghe chuyện cổ thầm thì/Lời ông cha dạy cũng vì đời sau" tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 5. Tìm các từ láy trong đoạn thơ trên.
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ lục bát.
Cách gieo vần ở 4 câu thơ trên là: hiền - tiên; trì - đi - thì
Câu 2. Nội dung chính của đoạn thơ: Nói về tình cảm yêu mến của tác giả đối với truyện cổ dân gian, cảm nhận thấm thía về bài học làm người ẩn chứa trong những truyện cổ dân gian mà cha ông ta đã đúc rút, răn dạy.
Câu 3. Tác giả yêu chuyện cổ nước nhà vì: chuyện cổ nước mình vừa nhân hậu vừa tuyệt vời sâu xa.
Câu 4. Qua câu thơ "Tôi nghe chuyện cổ thầm thì/Lời ông cha dạy cũng vì đời sau" tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp: Kho tàng chuyện cổ nước mình có giá trị vô cùng quý báu và sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Câu 5. Tìm các từ láy trong đoạn thơ: thầm thì, thiết tha
Đề số 9
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(Trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)
Câu 1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Dựa vào dấu hiệu nào để em biết điều đó?
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3. Ngoại hình của nhân vật Dế Mèn được miêu tả qua những chi tiết nào? Nhận xét về ngoại hình của Mèn.
Câu 4. Tìm cụm danh từ trong câu sau và cho biết tác dụng của việc sử dụng cụm danh từ đó: Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1. Ngôi kể của được sử dụng ở đoạn văn là: Ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “Tôi”.
Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích: Miêu tả vẻ đẹp ngoại hình khỏe mạnh, cường tráng của nhân vật dế Mèn.
Câu 3. Ngoại hình của nhân vật Dế Mèn được miêu tả qua những chi tiết:
- Ðôi càng tôi mẫm bóng.
- Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.
- Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi.
- cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn.
- Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng.
- Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.
- Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng.
Nhận xét: Ngoại hình của Dế Mèn được miêu tả rất đẹp, làm nổi bật vẻ cường tráng, trẻ trung, khỏe mạnh và đầy sức sống.
Câu 4. Cụm danh từ trong câu là: Những cái vuốt ở chân, ở khoeo
Tác dụng của việc sử dụng cụm danh từ đó: giúp người đọc hình dung cụ thể hơn về vị trí của những cái vuốt.
Câu 5. Nhận xét ngắn gọn về cách sử dụng từ ngữ của nhà văn Tô Hoài:
Tác giả sử dụng nhiều danh từ, tính từ rất tinh tế và chính xác làm cho đoạn văn rất sinh động, nó cho thấy sự quan sát tỉ mỉ và thể hiện sự thấu hiểu thế giới loài vật của nhà văn.
Đề số 10
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xoá. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ em. Râm ran.
Các... Các... Các...
Một con bồ các kêu váng lên. Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh.
Chị Điệp nhanh nhảu:
- Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các,...
Thế thì ra dây mơ, rễ má thế nào mà chúng đều có họ với nhau. Họ của chúng đều hiền cả. Chúng đều mang vui đến cho giời đất. Sáo sậu, sáo đen hót, đậu cả lên lưng trâu mà hót mừng được mùa. Nhà bác Vui có con sáo đen tọ toẹ học nói. Nó bay đi ăn, chiều chiều lại về với chủ. Con tu hú to nhất họ, nó kêu “tu hú” là mùa tu hú chín; không sai một tẹo nào. Cả làng có mỗi cây tu hú ở vườn ông Tấn. Tu hú đỗ ngọn cây tu hú mà kêu. Quả chín đỏ, đầy ụ như mâm xôi gấc. Tiếng tu hú hiếm hoi; quả hết, nó bay đi đâu biệt.
Một đàn chim ngói sạt qua rồi vội vã kéo nhau về hướng mặt trời lặn.
Nhạn tha hồ vùng vẫy tít mây xanh “chéc chéc”.
(Trích Lao xao ngày hè - Duy Khán)
Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3. Khung cảnh chớm hè được tác giả miêu tả qua những hình ảnh chi tiết nào? Em có nhận gì về không gian ấy?
Câu 4. Trong các câu văn sau tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:
Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
Câu 5. Khung cảnh chớm hè trong đoạn trích trên được tác giả cảm nhận qua những giác quan nào?
GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng những phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích: Miêu tả khung cảnh chớm hè ở làng quê.
Câu 3. Khung cảnh chớm hè được tác giả miêu tả qua những hình ảnh chi tiết:
- Thời gian: Buổi sớm chớm hè
- Cảnh vật: Cây cối, hoa lan, hoa giẻ, hoa móng rồng, Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật, bướm, nhân vật tôi và lũ trẻ
- Âm thanh: tiếng trẻ em râm ran, tiếng chim nhạn
- Mùi vị: mít chín
🡪 Không gian làng quê thanh bình, yên ả, giản dị
Câu 4. Trong các câu văn trên tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa.
Tác dụng: Giúp cho khung cảnh làng quê được miêu tả một cách sinh động, gần gũi với con người; góp phần tạo nên âm thanh lao xao của ngày hè.
Câu 5. Khung cảnh chớm hè trong đoạn trích trên được tác giả cảm nhận qua những giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác…
BỘ ĐỀ ÔN TẬP THI HỌC KÌ II
Đọc hiểu theo thể loại:
(Có bài tập tiếng Việt trong các đoạn ngữ liệu; Ngữ liệu ngoài SGK, có thể sử dụng cho cả 3 bộ sách)
TRUYỆN ĐỒNG THOẠI
- Đọc kĩ văn bản, xác định chủ đề của truyện.
- Nhận biết các yếu tố của truyện đồng thoại như hệ thống nhân vật,cốt truyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật…
- Xác định được đặc điểm của nhân vật (ngoại hình, phẩm chất...). Liên tưởng đến những đặc điểm giống con người.
- Nhận biết tình cảm, thái độ, quan niệm của tác giả thể hiện qua văn bản.
- Suy nghĩ để cảm nhận được bài học triết lí tác giả gửi gắm qua văn bản truyện đồng thoại.
- Liên hệ với bản thân (nếu có)