Đề thi hsg ngữ văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2019 có đáp án

Đề thi hsg ngữ văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2019 có đáp án

4.7/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi hsg ngữ văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2019 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 NĂM HỌC 2018 - 2019

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN - THPT

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1 (6,0 điểm)

Trên website Nhà văn hóa Thanh niên “www.nvhtn.org.vn” có đăng ý kiến của ông Giản Tư Trung - Giám đốc PACE:

Trái đất này là của chúng mình, thế giới phẳng đã gióng lên hồi chuông toàn cầu về sự vận động của thế giới, mọi người cần ý thức sâu sắc về nơi mình đang sống, vị trí mình đang đứng. Khoa học, công nghệ đang thu nhỏ thế giới lại, cơ hội đang đến với mỗi cá nhân chúng ta và chỉ còn phải nắm bắt lấy nó. Mỗi người phải chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc như vốn ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ tư duy tốt. Hãy bắt đầu ngay trước khi quá muộn.

…..

Nhiều người trong chúng ta, hàng ngày đang sống, làm việc đôi khi như quán tính, thói quen và vì các mục tiêu trước mắt, mà rất ít khi dừng lại xác định mình là ai?”, mình thực sự muốn làm gì?” và mình cần phải làm gì?”.

Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) khi đọc những dòng ý kiến trên. Có bao giờ anh (chị) nghĩ rằng sẽ phải lập một “chiến lược” cho chính cuộc đời mình?

Câu 2 (14,0 điểm)

“Những bài thơ chân chính bao giờ cũng xâm chiếm tâm hồn người đọc trước hết bằng âm điệu. Cảm xúc của hồn thơ thường hiện ra thành những rung động. Những rung động tâm hồn hoá thân rất nhiều thành âm điệu thơ. Nghe được âm điệu thơ là đã phần nào nắm được cái hồn của bài thơ”.

(Chu Văn Sơn, Thơ - điệu hồn và cấu trúc - NXB Giáo dục Việt Nam, 2007)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua thi phẩm Tràng giang của Huy Cận (Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2015) và Việt Bắc của Tố Hữu (Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2015), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

------------- HẾT-------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:………………….....………..; Số báo danh:…………..….…………..

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 NĂM HỌC 2018 - 2019

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN - THPT

(Gồm 03 trang)

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (6,0 điểm)

Ý

Nội dung

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trong xã hội hiện đại, nhiều người sống thiếu sự định hướng mục tiêu cho cuộc đời mình. Cần phải lập một chiến lược cho cuộc đời.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động:

1

Giải thích

1,5

- Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, vẫn còn rất nhiều người sống chưa thật sự hiểu về bản thân, thiếu sự định hướng mục tiêu cho cuộc đời mình. Nhiều thanh niên Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội vì không có sự chuẩn bị cho mình những yếu tố cần thiết.

- Những câu hỏi: "mình là ai?", "mình thực sự muốn gì?" và "mình cần phải làm gì?" chính là xác định vị trí của mỗi người giữa cuộc đời, là những chỉ tiêu phấn đấu, mục tiêu phía trước của mỗi người.

- Trong bức tranh xã hội hiện đại – "thế giới phẳng" (thế giới "hội nhập", "toàn cầu hóa") với những tiện ích của công nghệ thông tin, con người có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. “Sự vận động của thế giới” với tốc độ nhanh chóng đòi hỏi con người phải biết hoạch định mục tiêu, xây dựng “chiến lược” cho cuộc đời mình thì mới có thể thành công và làm chủ cuộc đời của chính mình.

0,5

0,5

0,5

2

Bàn luận

2,5

- Thế hệ trẻ hôm nay trên đường đến với tương lai được học hành đầy đủ, có nhiều cơ hội, điều kiện vật chất tốt… nhưng nhiều người lại sống thiếu sự định hướng mục tiêu cho cuộc đời mình.

- Không có mục tiêu sống, con người dễ lãng phí nhiều thời gian, cơ hội, tuổi trẻ, dễ lâm vào những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Không ít giấc mơ đã thui chột vì con người không xác định được mục tiêu cho cuộc đời, tương lai.

- Để đáp ứng với yêu cầu của thời đại mới bản thân mỗi người cần phải lập một "chiến lược" cho chính cuộc đời mình, cần có mục tiêu và lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu ấy.

- Phê phán một bộ phận giới trẻ trong xã hội sống và làm việc theo “quán tính, thói quen và vì các mục tiêu trước mắt”…nên đã đánh mất nhiều giá trị sống tốt đẹp.

- Thế hệ trẻ cần một phương pháp, sự giúp đỡ từ gia đình, nhà trường, xã hội... để tự xây dựng mục tiêu, xác định một “chiến lược” cho cuộc đời mình.

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

3

Bài học nhận thức và hành động

1,0

- Nhận thức được vai trò quan trọng của việc tự nhận thức sâu sắc về bản thân và việc hoạch định chiến lược cho tương lai.

- Phải biết ước mơ và xây dựng cho mình những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn trong hành trình đến tương lai; không ngừng học tập, rèn luyện những năng lực, những kĩ năng để có một "nền tảng vững chắc" vươn tới thành công.

0,5

0,5

d. Sáng tạo

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25

Câu 2 (14,0 điểm)

Ý

Nội dung

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

0,5

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Âm điệu thơ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những bài thơ chân chính. Nghe được âm điệu thơ là đã phần nào nắm được cái hồn của bài thơ.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; đánh giá khái quát vấn đề nghị luận:

1

Giải thích ý kiến

2,0

- Thơ chân chính (thơ hay), là những bài thơ thể hiện cách nhìn, cách cảm xúc mới mẻ độc đáo về thiên nhiên tạo vật, về xã hội, về tâm hồn con người...; bộc lộ những tâm sự, nỗi niềm của người viết, mang lại cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ lành mạnh... Thơ chính là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu…

- Thơ hay, “thơ chân chính” đến với người đọc trước hết bằng “âm điệu”: là sức vang, sức tan toả của bài thơ thấm vào hồn người đọc, chinh phục trực giác của người đọc, tạo sự ám ảnh, có “ma lực” cuốn hút người đọc để có những khám phá, có cách “giải mã” phù hợp, để được đắm mình trong thế giới thơ.

- Để có âm điệu bài thơ “xâm chiếm tâm hồn người đọc”, nhà thơ phải có những “rung động tâm hồn” (cảm xúc); những rung động tâm hồn ấy đã “hoá thân rất nhiều thành âm điệu thơ”. Nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động, những xúc cảm mãnh liệt. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc. Cảm xúc trong thơ là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ của nhà thơ.

- Đọc thơ, người đọc phải “nghe” được những rung động tâm hồn của người làm thơ, như thế mới phần nào nắm được cái hồn của bài thơ.

0,5

0,5

0,5

0,5

3

Phân tích bài thơ Tràng giang (Huy Cận), Việt Bắc (Tố Hữu) để “nghe được âm điệu thơ”.

8,0

* Bài thơ Tràng giang (Huy Cận)

- Giới thiệu khái quát về Huy Cận, bài thơ Tràng giang.

- “Âm điệu” qua nội dung: Bài thơ mang một âm điệu buồn mênh mang sâu lắng, ngấm sâu trong lòng tạo vật và tâm hồn thi nhân, bộc lộ nỗi buồn tủi cô đơn bơ vơ của con người cá nhân Huy Cận với nhiều cung bậc: buồn, sầu, đìu hiu, lặng lẽ, cô liêu, bơ vơ… vừa cổ điển vừa hiện đại.

+ Tràng giang hiện lên như một bức tranh tạo vật vừa mênh mông, vô biên vừa hoang sơ, hiu quạnh. Giữa không gian đó thi nhân hiện lên: như một lữ thứ lạc loài đơn độc thấm thía trạng thái bơ vơ, cô độc, sầu tủi của kiếp người; nỗi cô đơn của con người trước tạo vật bao la hùng vĩ mà thiếu vắng tình người, thiếu quê hương ấm áp, thiếu sự đồng điệu giao cảm gắn bó; niềm khát khao hơi ấm tình đời tình người đã chuyển thành niềm rung động của một tấm lòng quê.

+ Về sự vận động của hình tượng thơ: có hai dòng sông chảy dọc suốt bài thơ, một dòng sông dềnh lên mênh mang sóng nước và một dòng sông tâm hồn thấp thoáng ẩn hiện qua các khổ thơ.

- “Âm điệu” qua các yếu tố hình thức nghệ thuật: nỗi buồn triền miên trong tâm hồn Huy Cận đã được thể hiện qua âm hưởng của bài thơ, bằng âm vang chữ nghĩa, hình ảnh thơ, cấu trúc câu thơ,…

- Cội nguồn của nỗi cô đơn sầu tủi tạo nên âm điệu buồn của thi phẩm vừa mang dấu ấn của truyền thống nghệ thuật thi ca phương Đông, vừa có căn nguyên thời đại và mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân Huy Cận

* Bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu):

- Giới thiệu khái quát về Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc.

- “Âm điệu” qua nội dung: Việt Bắc là bản anh hùng ca tổng kết một giai đoạn lịch sử gian lao mà hào hùng của dân tộc với những mảng hoài niệm chân thực, rõ nét về con người và quê hương cách mạng. Âm điệu bài thơ được tạo nên từ nhịp điệu của cảm xúc, tâm trạng của thi nhân. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ thương lưu luyến.

+ Vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc thanh bình, thơ mộng nhưng cũng rất đỗi oai hùng trong những ngày kháng chiến; Con người Việt Bắc sống gian lao mà nghĩa tình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh cùng Cách mạng.

+ Tái hiện kỉ niệm về Việt Bắc là để: bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của cán bộ cách mạng với đồng bào và quê hương Việt Bắc; là lời tự vấn của tác giả với lòng mình về nghĩa tình thủy chung đối với đất và người Việt Bắc; nhắn gửi bài học sâu sắc về đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, quá khứ lịch sử luôn là một phần của hiện tại hôm nay.

- “Âm điệu” qua các yếu tố hình thức nghệ thuật: sử dụng sáng tạo thể thơ lục bát truyền thống; kết cấu của bài thơ theo lối đối đáp, hô ứng kết hợp với cặp đại từ “mình-ta” thường gặp trong ca dao dân; nhịp thơ có sự thay đổi phù hợp với cảm xúc khi chậm rãi, tha thiết, lắng sâu trong hoài niệm, khi nhanh, mạnh, hối hả gấp gáp khi tái hiện những tháng ngày kháng chiến hào hùng và niềm vui chiến thắng; nghệ thuật dùng từ láy, điệp từ ngữ, điệp cấu trúc cú pháp, nghệ thuật tiểu đối…

- Cội nguồn của nỗi nhớ tạo nên âm điệu tha thiết, ngọt ngào… của thi phẩm vừa mang dấu ấn của nghệ thuật truyền thống vừa mang đậm dấu ấn phong cách thơ Tố Hữu.

Lưu ý: Mỗi luận điểm học sinh phải lựa chọn dẫn chứng để làm sáng tỏ.

0,5

0,5

1,0

0,5

1,0

0,5

0,5

0,5

1,0

0,5

1,0

0,5

3

Đánh giá, nâng cao vấn đề

2,0

- Ý kiến của nhà phê bình Chu Văn Sơn đã khái quát đặc trưng nổi bật của thơ là tính trữ tình, là những rung động tâm hồn, xúc cảm thẩm mĩ của nhà thơ được mã hoá bằng những sáng tạo ngôn từ tạo nên âm điệu của bài thơ. Âm điệu thơ chính là cái thần, là linh hồn, làm nên giá trị, sức hấp dẫn, sức sống của thi phẩm. Đồng thời tác giả cũng đề cập đến vấn đề tiếp nhận thơ, người đọc “nghe” thơ, hiểu những xúc cảm của nhà thơ bằng chính những rung cảm tâm hồn mình.

- Đối với người làm thơ, trước hết phải có “rung động tâm hồn”, có cảm xúc nhưng đồng thời phải biết “mã hoá” cảm xúc, những rung động tâm hồn ấy bằng những sáng tạo nghệ thuật để bài thơ có “âm điệu” riêng, có sức hấp dẫn riêng đối với người đọc.

- Đối với người đọc, đến với thi phẩm, trước tiên bằng trực cảm, lắng nghe những rung động trong tâm hồn mình. Những rung động đó phải bắt nguồn từ việc “cảm” “âm điệu” của bài thơ, từ những yếu tố (đặc biệt là những yếu tố độc đáo) thuộc về thi phẩm để đồng cảm với những rung động tâm hồn của tác giả và “giải mã” thi phẩm. Người đọc cần có những “chìa khóa” để mở cánh cửa thế giới nghệ thuật của các tác phẩm thơ.

1,0

0,5

0,5

d. Sáng tạo

0,5

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0,5

------------- HẾT ------------