Đề thi học sinh giỏi văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2016 có đáp án

Đề thi học sinh giỏi văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2016 có đáp án

4.9/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi học sinh giỏi văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2016 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2015-2016

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – THPT

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1 (3,0 điểm)

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau:

Để giàu sang, một người có thể chỉ mất vài ba năm, nhưng để trở thành người có văn hóa có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời.

(Vũ Khiêu - Bài phát biểu nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)

Câu 2 (7,0 điểm)

Cổ nhân từng nói: “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu), hãy làm sáng tỏ.

------------- HẾT-------------

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Họ tên học sinh…………………….....………..;Số báo danh……………

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2015-2016

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – THPT

(Gồm 04 trang)

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Về kĩ năng:

- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

- Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Về kiến thức:

Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý

Nội dung

Điểm

1

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề

0,25

2

Giải thích ý kiến

0,5

- Văn hóa: Một khái niệm rộng bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống, từ khoa học cho đến nghệ thuật, từ đời sống tâm hồn, tâm linh đến thói quen sinh hoạt, thị hiếu thẩm mĩ, giao tiếp ứng xử,… của con người.

- Khái niệm văn hóa trong câu nói của Vũ Khiêu bàn đến văn hóa của một người. Bằng những mệnh đề tương phản: giàu sang - có văn hóa; ba năm - chục năm, cả cuộc đời, nhà văn hóa Vũ Khiêu muốn khẳng định sự dày công trong việc dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện để một con người trở nên có văn hóa.

0,25

0,25

3

Bàn luận, mở rộng vấn đề

1,75

- Khẳng định ý kiến hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.

- Để giàu sang, một người có thể chỉ mất vài ba năm: Với một con người, việc tạo lập một sản nghiệp, một cuộc sống đủ đầy có thể chỉ mất một thời gian ngắn. Sự cần cù và sáng tạo trong lao động có thể khiến họ nhanh chóng trở thành người giàu có.

- Để trở thành một người có văn hóa, có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời:

+ Để hình thành nền tảng văn hóa tri thức, con người cần rèn luyện, tích lũy trong khoảng thời gian hàng chục năm khi ngồi trên ghế nhà trường và trong suốt cả cuộc đời, Học, học nữa, học mãi (Lênin).

0,25

0,25

1,0

+ Mỗi người phải mất cả cuộc đời để hoàn thiện những giá trị văn hóa tinh thần: Đó là vẻ đẹp tâm hồn với các giá trị đạo đức như: tình yêu thương, nhân ái, lòng vị tha, khoan dung, sự sẻ chia, đồng cảm; lòng yêu nước, ý thức dân tộc, cộng đồng; thái độ trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ; văn hóa giao tiếp ứng xử giữa người với người trong cuộc sống…

- Văn hóa tri thức và đạo đức nhân cách của con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Những người có trình độ văn hóa cao thường là những nhân cách đáng trọng. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp bởi trên thực tế, nhiều người có trình độ văn hóa cao vẫn có thể có những suy nghĩ ấu trĩ, vẫn có thể mắc những sai lầm trong giao tiếp ứng xử. Vì vậy song song với việc bồi đắp tri thức văn hóa, con người ta còn phải học làm người, tăng cường rèn luyện kĩ năng sống.

0,25

4

Bài học nhận thức và hành động

0,5

- Việc rèn luyện để trở thành con người có văn hóa là quan trọng, cần thiết.

- Để đào luyện một con người có văn hóa cần có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên yếu tố quyết định là ở mỗi người, ở việc trau dồi ý thức làm người.

0,25

0,25

Câu 2 (7,0 điểm)

a. Về kĩ năng:

- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

- Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

- Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý

Nội dung

Điểm

1

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề

0,5

2

Giải thích

2,0

* Cắt nghĩa ý kiến: (0,75 điểm)

- Thi: thơ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.

- Thi trung hữu họa: Trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh). Thi trung hữu nhạc: Trong thơ có nhạc.

=> Ý kiến trên của người xưa nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh và nhạc điệu. Ý kiến của cổ nhân hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.

* Lí giải ý kiến: (1,25 điểm)

- Thơ - nhạc - hoạ đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Nếu hoạ dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng giai điệu, âm thanh thì thơ cũng như các tác phẩm văn chương lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn từ có đặc điểm riêng: đó là chất liệu phi vật thể, vì vậy, tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu.

- Thi trung hữu họa bởi vì: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.

- Thi trung hữu nhạc bởi vì: Thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của con người. Cảm xúc biểu lộ mạnh mẽ ở thanh điệu, nhịp điệu của lời nói (ngôn từ). Tính nhạc là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm của thơ ca. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết. Nhạc điệu trong thơ thể hiện nhịp vận động của đời sống, của nhịp đập trái tim, bước đi của tình cảm con người.

0,25

0,25

0,25

0,25

0,5

0,5

3

Chứng minh qua hai bài thơ Tây Tiến Việt Bắc

4,0

a. Thi trung hữu họa: ( 2,0 điểm)

- Với trí tưởng tượng bay bổng, phong phú, kết hợp bút pháp miêu tả khái quát và cận cảnh, thủ pháp đối lập tương phản... Bài thơ Tây Tiến đã vẽ lên trước mắt người đọc:

+ Bức tranh chân thực về khung cảnh núi rừng miền Tây hiểm trở hùng vĩ nhưng vô cùng trữ tình thơ mộng.

+ Bức chân dung về người lính Tây Tiến hào hùng nhưng cũng rất đỗi hào hoa.

- Bằng lối nói giàu hình ảnh, các cách chuyển nghĩa truyền thống (so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ…) được sử dụng thích hợp... Bài thơ Việt Bắc đã tái hiện thành công:

+ Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc.

+ Bức tranh về cuộc sống con người trong kháng chiến, bức tranh Việt Bắc ra quân hào hùng.

1,0

1,0

b. Thi trung hữu nhạc: (2,0 điểm)

- Xuân Diệu nhận xét: Đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng. Tính nhạc trong Tây Tiến thể hiện ở:

+ Thể thơ thất ngôn mang âm hưởng trầm hùng phù hợp với việc biểu đạt nội dung.

+ Phối hợp nhịp nhàng giữa các thanh bằng trắc, sự hiệp vần: ơi, biện pháp điệp từ: nhớ, ngàn thước

+ Sử dụng thành công hệ thống từ láy.

+ Nhạc điệu của bài thơ còn được tạo nên từ nỗi nhớ tha thiết, tình yêu sâu đậm của nhà thơ với mảnh đất Tây Bắc, với binh đoàn Tây Tiến, với quê hương, đất nước. Đó là nhạc điệu tâm hồn của thi nhân.

- Tính nhạc trong Việt Bắc thể hiện ở:

+ Thể thơ lục bát: Nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa sáng tạo không đơn điệu.

+ Sử dụng cặp đại từ: mình - ta.

+ Nghệ thuật đối: Được sử dụng với tần số cao, biểu đạt xúc động nỗi lòng sâu kín của kẻ đi - người ở đồng thời tạo ra sự cân xứng về cấu trúc vẻ đẹp nhịp nhàng của ngôn từ. Tất cả tạo nên nhạc điệu đầy quyến luyến, trầm bổng, ngân nga. Việt Bắc ru người trong nhạc.

+ Biện pháp điệp: điệp từ: nhớ, có nhớ; điệp cấu trúc: mình đi - mình về; câu hỏi tu từ… tạo nên nhịp ru cho bài thơ, diễn tả thành công nỗi lòng kẻ đi - người ở.

+ Cách gieo vần và sử dụng từ láy cũng góp phần tạo nên nhạc điệu cho bài thơ.

+ Việt Bắc có giọng điệu tâm tình, tự nhiên, đằm thắm, là tiếng nói của tình thương mến ngọt ngào, là khúc tình ca và bản hùng ca về kháng chiến và con người kháng chiến... Thơ Tố Hữu phong phú nhạc điệu, một thứ nhạc giàu có tự bên trong của tâm hồn hoà với nhạc điệu lôi cuốn của đời sống.

1,0

1,0

4

Đánh giá, nâng cao vấn đề

0,5

- Khẳng định câu nói của cổ nhân là hoàn toàn đúng với thơ ca và được minh chứng rõ qua hai bài thơ Tây TiếnViệt Bắc.

- Hai bài thơ giàu chất nhạc, chất họa, thể hiện tài năng của hai nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật.

- Bài học cho người nghệ sĩ và người tiếp nhận.

------------- HẾT -------------