Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Liên kết câu và liên kết đoạn văn

4.2/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Liên kết câu và liên kết đoạn văn

I. Kiến thức cần nhớ

Các đoạn văn trong một văn bản cũng như các câu trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức

- Về nội dung:

   + Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn

   + Các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp theo trình tự hợp lí

- Về hình thức, các câu và các đoạn văn có thể được liên kết với nhau bằng một số biện pháp chính như sau:

   + Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu trước (phép lặp)

   + Sử dụng ở câu đứng sau các từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước (phép đồng nghĩa, liên tưởng, trái nghĩa)

   + Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước (phép thế)

   + Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thì quan hệ với câu trước (phép nối)

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Nối các từ ngữ cột A với các từ ngữ cột B sao cho phù hợp

A

B

1. Phép lặp từ ngữ

a, Sử dụng ở các câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước

2. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng

b, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước

3. Phép thế

c, Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu đứng trước

4. Phép nối

d, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước

Bài 2: Tìm các phép liên kết có trong các đoạn trích sau:

a, Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.

b, Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà; chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng, bà đi thì không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lưng thẳng. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.

c, Có cây lược anh càng mong gặp con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám- năm đó ta chưa võ trang- trong một trận càn của quân Mĩ- ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực.

Hướng dẫn trả lời

Bài 1:

1- c; 2- d; 3- a; 4- b

Bài 2:

a, Phép thế

b, Phép lặp

c, Phép nối

Phần trắc nghiệm

Câu 1: Các đoạn văn trong một văn bản, cũng như các câu văn trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 2: Tính liên kết về mặt nội dung trong đoạn văn là gì?

A. Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn (liên kết chủ đề)

B. Các đoạn văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết logic)

C. Cả A và B đúng

D. Cả A và B sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 3: Các phép liên kết chủ yếu được học là?

A. Phép nối, phép lặp B. Phép liên tưởng, trái nghĩa

C. Phép thế D. Cả 3 đáp án trên

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 4: Hai câu “Nhà thơ hiểu rằng những tật xấu của chó sói là do nó vụng về vì chẳng có tài trí gì, nên nó luôn đói meo, và vì nó đói nên nó hóa rồ. Ông để cho Buy- phông dựng một vở bi kịch về sự độc ác, còn ông dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc.” liên kết với nhau bằng phép liên kết chính nào?

A. Phép lặp từ ngữ B. Phép trái nghĩa

C. Phép đồng nghĩa D. Phép thế

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Giải thích: Thế từ “ông” cho từ “nhà thơ”

Câu 5: Đại từ “nó” trong câu “Cái im lặng lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…” thay thế cho cụm từ nào?

A. Cái im lặng B. Lúc đó

C. Thật dễ sợ D. Cái im lặng lúc đó

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 6: Hãy nối từ ngữ cột A với cột B cho phù hợp

A

B

1. Phép lặp lại

A. Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có các câu trước

2. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng

B. Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước

3. Phép thế

C. Lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước

4. Phép nối

D. Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với các từ ngữ đã có ở câu trước.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: 1- C; 2- D; 3- A; 4- B

Câu 7: Nhận định nào sau đây chưa chính xác?

A. Các câu văn trong đoạn văn hoặc trong văn bản phải có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức

B. Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu văn phải phục vụ chủ đề của đoạn văn

C. Các đoạn văn và câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí

D. Việc sử dụng ở câu đứng các từ ngữ đồng nghĩa với từ ngữ đã có ở câu trước được gọi là phép liên kết liên tưởng

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 8: Trong đoạn văn sau, từ ngữ in đậm thay thế cho những từ ngữ nào?

Có ông quan lớn đến hiệu may để may một cái áo thật sang tiếp khách. Biết ông ta xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may bèn hỏi:

- Xin quan lớn cho biết ngài may chiếc áo này để tiếp ai ạ?

A. Ông quan lớn B. Có ông quan lớn

C. Cái áo thật sang D. Ông quan

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 9: Yếu tố được thay thế trong câu trên là gì?

A. Cụm danh từ B. Cụm tính từ

C. Cụm động từ D. Cụm chủ vị

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 10: Các từ được sử dụng trong phép thế?

A. Đây, đó, kia, thế, vậy… B. Cái này, việc ấy, vì vậy, tóm lại…

C. Và, rồi, nhưng, vì, để, nếu… D. Nhìn chung, tuy nhiên, dù thế, nếu vậy…

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 11: Từ “tuy nhiên” trong đoạn văn sau chỉ kiểu quan hệ nào giữa hai câu?

Cừu là con vật ngu ngốc và sợ sệt. Tuy nhiên chúng là con vật rất thân thương.

A. Quan hệ nguyên nhân B. Quan hệ điều kiện

C. Quan hệ nghịch đối D. Quan hệ thời gian

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 12: Dòng nào sau đây không chứa những từ ngữ thường dùng trong phép nối?

A. Và, rồi, nhưng, mà, còn, vì, nếu, tuy, để… B. Vì vậy, nếu thế, thế thì, vậy nên…

C. Nhìn chung, tóm lại, hơn nữa, vả lại, với lại… D. Cái này, điều ấy, việc đó,…hắn, họ, nó…

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 13: Từ in dậm trong câu văn chỉ kiểu quan hệ gì giữa hai câu?

Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng.

A. Quan hệ bổ sung B. Quan hệ nguyên nhân

C. Quan hệ nhượng bộ D. Quan hệ nghịch đối

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 14: Gạch chân từ ngữ chỉ quan hệ liên hệ giữa hai câu văn sau và cho biết kiểu quan hệ do từ ngữ này diễn đạt.

Hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông ra, áp vật vào nhau… Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

A. Quan hệ tăng tiến B. Quan hệ nguyên nhân kết quả

C. Quan hệ kết quả D. Quan hệ tương phản

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 15: Từ in đậm trong câu “Con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu”. là gì?

A. Cái mạnh của con người Việt Nam B. Sự thông minh

C. Nhạy bén với cái mới D. Sự thông minh nhạy bén với cái mới

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 16: Từ ngữ được thay thế cho trong câu trên là:

A. Cụm danh từ B. Cụm tính từ

C. Cụm động từ D. Cụm chủ vị

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A