Ý nghĩa của văn chương

Ý nghĩa của văn chương

4.9/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Ý nghĩa của văn chương

A. Nội dung bài học

I. Đôi nét về tác giả Hoài Thanh

- Hoài Thanh (1909-1982), quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

- Ông là một nhà phê bình văn học xuất sắc. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Thi nhân Việt Nam”, in năm 1942

- Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

II. Đôi nét về tác phẩm Ý nghĩa của văn chương

1. Xuất xứ

- “Ý nghĩa văn chương” được viết năm 1936, in trong “Bình luận văn chương” (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998)

- Bài “Ý nghĩa văn chương” có lần đổi in lại đã đổi nhan đề thành “Ý nghĩa và công dụng của văn chương”

2. Bố cục (3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “muôn vật, muôn loài”): Nguồn gốc của văn chương

- Phần 2 (tiếp đó đến “gợi lòng vị tha”): Nhiệm vụ của văn chương

- Phần 3 (còn lại): Công dụng của văn chương

3. Giá trị nội dung

Hoài Thanh khẳng định: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn.

4. Giá trị nghệ thuật

- Giàu hình ảnh độc đáo

- Lối văn nghị luận vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc

III. Dàn ý phân tích tác phẩm Ý nghĩa của văn chương

I. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Hoài Thanh (những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác…)

- Giới thiệu về văn bản “Ý nghĩa văn chương” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Nguồn gốc của văn chương

- Nguồn gốc chủ yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật, muôn loài

⇒ Đây là quan niệm đúng đắn, có lí song không phải là quan niệm duy nhất

2. Nhiệm vụ của văn chương

- Văn chương là sự hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng

⇒ Văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống

- Văn chương sáng tạo ta sự sống

⇒ Văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến.

3. Công dụng của văn chương

- Khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, “gợi tình cảm và lòng vị tha”

⇒ Văn chương có sức cảm hóa lạ lùng

- Gây cho ta những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có

   + Cho ta biết cảm nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, của thiên nhiên

   + Lưu giữ lại dấu vết, lịch sử văn hóa của loài người

⇒ Văn chương giúp con người có đời sống tinh thần phong phú, giúp khơi gợi ở con người tình cảm, cảm xúc chân thật

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có

   + Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ, vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh…

- Vai trò, công dụng của văn chương đối với bản thân: trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết, thế giới tinh thần trở nên phong phú hơn…

B. Bài tập luyện tập

Câu 1: Tác giả của văn bản Ý nghĩa văn chương là ?

A. Phạm Văn Đồng B. Hồ Chí Minh

C. Hoài Thanh D. Xuân Diệu

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 2: Dòng nào không phải là nội dung được Hoài Thanh đề cập đến trong bài viết của mình ?

A. Quan niệm của Hoài Thanh về nguồn gốc của văn chương

B. Quan niệm của Hoài Thanh về nhiệm vụ của văn chương

C. Quan niệm của Hoài Thanh về công dụng của văn chương trong lịch sử loài người

D. Quan niệm của Hoài Thanh về các thể loại văn học.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 3: Tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoài Thanh là ?

A. Thi nhân Việt Nam B. Nhân văn Việt Nam

C. Có một nền văn hóa Việt Nam D. Nam Bộ mến yêu

Hướng dẫn giải:

Đáp án: A

Câu 4: Theo Hoài Thanh, nguồn gốc cốt yếu của văn chương là gì?

A. Cuộc sống lao động của con người.

B. Tình yêu lao động của con người.

C. Lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.

D. Do lực lượng thần thánh tạo ra.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 5:. Công dụng nào của văn chương được Hoài Thanh khẳng định trong bài viết của mình?

A. Văn chương giúp cho người gần người hơn.

B. Văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha.

C. Văn chương là loại hình giải trí của con người.

D. Văn chương dự báo những điều xảy ra trong tương lai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 6: Văn bản ‘‘ý nghĩa văn chương’’ của Hoài Thanh thuộc dạng nghị luận văn chương nào ?

A. Bình luận về các vấn đề văn chương nói chung.

B. Phê bình, bình luận về một hiện tương văn học cụ thể.

C. Cả A và B đều đúng.

D. Cả A, B và C đều sai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 7: Từ ‘‘cốt yếu’’ (trong câu ‘‘Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài’’) được Hoài Thanh dùng với ý nghĩa nào khi nói về nguồn gốc của văn chương?

A. Tất cả. B. Một phần.

C. Đa số. D. Cái chính, cái quan trọng nhất.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Câu 8: Theo em, quan niệm về văn chương sau đây có thể bổ xung cho quan niệm của Hoài Thanh để có một quan niệm đầy đủ về nguồn gốc của văn chương?

A. Văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người.

B. Văn chương bắt nguồn từ thế giới thần bí bên ngoài con người.

C. Văn chương bắt nguồn từ việc muốn biết trước tương lai của con người.

D. Văn chương bắt nguồn từ việc muốn tìm hiểu quá khứ của con người.

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 9: Tại sao Hoài Thanh lại nói: ‘‘Văn chương sẽ là hình ảnh của cuộc sống muôn hình vạn trạng’’?

A. Vì cuộc sống trong văn chương chân thật hơn bất kì một loại hình nghệ thuật nào.

B. Vì nhiệm vụ của văn chương là phải ghi chép lại tất cả những gì ông ta nhìn thấy ngoài cuộc đời.

C. Vì văn chương có nhiệm vụ phản ánh phong phú và đa dạng của con người và xã hội.

D. Cả A, B và C đều sai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 10: Vì sao Hoài Thanhn lại nói: ‘‘Văn chương còn sáng tạo ra sự sống’’?

A. Vì cuộc sống trong văn chương hoàn toàn khác với ngoài đời.

B. Vì văn chương có thể dựng lên hình ảnh, đưa ra những ý tưởng mà cuộc sống chưa có hoặc cần có để mọi người phấn đấu xây dựng, biến chúng thành sự thật trong tương lai.

C. Vì cuộc sống được nhà văn tạo ra trong văn chương luôn luôn đẹp hơn ngoài cuộc đời.

D. Vì văn chương làm cho con người muốn thoát li với cuộc sống.

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 11: Dòng nào sau đây không có trong quan niệm về công dụng của văn chương của Hoài Thanh?

A. Văn chương giúp cho con người hăng say lao động hơn.

B. Văn chương giúp cho người đọc có tình cảm và lòng vị tha.

C. Văn chương gây cho ta những tình cảm chưa có, luyện những tình cảm ta sẵn có.

D. Văn chương giúp cho con người biết cái hay, cái đẹp của cảnh vật thiên nhiên.

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 12: Tại sao nói ‘‘ý nghĩa văn chương’’ của Hoài Thanh là văn bản nghị luận văn chương?

A. Vì dẫn chứng trong bài viết là các tác phẩm văn chương.

B. Vì tác giả nói về nguồn gốc và ý nghĩa của văn chương.

C. Vì phạm vi nghị luận là vấn đề của văn chương.

D. Cả A, B và C đều sai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 13: Theo em, đặc trưng nào sau đây không phải là đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài viết ‘‘ý nghĩa văn chương’’?

A. Sử dụng luận cứ hợp lí. B. Văn viết có cảm xúc.

C. Văn phong giàu hình ảnh. D. Sử dụng phép tương phản.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D