Viết đoạn văn trình bày luận điểm

Viết đoạn văn trình bày luận điểm

4.1/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Viết đoạn văn trình bày luận điểm

MỤC LỤC

    A. Củng cố kiến thức

       Trình bày luận điểm trong đoạn văn nghị luận cần chú ý:

       - Thể hiện rõ ràng chính xác nội dung của luận điểm trong câu chủ đề

       - Đoạn văn diễn dịch: Câu chủ đề ở vị trí đầu tiên

       - Đoạn văn quy nạp: Câu chủ đề ở vị trí cuối cùng

       - Tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm

       - Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để sự trình bày luận điểm có sức thuyết phục

    B. Ví dụ minh họa

       a. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

    (Lí Công Uẩn, Chiếu dời đô)

       ⇒ Câu chủ đề: Thật là chốn tụ hội trọng yếu của 4 phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

       ⇒ Đoạn văn quy nạp

       b. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

    (Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

       ⇒ Câu chủ đề: Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước.

       ⇒ Đoạn văn diễn dịch

    C. Bài tập củng cố

    Bài 1: Xác định câu chủ đề và cho biết đoạn văn đó thuộc đoạn văn diễn dịch hay quy nạp

       a. Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa như mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho tận tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, hay múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng vẻ đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.

    (Khái Hưng)

       b. Những đứa con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau…Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hàng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Ngoài ra, những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

    (Trần Thanh Thảo)

    Hướng dẫn làm bài

       a. Câu chủ đề: Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng.

       ⇒ Đoạn văn diễn dịch

       b. Câu chủ đề: Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

       ⇒ Đoạn văn quy nạp

    Bài 2: Viết đoạn văn triển khai luận điểm “Tá hại của sự cẩu thả”:

    Hướng dẫn làm bài

       Cẩu thả là thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, vội vàng, hời hợt, không chú ý đến chất lượng, kết quả. Đây là thái độ sống đáng phê phán, gây ra những tác hại nghiêm trọng. Trong bất cứ nghề nghiệp, công việc gì, sự cẩu thả, vội vàng cũng đồng nghĩa với gian dối, thiếu ý thức. Nó là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm, của sự bất lương. Sự cẩu thả dẫn đến những kết quả thấp kém, những tác hại khôn lường cho bản thân và cả những người xung quanh. Ở mỗi lĩnh vực, sự cẩu thả lại mang lại những hậu quả với mức độ khác nhau. Trong lĩnh vực y học, sự cẩu thả của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của một con người. Sự cẩu thả trong khâu xử lí rác thải của nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, mỗi người trên bất cứ lĩnh vực, công việc gì cũng cần cẩn trọng, có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì việc mình làm, coi kết quả công việc là thước đo lương tâm, phẩm giá của con người.

    Phần trắc nghiệm

    Câu 1: Ý nghĩa của câu chủ đề trong đoạn văn nghị luận trình bày luận điểm là gì ?

    A. Thể hiện rõ ràng, chính xác nội dung của luận điểm.

    B. Thể hiện một phần nội dung của luận điểm.

    C. Trình bày luận điểm sinh động, hấp dẫn.

    D. Gồm cả A, B, C

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 2: Đối với đoạn văn diễn dịch, câu chủ đề thường đặt ở vị trí nào ?

    A. Bất cứ vị trí nào B. Đầu đoạn văn

    C. Giữa đoạn văn D. Cuối đoạn văn

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: B

    Câu 3: Đối với đoạn văn quy nạp, câu chủ đề thường đặt ở vị trí nào ?

    A. Bất cứ vị trí nào B. Đầu đoạn văn

    C. Giữa đoạn văn D. Cuối đoạn văn

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 4: Câu chủ đề của đoạn văn sau là gì?

    “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. ”

    (Lí Công Uẩn, Chiếu dời đô)

    A. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi.

    B. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng.

    C. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.

    D. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 5: Đoạn văn sau được triển khai theo hình thức nào?

    “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước. ”

    (Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

    A. Diễn dịch B. Quy nạp

    C. Song hành D. Tổng phân hợp

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 6: Lập luận là gì ?

    A. Là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn.

    B. Là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm.

    C. Là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm.

    D. Cả A, B, C đều đúng.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: C

    Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 7 đến câu 8:

    Ở màn đầu chương XIII, cảnh nhà vợ chồng địa chủ Nghị Quế, Ngô Tất Tố cho bưng vào đấy một cái rổ nhún nhín bốn chó con. […] Quái thay là Ngô Tất Tố. Mới xem, ai cũng thấy vợ chồng địa chủ cũng chỉ là như mọi người khác thích chó, yêu gia súc, tưởng người lành hoặc kẻ bất lương cũng không khác nhau gì lắm trong việc nuôi chó con. Thằng chồng le te cho chó ăn cơm, ôn tồn hỏi về chó, rồi xem tướng chó. Hắn sung sướng. Vợ hắn và hắn bù khú […] với nhau trên câu chuyện chó con. Ấy thế rồi là đùng đùng giở giọng chó má ngay với mẹ con chị Dậu đứng đấy. Đoạn này, khá lắm, bác Tố ạ! Cho thằng nhà giàu rước chó vào nhà, nó mới càng hiện chất chó đểu của giai cấp nó ra.

    (Nguyễn Tuân, Truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố)

    Câu 7: Luận điểm trong đoạn văn trên là ?

    A. Ở màn đầu chương XIII, cảnh nhà vợ chồng địa chủ Nghị Quế, Ngô Tất Tố cho bưng vào đấy một cái rổ nhún nhín bốn chó con.

    B. Quái thay là Ngô Tất Tố.

    C. Đoạn này, khá lắm, bác Tố ạ!

    D. Cho thằng nhà giàu rước chó vào nhà, nó mới càng hiện chất chó đểu của giai cấp nó ra.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D

    Câu 8: Trong đoạn văn, những cụm từ “chuyện chó con”, “giọng chó má”, “thằng nhà giàu rước chó vào nhà”, “chất chó đểu của giai cấp nó” được xếp cạnh nhau. Cách viết ấy có làm cho sự trình bày luận điểm thêm chặt chẽ và hấp dẫn không?

    A. B. Không

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 9: Luận điểm của đoạn văn sau là gì?

    “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cành buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bên, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường. ”

    (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam)

    A. Tế Hanh là người tinh lắm.

    B. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi.

    C. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương.

    D. Cả A,B,C đều đúng.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: A

    Câu 10: Cho luận điểm: “Học phải kết hợp với làm bài tập thì mới hiểu bài. ” Chúng ta có thể lựa chọn ý nào để triển khai luận điểm trên?

    A. Làm bài tập giúp cho việc nhớ lại, củng cố lí thuyết.

    B. Làm bài tập giúp ta nhớ kiến thức dễ dàng.

    C. Làm bài tập giúp ta rèn và phát triển năng lực tư duy để hiểu bài dễ hơn.

    D. Cả A,B,C đều đúng.

    Hướng dẫn giải:

    Chọn đáp án: D