Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận

Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận

A. Củng cố kiến thức

   - Văn nghị luận cần phải có yếu tố tự sự và miêu tả

   - Hai yếu tố này giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài văn được rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn, có sức thuyết phục, mạnh mẽ hơn

   - Các yếu tố tự sự và miêu tả được dùng làm luận cứ phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn

   - Cần bổ sung: Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn nghị luận là các yếu tố có tính hỗ trợ, bổ sung làm sáng tỏ luận điểm. Không lạm dụng các yếu tố tự sự, miêu tả bởi đây không phải đích của văn nghị luận. B. Ví dụ minh họa

   “Cái răng cái tóc là góc con người” nêu lên hai nét đẹp của con nguời. “Góc con người” là cái sắc sảo, duyên dáng, mặn mà, tươi đẹp của con người, nhất là con gái con trai. Ngày xưa, răng đen hạt na, tóc đen bóng, dày là đẹp. Ngày nay, răng đều, trắng bóng thì mới xinh. Nhất là thiếu nữ. Để tóc dài, cắt tóc ngắn, uốn tóc … đều phải theo nước da và khuôn mặt, dáng vẻ mỗi người. Câu tục ngữ không những chỉ nêu lên nét đẹp con người mà còn nhắc nhở chúng ta biết giữ gìn chăm sóc cái răng cái tóc của mình. Có hàm răng đẹp, mái tóc đẹp là “của Trời cho”. Vì vậy, thuở xưa, khi còn bé, con gái để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho dài mãi. Có được một mái tóc dài và bóng mượt là niềm kiêu hãnh của người con gái. Họ thường gội bằng nước bồ kết cho sạch, gội xong phải xả lại bằng chanh cho mềm tóc. Ở miền Nam trồng nhiều dừa, người ta còn bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để lấy mùi thơm và làm bóng tóc. Vì vậy chúng ta phải chú ý chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài lần phẩm chất bên trong.

C. Bài tập củng cố

Bài 1: Hãy chỉ ra yếu tố miêu tả và tự sự trong đoạn văn sau:

   Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v. v. trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!", đó sao?

   Thế là những "cựu binh" - đúng hơn là cái xác còn lại - sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lý nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lý cả.

(Thuế máu – Nguyễn Ái Quốc)

Hướng dẫn làm bài

   - Yếu tố tự sự: Kể lại tội ác của quân Pháp đối xử với người lính chiến đấu trở về.

   - Yếu tố miêu tả: bộ quần áo mới toanh, cho họ ăn như cho lợn ăn, xếp như xếp lơn, hầm tàu ẩm ướt, không giường nằng, không ánh sáng, thiếu không khí, đón chào nồng nhiệt

   ⇒ Sử dụng yếu tố miêu tả và tự sự trong đoạn trích trên cho thấy sự độc ác, vô nhân tính, tráo trở của thực dân

Bài 2: Viết một đoạn văn nghị luận: “Suy nghĩ của anh/ chị về nạn bạo hành trẻ em ngày nay” trong đó sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả

Hướng dẫn làm bài

   Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, văn minh nhưng vẫn tồn tại một số hiện tượng xấu, phổ biến nhất là nạn bạo hành trẻ em. “Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước” nhưng các em hằng ngày vẫn bị bạo ngược, đánh đập, tra tấn, lăng mạ, xúc phạm… làm tổn thương cả thể xác và tinh thần. Trên ác phương tiện thông tin đại chúng đã gay gắt lên án những vụ bạo hành trẻ như cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết bi thương; Hay cô Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng bạo lực đánh đập, tát, vả. . . những đứa trẻ còn rất non yếu. Hay bé Hảo mới 4 tuổi đã bị ngay người mẹ "đứt ruột" đẻ ra mình bạo hành. Thấy con nghịch tờ tiền, bà mẹ đã dùng kéo cắt ngón tay để "Cảnh cáo", một lần bé Hảo không may trèo cây bị ngã. Trước sự việc đó, bà mẹ chẳng những không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động tàn ác hơn cả dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân con. Hậu quả là bé Hảo bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy vết thương và phải sống như một người tàn phế…. Bạo hành là một hành động xấu xa cần phải lên án. Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Nguyên nhân có thể là do áp lực của cuộc sống, do đói nghèo, do say rượu thiếu tỉnh táo. . . Hành động bạo hành cũng là hành động của những con người gần như mất hết lương tri, suy đồi về đạo đức, tha hoá về nhân cách và đi ngược lại truyền thống đạo lý yêu thương của dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ trẻ em và đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em.

Phần trắc nghiệm

Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

“ Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “Cung điện” của mình. Quả như là một câu chuyện thần thoại, như một chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong cổ tích. Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng để tiếp khách, họp Bộ chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc, đơn sơ. Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương tây ca ngợi như một vật thần kỳ. Hàng ngày, việc ăn uống của người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kỳ, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…”

(Lê Anh Trà, Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị)

Câu 1: Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên là gì?

A. Nghị luận + miêu tả     B. Nghị luận + biểu cảm

C. Nghị luận + tự sự     D. Miêu tả + tự sự.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 2: Vấn đề cơ bản được trình bày trong đoạn văn trên là gì?

A. Công lao to lớn của Bác Hồ B. Sự giản dị của Bác Hồ trong sinh hoạt hàng ngày

C. Sự giản dị của Bác Hồ trong lời ăn tiếng nói D. Tình yêu thương con người của Bác Hồ

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 3: Những luận cứ mà tác giả đưa ra trong đoạn văn trên là gì?

A. Nơi ở B. Trang phục

C. Ăn uống D. Gồm cả ý A,B,C

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 4: Việc đưa yếu tố miêu tả vào đoạn văn trên có tác dụng gì?

A. Nhằm giúp người đọc hình dung rõ sự giản dị của Bác Hồ.

B. Nhằm giúp cho việc trình bày vấn đề được rõ ràng, cụ thể và sinh động.

C. Gồm ý A và B.

D. Nhằm thể hiện rõ tình cảm của người viết về vấn đề được trình bày.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 5: Phương thức biểu đạt trong đoạn văn sau là gì?

“Có bạn trút bỏ chiếc áo sơ mi trắng để mặc vào chiếc áo phông loè loẹt, trước ngực loằng ngoằng hàng dãy chữ nước ngoài và sau lưng là hình ảnh bộ Phim đang ăn khách, một hình ảnh vừa thiếu đứng đắn lại không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên. Có bạn quên cả việc học tập, suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để đắm đuối với các trò chơi điện tử… Sự ăn chơi của các bạn sao lại thay đổi đến thế!”

A. Tự sự B. Miêu tả

C. Nghị luận D. Cả A, B, C

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 6: Đoạn văn sau sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

“Hình như các bạn vẫn cho rằng ăn mặc như thế mới tỏ ra là người “văn minh”, “sành điệu”. Và có lẽ các bạn vẫn tưởng rằng sự “sành điệu”, “văn minh” ấy sẽ làm cho mình trở thành con người “thức thời” hơn, “hiện đại” hơn. Những bộ quần áo ấy sẽ làm cho các bạn có thể hãnh diện ngẩng cao đầu trước mọi người. Nhưng các bạn có nhớ lớp kịch Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục mà chúng ta mới học không? Cái ông trưởng giả Giuốc-đanh kia hăm hở đặt may lễ phục, vì ông ta tưởng rằng hễ mặc được một bộ lễ phục quý tộc là mình sẽ có ngay cái sang của nhà quý tộc, còn “cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là ông lớn”. Nhưng do không biết thế nào mới đúng là sang trọng, ông Giuốc-Đanh đã biến mình thành trò cười với bộ quần áo may hoa lộn ngược và ngắn cũn cỡn (vì bị ăn bớt vải). Ông ta còn bị đám thợ phụ lột cả cái áo ngắn lẫn chiếc quần cộc mặc khi tập kiếm. Vậy thì sự sang trọng, cả sự “sành điệu”, “văn minh” nữa, có phải là được làm nên nhờ vào việc đua theo “mốt” này “mốt” nọ đâu!”

A. Tự sự B. Miêu tả

C. Nghị luận D. Cả A, B, C

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 7: Cho đề bài “Trang phục và văn hóa” . Nên đưa vào bài viết những luận điểm nào trong số các luận điểm sau:

1. Gần đây, cách ăn mặc của một số bạn có nhiều thay đổi, không còn giản dị, lành mạnh như trước nữa.

2. Việc chạy theo các “mốt” ăn mặc ấy có nhiều tác hại (làm mất thời gian của các bạn, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, gây tốn kém cho cha mẹ).

3. Các bạn lầm tưởng rằng, ăn mặc như vậy sẽ làm cho mình trở thành “văn minh”, “sành điệu”.

4. Nhà trường đang phát động phong trào chống sử dụng ma túy và ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai.

5. Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống.

A. 1,2,3,4 B. 1,2,3,5

C. 2,3,4,5 D. 1,2,4,5

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 8: Cần sắp xếp các luận điểm đã cho ở câu 7 theo một trình tự như thế nào cho hợp lí?

A. 1-2-3-5 B. 5-3-2-1

C. 1-3-2-5 D. 5-2-3-1

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 9: Nếu viết bài tập làm văn theo đề bài “Nêu ý kiến của em về vẻ đẹp của bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen” thì em có cần vận dụng các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài làm không?

A. Có B. Không

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 10: Với đề bài ở câu 9, chúng ta sử dụng yếu tố tự sự khi nào ?

A. Kể về một kỉ niệm cảnh đầm sen giữa mùa hè.

B. Kể về một kỉ niệm về những câu thơ, bài thơ nói về vẻ đẹp của bông sen.

C. Tả về vẻ đẹp của sen hay tả bùn trong đầm….

D. Cả A và B đều đúng.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Bài 30.

Trắc nghiệm: Chương trình địa phương (phần văn)

Câu 1: Văn bản nào dưới đây không phải là văn bản nhật dụng ?

A. Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000. B. Ôn dịch, thuốc lá.

C. Bình Ngô đại cáo. D. Bài toán dân số.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 2: Những vấn đề văn bản nhật dụng trong chương trình lớp 8 đề cập đến là gì ?

A. Vấn đề môi trường B. Tác hại của việc hút thuốc lá

C. Vấn đề dân số D. Gồm cả A, B và C

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: D

Câu 3: Phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000 là gì ?

A. Thuyết minh      B. Tự sự

C. Miêu tả      D. Biểu cảm

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 4: Phương thức biểu đạt chủ yếu được sự dụng trong văn bản Ôn dịch, thuốc lá là gì ?

A. Miêu tả + tự sự      B. Tự sự + Thuyết minh

C. Lập luận + thuyết minh      D. Lập luận + miêu tả

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

(1) Truyện cổ tích thần kì phản ánh những nỗi cay đắng khổ cực đầu tiên của người lao động trong xã hội có giai cấp. (2) Người em trong truyện Cây khế đã bị người anh cả tham lam tước đoạt hết phần gia tài, chỉ còn một túp lều tranh và một cây khế. (3) Cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền phải sống cơ cực dưới sự hành hạ tàn nhẫn của mụ dì ghẻ ác nghiệt. (4) Chàng Thạch Sanh, người đốn củi vạm vỡ, cần cù ấy phải đi làm con nuôi và bị Lí Thông hãm hại nhiều lần.

(Vũ Tiến Quỳnh, Văn học dân gian Việt Nam)

Câu 5: Trong đoạn văn trên câu nào là câu chủ đề ?

A. Câu 1     B. Câu 3

C. Câu 2     D. Câu 4

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 6: Luận điểm của đoạn văn trên đựơc thể hiện ở câu nào ?

A. Câu 1     B. Câu 3

C. Câu 2     D. Câu 4

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 7: Đoạn văn trên được viết theo phép qui nạp đúng hay sai ?

A. Đúng     B. Sai

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 8: Đoạn văn trên có mấy luận cứ ?

A. Hai     B. Bốn

C. Ba     D. Năm

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: C

Câu 9: Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên là gì ?

A. Nghị luận + tự sự     B. Miêu tả + tự sự

C. Nghị luận + miêu tả      D. Thuyết minh + tự sự

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: A

Câu 10: ở đoạn văn trên, tác giả không nhắc đến những truyện cổ tích nào ?

A. Cây khế      B. Chử Đồng Tử

C. Tấm Cám      D. Thạch Sanh

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B

Câu 11: Tác giả có kể lại đầy đủ các chi tiết của truyện hay không ?

A. Có      B. không

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: B