Thêm trạng ngữ cho câu

Thêm trạng ngữ cho câu

4.6/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Thêm trạng ngữ cho câu

I. Kiến thức cơ bản

- Về ý nghĩa, trạng ngữ được thêm vào câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc.

- Về hình thức

+ Trạng ngữ có thể đứng đầu, cuối, giữa câu

+ Giữa trạng ngữ với chủ ngữ, vị ngữ thường có một quãng nghỉ khi nói, hoặc dấu phẩy khi viết

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Xác định trạng ngữ trong những câu dưới đây:

a, Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng lên trắng mênh mông.

b, Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá.

c, Một hôm, tôi bắt gặp nó nhào một thứ bột gì đen sì, trông rất sợ, thỉnh thoảng lại bôi ra cổ tay.

d, Buổi sáng hôm ấy, đã quá giờ đến lớp, tôi rất sợ bị quở mắng càng sợ vì thầy Ha-men đã dặn trước rằng thầy sẽ hỏi bài chúng tôi về các phân từ mà tôi chẳng thuộc lấy một chữ.

e, Đám trẻ mục đồng chúng tôi thả diều trên triền đê, chiều chiều.

g, Đứng bên đó, Bé trông thấy con đò, xóm chợ, rặng trâm bầu và cả những nơi ba má Bé đánh giặc.

Gợi ý trả lời:

Trạng ngữ trong các ví dụ

a, Mấy hôm nọ, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt

b, Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh

c, Một hôm

d, Buổi sáng hôm ấy

e, Chiều chiều

g, Đứng bên đó

Bài 2:

Dựa vào kiến thức đã học, em hãy:

- Phân loại các trạng ngữ vừa tìm được ở trên

- Kể tên những loại trạng ngữ khác mà em biết

Gợi ý trả lời:

Trạng ngữ chỉ thời gian: Mấy hôm nọ, một hôm, buổi sáng hôm ấy

Trạng ngữ chỉ địa điểm: trên trời thì xanh, dưới nước thì xanh, trên những ao hồ quanh bãi trước mặt

Các loại trạng ngữ khác như trạng ngữ chỉ thời gian, chỉ cách thức, chỉ chất liệu

Phần trắc nghiệm

Câu 1: Trạng ngữ là gì ?

A. Là thành phần chính của câu B. Là thành phần phụ của câu

C. là biện pháp tu từ trong câu D. Là một trong số các từ loại của tiếng Việt

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 2: Có thể phân loại trạng ngữ theo cơ sở nào ?

A. Theo các nội dung mà chúng biểu thị

B. Theo vị trí của chúng trong câu

C. Theo thành phần chính nào mà chúng đứng liền trước hoặc liền sau

D. Theo mục đích nói của câu

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 3: Dòng nào là trạng ngữ trong câu “ Dần đi ở từ năm chửa mười hai. Khi ấy, đầu nó còn để hai trái đào”. (Nam Cao) ?

A. Dần đi ở từ năm chửa mười hai B. Khi ấy

C. Đầu nó còn để hai trái đào D. Cả A, B, C đều sai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 4: Trạng ngữ “ Trên bốn chòi canh” trong câu “Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt” (Nguyễn Tuân) biểu thị điều gì ?

A. Thời gian diễn ra hành động được nói đến trong câu

B. Mục đích của hành động được nói đến trong câu

C. Nơi chốn diễn ra hành động được nói đến trong câu

D. Nguyên nhân diễn ra hành động được nói đến trong câu

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 5: Trạng ngữ “ Bằng ngòi bút trào phúng bậc thầy” trong câu “Bằng ngòi bút trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị đang đua đòi lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng, đồi bại đương thời” (Trần Hữu Tá) biểu thị điều gì ?

A. Cách thức diễn ra hành động được nói đến trong câu

B. Mục đích thực hiện hành động được nói đến trong câu

C. Nơi chốn diễn ra hành động được nói đến trong câu

D. Nguyên nhân diễn ra hành động được nói đến trong câu.

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 6: Trong câu, trạng ngữ bao giờ cũng được ngăn cách với các thành phần chính bằng dấu phẩy. Đúng hay sai ?

A. Đúng        B. Sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 7: Bốn câu sau đều có cụm từ mùa xuân. Hãy cho biết trong câu nào cụm từ mùa xuân là trạng ngữ.

a) Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh [... ].

   (Vũ Bằng)

b) Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít.

   (Vũ Tú Nam)

c) Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân.

   (Vũ Bằng)

d) Mùa xuân! Mỗi khi họa mi tung ra những tiếng hót vang lừng, mọi vật như có sự đổi thay kì diệu.

(Võ Quảng)

A. Câu a B. Câu b

C. Câu c D. Câu d

Hướng dẫn giải:

Đáp án B

Câu 8: Trạng ngữ trong câu sau có ý nghĩa gì?

Chúng ta có thể khẳng định rằng: cấu tạo của tiếng Việt, với khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử như chúng ta vừa nói trên đây, là một chứng cớ khá rõ về sức sống của nó.

   (Đặng Thai Mai)

A. Chỉ thời gian B. Chỉ nơi chốn

C. Chỉ phương tiện D. Chỉ nguyên nhân

Hướng dẫn giải:

Đáp án C