Đặc điểm của văn bản biểu cảm

Đặc điểm của văn bản biểu cảm

4.2/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đặc điểm của văn bản biểu cảm

I. Kiến thức cơ bản

Mỗi bài văn biểu cảm đều tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu

Để biểu đạt tình cảm ấy, người viết có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng (một đồ vật, loài cây, hiện tượng nào đó gửi gắm tình cảm, tư tưởng bằng cách biểu lộ trực tiếp những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng

II. Bài tập vận dụng

Bài 1: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về dòng sông quê hương

Gợi ý làm bài

Tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông Đáy trữ tình, hiền hòa. Dòng sông là minh chứng cho những ngày sống xa nhà nhưng nhiều niềm vui trong tuổi thơ của tôi. Nhiều khi nghĩ về,những kí ức ngày xưa gắn liền với dòng sông lại hiện lên rõ ràng, mới mẻ như vừa diễn ra. Tôi nhớ những chiều trời nắng nhẹ, gió mát, mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau lên triền đê chơi đuổi bắt, thả diều. Sông mát lành trong những trưa hè oi ả, thu hút bọn trẻ chúng tôi nhảy ùm xuống nước trêu đùa nhau, cùng nhau bơi lội ven bờ. Dòng sông lúc này hiền hòa như một người mẹ đang vỗ về những đứa con của mình. Sông còn là nơi cho người dân quê tôi tôm cua trong bữa ăn hằng ngày, cho nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp ven bờ làm nơi cấy cày… Dòng sông là những ngày tôi cùng bà đi chuyến đò ngang từ bên này, sang bên kia sông bán những món đồ nho nhỏ cho người dân bên kia bờ... Dòng sông đã cùng tôi trưởng thành. Sau này, khi gặp một dòng sông nào đó tôi đều nghĩ về dòng sông quê hương năm xưa, êm ả, dịu hiền, quanh năm chân chất, thật thà như người quê tôi vậy.

Bài 2: Từ đoạn văn vừa viết, em hãy chỉ ra:

- Bài văn biểu đạt tình cảm gì, đối với đối tượng nào? Đặt nhan đề cho đoạn văn đó.

- Chỉ ra phương thức biểu đạt của bài văn

Gợi ý làm bài

Đoạn văn trên thể hiện tình yêu và nỗi nhớ đối với dòng sông quê hương

Đặt nhan đề cho đoạn văn: Dòng sông tuổi thơ

Phương thức biểu đạt chủ yếu: biểu cảm kết hợp với tự sự, miêu tả

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Mỗi bài văn biểu cảm thường có bố cục ba phần như mọi bài văn khác, đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Câu 2. Để biểu đạt tình cảm, người viết có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng (là một đồ vật, loài cây hay một hiện tượng nhằm gửi gắm tình cảm, tư tưởng, hoặc biểu đạt bằng cách thổ lộ trực tiếp nhưng nỗi niềm cảm xúc trong lòng), đúng hay sai?

A. Đúng B. Sai

Hướng dẫn giải:

Đáp án A

Cho đoạn văn sau:

Hồ Chí Minh là cái sản phẩm trong sáng nhất của giống nòi. Cụ Hồ là tinh hoa của trăm đời để lại. Vì sao chúng ta cảm động không nói được nên lời, khi nhìn thấy Hồ Chủ tịch? Vì sao dân chúng thấy mặt Cụ như con thấy mẹ, sung sướng giơ hai tay mừng đón, ai nấy mặt mày hớn hở, trong lòng thỏa thuê? Há chẳng phải vì Hồ Chủ tịch kết tinh được muôn cái gì hay đẹp nhất của mỗi người Việt Nam, há chẳng phải vì Cụ Hồ là hiện thân của dân tộc?

Câu 3. Tình cảm nổi bật trong đoạn văn trên là:

A. Ngợi ca tài năng, trí tuệ của Hồ Chủ tịch

B. Ngợi ca sự nghiệp của cách mạng của Hồ Chủ tịch

C. Bày tỏ niềm ngưỡng vọng và kính yêu vô hạn của nhân dân đối với Bác Hồ

D. Bày tỏ tình cảm của tác giả đối với Bác Hồ

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Câu 4. Tác giả bày tỏ tình cảm bằng cách nào?

A. Bày tỏ trực tiếp B. Miêu tả sự việc

C. Liên tưởng so sánh D. Lối ẩn dụ, tượng trưng

Hướng dẫn giải:

Đáp án C