Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt

Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 19 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

I. Sử dụng đúng theo các chuẩn mực của tiếng Việt

1. Về ngữ âm, chữ viết

VD: Những lỗi về chữ viết do ảnh hưởng của phát âm không đúng chuẩn mực, hoặc do phát âm theo giọng địa phương:

Các chữ viết sai

Chữa lại

chia sẽ

chia sẻ

chín mùi

chín muồi

chỉnh chu

chỉn chu

chỉnh sữa

chỉnh sửa

chuẩn đoán

chẩn đoán

có lẻ

có lẽ

cổ máy

cỗ máy

cọ sát

cọ xát

đường xá

đường sá

Kết luận:

- Cần phát âm theo âm chuẩn của tiếng Việt, viết đúng theo quy tắc hiện hành về chính tả và về chữ viết nói chung.

- Cần phát âm chuẩn phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp

- Phải tôn trọng mọi quy định về ngữ âm, chữ viết.

2. Về từ ngữ

VD: Một số câu sử dụng sai từ ngữ do hiểu sai nghĩa của từ và sai trong cách kết hợp từ.

   + Cô ấy đẹp dã man → Cô ấy đẹp tuyệt vời

   + Khi ra pháp trường anh ấy vẫn hiên ngang đến phút chót lọt → Khi ra pháp trường anh ấy vẫn hiên ngang đến phút chót.

Kết luận:

- Cần sử dụng từ ngữ đúng với hình thức và cấu tạo, ý nghĩa, và đặc điểm ngữ pháp của chúng trong tiếng Việt.

- Cần dùng từ chính xác và đúng mục đích.

- Dùng từ phù hợp đúng yêu cầu, mang tính toàn dân.

3. Về ngữ pháp

VD1: Qua tác phẩm “tắt đèn” của Ngô Tất Tố cho ta thấy hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ

Câu văn trên thiếu chủ ngữ, cần sửa lại:

Qua tác phẩm “tắt đèn”, Ngô Tất Tố cho ta thấy hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ.

Hoặc: Tác phẩm “tắt đèn”, Ngô Tất Tố cho ta thấy hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ.

VD2: Cho đoạn văn:

Thúy Kiều và Thúy Vân đều là con gái của ông bà Vương viên ngoại. Nàng là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống hòa thuận, hạnh phúc với cha mẹ. Họ sống êm ấm dưới một mái nhà, cùng có những nét xinh đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp của Kiều hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Còn Vân có nét đẹp đoan trang, thùy mị. Còn về tài thì nàng hơn hẳn Thúy Vân. Thế những nàng đâu có được hưởng hạnh phúc.

→ Từng câu trong đoạn văn trên đều đúng, nhưng đoạn văn vẫn không có tính chặt chẽ, mạch lạc do các câu văn trong đoạn chưa được sắp xếp đúng, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ.◊

Kết luận:

- Cấu tạo câu theo đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt đúng các quan hệ ý nghĩa và sử dụng dấu câu thích hợp.

- Các câu trong đoạn văn và văn bản cần được liên kết chặt chẽ, tạo nên một văn bản mạch lạc, thống nhất.

4. Về phong cách ngôn ngữ.

VD1: Ban tổ chức dỡ tấm nilon phủ ngoài và xẻo chả

(tr 2, số 38, 2003) Từ “xẻo” với nghĩa là cắt gọn thành miếng, một phần nhỏ. Tuy nhiên “xẻo” trong phong cách viết thì không hay cho lắm. Có thể sửa lại từ “xẻo” thành từ “cắt”.

VD2: “Hàng ngày, cô bé học trò ấy ngoài việc tham gia các chương trình người mẫu thời trang âm nhạc, còn đánh đàn pianô kiếm ăn ở khách sạn Ômni, Tân Thế Giới”

(tr16. Số 43. 2006) Từ “kiếm ăn” - một từ thuộc phong cách khẩu ngữ chỉ dùng trong hoàn cảnh giao tiếp suồng sã, thân mật, khó mà có thể chấp nhận được ngôn ngữ báo chí. Sẽ là hợp lý hơn nếu thay nó bằng “để tăng thu nhập cho gia đình” hay “để có thu nhập riêng, giúp đỡ bố mẹ”.

Kết luận: Cần nói và viết phù hợp với các đặc trưng và chuẩn mực trong từng phong cách chức năng.

II. Sử dụng hay, đạt hiệu quả giao tiếp cao

VD: Trong câu tục ngữ “Chết đứng còn hơn sống quỳ

Các từ “đứng”, “quỳ” được sử dụng với nghĩa chuyển. Chúng không dùng để biểu thị các tư thế của con người, mà ẩn dụ cho nhân cách, phẩm giá:

   + “Đứng” hiên ngang, khí phách

   + “Qùy” hèn nhát, quỵ lụy

→ Từ được dùng theo nghĩa chuyển đã diễn đạt được những thứ trừu tượng thành những thứ cụ thể

Kết luận:

- Khi nói hoặc viết, chẳng những cần sử dụng tiếng Việt đúng theo các chuẩn mực, mà cần sử dụng một cách sáng tạo.

- Cần có sự chuyển đổi linh hoạt theo các phương thức và quy tắc chung, theo các phép tu từ để cho lời nói, câu văn có tính nghệ thuật và đạt hiệu quả giao tiếp cao.

B. LUYỆN TẬP VẬN DỤNG

1. Lựa chọn những cách đánh giá thích hợp (tuỳ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng) đối vói câu văn sau:

“Với nghệ thuật so sánh của tác giả đã làm nổi bật sự hi sinh to lớn của những người mẹ Việt Nam”.

A. Thừa từ với.

B. Câu đúng.

C. Thừa từ của thứ nhất, cần có quãng ngắt (dấu phẩy) ở chỗ đó.

D. Thiếu chủ ngữ ở sau từ tác giả. cần đánh dấu phẩy và thêm chủ ngữ ở chỗ đó

Trả lời:

Có thể lựa chọn một trong ba phương án A, C, D tuỳ thuộc vào ngữ cảnh mà câu này được sử dụng. Phương án B sai

2. Trong câu văn sau đây, những từ ngữ nào thừa, lặp ý không cần thiết ? Hãy chữa lại cho đúng.

“Diện mạo của một nền văn học Việt Nam giàu tính truyền thống và hiện đại là một chân dung đang hình thành”.

Trả lời:

Câu văn mắc lỗi dùng thừa từ, nên ý bị lặp: từ diện mạo và chân dung lặp ý, chỉ nên dùng một trong hai từ ngữ đó. Có hai cách chữa:

– Bỏ các từ diện mạo của.

– Bỏ các từ là một chân dung

3. Đoạn văn sau đây cần những dấu câu gì và cần đặt chúng ở những vị trí nào để đạt được tính mạch lạc, sáng rõ ?

Nguyễn Du là người đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam đã phác ra một bức tranh xã hội toàn diện đã lấy những đau khổ của con người đương thời để đặt thành những vấn đề xã hội chung thành vấn đề của con người trong xã hội có áp bức bóc lột đã đưa nghệ thuật văn học đặc biệt là nghệ thuật thơ ca Việt Nam đến một đỉnh cao vời vợi trước đó chưa tìmg thấy

Trả lời:

Cần dùng: một dấu chấm cuối câu, hai dấu phẩy để ngăn cách thành phần nhấn mạnh ở giữa câu, hai dấu chấm phẩy ngăn cách ba vế câu ngang hàng nhau (đều bắt đầu bằng từ đã một dấu gạch ngang để tách thành phần chú thích.

4. Đọc và chỉ ra câu văn đúng:

a) Bằng hình tượng Từ Hải đã nói lên phong trào nông dân khởi nghĩa.

b) Ở châu Úc, diện tích trồng ngô giảm một nửa, nhưng năng suất lại tăng gấp đôi, nhờ thế mà giữ nguyên được tổng sản lượng.

c) Với anh một con người luôn hi sinh hạnh phúc của mình cho những ngưòi khác

d) Bà lão nhai trầu bằng hai hàm răng.

Trả lời:

Câu văn đúng: b

Câu a nhập nhằng giữa trạng ngữ và chủ ngữ. Câu c mới chỉ có các thành phần phụ (trạng ngữ: với anh và phụ chú ngữ: một con người… người khác) . Câu d không có thông tin mới, tức không có giá trị trong giao tiếp