Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn ngữ văn có lời giải (đề 3)

Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn ngữ văn có lời giải (đề 3)

4.8/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn ngữ văn có lời giải (đề 3)

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

Thuvienhoclieu.Com

ĐỀ 3

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT

NĂM 2022

MÔN NGỮ VĂN

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích:

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Gió rừng cao xạc xào lá đổ
Gió mù mịt những con đường bụi đỏ
Những dòng sông ào ạt cánh buồm căng
(…)
Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.

Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
(Trích Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Lưu Quang Vũ, Tinh hoa thơ Viêt, NXB Hội nhà văn, 2007, tr 313,317)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép điệp được sử dụng trong đoạn thơ:

Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung của các dòng thơ: Đất nước tôi như một con thuyền/ Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá?

Câu 4. Qua đoạn trích, anh/chị có cảm nhận gì về vẻ đẹp của non sông đất nước?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước.

Câu 2 (5 điểm) 

Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên nôn độc lập, Hồ Chí Minh)

Phân tích cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn qua đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật viết văn chính luận của Hồ Chí Minh.

HƯỚNG DẪN CHẤM

A. Hướng dẫn chung

- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong hội đồng chấm thi.

B. Hướng dẫn cụ thể

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

3.0

1

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: tự do

0.5

2

Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép điệp được sử dụng trong đoạn thơ

- Phép điệp: điệp từ “Để”

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh mục đích sống cống hiến của tác giả.

+ Tạo giọng điệu hào hùng, say mê.

0.75

0.25

0.25

0.25

3

Nội dung của các dòng thơ: Đất nước tôi như một con thuyền/ Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá:

- Thể hiện sức sống, sức vươn dậy mãnh liệt của đất nước.

- Bộc lộ niềm tự hào của tác giả.

0.75

0.5

0.25

4

- Trả lời được cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp của non sông đất nước (vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ của thiên nhiên; vẻ đẹp của chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử; vẻ đẹp của sức sống xôn xao trong hành trình phát triển …).

- Diễn đạt hợp lí, ngắn gọn, tránh chung chung hoặc sáo rỗng.

0.5

II

LÀM VĂN

7.0

1

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước.

2.0

a. Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội: HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận: HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước. Có thể theo hướng sau:

- Xác định rõ trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước của tuổi trẻ (tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết, sáng tạo, là tương lai của đất nước … vì vậy tuổi trẻ cần có ý thức về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước)

- Xác định rõ hành động cụ thể: học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến, hy sinh…

1.0

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ riêng sâu sắc về vấn đề nghị luận nhưng cần phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

0.25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa của tiếng Việt.

0.25

2

Phân tích cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn qua đoạn trích . Nhận xét về nghệ thuật viết văn chính luận của Hồ Chí Minh.

5.0

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

- Phân tích cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn qua đoạn trích .

- Nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh qua bản Tuyên ngôn độc lập.

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

Phân tích đoạn trích

* Cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản TNĐL:

- HCM nêu nguyên lý chung của bản tuyên ngôn: đó là quyền bình đẳng, quyền sống tự do, sung sướng, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc.

+ Chân lý đó không ai “ chối cãi được”, vì nó đã rành rành ghi lại trong bản “ Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của Mĩ và “Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền” năm 1791 của Pháp. Đây là những văn kiện lịch sử có tầm vóc toàn nhân loại, đã nêu cao quyền con người.

=> Khẳng định Nhân quyền và Dân quyền là tư tưởng lớn, là nguyên lý thiêng liêng cao đẹp của nhân loại.

- Về nghệ thuật: cách trích dẫn dùng đòn “Gậy ông đập lưng ông” vừa khéo léo, mềm mỏng, vừa cứng cỏi, kiên quyết. Khéo léo, mềm mỏng bởi vì HCM tỏ ra rất trân trọng những tuyên bố bất hủ của tổ tiên người Mĩ, người Pháp. Cứng cỏi, kiên quyết vì Bác muốn ngăn chặn âm mưu xâm lược nước ta của Pháp và Mĩ. Nếu họ cố tình đi ngược lại chân lí đã được khẳng định trong bản Tuyên ngôn, tức là họ đã phủ nhận chính tổ tiên mình, làm vấy bẩn lá cờ nhân đạo đã từng là niềm tự hào của cha ông họ.

* Đóng góp, sáng tạo của Hồ Chí Minh:

- Từ nguyên lí chung về quyền con người, HCM đã suy rộng ra về quyền sống, quyền tự do, bình đẳng của các dân tộc trên thế giới.

=> Đóng góp quan trọng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó là phát sung lệnh mở đầu cho cơn bão táp cách mạng, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân, giành độc lập ở các nước thuộc địa.

+ Chỉ trong một đoạn văn ngắn, chúng ta đã thấy được cách lập luận chặt chẽ, cách dung văn chương để đánh địch khéo léo, hiệu quả của HCM. Bên cạnh đó, đoạn văn còn cho thấy niềm tự hào, kín đáo của Bác khi Người đặt ba bản tuyên ngôn, ba cuộc cách mạng ngang hang nhau; trong đó cách mạng Việt Nam đã cùng một lúc thực hiện được hai nhiệm vụ mà cách mạng Pháp và cách mạng Mĩ đã làm: độc lập dân tộc và tự do dân chủ.

+ Cách mở bài rất đặc sắc, từ công nhận Dân quyền và Nhân quyền là tư tưởng thời đại đi đến khẳng định Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là khát vọng của các dân tộc. Câu văn: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” là sự khẳng định một cách hùng hồn chân lí thời đại: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, Bình đẳng của con người, của các dân tộc cần được tôn trọng và bảo vệ.

+ Cách đặt vấn đề của Bác cũng rất hay, hùng hồn và trang nghiêm. Người không chỉ nói với nhân dân Việt Nam ta, mà còn tuyên bố với thế giới. Trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, thế chiến thứ hai vừa kết thúc, Người trích dẫn như vậy là để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, đồng thời ngăn chặn âm mưu tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa của thực dân Pháp hiếu chiến, đầy tham vọng.

Nhận xét về nghệ thuật viết văn chính luận của Hồ Chí Minh được thể hiện trong văn bản.

- Lập luận: chắc chắn, dứt khoát, dẫn chứng thuyết phục, khẳng định nguyên lí độc lập – tự do không ai có thể chối cãi được.

- Lí lẽ: xuất phát từ tình yêu công lý, thái độ tôn trọng sự thật, dựa vào lẽ phải đã được nhân dân thế giới công nhận và từ các cuộc đấu tranh chính nghĩa trong lịch sử nhân loại.

- Giọng văn: đanh thép, hùng hồn, giàu tính luận chiến.

- Ngôn ngữ: trong sáng, sắc sảo, giàu hình ảnh, cách xưng hô của Bác tạo được sự gần gũi với nhân dân cả nước trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc.

=> Bằng lí lẽ sắc sảo, cách dẫn dắt khéo léo..., Hồ Chí Minh đã tạo dựng một cơ sở pháp lí mang tính khách quan, vững chắc cho bản Tuyên ngôn độc lập

0.5

2.5

0.5

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về nội dung hoặc nghệ thuật của đoạn trích và tác phẩm.

0.25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

0.5

TỔNG ĐIỂM

10

Lưu ý chung:

1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.