Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn văn có lời giải (đề 2)

Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn văn có lời giải (đề 2)

4.6/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn văn có lời giải (đề 2)

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

Thuvienhoclieu.Com

ĐỀ 2

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT

NĂM 2022

MÔN NGỮ VĂN

I. PHẦN 1: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu.

      Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống

như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

       Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

     Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.

(Tuoitre.vn - Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.(0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh? (0.5 điểm)

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng: Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh? (1.0 diểm)

Câu 4. Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào? (1.0 điểm)

II. PHẦN 2: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc - hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2 (5.0 điểm)

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh viết:

Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016)

Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về nghệ thuật lập luận trong phần mở đầu của Tuyên ngôn độc lập.

… Hết…

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu : 3,0 điểm

1

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là phương thức nghị luận

0.5

2

Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

0.5

3

Sở dĩ tác giả cho rằng bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh bởi vì khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh…

1.0

4

Cần làm thế nào để rèn luyện bản lĩnh sống?

- Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực.

- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

- Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng.

1.0

Phần

LÀM VĂN: 7.0 điểm

Câu 1

Từ nội dung phần Đọc - hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

a.Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách

0.25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

* Giải thích:

Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

* Bàn luận:

- Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh.

+ Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

+ Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới.

+ Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

* Bài học nhận thức và hành động

- Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, … mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

1.0

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

0.25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.25

Câu 2

Anh chị hãy phân tích đoạn trích “Hỡi đồng bào cả nước... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” (Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016). Từ đó nhận xét về nghệ thuật lập luận trong phần mở đầu của Tuyên ngôn độc lập.

a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích đoạn trích “Hỡi đồng bào cả nước... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” nhận xét về thành công về nghệ thuật lập luận trong phần mở đầu của Tuyên ngôn độc lập.

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo được các nội dung cơ bản sau:

3.5

*Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

0.5

* Phân tích đoạn trích

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Nội dung: Mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đều bình đẳng, có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do.

- Cách thức thể hiện nội dung.

+ Trích dẫn “Tuyên ngôn độc lập của Mỹ” năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp” năm 1791, làm cơ sở pháp lí.

+ Dùng phép suy luận tương đồng Suy rộng ra…

+ Dùng câu văn khẳng định : Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

+ Cách viết ngắn gọn, súc tích, khôn khéo, thông minh, sáng tạo và đầy sức thuyết phục.

- Hiệu quả.

+ Khẳng định quyền tự do độc lập là của mọi dân tộc chứ không riêng bất cứ quốc gia nào, đó là lẽ phải là chân lí.

+ Thủ pháp gậy ông đập lưng ông đã bác bỏ một cách hiệu quả luận điệu dối trá của thực dân Pháp.

+ Một cách kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua việc đặt nền độc lập của Mỹ và Pháp ngang với nền độc lập của Việt Nam.

+ Từ quyền bình đẳng tự do của con người, Hồ Chí Minh phát triển thành quyền bình đẳng tự do của dân tộc, một đóng góp to lớn với lịch sử tư tưởng nhân loại và phong trào giải phòng dân tộc trên thế giới.

2.0

Nhận xét về nghệ thuật lập luận:

Cách lập luận của Hồ Chí Minh vừa chặt chẽ, sắc bén vừa kiên quyết khôn khéo

Chặt chẽ ở chỗ từ quyền con người (Cả thế giới biết đến) suy ra quyền dân tộc – Khép lại cơ sở pháp lý. Sắc bén Bác trích tuyên ngôn của Mỹ, Pháp và đánh giá rất cao “Lời bất hủ ấy” rồi đưa ra vấn đề quyền dân tộc của mình một cách thật hợp lý

Cách lập luận của Hồ Chí Minh còn rất sáng tạo, thể hiện tầm trí tuệ lớn.

Từ quyền con người, Bác đã nâng lên thành quyền của các dân tộc trên thế giới. Đây là đóng góp tư tưởng rất quan trọng của Hồ Chí Minh cho nhân loại

1.0

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

0.25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.5