Đề kiểm tra học kì 1 văn 12 năm học 2021-2022 có đáp án

Đề kiểm tra học kì 1 văn 12 năm học 2021-2022 có đáp án

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề kiểm tra học kì 1 văn 12 năm học 2021-2022 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GDĐT TỈNH .......

TRƯỜNG THPT

.........

KIỂM TRA CUỐI KÌ I NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn: NGỮ VĂN, LỚP 12

Thời gian làm bài: 90 phút, không tính thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu tôi dành thời gian để hoàn thiện tâm hồn, tình cảm và trí tuệ của mình, thay vì chỉ chăm chắm trau chuốt hình thể bên ngoài, thì tôi sẽ đẹp hơn lên mỗi ngày.

Nếu không ai nhận tôi làm việc, tôi sẽ làm những việc mà mình thích - trên đời này liệu có gì sánh được với sự tự do thể hiện mình?

Nếu vì tàn tật mà tôi không thể dạy con cách đá bóng, thì tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn nó cách xử trí những đường bóng hiểm hóc của cuộc đời. Điều này có ích cho chúng hơn.

Còn nếu như tuổi tác lấy đi sức khỏe, khả năng nhạy bén và thể lực của tôi, tôi sẽ trao tặng những người quanh mình sức mạnh của niềm tin, sự sâu sắc của tình yêu, và sự trẻ trung của một tâm hồn đã được định hình bởi bao chông gai cuộc đời.

(Trích Không việc gì phải lo,Tuyển tập Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp, 2012. Tr 135)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Trong đoạn trích, “tôi sẽ đẹp hơn lên mỗi ngày” nhờ vào điều gì?

Câu 2. Xác định câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu tác dụng của phép liệt kê trong câu trích: “…tôi sẽ trao tặng những người quanh mình sức mạnh của niềm tin, sự sâu sắc của tình yêu, và sự trẻ trung của một tâm hồn đã được định hình bởi bao chông gai cuộc đời.”

Câu 4. Trình bày một bài học có ý nghĩa nhất với anh/ chị sau khi đọc đoạn trích.

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của những suy nghĩ lạc quan của con người được gợi ra từ văn bản Đọc hiểu.

Câu 2 (5,0 điểm

[…] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grat, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng mặt trời mùa xuân, mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. […] Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.199-200, 2014).

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

---Hết---

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO…

TRƯỜNG THPT…..

KIỂM TRA CUỐI KÌ I NĂM HỌC 2021 - 2022

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, lớp 12

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm .... trang)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

3,0

1

Trong đoạn trích, “tôi sẽ đẹp hơn lên mỗi ngày” nhờ vào: “dành thời gian để hoàn thiện tâm hồn, tình cảm và trí tuệ của mình”.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm

0,75

2

Câu hỏi tu từ trong đoạn trích: trên đời này liệu có gì sánh được với sự tự do thể hiện mình?

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như đáp án: 0,75 điểm

- Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm

0,75

3

-Phép liệt kê: sức mạnh của niềm tin, sự sâu sắc của tình yêu, và sự trẻ trung của một tâm hồn đã được định hình bởi bao chông gai cuộc đời.

-Tác dụng

+Tăng tính biểu cảm, biểu đạt cho câu văn;

+Nhấn mạnh những việc làm cụ thể, thiết thực của nhân vật tôi khi biết mình đã già.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời được 02 ý về hiệu quả, không nêu biểu hiện của phép liệt kê: 0,75 điểm

- Học sinh trả lời được 01 ý về hiệu quả, không nêu biểu hiện của phép liệt kê: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời được 01 ý về hiệu quả, không nêu biểu hiện của phép liệt kê: 0,25 điểm

1,0

4

- Học sinh bộc lộ quan điểm cá nhân về một bài học có ý nghĩa nhất sau khi đọc đoạn trích.

-Gợi ý: Phải biết sống lạc quan, yêu đời; sống gắn bó với cuộc đời và mọi người xung quanh…

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trình bày bài học rõ ràng, thuyết phục: 0,5 điểm.

- Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0,25 điểm.

0,5

II

LÀM VĂN

7,0

1

Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của những suy nghĩ lạc quan của con người được gợi ra từ văn bản Đọc hiểu.

2,0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa suy nghĩ lạc quan của con người.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của những suy nghĩ lạc quan của con người được gợi ra từ văn bản Đọc hiểu. Có thể trình bày các ý sau:

-Suy nghĩ lạc quan là suy nghĩ luôn hướng về mặt tích cực, thuận lợi, tốt đẹp.

-Ý nghĩa suy nghĩ lạc quan của con người:

+ Giúp con người phát triển trong công việc và học tập, tạo nên sức mạnh tinh thần để vượt qua thử thách, nghịch cảnh trái ngang;

+ Giúp đối phó với thay đổi ngoài ý muốn: Khi có việc ngoài tầm kiểm soát của mình xảy ra thì mình sẽ luôn biết hướng suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết khác, không rơi vào bi quan, chán nản, tuyệt vọng;

+ Đem lại hạnh phúc, sự tự tin: một người có tinh thần suy nghĩ lạc quan sẽ không sợ bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống và luôn biết nhìn thấy những điều tốt đẹp.

-Bài học nhận thức và hành động: luôn có suy nghĩ theo hướng tốt đẹp, tràn ngập niềm tin và hy vọng; rèn kĩ năng xử lí tình huống bất trắc xảy ra trong cuộc sống…

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng, đạo lí; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,5 điểm.

0.5

2

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

5,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai các luận điểm để giải quyết vấn đề. Kết bài đánh giá, kết luận được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Vẻ đẹp của hình tượng con sông Hương qua đoạn văn (…)

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả (0,25 điểm), tác phẩm và vị trí đoạn trích, nêu vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

0,5

* Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương qua đoạn trích (…):

-Bắt đầu đi vào thành phố - Sông Hương vui tươi và duyên dáng:

+Tâm trạng vui tươi của dòng sông từ khi gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ đến đây càng rõ hơn khi đã nhận ra những dấu hiệu của thành phố.

+Dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu.

+Trong lòng thành phố - Sông Hương được so sánh với điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế.

- Nhà văn đã rất tinh tế khi nhận ra đặc điểm riêng của sông Hương là lưu tốc rất chậm “cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”... Đặc điểm ấy được nhà văn lí giải từ nhiều góc nhìn khác nhau:

+ Từ đặc điểm địa lí tự nhiên: những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước.

+ Từ lí lẽ của trái tim thì “điệu chảy lặng lờ”,“ngập ngừng muốn đi muốn ở” của sông Hương là do tình cảm dành riêng cho Huế, do quá yêu thành phố của mình, do muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa.

- Đặc sắc về mặt nghệ thuật của đoạn trích:

+Sức liên tưởng kì diệu, sự hiểu biết phong phú về kiến thức địa lý, lịch sử, văn hoá nghệ thuật và những trải nghiệm của bản thân.

+ Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng nhiều phép tu tư như: So sánh, nhân hoá, ẩn dụ,…

+ Có sự kết hợp hài hoà cảm xúc, trí tuệ, chủ quan và khách quan.

*Tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường

- Tính trữ tình được tổng hợp từ vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn chương của Huế cùng với đó là tình yêu tha thiết với thành phố Huế thân yêu.

- Tính trữ tình thể hiện thông qua văn phong súc tích, hướng nội, tinh tế, tài hoa.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương một cách đầy đủ, sâu sắc, nêu được tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường : 2,5 điểm.

- Học sinh cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương một cách đầy đủ, sâu sắc, chưa nêu được tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường : 2,0 điểm.

- Học sinh cảm nhận chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc vẻ đẹp của hình tượng sông Hương, có nêu được tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường: 1,75 điểm - 2,25 điểm.

- Cảm nhận chung chung, chưa rõ vẻ đẹp của hình tượng sông Hương, chưa nêu được tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường: 0,75 điểm - 1,25 điểm.

- Cảm nhận sơ lược vẻ đẹp của hình tượng sông Hương: 0,25 điểm - 0,5 điểm.

2,5

0,5

*Đánh giá:

- Đoạn trích thể hiện tình yêu dành cho Huế, gắn với tình yêu thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa sâu sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường;

- Đoạn trích được nhà văn truyền tải bằng một ngòi bút tài hoa, đậm chất trữ tình trí tuệ cùng vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về xứ Huế.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh đánh giá được 2 ý: 0,5 điểm.

- Học sinh đánh giá được 1 ý: 0,25 điểm.

0,5

d.Chính tả, dùng từ, đặt câu:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0,25

e. Sáng tạo:

Có cách diễn đạt độc đáo; thể hiện được những cảm nhận sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá để làm rõ vẻ đẹp của hình tượng sông Hương. Biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5