Đề thi hsg môn văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

Đề thi hsg môn văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi hsg môn văn 12 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2017 - 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1 (3,0 điểm).

Trong cuốn tiểu thuyết Suối nguồn của nữ nhà văn Mỹ Ayn Rand (1905-1982), nhân vật Howard Roark đã phát biểu:

Hàng ngàn năm trước, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này.

Nhiều thế kỉ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất.

(Trích tiểu thuyết Suối nguồn, Ayn Rand, NXB Trẻ, 2017, tr.1170-1171).

Từ phát biểu của nhân vật Howard Roark, anh/chị hãy viết bài văn bày tỏ suy nghĩ của mình về người mở đường trong cuộc sống.

Câu 2 (7,0 điểm).

Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng:

Người đọc muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu ấn vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay.

(Xuân Diệu, Toàn tập, Tập 5, NXB Văn học, Hà Nội, 2001, tr 36).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu (Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục) và bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

------------- HẾT-------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:………………….....………..; Số báo danh:…………..….…………..

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2017 - 2018

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN

(Gồm 05 trang)

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

Ý

Nội dung

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phẩm chất, vai trò, số phận của những người mở đường trong cuộc sống.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động:

1

Giải thích

0,25

- Người mở đường: là người khai phá và đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mới (nghĩa gốc); là người tiên phong đi đầu, người đặt nền móng cho sự phát triển của một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống (nghĩa chuyển).

- Những câu chuyện được dẫn ra trong lời phát biểu của nhân vật Howard Roark đề cập đến phẩm chất, vai trò, số phận của những người mở đường trong cuộc sống.

2

Bàn luận

1,25

a. Phẩm chất của người mở đường (0,5 điểm)

- Những người mở đường thường là những con người có tài năng, ham thích đổi mới, tìm tòi và sáng tạo trong cuộc sống. Dũng cảm, táo bạo, giàu bản lĩnh và khí phách để có thể dấn thân vào hành trình sáng tạo và bảo vệ đến cùng chân lí khoa học, bảo vệ thành quả mà mình tạo ra.

- Cao thượng, sẵn sàng cống hiến tận tụy, vô tư cho tương lai tốt đẹp của nhân loại, cho sự tiến bộ của xã hội dẫu có bị đọa đày, lên án, vùi dập hay có phải hi sinh.

b. Vai trò của người mở đường (0,25 điểm)

Họ là những người đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại, góp phần xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Nếu xã hội chỉ có những con người sống thụ động, yếu đuối, chỉ biết đi theo và làm theo thì không có cái mới, cái tiến bộ ra đời, xã hội không thể phát triển. Nhờ có người đầu tiên chấp nhận bị thiêu sống để mang về ngọn lửa mà loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động, xua bóng tối ra khỏi trái đất; nhờ có người dũng cảm chế tạo ra cái bánh xe và bị nghiến nát bởi chính cái bánh xe mà mình tạo ra ấy mà loài người có thể đi tới mọi chân trời. Dẫu hi sinh nhưng chính họ là người đã mở những con đường trên mặt đất, tạo ra những cái mới và tiến bộ.

c. Số phận của người mở đường (0,5 điểm)

- Khi đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mới, những người mở đường thường đơn độc, có thể bị lên án, bị kết tội, bị vùi dập bởi không phải cái mới nào khi vừa ra đời cũng dễ dàng được chấp nhận. Những cái mới thường có xu hướng vượt ra ngoài quán tính thông thường trong tư duy loài người. Vì thế nó có thể phải nhận sự kì thị của cộng đồng, cũng có thể làm hại chính người đã sáng tạo ra nó.

- Thành công họ đạt được là chưa từng có. Vinh quang luôn thuộc về người mở đường, người sáng tạo.

3

Bài học nhận thức và hành động

0,5

- Có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, tỉnh táo và sáng suốt đón nhận cái mới nhưng cũng cần biết kế thừa và học hỏi những người đi trước. Khích lệ, cổ vũ, động viên những người có bản lĩnh tiên phong cho dù họ thất bại.

- Nhận thức được trong bản thân mỗi người đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo. Quan trọng là cần có bản lĩnh và có một cái tôi đủ mạnh dám đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thể khơi dậy được tiềm năng ấy và dám đặt bước chân đầu tiên khai phá những con đường mới.

d. Sáng tạo

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25

Câu 2 (7,0 điểm)

Ý

Nội dung

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tác phẩm thơ ca cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, sâu sắc, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật; làm sáng tỏ qua hai bài thơ Từ ấyTây Tiến.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; đánh giá khái quát vấn đề nghị luận:

1

Giải thích

0,5

- Nguồn gốc của thơ ca “phải xuất phát từ thực tại”: thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, từ thế giới tình cảm của con người, là người thư kí trung thành của tâm hồn con người. Nhưng hiện thực đó “phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ” là hiện thực được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Thơ chính là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”.

- Nội dung của thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng (tâm hồn, trí tuệ) của thi nhân để rồi đưa tình cảm tư tưởng đó đến với người đọc. Thơ chính là tiếng nói của một cái tôi cá nhân trước cuộc đời.

- Nghệ thuật sáng tạo thơ ca “càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”: thơ phải mang dấu ấn sáng tạo, thể hiện chất riêng biệt của thi nhân.

  • Tóm lại: Đối với Xuân Diệu, một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, sâu sắc, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Có như vậy, thơ mới trở thành một chỉnh thể nghệ thuật giàu giá trị thẩm mĩ.

0,25

0,25

3

Lý giải ý kiến

1,25

- Cuộc sống là điểm xuất phát, là đề tài vô tận, là đối tượng khám phá của thơ ca nghệ thuật, gợi nhiều cảm xúc phong phú:

+ Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ, nhưng tình cảm, cảm xúc ấy bao giờ cũng bắt rễ từ hiện thực cuộc đời. Hiện thực chính là điểm tựa cho cảm xúc, tình cảm, là cội nguồn không bao giờ vơi cạn để con người trữ tình bộc lộ cảm xúc và suy tưởng. Nếu tách rời hiện thực khách quan, thì cảm xúc và ý nghĩ sẽ không có cơ sở hiện thực để nảy sinh.

+ Hiện thực chân thực bao giờ cũng có khả năng dồn nén sức biểu cảm, khơi gợi tình cảm mãnh liệt, có sức dư ba lớn.

- Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa, là dấu ấn trí tuệ, tâm hồn của thi sĩ. Thơ thể hiện thế giới chủ quan của người nghệ sĩ. Tình cảm, tư tưởng trong thơ trước hết là của cá nhân tác giả, là thế giới riêng tư của tác giả nảy sinh từ hiện thực.

- Vẻ đẹp của thơ còn được đánh giá ở sự sáng tạo hình thức “càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”:

+ Bản chất nghệ thuật là sáng tạo, vì thế thơ ca không chỉ đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, thể hiện cảm xúc mà còn phải in dấu cả trí tuệ, thể hiện tài năng trong việc sáng tạo hình thức biểu hiện. Thiếu sự sáng tạo thì tác phẩm và tên tuổi của tác giả sẽ không thể tồn tại.

+ Sự sáng tạo về hình thức biểu hiện của thơ ca rất phong phú, từ thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh thơ…Sự sáng tạo này tạo nên cách nói mới về những đề tài không mới, làm nên sự không lặp lại mình, không lặp lại người khác, đồng thời mang đến sức sống của thơ.

0,5

0,25

0,5

4

Chứng minh qua bài Từ ấy của Tố Hữu và bài Tây Tiến của Quang Dũng

3,5

a. Bài thơ Từ ấy củaTố Hữu (1,75 điểm)

- Từ ấy “xuất phát từ thực tại”:

Tháng 7/1938, sau thời gian tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế, Tố Hữu vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản. Niềm vui sướng hân hoan và tự hào khi được đứng dưới hàng ngũ của Đảng là cảm xúc chân thực từ trái tim của người chiến sĩ trẻ. Ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, Tố Hữu viết Từ ấy. Bài thơ Từ ấy là tiếng nói của riêng Tố Hữu, là tuyên ngôn về lẽ sống đích thực của nhà thơ.

- Từ ấy thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của Tố Hữu:

+ Niềm vui sướng say mê khi bắt gặp lí tưởng của Đảng: giữa lúc đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, đang “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi”, nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Lí tưởng như nguồn sáng mặt trời chiếu rọi tâm hồn chàng thanh niên, khiến tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi Tố Hữu vui sướng vô hạn, như được sưởi ấm và thức tỉnh.

+ Những nhận thức sâu sắc mới mẻ về lẽ sống: khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, Tố Hữu đã có những nhận thức mới về lẽ sống và có những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của mình. Nhà thơ khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hoà giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của cộng đồng. Không còn là con người “Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn/Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”, tác giả đã tự buộc lòng mình với mọi người để sống chan hoà với trăm nơi, để có được sự đồng cảm chân thành, sâu sắc. Từ đó, nhà thơ đã hoà trong một khối đoàn kết, gắn bó với mọi người. Đó là tuyên ngôn sống và sáng tác nghệ thuật của một con người tự nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với quần chúng lao khổ, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

- Từ ấy in dấu ấn rõ nét vẻ đẹp sáng tạo độc đáo của thơ Tố Hữu:

+ Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá để chỉ lí tưởng. Những động từ bừng, chói, những cụm từ đậm hương, rộn tiếng chim đã được nhà thơ sử dụng sáng tạo nhằm thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi nhà thơ được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản,

+ Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ được tác giả dùng trong bài thơ vừa có tác dụng tạo nên những hình ảnh thơ trong sáng, gần gũi, có sức mạnh lôi cuốn sự chú ý của người đọc, người nghe lại vừa thể hiện được tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình đang say mê lí tưởng. Đặc biệt, trong bài thơ, cách sử dụng kết hợp các điệp từ, điệp ngữ đã tạo được một nhịp điệu vui tươi, luyến láy, giàu sức biểu cảm…

=> Từ ấy được coi là thi phẩm có ý nghĩa mở đầu, định hướng cho toàn bộ quá trình sáng tác của Tố Hữu. Những sáng tạo độc đáo của thi phẩm tạo nên nét riêng cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình - chính trị, giàu tính dân tộc.

b. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (1,75 điểm)

- Tây Tiến “xuất phát từ thực tại, từ đời sống”:

Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Quang Dũng là đại đội trưởng của đoàn binh Tây Tiến. Cuối năm 1948 ông chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến. Tây Tiến là cuộc sống, là tấc lòng, là con người rất thật của Quang Dũng. Bài thơ được khơi nguồn từ những cảm xúc mãnh liệt và chân thực của nhà thơ khi nhớ về đồng đội và mảnh đất, con người Tây Bắc một thời gắn bó. Quang Dũng từng tâm sự: Hồi ấy, tấm lòng, cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy.

- Tây Tiến thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của Quang Dũng:

+ Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa: nhạy cảm trước thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ dữ dội mà huyền ảo, thơ mộng; đằm thắm tình người; những khao khát, mộng mơ mãnh liệt.

+ Vẻ đẹp ý chí, lí tưởng: dù sống và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt nhưng Quang Dũng cũng như đoàn binh Tây Tiến vẫn hiên ngang vượt lên, coi thường gian khổ, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Vẻ đẹp của họ vừa mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước vừa mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

- Tây Tiến in dấu ấn rõ nét vẻ đẹp sáng tạo độc đáo của thơ Quang Dũng:

+ Khi viết về những người lính Tây Tiến, Quang Dũng không hề che giấu cái bi. Nhưng bi mà không bi lụy. Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng.

+ Thể thơ bảy tiếng chắc khỏe mang giọng điệu hào hùng như một khúc quân hành; sử dụng phong phú các biện pháp tu từ; kết hợp hài hòa chất họa, chất nhạc trong thơ; bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn; ngôn ngữ vừa giản dị, trong sáng vừa trang trọng, tài hoa; giọng điệu linh hoạt khi tha thiết, bồi hồi, khi hồn nhiên, vui tươi, lúc lại trở nên trang trọng rồi lắng xuống bi tráng…

=> Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện tập trung nét đặc sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ: hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Với bài thơ Tây Tiến “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo…, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến” (Vũ Quần Phương).

0,25

1,0

0,5

0,25

1,0

0,5

5

Đánh giá, nâng cao vấn đề

0,5

– Nhận định của Xuân Diệu không chỉ đúng trong lĩnh vực sáng tạo thơ ca mà còn đặt ra yêu cầu cho mọi sáng tạo nghệ thuật nói chung. Từ ấy (Tố Hữu) và Tây Tiến (Quang Dũng) được ra đời ở những thời điểm khác nhau, bởi hai phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng đều là minh chứng rõ nét cho ý kiến của Xuân Diệu.

- Bài học cho người nghệ sĩ sáng tạo và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tạo: trau dồi vốn sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận tác phẩm bằng toàn bộ thế giới tinh thần của mình trên tinh thần đối thoại, đồng sáng tạo với nhà thơ để thấy được những đóng góp của nhà thơ cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật.

0,25

0,25

d. Sáng tạo

0,5

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25

------------- HẾT -------------