Đề thi và đáp án ngữ văn 12 học kì 1 quảng nam 2018-2019

Đề thi và đáp án ngữ văn 12 học kì 1 quảng nam 2018-2019

4.4/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi và đáp án ngữ văn 12 học kì 1 quảng nam 2018-2019

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

ĐỀ CHÍNH THỨC

KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2018-2019

Môn: Ngữ văn - Lớp 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một chiếc máy bay Jumbo bay ở Châu Âu và một động cơ bị rơi ra khỏi cánh. Bạn có muốn phi công giữ bình tĩnh? Bạn muốn phi cơ trưởng nói: “Xin hãy bình tĩnh và cài dây an toàn lại! Hơi lắc một chút nhưng chúng ta sẽ hạ cánh an toàn?”

Hay bạn muốn phi cơ trưởng chạy tới chạy lui và la to: “Tất cả chúng ta sẽ chết! Tất cả chúng ta sẽ chết!”? Người nào sẽ giúp bạn hạ cánh an toàn?

Hãy nghĩ đến cuộc sống hàng ngày trong đó bạn là phi công. Bạn sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách nào? “Chúng ta sẽ tìm được cách” hoặc “Chúng ta sẽ chết!”? Đây là ý nghĩa của việc suy nghĩ tích cực. Nó không đảm bảo một kết quả như ý, nhưng nó cho bạn cơ hội tốt nhất.

Những người thất bại tập trung vào điều khó cho đến khi họ gặp rắc rối. Người suy nghĩ tích cực sẽ nghĩ đến điều có thể. Khi tập trung vào các khả năng, họ làm cho nó trở thành hiện thực.

(Theo Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – Andrew Matthews, NXB Trẻ 2012, tr.127)

Câu 1. Chỉ ra tình huống bất thường mà tác giả đề cập trong đoạn trích. (0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, suy nghĩ của người thất bại khác với người suy nghĩ tích cực ở điểm nào? (0.5 điểm)

Câu 3. Nêu một thông điệp có ý nghĩa tích cực mà đoạn trích gợi ra cho anh/chị. (1.0 điểm)

Câu 4. Trước các vấn đề thử thách trong cuộc sống hàng ngày, theo tác giả, “Chúng ta sẽ tìm được cách. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm trên? Vì sao? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu, SGK Ngữ văn, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, trang 111 )

- HẾT -

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2018-2019

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn chấm này có 02 trang)

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

- Thầy cô giáo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm này để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, thầy cô giáo cần linh hoạt trong quá trình chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo.

- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải được bàn bạc, thống nhất trong tổ chấm và đảm bảo không sai lệch với tổng điểm toàn bài.

- Bài thi được chấm theo thang điểm 10. Điểm thành phần tính đến 0.25. Điểm tổng toàn bài làm tròn theo quy định.

B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

PHẦN

NỘI DUNG

ĐIỂM

Đọc hiểu

3.0

Câu 1

Tình huống bất thường: bạn đang ngồi trong một chiếc máy bay Jumbo bay ở Châu Âu và một động cơ bị rơi ra khỏi cánh.

0.5

Câu 2

Người thất bại luôn tập trung vào điều khó cho đến khi họ gặp rắc rối còn người tích cực luôn nghĩ đến điều có thể.

0.5

Câu 3

Học sinh cần nêu được một thông điệp có ý nghĩa tích cực được gợi ra từ đoạn trích.

* Giám khảo linh hoạt khi chấm điểm câu này.

1.0

Câu 4

Học sinh bày tỏ quan điểm của mình nhưng cần phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật:

- Đồng tình/ Không đồng tình/ Vừa đồng tình vừa không đồng tình.

- Lí giải: hợp lí, thuyết phục.

* Giám khảo linh hoạt khi chấm điểm câu này.

1.0

Làm văn

Cảm nhận đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

7.0

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai các luận điểm để giải quyết vấn đề. Kết bài đánh giá, kết luận được vấn đề.

0.5

2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về đoạn thơ nêu trong đề bài.

0.5

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Học sinh có thể trình bày hệ thống các luận điểm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:

- Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc, vị trí đoạn thơ được trích dẫn.

- Cảm nhận về đoạn thơ:

+ Về nghệ thuật: Chú ý hiệu quả sử dụng thể thơ, kết cấu đối đáp, lối xưng hô mình – ta, giọng điệu tâm tình, thế giới hình ảnh thơ, các phép tu từ ….

+ Về nội dung:

  • Nỗi nhớ thiết tha về những kỉ niệm gắn bó sẻ chia, tình nghĩa son sắt thủy chung giữa Việt Bắc với Cách mạng.
  • Nỗi nhớ khắc khoải về hình ảnh người mẹ Việt Bắc cần cù, chịu thương chịu khó.
  • Nỗi nhớ da diết về cuộc sống kháng chiến tại Việt Bắc tuy gian khó mà ấm áp, vui tin, lạc quan.

- Đánh giá chung:

Đoạn thơ thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Thông qua nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi, đoạn thơ là khúc ca ân tình về cuộc sống kháng chiến tại Việt Bắc, về tình nghĩa thủy chung giữa Việt Bắc với Cách mạng.

5.0

4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo; thể hiện được những cảm nhận sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.5

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

0.5

ĐIỂM TOÀN BÀI: I + II = 10.0