Đề thi hsg ngữ văn 11 cấp trường năm học 2020-2021 có đáp án

Đề thi hsg ngữ văn 11 cấp trường năm học 2020-2021 có đáp án

4.8/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi hsg ngữ văn 11 cấp trường năm học 2020-2021 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

TRƯỜNG THPT ……

(Đề gồm có 01 trang)

ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2020 - 2021

Môn: Ngữ văn. Khối: 11

Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian phát đề)

Họ và tên: ………………………………………...... SBD: ……………………...................

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

-----------------------------------------------------------------------

Câu 1 (8,0 điểm).

THƯỢNG ĐẾ CŨNG KHÔNG BIẾT

Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Khi Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẩu đất.

- Còn nặn thêm cho mày gì nữa, con người ? – Ngài hỏi

Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đủ đầy tay, chân, đầu… rồi nói:

- Xin Ngài nặn cho con hạnh phúc.

Thượng đế, dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu được hạnh phúc là gì. Ngài trao cục đất cho con người và nói:

- Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.

(Trích Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống,

Tập 2, NXB Công an Nhân dân)

Suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu chuyện trên.

Câu 2 (12,0 điểm).

Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng:

Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, hãy làm sáng tỏ.

===== Hết =====

Họ và tên thí sinh: ....................................................... Số báo danh .............................

HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN - Lớp 11-chọn hgs

Câu 1 (8,0 điểm).

THƯỢNG ĐẾ CŨNG KHÔNG BIẾT

Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Khi Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẩu đất.

- Còn nặn thêm cho mày gì nữa, con người ? – Ngài hỏi

Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đủ đầy tay, chân, đầu… rồi nói:

- Xin Ngài nặn cho con hạnh phúc.

Thượng đế, dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu được hạnh phúc là gì. Ngài trao cục đất cho con người và nói:

- Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.

(Trích Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống,

Tập 2, NXB Công an Nhân dân)

Suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu chuyện trên.

I. Yêu cầu về kĩ năng:

- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí đặt ra trong hai đoạn văn bản.

- Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng

- Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh...

- Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)

Hạnh phúc không bao giờ sẵn có hay là món quà được ban tặng, hạnh phúc của con người do chính con người tạo nên.

2. Giải thích - tóm tắt nội dung văn bản (2,0 điểm):

* Tóm tắt nội dung văn bản

- Thượng đế là đấng toàn năng có khả năng “biết hết”, hiểu hết mọi chuyện và tạo nên con người nhưng không thể nào hiểu được “hạnh phúc” là gì nên không thể “nặn” được hạnh phúc để ban tặng cho loài người.

- Con người: được thượng đế trao tặng nên sẵn có đầy đủ các bộ phận cơ thể (yếu tố vật chất) nhưng lại không sẵn có hạnh phúc (yếu tố tinh thần). Vì thế, thượng đế yêu cầu con người “tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc”.

*Giải thích:

- Hạnh phúc là trạng thái tâm lí vui vẻ, thoải mái, dễ chịu khi thỏa mãn được một sở nguyện , một mong muốn nào đó .

- Không sẵn có: Không bày ra để con người chiếm lĩnh dễ dàng và tùy tiện sử dụng hoặc phung phí

- Tự tạo ra: Hạnh phúc chỉ có được khi tự mình hình thành và tự mình nỗ lực, cố gắng để đạt được

=> Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: Hạnh phúc không bao giờ sẵn có hay là món quà được ban tặng, hạnh phúc của con người do chính con người tạo nên.

3. Bàn luận (4,5 điểm)

a. Bàn luận khẳng định: Hạnh phúc không bao giờ sẵn có hay là món quà được ban tặng, hạnh phúc của con người do chính con người tạo nên. (4,0 điểm)

- Hạnh phúc là khát vọng, là mong muốn, là đích đến của con người trong cuộc sống. Mỗi người có một quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Có thể nhận thấy hạnh phúc gắn liền với trạng thái vui sướng khi con người cảm thấy thỏa mãn ý nguyện nào đó của mình.

- Hạnh phúc không phải thứ có sẵn hay là món quà được ban phát. Hạnh phúc phải do chính con người tạo nên từ những hành động cụ thể.

- Khi tự mình tạo nên hạnh phúc, con người sẽ cảm nhận sâu sắc giá trị của bản thân và ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đó cũng chính là thứ hạnh phúc có giá trị bền vững nhất.

b. Bàn luận mở rộng (0,5 điểm)

- Phê phán lối sống dựa dẫm, ỷ lại trông chờ hoặc theo đuổi những hạnh phúc viển vông, mơ hồ.Bên cạnh đó, có một số người không biết đón nhận hạnh phúc khi mang những suy nghĩ bi quan,tiêu cực

(Lấy dẫn chứng từ thực tế cuộc sống)

4. Bài học nhận thức, hành động (1,0 điểm)

- Cần có nhận thức đúng đắn về hạnh phúc trong mối quan hệ với cuộc sống của bản thân. Biết cảm thông, chia sẻ, hài hòa giữa hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc của mọi người.

- Biết vun đắp hạnh phúc bằng những việc làm cụ thể, biết trân trọng, gìn giữ hạnh phúc.

III. Biểu điểm.

- Điểm 7-8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, có kiến thức xã hội phong phú.

- Điểm 5-6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.

- Điểm 3-4: Hiểu vấn đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý chưa sáng rõ, còn mắc lỗi về diễn đạt.

- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề, chưa làm rõ quan niệm, chưa chú ý minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn nhiều lỗi.

- Điểm 0: Không viết gì, hoặc không hiểu gì về đề.

Câu 2 (12,0 điểm).

Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng:

Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, hãy làm sáng tỏ.

I. Yêu cầu về kĩ năng

- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học có liên quan đến lí luận về đặc trưng của truyện ngắn.

- Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận giải quyết một vấn đề văn học theo định hướng yêu cầu của đề bài: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…

- Bài viết có bố cục chặt chẽ, khoa học, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo rõ các ý sau:

1. Giải thích (2,0 điểm)

- Đặc trưng của truyện ngắn: thể loại tự sự cỡ nhỏ, dung lượng ngắn, thường chỉ kể về một tình huống đặc biệt của đời sống, với số lượng không nhiều các nhân vật, tình tiết, chi tiết, qua đó gửi gắm những thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả

– Nhận định bày tỏ quan niệm, yêu cầu đối với một truyện ngắn hay:

là chứng tích của một thời: phản ánh chân thực hiện thực thời đại, đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, con người đương thời (bản chất hiện thực, số phận con người, nỗi trăn trở nhân sinh…) Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời (Tô Hoài)

là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời:  tác phẩm đặt ra, chạm tới được những chân lí giản dị – những vấn đề bình dị nhưng đúng đắn, là cốt lõi, bản chất, mang tính quy luật phổ quát, lâu dài của nhân sinh muôn thuở. Khi đó, tác phẩm là kết quả của sự gắn bó, trăn trở sâu sắc với thời đại và nhân sinh, thực sự có giá trị và sức sống lâu dài.

=> Đây là nhận định đúng đắn, sâu sắc, đặt ra yêu cầu tất yếu đối với một tác phẩm có giá trị và sức sống lâu dài.. Truyện ngắn hay là những tác phẩm hài hòa hai giá trị: vừa soi bóng thời đại, ghi dấu những vấn đề lớn, cốt lõi của thời đại – vừa có ý nghĩa lâu dài, chạm đến những chân lí bình thường, phổ quát, muôn đời.. Giá trị và sức sống ấy chỉ có được khi tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao: tuy dung lượng ngắn, tình huống độc đáo, nhân vật không nhiều, chi tiết cô đúc … nhưng có độ dồn nén, hàm súc, khả năng khái quát, điển hình.

2. Phân tích và chứng minh (9,0 điểm)

* Giới thiệu về truyện Hai đứa trẻ  và Thạch Lam(1,0 điểm)

- Thạch Lam: Một cây bút với cái nhìn nhân đạo về cuộc sống con người, một truyện ngắn trong trẻo có khả năng thanh lọc con người

- Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hay, tiêu biểu cho nghệt huật truyeenh ngắn của Thạch Lam- một bài thơ trữ tình đượm buồn, chứa đựng những giá trị nhân đạo mới mẻ, đặc sắc của Thạch Lam.

* Tác phẩm Hai đứa trẻ  là chứng tích của một thời (4,0 điểm):

- Truyện kể, tả về diễn biến tâm trạng hai đứa trẻ trong một buổi chiều tàn đến đêm xuống và về khuya trên một phố huyện nhỏ, từ đó mở ra  bức tranh cuộc sống triền miên trong đói nghèo, tăm tối, quẩn quanh của phố huyện nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945;

- Truyện làm hiện lên những mảnh đời nơi phố huyện, tuy mỗi nhân vật một vài nét chấm phá nhưng đủ cho người đọc hình dung những cuộc đời chìm trong đói nghèo, tăm tối, những kiếp sống mờ mờ nhân ảnh, đơn điệu, buồn chán, quẩn quanh..

- Chọn phân tích:

- Phiên chợ tàn nói lên được tất cả bộ mặt của phố huyện:
+ Cảnh chợ tàn mở ra bằng hình ảnh: người về hết và tiếng ồn ào cũng mất; trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, nhãn và lá mía. Mặc dù thế nhưng lũ trẻ vẫn cố bòn mót trong đám phế thải đó một chút gì còn sót lại. Mùi vị tỏa ra từ khung cảnh ấy là mùi của rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị…một mùi âm ẩm, ngai ngái. Đó là thứ mùi rất đặc trưng để nói tới sự nghèo nàn. Nó đã góp phần làm khung cảnh thêm tàn lụi, héo úa.

- Những cảnh đời, những con người – chứng nhân của cuộc sống nghèo nàn, đơn điệu hiện lên thật ám ảnh. 

+ Điển hình cho những kiếp người đó là mẹ con chị Tí với nhịp sống quẩn quanh. Ngày cho mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn hàng nước. Nhưng cái đáng sợ là dẫu biết sớm hay muộn có ăn thua gì chị vẫn dọn. Đây không phải là cuộc sống thật sự mà sự cầm chừng giao tranh với sự sống. Ngay cả cách trả lời Liên “ Ôi chao! …gì” cũng góp phần cho ta thấy cuộc sống tẻ nhạt, quẩn quanh của nhân vật.

+ Bà cụ Thi điên: chỉ đủ tiền mua một cút rượu uống một hơi cạn sạch. Đó là một hình ảnh đầy sức ám ảnh với dáng đi lảo đảo và tiếng cười khanh khách tan vào trong bóng đêm. Phải chăng đó chính là sản phẩm của một cuộc sống mòn mỏi, quẩn quanh. Người điên, người thì còn đó nhưng đời đã tàn quá nửa.

+  Bác Siêu với gánh phở của mình hi vọng sẽ kiếm được chút gì để tồn tại, để cầm cự với sư sống. Nhưng ở nơi phố huyện nghèo này, phở trở thành một thứ quà xa xỉ, vì vậy nguy cơ ế hàng càng cao.

+ Gia đình bác Xẩm: dùng lời ca tiếng hát của mình để kiếm sống. Nhưng ở nơi cái ăn còn chẳng có thì người dân nghèo làm gì có thời gian để thưởng thức âm nhạc. Vì vậy, cái nghèo, cái đói luôn rình rập gia đình bác.

+ Trên cảnh bức tranh đời buồn thảm, héo tàn là bóng hai chị em Liên cũng âm thầm không kém với cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, khách hàng là những con người khốn khổ không đủ tiền mua lấy nửa bánh xà phòng. Liên thương cho những kiếp người lay lắt nhưng bản thân cuộc sống của Liên cũng không tránh khỏi cuộc sống nghèo nàn đơn điệu. Trong nỗi buồn chung của mọi người, bi kịch của Liên là ý thức được nỗi buồn và sự đơn điều, bủa vây.

=> Qua đó, nhà văn Thạch Lam vừa bộc lộ niềm thương cảm, xót xa vừa gửi gắm sự trân trọng, nâng niu với những con người tuy chìm trong đói nghèo, tăm tối, quẩn quanh nhưng tâm hồn luôn nhạy cảm, nhân ái và chưa bao giờ nguôi hi vọng về một thế giới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Tinh thần nhân đạo này là kết quả của sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, về ý nghĩa sự sống của con người trong đời sống và văn học những năm đầu thế kỷ XX.

* Tác phẩm Hai đứa trẻ  còn là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời (4,0 điểm): học sinh có thể chọn phân tích một trong những vấn đề mang giá trị chân lí giản dị của mọi thời trong thiên truyện:

- Nỗi khổ lớn nhất của con người không chỉ là sự đói nghèo về vật chất mà là sự buồn chán, đơn điệu, quẩn quanh của đời sống tinh thần.

- Dù cuộc sống lay lắt, tăm tối, quẩn quanh, dù mong manh thì con người vẫn không nguôi hi vọng, tha thiết đợi chờ, hướng tới một thế giới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Sự nhạy cảm, nhân ái, giàu hi vọng của con người chính là chất thơ, vẻ đẹp muôn đời để cuộc sống không chìm hẳn trong tăm tối, tuyệt vọng.

- Chọn phân tích: Cảnh đợi tàu và tâm trạng của chị em Liên cũng như những người dân phố huyện

- Cảnh chờ tàu và khát khao vươn tới cuộc sống có ý nghĩa của những con người nhỏ bé nơi phố huyện:

+ Đoàn tàu xuất hiện đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Trong tâm trạng buồn Liên hoài niệm về quá khứ và khao khát, hi vọng đợi chờ: đó là hi vọng chờ đợi một chuyến tàu đêm đi qua. Diễn biến tâm trạng chờ tàu của hai chị em Liên được Thạch Lam miêu tả khá tinh tế.

+ Chị em Liên chờ tàu không phải để bán hàng mà là nhu cầu tinh thần hàng đêm. Bởi vậy, An mặc dù đã buồn ngủ díu cả mắt vẫn cố dặn chị “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. " Hai chị em Liên chời đợi tàu trong tâm trạng háo hức, bồi hồi như chờ đợi phút giao thừa thiêng liêng. Đoàn tàu đến trong sự mong chờ của chị em Liên. Liên và An hướng cả hồn mình vào đoàn tàu khi còn ở xa “tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới với những toa hạng sang, kèn và đồng lấp lánh, các cửa kính sáng. " Con tàu đã đem đến một thế giới khác đi qua, một thế giới rực rỡ, vui vẻ, huyên náo- một thế giới khác hẳn với sự nghèo khôt hàng ngày. 
- Đoàn tàu chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi vụt qua đi vào đêm tối. Ta bắt gặp phía sau đoàn tàu một nguồn ánh sáng nhỏ nhoi chỉ trực tan hòa vào bóng tối. An nhận ra tàu hôm nay “kém sáng hơn”, nhưng Liên vẫn “lặng theo mơ tưởng”. Đoàn tàu không làm thay đổi cuộc sống nơi phố huyện nhưng sự xuất hiện của nó đủ để lại niềm khao khát cho những con người nơi đây 

=> Niềm cảm thương sâu sắc, chân thành của nhà văn đối với cuộc sống chìm khuất mỏi mòn, quẩn quanh của những con người nhỏ bé nơi phố huyện bình lặng tối tăm cùng với những điều mong ước khiêm nhường mà thiết tha của họ. Thức tỉnh con người hướng tới cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Thạch Lam đã trải lòng mình ra để lắng nghe thấu hiểu những khát khao nhỏ bé của những kiếp người nhỏ bé. Khẳng định sức sống mãnh liệt của con người và khao khát đổi đời ở họ.Dù cuộc sống có khó khăn, bế tắc nhưng vẫn không dập tắt được những khát khao, mong ước hướng về ánh sáng niềm vui của con người

3. Đánh giá chung (1,0 điểm)

– Nhận định chủ yếu khẳng định giá trị, vẻ đẹp, sức sống của thể loại truyện ngắn ở phương diện ý nghĩa nội dung tư tưởng, song cũng cần nhắc tới những yêu cầu, phẩm chất về nghệ thuật của thể loại: dựng chuyện, kể chuyện hấp dẫn; xây dựng nhân vật; lựa chọn sáng tạo chi tiết, giọng điệu, lời văn…

– Ý kiến được nêu cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

+ Đối với người sáng tác: phải gắn bó, hiểu biết sâu sắc, trăn trở và nói lên những vấn đề thiết cốt nhất của thời đại để tác phẩm của mình thực sự là chứng tích củamột thời; đồng thời đào sâu vào những vấn đề bản chất, chân lí của nhân sinh để tác phẩm có ý nghĩa và sức sống lâu dài, vượt tầm thời đại.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận, trân trọng giá trị của những tác phẩm hay giúp ta hiểu sâu rộng hơn về cuộc sống, con người một thời và thấy được ý nghĩa của tác phẩm với muôn đời, muôn người, trong đó có chúng ta và thời đại mình đang sống.

III. Biểu điểm.

- Điểm 11-12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.

- Điểm 9-10: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.

- Điểm 7-8: Tương đối đủ các ý lớn tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.

- Điểm 5-6: Hiểu yêu cầu của đề, các ý lớn còn thiếu, nội dung sơ sài.

- Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.

- Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.

(Lưu ý: Giám khảo khi chấm bài cần linh hoạt, trân trọng và khuyến khích những bài viết sáng tạo, giàu chất văn. Điểm bài thi là tổng điểm các câu hỏi trong bài theo thang điểm 20, cho điểm lẻ đến 0,25)