Đề thi hsg văn 10 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

Đề thi hsg văn 10 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

4.5/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi hsg văn 10 tỉnh vĩnh phúc năm 2018 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC

KÌ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 THPT NĂM HỌC 2017 - 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10 - THPT

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.

Câu 1 (6,0 điểm)

Một hôm, người cha lỡ làm lạc mất chiếc đồng hồ đeo tay, ông bực bội lục lọi tìm kiếm khắp nơi, nhưng tìm cả buổi cũng không thấy. Đợi đến khi ông ra ngoài, đứa con lặng lẽ vào phòng, trong chốc lát đã tìm được.

Người cha hỏi: Sao mà con tìm ra được vậy?

Đứa con trả lời: Con chỉ ngồi im lặng, một lát sau có thể nghe được âm thanh tí tách nho nhỏ, thế là con tìm ra.

(Dẫn theo Tinhhoa.net, 10 câu chuyện nhỏ – 10 bài học ẩn chứa triết lý sâu sắc của cuộc đời)

Từ thông điệp của câu chuyện trên, viết một bài văn với chủ đề: Lắng nghe.

Câu 2 (14,0 điểm)

Khi cuộc sống xuất hiện những nỗi niềm thiết tha không bút nào tả xiết đối với năng lực thông thường, nghệ sĩ là người vượt qua giới hạn đó để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn.

(Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên, NXB Giáo dục, 2004, tr.251)

Anh/Chị hiểu nhận định trên như thế nào? Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm) và Trao duyên (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), hãy làm sáng tỏ nhận định.

------------- HẾT -------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh………………………………………; SBD………………………

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KÌ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 THPT NĂM HỌC 2017 – 2018

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 10 - THPT

(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức độ hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (6,0 điểm)

a/ Yêu cầu về kĩ năng

- Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu chọn lọc để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

- Bài văn mạch lạc, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b/ Yêu cầu về kiến thức

- Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý

Nội dung

Điểm

1

Giải thích

- Lắng nghe: không đơn thuần là hoạt động của thính giác, mà mở rộng ra, đó là việc biết yên lặng để cảm nhận sâu sắc thế giới bên ngoài hoặc thế giới bên trong của chính mình bằng cả lí trí và tâm hồn.

1,0

2

Bàn luận, mở rộng

- Lắng nghe có những biểu hiện phong phú như biết nghe tiếng vọng về từ quá khứ, nghe những gì đang diễn ra ở hiện tại, nghe được cả tương lai; nghe được lời của thiên nhiên, đất trời, lời của cây cối, chim muông; nghe để phân biệt phải trái, hay dở, tốt xấu, nghe được cả tiếng trái tim mình để không lầm lạc.

- Phải biết lắng nghe để hiểu, để hành động, để hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ... Không biết lắng nghe cuộc sống sẽ trở nên vô cảm và nhạt nhẽo, mối quan hệ giữa con người với con người trở nên thiếu sự đồng cảm chia sẻ, thậm chí căng thẳng, đối đầu.

- Các yếu tố cần có để có thể lắng nghe: kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm nhìn, sự nhạy cảm, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của con người.

- Phê phán những kẻ không biết lắng nghe...

(Các ý bàn luận cần có dẫn chứng phù hợp để chứng minh)

4,0

3

Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức lắng nghe có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống.

- Để lắng nghe con người cần có một trái tim rộng mở, biết tôn trọng và yêu thương. Lắng nghe cũng đòi hỏi phải có bản lĩnh để không bị dao động. Mặt khác, lắng nghe là khởi nguồn của hành động, tránh rơi vào sự cực đoan giả điếc, làm thinh.

1,0

Câu 2 (14,0 điểm).

a/ Yêu cầu về kĩ năng

Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Bài viết mạch lạc, trong sáng,có cảm xúc, không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

b/ Yêu cầu về kiến thức

- Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý

Nội dung

Điểm

1

Giải thích

- Những nỗi niềm thiết tha: những cảm xúc mãnh liệt (sự đồng cảm, tình yêu thương, nỗi căm giận...)

- Năng lực thông thường: khả năng diễn tả thông thường của con người.

- Vượt qua giới hạn: khả năng vượt qua năng lực thông thường bằng trái tim và tài năng nghệ thuật.

=> Khi hiện thực đời sống nảy sinh những cảm xúc mãnh liệt, những vấn đề nhức nhối, những tình cảm vượt qua khả năng diễn tả thông thường thì người nghệ sĩ một mặt cảm nhận sâu sắc những nỗi niềm đó bằng trái tim mình. Mặt khác, bằng tài năng nghệ thuật xuất sắc, họ thể hiện được những cảm xúc mãnh liệt đó qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật... khiến nỗi niềm đó trở nên bất tử. Điều này là kết quả của tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ.

1,5

2

Bình luận

- Nhận định trên thể hiện mối quan hệ giữa văn học và hiện thực.

- Văn học vừa phản ánh những tình cảm mãnh liệt của đời sống con người vừa thể hiện tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ trong việc cảm thấu những nỗi niềm thiết tha và biến nỗi niềm thiết tha thành bất tử.

(Học sinh vận dụng kiến thức lí luận văn học để lí giải ngắn gọn)

1,0

3

Phân tích, chứng minh

a

* Những nỗi niềm thiết tha không bút nào tả xiết đối với năng lực thông thường:

.- Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ: đó là nỗi niềm của những người phụ nữ trong một xã hội bất công, không trân trọng quyền sống và quyền hạnh phúc của lứa đôi, là nỗi nhớ nhung, sầu muộn, lo lắng, cô đơn của người chinh phụ khi chồng đi chinh chiến...

- Qua đoạn trích Trao duyên: đó là nỗi đau như đứt ruột của người con gái chung tình nhưng lại phải trao duyên, là nỗi xót xa tủi hận khi Kiều luôn luôn mặc cảm mình là kẻ bội ước, phụ tình...

(Thí sinh phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ)

4,0

b

* Người nghệ sĩ vượt qua giới hạn để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn:

- Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm:

+ Tác giả đã thấu hiểu tột cùng nỗi lòng người chinh phụ và đồng cảm với khát khao hạnh phúc lứa đôi của nguời phụ nữ. Tác giả gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa chia rẽ tình cảm gia đình, hạnh phúc lứa đôi...

+ Đoạn thơ sử dụng độc thoại nội tâm, điệp ngữ, nghệ thuật miêu tả tâm lí ...

- Qua đoạn trích Trao duyên Nguyễn Du:

+ Tác giả đã cảm thấu được những bi kịch của nàng Kiều. Tác giả đã viết về sự việc trao duyên của Kiều không phải với tư cách của người ngoài cuộc mà với tư cách của người trong cuộc… Ông như đứt từng khúc ruột cùng nỗi đau của Kiều…, đúng như Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: Nguyễn Du viết Kiều như có máu rỏ trên đầu ngòi bút, nước mắt thấm qua tờ giấy.

+ Đoạn thơ sử dụng bút pháp ước lệ, sử dụng ngôn ngữ tinh tế, miêu tả nội tâm nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại, nghệ thuật tả cảnh, ngụ tình.

(Thí sinh phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ)

6,0

4

Đánh giá

1,5

- Đặt trong bối cảnh văn học Trung đại, khi vấn đề cá nhân, quyền sống của mỗi cá thể còn ít được nhắc đến, chúng ta có thể thấy bằng tâm huyết và tài năng vượt bậc, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm đã vượt qua giới hạn để đưa nỗi niềm kia vào hàng vĩnh viễn.

- Bài học đối với người sáng tạo: phải sống sâu sắc với cuộc sống và thời đại để thấu hiểu, rung cảm được những nỗi niềm nhức nhối của nhân sinh, đồng thời cần có tài năng để có thể biến những cảm xúc đó thành bất tử.

- Bài học đối với người đọc: cần trở thành người đồng sáng tạo với tác giả, bởi những cảm xúc mãnh liệt của nhân sinh sẽ không thể nào trở thành vĩnh viễn nếu người đọc tiếp xúc với tác phẩm bằng tâm hồn vô cảm và một vốn sống cạn nông.

------------- HẾT -------------