Đề thi hk1 môn văn 10 quảng nam 2019-2020 có đáp án

Đề thi hk1 môn văn 10 quảng nam 2019-2020 có đáp án

4.8/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi hk1 môn văn 10 quảng nam 2019-2020 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

ĐỀ CHÍNH THỨC

KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019-2020

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 10

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:

“…Rõ ràng, quả thị được lưu giữ trong ký ức con người không phải với tư cách một món ăn mà với tư cách một món chơi. Chính điều đó khiến quả thị trở thành một phần kỷ niệm của những ai từng lớn lên ở làng quê miền Trung. Những trưa đứng bóng, vừa tới lớp, quẳng vội cặp sách lên bàn rồi ba chân bốn cẳng chạy lại xúm xít quanh gốc thị để giành quả rụng là một trong những ngọn nến lung linh trong ký ức tuổi thơ tôi. Lớn lên chút nữa, hình ảnh những nữ sinh áo trắng thướt tha bỏ thị trong cặp sách để hương đượm quanh tà áo là một câu chuyện thơ mộng khó quên khác.

Sau này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, “ngoái đầu thương dĩ vãng”. Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỷ niệm. Từ một bà già đến từ ngoại ô và hẳn trong khu vườn của chủ nhân có một cây thị hiếm hoi ở đất Sài Gòn.

Tôi đã đem những quả thị về nhà, đặt trên bàn viết để bồi hồi nghe hương thơm tuổi thơ quấn quít và nghe quá khứ thao thức vọng về. Tôi đã không ăn, cũng không bóc ra để xếp thành những bông hoa tuổi nhỏ. Ừ, xếp làm gì khi những cánh hoa vàng vẫn không nguôi lấp lánh trên bức tường kỷ niệm của tuổi thơ tôi.”

(Trích Cây trái tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, in trong tạp văn Sương khói quê nhà, NXB Trẻ 2018, tr.12)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định phép tu từ được dùng trong câu: Tôi mua kỷ niệm. (0,5 điểm)

Câu 3.Tác giả đã nhắc đến những kỷ niệm nào gắn liền với hình ảnh quả thị? (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp mà anh/chị nhận được từ đoạn trích trên? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ngữ văn 10, Tập một, NXB Giáo dục 2009, tr. 129)

Cảm nhận của anh/chị về bài thơ trên./.

-HẾT-

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019-2020

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 10

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn chấm này có 02 trang)

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Thầy cô giáo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm này để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, thầy cô giáo cần linh hoạt trong quá trình chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo.

2. Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải được thống nhất trong tổ chấm và đảm bảo không sai lệch với tổng điểm toàn bài.

3. Bài thi được chấm theo thang điểm 10. Điểm lẻ chấm đến 0,25. Điểm toàn bài làm tròn theo quy định.

B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

I. ĐỌC - HIỂU

3.0

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Phương thức tự sự/ Tự sự

0.5

Câu 2. Phép tu từ được dùng trong câu: Ẩn dụ (mua kỷ niệm)

0.5

Câu 3. Những kỷ niệm gắn liền với hình ảnh quả thị:

- Những trưa đứng bóng, vừa tới lớp, quẳng vội cặp sách lên bàn rồi ba chân bốn cẳng chạy lại xúm xít quanh gốc thị để giành quả rụng là một trong những ngọn nến lung linh trong ký ức tuổi thơ tôi.

- Lớn lên chút nữa, hình ảnh những nữ sinh áo trắng thướt tha bỏ thị trong cặp sách để hương đượm quanh tà áo là một câu chuyện thơ mộng khó quên khác.

0.5

0.5

Câu 4

Học sinh có thể chọn một trong các thông điệp sau:

  • Thái độ nâng niu, trân trọng kỷ niệm tuổi thơ
  • Tình cảm yêu mến, gắn bó với quê hương

( Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn là phù hợp)

1.0

II. LÀM VĂN

7.0

* Yêu cầu chung

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu cụ thể

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận văn học gồm: Mở bài, Thân bài và Kết bài.

0.5

2. Xác định đúng đối tượng nghị luận: Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

0.5

3. Triển khai vấn đề:

Sử dụng thao tác lập luận chính là phân tích, kết hợp vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận khác

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

1.0

b. Cảm nhận về bài thơ Nhàn:

Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau song bài làm cần đảm bảo được các ý sau:

  • Về nội dung:

+ Cuộc sống ung dung trong phong thái, thảnh thơi, vô sự trong lòng, vui với thú điền viên.

+ Tự nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn bon chen ồn ào, hoà nhập với thiên nhiên để "di dưỡng tinh thần".

+ Sống thuận theo lẽ tự nhiên, hưởng những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không phải mưu cầu, tranh đoạt.

+ Thái độ coi thường danh lợi, xem phú quý như một giấc chiêm bao

- Về nghệ thuật:

+ Sử dụng số đếm, phép đối, điển cố.

+ Ngôn từ mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu chất triết lí

- Đánh giá chung:

+ Bài thơ đã phác họa cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao, qua đó bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

+ Đặt trong bối cảnh xã hội thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhàn là quan niệm sống tích cực thể hiện cách hành xử lánh đục về trong của kẻ sĩ.

4.0

4/ Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện cảm nhận chân thành, sâu sắc….

0.5

5/ Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

0.5

ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10.0 điểm