Đề cương ôn tập gdcd 11 học kỳ 2 năm 2020-2021 trắc nghiệm và tự luận

Đề cương ôn tập gdcd 11 học kỳ 2 năm 2020-2021 trắc nghiệm và tự luận

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề cương ôn tập gdcd 11 học kỳ 2 năm 2020-2021 trắc nghiệm và tự luận

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GDCD 11 HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2020-2021

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Bản chất giai cấp công nhân của nhà nước ta được thể hiện tập trung nhất ở sự lãnh đạo của tổ chức nào sau đây?

A. Hội nông dân. B. Đảng Cộng sản.

C. Mặt trận Tổ quốc. D. Hội chữ thập đỏ.

Câu 2: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở một trong những phương diện nào sau đây?

A. Mang bản chất giai cấp công nhân. B. Đảm bảo tính công bằng tuyệt đối.

C. Triệt tiêu lợi ích cá nhân. D. Đề cao tư tưởng tự tôn.

Câu 3: Công dân lưu giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian ở nước ta là góp phần thực hiện chính sách nào sau đây?

A. Dân số. B. Văn hóa. C. Quốc phòng. D. Tài nguyên.

Câu 4: Để tạo thị trường cho khoa học và công nghệ, Nhà nước ta thực hiện một trong những chủ trương nào sau đây?

A. Trọng dụng nhân tài. B. Đề cao tư tưởng cố hữu.

C. San bằng thuế thu nhập. D. Chia đều mọi lợi nhuận.

Câu 5: Tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ở việc kế thừa và phát huy

A. truyền thống tốt đẹp của đất nước. B. mọi tập quán địa phương.

C. hệ tư tưởng của các tổ chức tôn giáo. D. tất cả phong tục vùng miền.

Câu 6: Chức năng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được biểu hiện ở nội dung nào sau đây?

A. Giữ vững an ninh chính trị. B. Đàn áp nhân dân lao động.

C. Đảm bảo an toàn xã hội. D. Tổ chức và xây dựng chính quyền.

Câu 7: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp nào sau đây?

A. Công nhân. B. Nông nô. C. Tư sản. D. Địa chủ.

Câu 8: Bảo vệ tài nguyên môi trường là trách nhiệm của

A. Đảng và nhà nước ta B. Các cơ quan chức năng

C. Mọi công dân, cơ quan, tổ chức D. Thế hệ trẻ

Câu 9: Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ môi trường là việc làm nhằm mục đích

A. Tăng cường công tác quản lí của Nhà nước về bảo vệ môi trường

B. Xử phạt các hành vi vi phạm môi trường

C. Xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân

D. Thực hiện vai trò quản lí của Nhà nước đối với môi trường

Câu 10: Việc làm nào dưới đây thực hiện đúng tiêu của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường ?

A. Kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm

B. Sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt

C. Dùng điện để đánh bắt thủy sản

D. Xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên

Câu 11: Nội dung nào dưới dưới đây đúng với phương hướng của chính sách giải quyết việc là ơ nước ta hiện nay ?

A. Khuyến khích công dân làm giàu B. Mở rộng thị trường lao động

C. Đào tạo nguồn nhân lực D. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Câu 12: Nhà nước khuyến khích khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của nước ta nhằm mục đích gì dưới đây?

A. Đa dạng hóa các ngành nghề B. Giữ gìn truyền thống dân tộc

C. Phát huy tay nghề của người lao động D. Tạo ra nhiều việc làm cho người lao

Câu 13: Một trong những phương hướng cơ bản của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường là?

A. Bảo tồn đa dạng sinh học

B. Khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên

C. Nâng cao chất lượng mội trường

D. Bảo vệ môi trường

Câu 14: Giáo dục và đào tạo không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nào sau đây?

A. Đào tạo nhân lực. B. Phân hóa giàu nghèo.

C. Nâng cao dân trí. D. Bồi dưỡng nhân tài.

Câu 15: Phương hướng của chính sách quốc phòng, an ninh không phải là sự kết hợp giữa hai yếu tố nào sau đây?

A. Thế lực phản động và nhân dân. B. Sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

C. Quốc phòng và an ninh. D. Kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh.

Câu 16: Một trong những nguyên tắc của chính sách đối ngoại được biểu hiện ở nội dung nào sau đây?

A. Bình đẳng và cùng có lợi. B. Đề cao vị trí độc tôn.

C. Can thiệp vào công việc nội bộ. D. Xâm phạm độc lập chủ quyền.

Câu 17: Công dân tích cực đấu tranh chống các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan là góp phần thực hiện chính sách nào sau đây?

A. Tài nguyên. B. Bảo hiểm. C. Văn hóa. D. Tiền tệ.

Câu 18: Phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới là thực hiện phương hướng nào dưới đây để phát triển khoa học và công nghệ?

A. Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. B. Mở rộng đối tượng giáo dục.

C. Tăng cường nhập khẩu máy móc. D. Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.

Câu 19: Ý nào dưới đây không thể hiện nhiệm vụ của văn hóa?

A. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến. B. Mang đậm bản sắc dân tộc.

C. Tiếp thu tất cả phong tục các nước. D. Xây dựng con người phát triển toàn diện.

Câu 20: Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, những thành tựu trên các lĩnh vực của nhân loại để làm giàu cho trí tuệ, tâm hồn người Việt Nam là thực hiện phương hướng nào dưới đây để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay?

A. Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. B. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

C. Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục. D. Phát triển công tác đối ngoại.

Câu 21: Nhà nước coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học là thực hiện phương hướng nào sau đây để phát triển khoa học và công nghệ?

A. Tăng cường đề cao lợi ích nhóm. B. Đáp ứng mọi nhu cầu riêng biệt.

C. Xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ. D. Tiến hành phân hóa giai cấp.

Câu 22: Nền văn hóa chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc là nền văn hóa

A. duy trì hủ tục vùng, miền. B. bảo vệ phong tục lạc hậu.

C. đậm đà bản sắc dân tộc. D. phát triển tư tưởng cực đoan.

Câu 23:Tại hội nghị toàn dân,nhân dân biểu quyết công khai về mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa của địa phương là thực hiện hình thức dân chủ nào sau đây?

A.Trực tiếp. B.Gián tiếp. C.Đại diện. D.Chuyên chế.

Câu 24:Nhà nước quy định mọi tài nguyên đưa vào sử dụng đều phải nộp thuế hoặc trả tiền thuê là nhằm

A. Hạn chế sử dụng tài nguyên B. Sử dụng hợp lí tài nguyên

C. Tăng ngân sách nhà nước D. Ngăn chặn khai thác tài nguyên

Câu 25: Nội dung nào dưới đây là một trong các mục tiêu của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường ?

A. Khai thác nhiều tài nguyên đê đẩy mạnh phát triển kinh tế

B. Sử dụng hợp lí tài nguyên

C. Ngăn chặn tình trạng hủy hoại môi trường

D. Áp dụng công nghệ hiện đại để xử lí chất thải

Câu 26: Một trong những mục tiêu tiêu của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường?

A. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường

B. Tăng tỉ lệ che phủ rừng, bảo vệ động thực vật

C. Xây dựng hệ thống xử lí chất thải

D. Bảo tồn đa dạng sinh học

Câu 27: Một trong những phương hướng tiêu của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường là

A. Xây dựng nếp sống vệ sinh

B. Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ môi trường

C. Ban hành các chính sách bảo vệ môi trường

D. Thường xuyên giáo dục, xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường

II. TỰ LUẬN

BÀI 9 NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

1. Nguồn gốc và bản chất của nhà nước: Khuyến khích HS tự học

2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a. Thế nào là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

b. Bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Tính nhân dân

+ Nhà nước của dân, do dân lập nên và nhân dân tham gia quản lí.

+ Nhà nước thể hiện ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

+ Nhà nước là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

- Tính dân tộc

+ Kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc.

+ Có chính sách dân tộc đúng đắn, chăm lo lợi ích mọi mặt của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

+ Thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

c. Chức năng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Chức năng tổ chức và xây dựng, đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

- Tích cực tham gia các hoạt động: xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự…

- Phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật

- Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá các thế lực thù địch.

BÀI 10: NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

1. Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

a. Khái niệm dân chủ

- Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, là quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước; dân chủ là một hình thức nhà nước gắn với giai cấp thống trị do đó dân chủ luôn mang bản chất giai cấp.

b. Bản chất của nền dân chủ XHCN được thể hiện:

- Mang bản chất giai cấp công nhân.

- Có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

- Lấy hệ tư tưởng Mác - Lê-nin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh làm nền tảng tinh thần của xã hội.

- Là nền dân chủ của nhân dân lao động.

- Gắn liền với pháp luật, kỉ luật, kỉ cương.

2. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

b. Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực chính trị

- Quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

- Quyền kiến nghị, biểu quyết với cơ quan nhà nước.

- Quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí.

c. Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực văn hóa

- Quyền tham gia vào đời sống văn hóa.

- Quyền hưởng lợi ích từ sáng tạo văn hóa.

- Quyền sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật.

3. Những hình thức cơ bản của dân chủ

a. Dân chủ trực tiếp

- Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ với những quy chế, thiết kế để nhân dân thảo luận, biểu quyết, tham gia, trực tiếp quyết định công việc của cộng đồng, nhà nước.

- Hình thức phổ biến:

+ Trưng cầu dân ý trong phạm vi cả nước

+ Thực hiện sáng kiến pháp luật

+ Nhân dân tự quản, xây dựng quy ước, hương ước… phù hợp pháp luật.

b. Dân chủ gián tiếp

- Dân chủ gián tiếp là hình thức dân chủ thông qua những quy chế, thiết chế để nhân dân bầu ra người đại diện thay mặt mình quyết định các công việc chung của cộng đồng, của nhà nước.

BÀI 11: CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

1. Chính sách dân số

a. Tình hình dân số nước ta: (Hướng dẫn HS tự học)

- Dân số đông

- Quy mô dân số lớn

- Mật độ dân số cao

- Dân cư phân bố không hợp lí

- Giảm sinh chưa hiệu quả, chất lượng dân số thấp.

b. Mục tiêu và phương hướng cơ bản để thực hiện chính sách dân số

- Mục tiêu:

+Giảm tốc độ gia tăng dân số

+ Ổn định quy mô, cơ cấu dân số, phân bố dân cư hợp lí

+ Nâng cao chất lượng dân số nhằm phát huy nguồn lực cho đất nước.

- Phương hướng:

+ Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lí

+ Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục

+ Nâng cao hiểu biết của người dân

+ Nhà nước đầu tư đúng mức, thực hiện xã hội hóa công tác dân số, tạo điều kiện để mọi gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia công tác dân số.

2. Chính sách giải quyết việc làm

a. Tình hình nước ta

- Thiếu việc làm ở thành thị và nông thôn

- Thu nhập thấp

- Số người trong độ tuổi lao động tăng

- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp

- Số người đổ về thành thị kiếm việc làm ngày càng tăng

- Tỉ lệ thất nghiệp cao.

b. Mục tiêu và phương hướng cơ bản

- Mục tiêu:

+ Tập trung sức giải quyết việc làm ở thành thị và nông thôn

+ Phát triển nguồn nhân lực

+ Mở rộng thị trường lao động

+ Giảm tỉ lệ thất nghiệp

+ Tăng tỉ lệ người lao động qua đào tạo.

- Phương hướng:

+ Thúc đẩy phát triển sản xuất và dịch vụ

+ Khuyến khích làm giàu theo pháp luật

+ Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

+ Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hiện có.

3. Trách nhiệm của công dân: (Hướng dẫn HS tự học)

- Chấp hành chính sách dân số, pháp luật về dân số

- Chấp hành chính sách giải quyết việc làm và pháp luật về lao động

- Động viên người thân và những người khác chấp hành

- Có ý chí vươn lên nắm bắt khoa học kĩ thuật tiên tiến, định hướng đúng đắn nghề nghiệp.

BÀI 12: CHÍNH SÁCH TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Tình hình tài nguyên, môi trường ở nước ta hiện nay. (Hướng dẫn HS tự học)

2. Mục tiêu, phương hướng cơ bản của chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Mục tiêu

+ Sử dụng hợp lý tài nguyên

+ Làm tốt công tác bảo vệ môi trường

+ Bảo tồn đa dạng sinh học

+ Từng bước nâng cao chất lượng môi trường

- Phương hướng

+ Tăng cường công tác quản lí của nhà nước.

+ Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường cho người dân.

+ Coi trọng nghiên cứu KHCN, mở rộng hợp tác quốc tế, khu vực.

+ Chủ động phong ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

+ Khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên.

+ Áp dụng khoa học hiện đại vào khai thác.

3. Trách nhiệm của công dân đối với chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường. (Hướng dẫn HS tự học)

- Tin tưởng, ủng hộ chính sách và pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường

- Vận động mọi người cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường

BÀI 13: CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, VĂN HÓA

1. Chính sách giáo dục và đào tạo

a. Nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo

- Nâng cao dân trí

- Đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhằm phát triển tài năng trí tuệ.

- Cung cấp cho đất nước nguồn lao động có chất lượng cao.

b. Phương hướng cơ bản để phát triển giáo dục và đào tạo

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo

- Mở rộng quy mô giáo dục

- Ưu tiên đầu tư giáo dục

- Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục

- Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục

- Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo

2. Chính sách khoa học và công nghệ

a. Nhiệm vụ của khoa học và công nghệ

- Giải đáp kịp thời những vấn đề lí luận và thực tiễn do cuộc sống đặt ra

- Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

- Đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Nâng cao trình độ quản lí, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ

b. Phương hướng cơ bản để phát triển khoa học và công nghệ

- Đổi mới cơ chế tổ chức, quản lí khoa học và công nghệ

- Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

- Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

- Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm

3. Chính sách văn hóa

a. Nhiệm vụ của văn hóa

- Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

- Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo.

b. Phương hướng cơ bản để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

- Làm cho chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân.

- Kế thừa, phát huy những di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc.

- Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

- Nâng cao hiểu biết và mực hưởng thụ văn hóa, phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân…

4. Trách nhiệm công dân đối với chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa.

- Tin tưởng và chấp hành đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về GD-ĐT, KH-CN, văn hóa

- Thường xuyên nâng cao trình độ học vấn, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

- Ra sức trao dồi phẩm chất đạo đức, chiếm lĩnh kiến thức KH-KT hiện đại để thực hiện ước mơ làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh

- Có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, biết phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

BÀI 14: CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

1. Vai trò và nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh

a. Vai trò của quốc phòng và an ninh( Khuyến khích HS tự học)

b. Nhiệm vụ của quốc phòng an ninh

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện.

- Bảo vệ vững chắc chủ quyền , thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

- Bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa tư tưởng và an ninh xã hội.

- Duy trì trật tự , kỉ cương, an toàn xã hội.

- Góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ.

2. Những phương hướng cơ bản nhằm tăng cường quốc phòng và an ninh

- Phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết dân tộc

- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

- Kết hợp quốc phòng với an ninh

- Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng và an ninh

⇒ Đòi hỏi khách quan:Xây dựng CAND và QĐND trở thành lực lượng chính quy,tinh nhuệ,từng bước hiện đại. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp của Đảng với QĐND và CAND.

3. Trách nhiệm của công dân đối với chính sách quốc phòng và an ninh

- Tin tưởng vào chính sách quốc phòng an ninh của Đảng và nhà nước.

- Chấp hành pháp nghiêm chính pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự và bí mật quốc gia.

- Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu,thủ đoạn tinh vi của kẻ thù.

- Sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự và công tác quốc phòng, an ninh ở nơi cư trú.

BÀI 15: CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

1. Vai trò, nhiệm vụ của chính sách đối ngoại

- Vai trò của chính sách đối ngoại

   + Chủ động tạo ra mối quan hệ quốc tê thuận lợi để đưa nước ta hội nhập với thế giới.

   + Góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

   + Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

- Nhiệm vụ của chính sách đối ngoại

   + Giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc…

2. Nguyên tắc của chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước thực hiện theo những nguyên tắc sau:

   + Tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thỗ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

   + Tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng quyền lợi.

3. Phương hướng cơ bản để thực hiện chính sách đối ngoại

- Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới.

- Củng cố và tăng cường quan hệ với các Đảng cộng sản.

- Phát triển công tác đối ngoại nhân dân

- Chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì quyền lợi con người.

- Đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại.

4. Trách nhiệm của công dân đối với chính sách đối ngoại

- Tin tưởng và chấp hành nghiêm túc chính sách đối ngoại của Đảng vào Nhà nước.

- Luôn quan tâm đến tình hình thế giới và vai trò của nước ta trên trường quốc tế.

- Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tham gia các công việc liên quan đến đối ngoại.

- Cần có ý thức dân tộc và phát huy những nét đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, có thái độ đoàn kết, hữu nghị, lịch sự khi quan hệ với các đối tác nước ngoài.