Đề thi olympic địa lí 10 sở gd&đt quảng nam 2021 có đáp án

Đề thi olympic địa lí 10 sở gd&đt quảng nam 2021 có đáp án

4.3/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi olympic địa lí 10 sở gd&đt quảng nam 2021 có đáp án

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

KỲ THI OLYMPIC 24/3 TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2021

ĐỀ CHÍNH THỨC

Môn thi : ĐỊA LÍ LỚP 10

Thời gian : 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi : 20/03/2021

Câu I. (4,0 điểm)

1. Dựa vào hình dưới đây và kiến thức đã học, em hãy trình bày và giải thích hiện tượng chênh lệch độ dài ngày, đêm trên Trái Đất vào các ngày 21/3, 22/6.

Hình. Trái Đất trong các ngày 21/3 và 22/6.

2. Trình bày tác động của sinh vật đến sự hình thành đất.

Câu II. (4,0 điểm)

1. Trình bày biểu hiện và ý nghĩa quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí.

2. Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông. Tại sao ở nước ta, người dân miền Trung không thể “sống chung với lũ” như ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Câu III. (3,0 điểm)

Phân tích sự phân bố nhiệt độ của không khí trên Trái Đất. Tại sao khu vực Xích đạo có góc nhập xạ lớn nhất nhưng nhiệt độ trung bình năm thấp hơn khu vực chí tuyến?

Câu IV. (2,0 điểm)

Cơ cấu dân số trẻ, cơ cấu dân số già có ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội?

Câu V. (7,0 điểm)

1. Phân tích ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến sự phân bố và phát triển công nghiệp.

2. Cho bảng số liệu:

MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG - LÂM - NGƯ NGHIỆP CỦA THẾ GIỚI

GIAI ĐOẠN 2000-2019

Năm

2000

2010

2015

2019

Lúa mì (triệu tấn)

585,1

653,4

742,4

765,4

Nuôi trồng thủy sản (triệu tấn)

45,7

59,9

76,4

86,5

Diện tích rừng (triệu ha)

3869,0

4033,0

3999,0

4006,0

(Nguồn: Thống kê của Ngân hàng thế giới – World Bank)

Dựa vào bảng số liệu đã cho, hãy:

a. Tính tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp của thế giới qua các năm trên.

b. Nhận xét và giải thích tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp của thế giới giai đoạn 2000-2019.

––––––––––– Hết ––––––––––––

- Thí sinh được sử dụng Tập bản đồ Thế giới và các châu lục.

- Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:…..…………………………………. Số báo danh:………………

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẢNG NAM

KỲ THI OLYMPIC 24/3 TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2021

ĐỀ CHÍNH THỨC

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN ĐỊA LÍ 10

(HDC có 05 trang)

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

1) Cán bộ chấm thi chấm đúng như hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm.

2) Hướng dẫn chấm chủ yếu theo hướng “mở”, chỉ nêu những ý chính, từ đó phát triển các ý cụ thể. Trong quá trình chấm cần quan tâm đến lí giải, lập luận của thí sinh. Nếu có câu nào, ý nào mà thí sinh có cách trả lời khác với hướng dẫn chấm nhưng đúng, thì vẫn cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm.

3) Việc thay đổi HDC, quy tròn điểm của từng câu và của bài thi phải theo sự thống nhất của Hội đồng chấm thi.

II. HƯỚNG DẪN CHẤM CHI TIẾT

Câu

Ý

Nội dung

Điểm

I

(4,0đ)

1. Dựa vào hình dưới đây và kiến thức đã học, em hãy trình bày và giải thích độ dài ngày, đêm trên Trái Đất vào các ngày 21/3, 22/6.

2,0

- Ngày 21/3: Thời gian ban ngày bằng thời gian đêm và bằng 12 giờ ở mọi nơi. Do tia sáng Mặt Trời luôn chiếu vuông góc tại Xích đạo, đường phân chia sáng tối trùng với trục Trái Đất. Nên một nửa Trái đất được chiếu sáng (ban ngày) và nửa còn lại bị khuất trong bóng tối (ban đêm).

0,5

- Ngày 22/6: Ngày 22/6 thời gian chiếu sáng ở mỗi bán cầu, trên các chí tuyến và các vòng cực ở hai nửa cầu trái ngược nhau.

+ Bắc bán cầu: Ngày dài hơn đêm; càng xa Xích đạo chênh lệch độ dài ngày đêm càng lớn; từ vòng cực Bắc đến cực Bắc có hiện tượng ngày dài 24 giờ.

+ Nam bán cầu thì ngược lại.

(HS có thể trình bày thêm nếu đúng thì cho điểm để đạt tối đa của Ý này, ví dụ: chênh lệch thời gian ngày đêm từ Xích đạo về 2 cực, hoặc chí tuyến).

- Nguyên nhân:

+ Ngày 22/6, bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời, diện tích chiếu sáng lớn hơn diện tích khuất trong bóng tối, nên ngày dài hơn đêm. Bán cầu Nam lúc này chếch xa phía Mặt Trời nên diện tích chiếu sáng ít hơn diện tích bị khuất trong bóng tối, đêm dài hơn ngày.

+ Vòng cực Bắc hoàn toàn nằm trước đường phân chia sáng tối, nên có hiện tượng ngày dài 24 giờ. Trong khi đó, vòng cực Nam hoàn toàn nằm sau đường phân chia sáng tối nên có hiện tượng đêm dài 24 giờ.

0,25

0,25

0,25

0,5

0,25

2. Trình bày tác động của sinh vật đến sự hình thành đất.

2,0

Quá trình hình thành đất chịu tác động của các nhiều nhân tố như đá mẹ, khí hậu, sinh vật, địa hình, thời gian và con người, trong đó sinh vật đóng vai trò chủ đạo.

0,5

- Thực vật cung cấp vật chất hữu cơ cho đất, rẽ cây bám vào khe nứt của đá làm phá hủy đá góp phần hình thành đất.

0,5

- Vi sinh vật phân giải xác vật chất hữu cơ rồi tổng hợp thành mùn.

0,5

- Động vật sống trong đất như giun, kiến, mối,... góp phần làm thay đổi một số tính chất vật lí, hóa học của đất.

0,5

II

(4,0đ)

1.

Trình bày biểu hiện và ý nghĩa của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí.

1,0

- Biểu hiện:

+ Trong tự nhiên, bất cứ lãnh thổ nào cũng gồm nhiều thành phần ảnh hưởng qua lại phụ thuộc nhau.

0,25

+ Nếu một thành phần thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi của các thành phần còn lại và toàn bộ lãnh thổ.

0,25

- Ý nghĩa thực tiễn:

+ Trong một lãnh thổ, trước khi tiến hành các hoạt động khai thác cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và toàn diện môi trường tự nhiên.

0,25

+ Dự báo trước những thay đổi của các thành phần tự nhiên khi tác động vào môi trường để đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững.

0,25

2.

* Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông.

2,0

- Chế độ mưa, băng tuyết và nước ngầm:

+ Miền khí hậu nóng hoặc nơi địa hình thấp của khu vực khí hậu ôn đới, sông có nguồn tiếp nước chủ yếu là nước mưa: chế độ nước sông hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân bố lượng mưa trong năm.

+ Miền ôn đới lạnh và những sông bắt nguồn từ núi cao, nguồn tiếp nước chủ yếu là băng tuyết tan: mùa xuân đến, nhiệt độ lên cao, băng tuyết tan, sông được tiếp nước nhiều.

+ Ở các vùng đất đá thấm nước nhiều, nước ngầm có vai trò điều hòa chế độ nước của sông.

0,5

- Địa thế: Miền núi và cao nguyên nơi có độ dốc lớn, nước sông chảy mạnh, lũ lên nhanh. Ở đồng bằng, nơi có độ dốc nhỏ nước chảy chậm, lũ lên chậm và thường kéo dài. Ở miền núi, nước sông chảy nhanh hơn ở đồng bằng.

0,5

- Thực vật:

+ Khi nước mưa rơi xuống đất: một phần được giữ lại bởi tán cây, một phần được tầng thảm mục giữ lại, một phần len lỏi qua rễ cây thấm xuống đất tạo mạch nước ngầm điều hòa dòng chảy sông ngòi, giảm lũ lụt.

+ Lớp phủ thực vật bị phá hủy làm cho chế độ dòng chảy thất thường, tốc độ dòng chảy nhanh, dễ xảy ra lũ lụt. Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn hạn chế lũ.

0,5

- Hồ, đầm: Hồ, đầm nối với sông có tác dụng điều hòa chế độ nước sông: Mùa lũ, nước sông chảy vào hồ, đầm; mùa cạn, nước từ hồ, đầm chảy ra làm cho sông đỡ cạn.

0,5

* Tại sao ở nước ta, người dân miền Trung không thể sống chung với lũ như ở Đồng bằng sông Cửu Long?

1,0

- Đặc điểm sông ngòi miền Trung: sông nhỏ, ngắn; lòng sông hẹp, độ dốc lớn; khả năng tập trung nước lớn trong thời gian ngắn; nước lũ dâng lên nhanh, rút nhanh đột ngột.

- Lũ có sức tàn phá lớn (lũ quét và sạt lở đất,…), gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

0,25

0,25

- Đặc điểm sông ngòi ở Đồng bằng sông Cửu Long: mạng lưới dày đặc, lòng sông rộng, độ dốc nhỏ, lại có hồ Tonlexap điều tiết nước nên mùa lũ điều hòa, nước thường dâng chậm, rút chậm, mùa lũ kéo dài trong nhiều tháng.

- Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long mang theo nhiều nguồn lợi lớn (phù sa, tôm cá, thay chua rửa mặn cho đồng bằng,…). Từ lâu, người dân nơi đây đã hình thành tập quán “sống chung với lũ”.

0,25

0,25

III

(3,0đ)

1

* Phân tích sự phân bố nhiệt độ của không khí trên Trái Đất.

2,0

- Theo vĩ độ địa lí:

+ Nhiệt độ trung bình năm giảm dần từ Xích đạo đến cực (vĩ độ thấp lên cao) do Trái Đất có dạng hình cầu nên càng lên vĩ độ cao, góc chiếu sáng của Mặt Trời (góc nhập xạ) càng nhỏ dẫn đến lượng nhiệt nhận được giảm.

0,5

+ Biên độ nhiệt tăng dần từ Xích đạo đến cực do chênh lệch góc chiếu sáng, thời gian chiếu sáng càng lớn.

0,5

- Theo lục địa và đại dương:

+ Nhiệt độ trung bình năm cao nhất và thấp nhất đều ở lục địa.

+ Đại dương có biên độ nhiệt nhỏ, lục địa có biên độ nhiệt lớn.

+ Càng xa đại dương, biên độ nhiệt năm càng tăng.

+ Nhiệt độ khác nhau giữa bờ Đông và Tây của lục địa.

- Do khả năng hấp thụ nhiệt của đất, nước khác nhau và càng xa đại dương tính chất lục địa càng tăng dần; ảnh hưởng của dòng biển nóng và lạnh chạy ven bờ.

0,5

- Theo địa hình:

   + Nhiệt độ không khí thay đổi theo độ cao, trung bình cứ lên 100 m giảm 0,60C.

   + Nhiệt độ không khí thay đổi theo độ dốc và hướng phơi sườn núi.

- Do góc nhập xạ khác nhau, lớp phủ thực vật,…

0,5

* Tại sao khu vực Xích đạo có góc nhập xạ lớn nhất nhưng nhiệt độ trung bình năm thấp hơn ở khu vực chí tuyến?

1,0

- Khu vực Xích đạo có góc nhập xạ lớn nhất: Do Trái đất có dạng hình khối cầu nên tia sáng Mặt Trời luôn chiếu vuông góc với tiếp tuyến bề Mặt Trái đất tại Xích đạo (góc tới bằng 900) nên Xích đạo có góc nhập xạ lớn nhất.

0,25

- Nhiệt độ trung bình năm của một khu vực phụ thuộc vào nhiều vào nhiều yếu tố: chủ yếu là bức xạ nhiệt của Mặt Trời, ngoài ra còn có bề mặt đệm và hoàn lưu khí quyển,…

0,25

- Khu vực Xích đạo có nhiệt độ trung bình năm thấp hơn ở khu vực chí tuyến vì:

+ Khu vực Xích đạo tuy nhận được năng lượng bức xạ Mặt Trời lớn nhưng có áp thấp ngự trị, diện tích đại dương lớn nên lượng bốc hơi nước lớn, nhiều mây, mưa nhiều, cường độ bức xạ Mặt Trời suy yếu làm giảm nhiệt độ không khí. Mặt khác, Khu vực Xích đạo có lớp phủ thảm thực vật phát triển, có diện tích rừng rậm lớn nên lượng nhiệt thực tế bề mặt đất nhận được ít hơn vùng chí tuyến.

0,25

- Khu vực chí tuyến có nhiệt độ trung bình năm cao hơn khu vực Xích đạo vì:

+ Đây là khu vực có lượng bức xạ Mặt Trời lớn, có áp cao cận chí tuyến ngự trị, xuất hiện dòng giáng làm trời quang đãng và ít mây. Mặt khác, khu vực này ít mưa, lớp phủ thực vật kém phát triển, nhiều hoang mạc, diện tích lục địa lớn nên lượng nhiệt thực tế bề mặt đất nhận được nhiều hơn khu vực Xích đạo.

0,25

IV (2,0 điểm)

Cơ cấu dân số trẻ, cơ cấu dân số già có những thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển kinh tế-xã hội?

2,0

- Cơ cấu dân số già:

+ Thuận lợi: Có nguồn lao động hiện tại dồi dào, nhiều kinh nghiệm; tỉ lệ người phụ thuộc ít; nâng cao chất lượng cuộc sống.

0,5

+ Khó khăn: Thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai; chi phí phúc lợi xã hội lớn; nguy cơ suy giảm dân số.

0,5

- Cơ cấu dân số trẻ:

+ Thuận lợi: Nguồn lao động trong tương lai dồi dào; năng động, tiếp thu các tiến bộ khoa học- kĩ thuật; thị trường tiêu thụ lớn.

0,5

+ Khó khăn: Gây sức ép đối với phát triển kinh tế- xã hội (giải quyết việc làm, giáo dục, y tế,…); tài nguyên, môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

0,5

IV (7,0 điểm)

1.

Phân tích ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến sự phân bố và phát triển công nghiệp.

3,0

- Dân cư và nguồn lao động vừa là lực lượng sản xuất vừa là lực lượng tiêu thụ.

0,75

- Nơi có nguồn lao động dồi dào cho phép phát triển và phân bố các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt - may, giày - da, công nghiệp thực phẩm. Đây là những ngành không đòi hỏi trình độ công nghệ và chuyên môn cao.

0,75

- Nơi có đội ngũ lao động kĩ thuật cao, công nhân lành nghề gắn với các ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và “chất xám” cao trong sản phẩm như kĩ thuật điện, điện tử - tin học, cơ khí chính xác,...

0,75

- Dân cư (quy mô dân số, cơ cấu dân số theo giới tính, độ tuổi,…) tác động tới thị trường tiêu thụ, sự phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp.

0,75

2.

a. Tính tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm nông nghiệp.

1,5

- Xử lý số liệu: Tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm nông - lâm - ngư thế giới giai đoạn 2000-2019 (%).

Năm

2000

2010

2015

2019

Lúa mì

100

111,7

126,9

130,8

Nuôi trồng thủy sản

100

131,1

167,2

189,3

Diện tích rừng

100

104,2

103,4

103,5

1,5

b. Nhận xét và giải thích:

2,5

* Nhận xét:

1,5

- Nhìn chung, một số sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp của thế giới giai đoạn 2000 – 2019 có xu hướng tăng (dẫn chứng) nhưng tốc độ tăng có sự khác nhau:

0,5

+ Sản lượng nuôi trồng thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (dẫn chứng).

0,5

+ Sản lượng lúa mì và diện tích rừng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn (dẫn chứng).

0,5

* Giải thích:

1,0

- Một số sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp của thế giới giai đoạn 2000 – 2019 có xu hướng tăng và tốc độ tăng trưởng khác nhau do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn và khai thác tốt hơn các điều kiện để phát triển,…

0,25

+ Sản lượng nuôi trồng thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất do: có vai trò quan trọng, nhu cầu của thị trường lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

0,25

+ Sản lượng lúa mì có tốc độ tăng trưởng chậm hơn do tình hình canh tác của các nước phụ thuộc nhiều vào biến động của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh,…

0,25

+ Diện tích rừng có tốc độ tăng do các nước đẩy mạnh trồng rừng, song tốc độ tăng trưởng chậm do nạn phá rừng, cháy rừng,…

0,25

Điểm toàn bài: Câu I + II + III + IV + V = 20 điểm

20,0

— Hết —