Đề thi thử tn thpt môn văn 2022 có đáp án (đề 19)

Đề thi thử tn thpt môn văn 2022 có đáp án (đề 19)

4.6/5

Tác giả: Thầy Tùng

Đăng ngày: 22 Aug 2022

Lưu về Facebook:
Hình minh họa Đề thi thử tn thpt môn văn 2022 có đáp án (đề 19)

Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé

Thuvienhoclieu.Com

ĐỀ 19

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT

NĂM 2022

MÔN NGỮ VĂN

I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(1) “Giấc mơ của anh hề

Thấy mình thành triệu phú (…)

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn

Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ

Thằng bé mồ côi lạnh giá

Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ

Trên đá lạnh, người tù

Gặp bầy chim cánh trắng

Kẻ u tối suốt đời cúi mặt

Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.

(2) Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất

Cái không thể nào tới được

Đã giục con người

Vươn đến những điều đạt tới

Những giấc mơ êm đềm

Những giấc mơ nổi loạn

Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.

(3) Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”

(Trích “Giấc mơ của anh hề” – Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Trong văn bản trên, đời sốnggiấc mơ được ví như điều gì?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về nội dung của hai câu thơ:

“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất”?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng:

“Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”?

Lí giải vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi con người.

Câu 2. (5.0 điểm)

“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...”

(Trích Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập 1, tr.191)

Cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn văn trên. Từ đó nhận xét những đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu (3.0 điểm)

1

 Thể thơ: Tự do

0.5đ

2

Đời sống được ví như bờ

Những giấc mơ được xem như biển

0.5đ

3

Hai câu thơ:

Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất” có thể hiểu là:

- Những giấc mơ tươi đẹp vào ban đêm chính là “liều thuốc an thần”, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, tạm thời quên đi những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống thực ban ngày.

- Những điều đến với ta trong giấc mơ chính là cái khát vọng thầm kín nhưng chân thực nhất: đó là những điều ám ảnh ta nhất, khiến ta khát khao muốn đạt được nhất.

1.0đ

4

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải phù hợp thì đều đạt điểm. Gợi ý:

- Đồng tình

- Lý giải:

+ Bờ luôn là cái nhỏ bé, trong khi biển luôn là cái rộng lớn, bao la. Cũng như vậy, đời sống luôn là cái hạn hẹp, nghèo nàn; trong khi đó giấc mơ luôn mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú.

+ Nếu không có biển, bờ sẽ không còn lí do để tồn tại. Cũng như vậy, nếu không có những giấc mơ, những khát vọng để hướng về những điều tốt đẹp; cuộc đời sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa.

1.0đ

II

Làm văn (7.0 điểm)

1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi con người.

2.0đ

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giấc mơ vẫy gọi con người.

0.25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:

 Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Có thể tham khảo hướng sau:

Giải thích:- Giấc mơ ở đây có thể hiểu là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, để làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. “Giấc mơ vẫy gọi con người” muốn nói về ý nghĩa của giấc mơ trong việc thúc đẩy con người tiến về phía trước.

Bình luận: - Giấc mơ vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp, từ đó tạo ra động lực, niềm cảm hứng để giúp chúng ta tiến về phía trước.

- Giấc mơ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt và vượt qua những khó khăn.

- Giấc mơ giúp chúng ta bớt bận tâm bởi những việc vô bổ; tránh xa những cám dỗ xấu xa để tập trung vào những việc có ích.

- Giấc mơ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về cuộc sống.

Liên hệ, mở rộng: - Phê phán những người đắm chìm trong giấc mơ, ảo tưởng cuộc sống thực tế.

1.0

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, suy nghĩ mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.

0.25 đ

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.25 đ

2

“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài … mỗi độ thu về...” (Trích Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập 1, tr.191)

Cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn văn trên. Từ đó nhận xét những đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân.

5.0

  1. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận

Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua đoạn trích; những đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân.

0.25

c. Triển khai hợp lí nội dung bài văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ với dẫn chứng. Học sinh có thể triển khai bài biết theo nhiều cách khác nhau, đảm bảo những nội dung chính sau:

4.0

* Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua đoạn trích:
Tác giả đã phát huy cao độ trí tưởng tượng phong phú cùng với những liên tưởng bất ngờ mà thú vị để tái hiện hình ảnh Sông Đà:

- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. 

+ Vừa mới đây thôi sông Đà còn là nơi hội tụ của những dữ dằn, hung bạo; vậy mà trong chốc lát sóng nước đã xèo xèo tan trong trí nhớ để hiện hình trước mắt người đọc trong một dáng vẻ hoàn toàn khác lạ.

+ Mái tóc tuôn tài tuôn dài tưởng chừng như bất tận, nó trập trùng ẩn hiện giữa mây trời Tây Bắc, nó bồng bềnh uốn lượn quanh co thướt tha duyên dáng… Mái tóc ấy như đang ôm lấy dáng hình thanh tân trẻ trung gợi cảm đầy sức sống của người thiếu nữ Tây Bắc. 

+ Màu trắng tinh khiết của hoa ban, màu đỏ rực rỡ của hoa gạo điểm vào suối tóc ấy khiến nó thêm phần kiều diễm làm say lòng người. Tác giả dùng lối đảo trật tự câu “bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai” để nhấn mạnh thêm sức sống tràn căng của thiên nhiên Tây Bắc vào thời điểm giữa mùa xuân, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của suối tóc Sông Đà.

+ Hình ảnh “cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” đã tạo nên cái sương khói hư ảo như ẩn giấu đi gương mặt đẹp bí ẩn của người thiếu nữ càng làm tăng thêm sức hấp dẫn…

- Nhìn ngắm sông Đà từ nhiều thời gian khác nhau, tác giả đã phát hiện ra những sắc màu tươi đẹp và đa dạng của dòng sông. Màu nước biến đổi theo mùa, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng trong cách so sánh rất cụ thể:

+ Mùa xuân, nước sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”, tươi sáng, trong trẻo, lấp lánh, khác với màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô.

+ Mùa thu, nước sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ”, như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, như màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội. Dường như nhà văn không phải đang miêu tả một dòng sông mà miêu tả diện mạo một con người trong sự biến thiên của cuộc đời.

🡪 sắc nước tuy biến ảo linh hoạt theo mùa, nhưng đều là thứ màu sắc gợi cảm, đầy ấn tượng.

🡪 sông Đà mang gương mặt, dáng vóc và nhan sắc của một mĩ nhân, có sức gợi cảm, cuốn hút đến vô cùng.

* Nhận xét những đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân

- Đoạn trích đã cho thấy công phu lao động nghệ thuật nghiêm túc, khó nhọc của nhà văn. Nguyễn Tuân đã phải dành nhiều tâm huyết và công sức để làm hiện lên những vẻ đẹp và sắc thái khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc.

- Nhà văn đã huy động tối đa các giác quan thị giác, xúc giác, thính giác và vận dụng tri thức của nhiều lĩnh vực để tái hiện hình ảnh sông Đà gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc

- Nhà văn cũng đã thể hiện tài năng điêu luyện của một người nghệ sĩ ngôn từ trong việc tái tạo những kì công của tạo hóa.

*Đánh giá chung

- Nhân vật Sông Đà dưới ngòi bút sáng tạo của nhà văn lấp lánh hai nét tính cách: hung bạo và trữ tình. Lúc hung bạo, con sông “mang diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một” của con người. Lúc trữ tình, dòng chảy ấy lại tràn đầy, sóng sánh chất thơ, là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa, trở một “mĩ nhân” đầy gợi cảm và hấp dẫn. Qua đây tác giả cũng kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết và niềm say mê, tự hào với thiên nhiên của quê hương xứ sở mình.

0.5

2.0

1.0

0.5

  1. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu.

0.25

  1. Sáng tạo, cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

0.25