Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé
CẤU TRÚC
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
THỜI GIAN LÀM BÀI : 90 PHÚT
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN(3 điểm)
I.1. Văn bản :
* Học sinh tập trung vàonhững văn bản sau:
* Yêu cầu trọng tâm:
- Nhận biết được tên tác phẩm, thể loại, phương thức biểu đạt của mỗi văn bản.
- Hiểu được nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa của từng văn bản.
I.2. Tiếng Việt :
* Phạm vi ôn tập :
1. So sánh
2. Nhân hóa.
3. Ẩn dụ. Chú ý: Tập trung vào phần I ( Ẩn dụ là gì ?) và phần III (Luyện tập)
4. Hoán dụ. Chú ý: Tập trung vào phần I ( Ẩn dụ là gì ?) và phần III (Luyện tập)
5. Câu trần thuật đơn ( Tập trung vào phần I )
* Yêu cầu trọng tâm :
-Nắm được khái niệm của các biện pháp tu từ trên, nhận biết được các kiểu so sánh, nhân hóa.
- Vận dụng những đơn vị kiến thức đã học để thực hiện yêu cầu trong các bài tập có liên quan.
II. TẠO LẬP VĂN BẢN(7 điểm)
Câu 1.(2 điểm) Học sinh viết đoạn văn(8 – 10 câu) về các chủ đề liên quan đến nội dung hoặc nhân vật trong một số văn bản trên phần I.1.
Câu 2.(5 điểm)Tạo lập một văn bản miêu tả hoàn chỉnh theo các chủ đề gợi ý sau:
+ Lúc em ốm.
+ Khi em làm được một việc tốt.)
----- HẾT -----
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ II
STT | Tên tác phẩm | Tác giả | Thể loại | Nội dung | Nghệ thuật | Ý nghĩa |
1 | Bức tranh của em gái tôi | Tạ Duy Anh | Truyện ngắn | Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội họa, truyện bức tranh của em gái tôi cho thấy: Tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. |
Miêu tả chân thực diễn biến tâm lí của nhân vật. | Tình cảm trong sáng nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn, cao đẹp hơn lòng ghen ghét, đố kị. |
2 | Đêm nay Bác không ngủ (1951) | Minh Huệ | Thơ năm chữ | Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc rộng lớn của Bác Hồ với bộ đội, nhân dân và tình cảm kính yêu cảm phục của người chiến sĩ đối với Bác. | - Lựa chọn sử dụng thể thơ năm chữ kết hợp tự sự miêu tả và biểu cảm. - Lựa chọn, sử dụng lời thơ giản dị có nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thành. - Sử dụng từ láy tạo giá trị gợi hình và biểu cảm khắc họa hình ảnh cao đẹp về Bác Hồ kính yêu. | Bài thơ thể hiện tấm lòng Yêu thương bao la của Bác Hồ với bộ đội và nhân dân; tình cảm kính yêu, cảm phục của bộ đội, của nhân dân ta đối với Bác. |
3 | Lượm (1949) | Tố Hữu | Thơ bốn chữ | Bài thơ khắc họa hình ảnh Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em vẫn còn sống mãi với chúng ta. |
- Sử dụng nhiều từ láy gợi hình và giàu âm điệu. | Bài thơ khắc họa hình ảnh chú bé hồn nhiên dũng cảm hi sinh vì nhiệm vụ kháng chiến. Đó là một hình tượng cao đẹp trong thơ Tố Hữu. Đồng thời bài thơ đã thể hiện chân thật tình cảm mến thương và cảm phục của tác giả dành cho chú bé Lượm nói riêng và những em bé yêu nước nói chung. |
4 | Cô Tô | Nguyễn Tuân | Kí | Vẻ đẹp tươi sáng, phong phú của cảnh sắc thiên nhiên vùng đảo Cô Tô và một nét sinh hoạt của người dân trên đảo Cô Tô. |
Sử dụng các phép so sánh mới lạ và từ ngữ giàu tính sáng tạo. | - Bài văn cho thấy vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên trên biển đảo Cô Tô, vẻ đẹp của người lao động trên vùng đảo này. Qua đó thấy được tình cảm yêu quý của tác giả đối với mảnh đất quê hương. |
5 | Cây tre Việt Nam | Thép Mới | Thuyết minh phim | Cây tre là người bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam. Cây tre có vẻ đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu. Cây tre đã trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. |
- Sử dụng thành công các phép so sánh, nhân hóa, điệp ngữ. | - Văn bản cho thấy vẻ đẹp và sự gắn bó của cây tre với đời sống dân tộc ta. Qua đó cho thấy tác giả là người có hiểu biết về cây tre, có tình cảm sâu nặng, có niềm tin và tự hào chính đáng về cây tre Việt Nam. |
B/ TIẾNG VIỆT
SO SÁNH | NHÂN HÓA | ẨN DỤ | HOÁN DỤ | |
Khái niệm | So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD : Công cha như núi Thái Sơn. | Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, ... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật, ... trở nên gần gũi với con người, biểu thị những suy nghĩ, tình cảm của con người. VD : Chị Chổi thở dài, không nói gì nữa. | Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD: Anh đội viên nhìn Bác Càng nhìn lại càng thương Người Cha mái tóc bạc Đốt lửa cho anh nằm. | Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có nét quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD: Áo nâu liền với áo xanh Nông thôn cùng với thị thành đứng lên. |
Phân loại | Có 2 kiểu so sánh : 1. So sánh ngang bằng (dùng các từ so sánh : như, bằng, tựa, tày, ...) VD : Trẻ em như búp trên cành. 2. So sánh không ngang bằng (dùng các từ so sánh : chưa bằng, chẳng bằng, không bằng, không tày, hơn, ...) VD : Lời chào cao hơn mâm cỗ. | Có 3 kiểu nhân hóa : 1. Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật. VD : Bác Giun đào đất suốt ngày Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà. 2. Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật. VD : Mèo con nằm hồi hộp, không ngủ được. 3. Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người. VD : Trăng ơi ... từ đâu đến? | Có 4 kiểu ẩn dụ : 1. Ẩn dụ hình thức. VD : Về thăm nhà Bác làng Sen Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng. 2. Ẩn dụ cách thức VD : Về thăm nhà Bác làng Sen Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng. 3. Ẩn dụ phẩm chất. VD : Người Cha mái tóc bạc Đốt lửa cho anh nằm. 4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. VD : Lời nói ngọt lọt đến xương. | Có 4 kiểu hoán dụ : 1. Lấy bộ phận để gọi toàn thể. VD : Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. 2. Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. VD : Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. 3. Lấy dấu hiệu sự vật để gọi sự vật. VD : Ngày Huế đổ máu Chú Hà Nội về Tình cờ chú cháu Gặp nhau Hàng Bè. 4. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng. VD : Vì sao? Trái Đất nặng ân tình Nhắc mãi tên Người : Hồ Chí Minh. |
* Cấu tạo phép so sánh :
VẾ A (sự vật được so sánh) | PHƯƠNG DIỆN SO SÁNH | TỪ SO SÁNH | VẾ B (sự vật dùng để so sánh) |
môi | đỏ | như | son |
nhanh | như | chớp | |
tấc đất | tấc vàng |
* Lưu ý : Trong phép so sánh có thể khuyết một hoặc hai thành phần : vế A, phương diện so sánh hoặc từ so sánh nhưng không thể thiếu vế B.
2. Câu trần thuật đơn :
a. Khái niệm : Câu trần thuật đơn là loại câu do một cụm C-V tạo thành, dùng để giới thiệu, tả hoặc kể một sự việc, sự vật hay để nêu một ý kiến .
b. Ví dụ : Đôi càng tôi// mẫm bóng.
CN VN
Tôi //đi đứng oai vệ.
CN VN
* Ghi chú : Các em cần làm lại phần “Luyện tập” của các bài trên.
C/ TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1.(2 điểm) Học sinh viết đoạn văn(8 – 10 câu) về các chủ đề liên quan đến nội dung hoặc nhân vật trong một số văn bản trên phần I.1.
Câu 2.(5 điểm)Tạo lập một văn bản miêu tả hoàn chỉnh theo các chủ đề gợi ý sau:
+ Lúc em ốm.
+ Khi em làm được một việc tốt.)
_____________________________________________________________________
MỘT SỐ ĐOẠN VĂN, DÀN BÀI THAM KHẢO
A/ ĐOẠN VĂN
"Bức tranh của em gái tôi" của nhà văn Tạ Duy Anh là một tác phẩm mà em vô cùng yêu thích. Trong truyện ngắn, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Kiều Phương, một cô em gái ngoan ngoãn và yêu thương anh hết mực. Ngay từ những dòng đầu văn bản, người đọc đã dễ dàng nhận thấy đây là một cô em gái hiền hậu, biết vâng lời người lớn. Ngay cả khi bị người anh quát nạt, em không hề phản kháng và cãi lại anh dù chỉ một câu. Bên cạnh đó, Kiều Phương còn là một cô gái có năng khiếu hội họa. Những bức tranh em vẽ rất đẹp, điều này khiến bố mẹ rất tự hào về em nhưng lại khiến người anh trai thấy mặc cảm và dần xa lánh em. Đỉnh điểm của câu chuyện là khi Kiều Phương tham gia một hội thi vẽ tranh quốc tế và đạt giải Nhất. Người anh như vỡ òa trong cảm xúc khi nhìn thấy bức tranh ấy, người em vẽ mình. Chính hành động đầy bao dung của Kiều Phương đã khiến người anh nhận ra hạn chế của bản thân. Thật cảm ơn nhà văn Tạ Duy Anh đã đem đến cho chúng ta chân dung một cô gái tài năng có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và nhân hậu!
Khép lại bài thơ “Lượm”, hình ảnh của cậu bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm dường như đã tạc sâu vào tận đáy tim em. Một cậu bé với vóc dáng bé nhỏ, đôi má bầu bĩnh, đỏ hồng như trái bồ quân nhưng lại hiện lên như một người chiến sĩ giải phóng quân thực thụ. Cậu luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ với chiếc xắc nhỏ đựng công văn, mũ ca lô của Đội Thiếu nhi cứu quốc cùng đôi chân nhanh nhẹn. Không hề chùn bước trước mưa bom bão đạn nơi mặt trận hiểm nguy. Trước yêu cầu truyền tin “thượng khẩn”, lòng yêu tổ quốc mãnh liệt đã giúp cậu vượt lên mọi nỗi lo sợ, kể cả sự an toàn của bản thân “Sợ chi hiểm nghèo”. Lượm đã hi sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ trong đạn lửa khốc liệt của chiến tranh, cậu đã hi sinh trên đất mẹ quê hương – một sự hi sinh thiêng liêng cao cả, một tấm gương sáng mà thế hệ chúng ta phải noi theo. Hình ảnh của Lượm vẫn luôn sống mãi trong trái tim những người ở lại, hôm nay và mãi mãi mai sau.
Đọc bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, hẳn không ai không trào dâng trong lòng niềm cảm phục về tình yêu thương vĩ đại và sự hy sinh cao cả của vị cha già kính yêu : Bác Hồ Chí Minh. Trong bài thơ, hình ảnh của Bác hiện lên vừa lớn lao, kì vĩ, lại vừa ấm áp, thân thương biết dường nào. Sự ấm áp, thân thương tỏa ra từ những hành động tưởng chừng như vô cùng đơn giản : Bác đốt lửa sưởi ấm cho các anh đội viên, Bác nhón chân nhẹ nhàng khi đi dém chăn để các anh ngon giấc. Bác nóng ruột vì thường đoàn dân công phải ngủ giữa rừng trong đêm mưa lạnh đến độ thao thức, không nỡ ngủ. Hành động ấy chỉ có thể nhìn thấy ở một người cha đang săn sóc, lo lắng cho những đứa con yêu của mình. Và, hơn tất thảy, đoạn thơ cuối đã khẳng định một chân lí đơn giản mà lớn lao: Bác không ngủ vì một lí do bình thường, dễ hiểu - Bác là Hồ Chí Minh. Nói đến Bác là nói đến tình thương và trách nhiệm rộng lớn, cao cả “không ngủ vì lo nỗi nước nhà” . Không ngủ vứi Bác đã trở thành một lẽ thường tình. Bởi cuộc đời Bác đã dành trọn vẹn để lo cho dân, cho nước, Bác thức vì tình yêu thương và sự lo lắng cho vận mệnh của nước nhà, cho hạnh phúc của nhân dân. Đó chính là lẽ sống “nâng niu tất cả chỉ quên mình” của Bác mà mọi người dân đều thấu hiểu và kính phục.
B/ DÀN BÀI TẬP LÀM VĂN
1/ Tả người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em)
* Mở bài:
- Dẫn thơ hoặc ca bài, bài hát nói về mẹ
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”
- Trong cuộc đời này, không ai yêu thương, quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho mình bằng mẹ.
- Với em, mẹ là người quan trọng nhất, người em yêu quý và kính trọng nhất.
* Thân bài:
- Tả ngoại hình (đoạn 1)
+ Mẹ không phải là người phụ nữ đẹp. Hình ảnh mẹ trong em thật giản dị nhưng cũng rất cao quý
+ Dáng mẹ gầy, nhìn dáng mẹ tôi đã thấy được bao nỗi vất vả, lo toan…
+ Dáng đi của mẹ uyển chuyển, nhẹ nhàng…
+ Khuôn mặt mẹ không được trắng trẻo mà đã bị nắng mưa làm đen xạm đi…
+ Đôi mắt mẹ trong tôi thật đẹp, nó lấp lánh niềm vui khi…, nó đượm buồn khi …., nó dịu dàng ấm áp khi…Trên đôi mắt ấy đã có những nếp nhắn trước tuổi.
+ Sống mũi mẹ không cao nhưng rất hài hòa với khuôn mặt của mẹ.
+ Nụ cười tươi luôn nở trên môi mẹ dù khó khăn vất vả như thế nào chăng nữa
+ Tôi nhận ra bàn tay mẹ thô ráp, chiếc áo mẹ đã bạc màu, đôi vai mẹ gầy hơn trước.
+ Hình như trông mẹ già hơn cái tuổi bốn mươi của mẹ. Mái tóc dài mượt ngày trước giờ đã ngắn và mỏng đi khá nhiều, thấp thoáng đã thấy những sợi bạc.
- Tả về tính cách, hoạt động (đoạn 2)
+ Mẹ là một giáo viên luôn tận tụy với công việc. Những đêm khuya khi tôi đã ngủ, tôi thấy mẹ vẫn miệt mài bên bàn làm việc với những chồng vở của học sinh. Mẹ cẩn thận sửa từng lỗi nhỏ trong bài làm…
+ Với gia đình, mẹ luôn chu toàn mọi việc, chăm sóc ân cần cho cả gia đình…Một mình mẹ lo hết cả công việc nhà, làm tròn trách nhiệm trong công việc ở trường.
+ Mẹ là một người vợ hiền, một người dâu thảo.
- Tả về kỉ niệm với mẹ, sự quan tâm của mẹ với mình (đoạn 3)
+ Với tôi, mẹ luôn dành sự quan tâm nhiều nhất: Lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, mẹ còn dành chút thời gian ít ỏi khi nghỉ ngơi để hướng dẫn tôi học tập.
+ Ánh mắt mẹ dịu dàng, hiền hậu chỉ cho tôi từng lỗi sai, giúp tôi hiểu bài hơn.
+ Mẹ luôn bên tôi khi tôi gặp khó khăn, động viên an ủi khi tôi vấp ngã. Mẹ hứng hết nỗi cực nhọc để tôi có được cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.
* Kết bài:
- Khẳng định lại tình cảm với mẹ, lòng biết ơn mẹ.
- Hứa hẹn : Tôi sẽ cố gắng học tập để mẹ vui lòng, ...
2/ Tả thầy (cô) giáo.
* Mở bài
- Từ năm lớp 1 đến nay, em được học với rất nhiều thầy cô giáo. Từ khi lên lớp 6, mỗi thầy cô dạy lớp em một bộ môn. Thầy cô nào cũng để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Trong đó, cô chủ nhiệm kiêm dạy môn Văn là người để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất.
* Thân bài
- Giới thiệu về cô chủ nhiệm
+ Cô chủ nhiệm lớp em tên là ....
+ Năm nay, cô khoảng ngoài 30 tuổi.
+ Cô có khuôn mặt trái xoan, mũi thẳng, đôi môi lúc nào cũng hồng hồng một cách tự nhiên.
+ Mái tóc cô dài ngang lưng, thường được kẹp gọn gàng.
+ Khi lên lớp, cô thường mặc những bộ áo dài khiến vóc dáng thanh mảnh của cô càng thêm duyên dáng, uyển chuyển.
+ Giọng nói của cô dịu dàng, ấm áp.
....
- Tả hoạt động, việc làm của cô:
+ Hôm nào đến lớp, em cũng đã thấy cô ở trường.
+ Khi các bạn sắp hàng vào lớp, cô luôn nhắc nhở chúng em đứng ngay ngắn, không trêu chọc nhau, không nói chuyện riêng.
+ Em nhớ buổi nhận lớp đầu tiên, cô cẩn thận phát cho mỗi bạn trong lớp một tờ giấy nhỏ. Cô yêu cầu chúng em viết đầy đủ thông tin như trong tờ giấy đã yêu cầu. Nhờ có những thông tin cá nhân đó, cô có thể liên hệ với gia đình phụ huynh vào bất cứ lúc nào.
+ Em ấn tượng nhất với bài học đầu tiên cô giảng. Bài học hôm đó là “Con Rồng cháu Tiên”. Với giọng ấm, nhẹ nhàng, cô đưa chúng em về với miền đất Lạc Việt xưa, về với cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ từ buổi bình minh của lịch sử. Bài cô giảng đã cho em một bài học thấm thía về cội nguồn các dân tộc. Dẫu người miền núi hay miền xuôi, người nông thôn hay thành thị thì 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam này đều từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ mà ra. Rồi còn biết bao bài giảng cô thổi hồn vào đó, làm chúng em thấy yêu hơn gia đình, thầy cô, bạn bè, quê hương đất nước…
+ Cô không chỉ giảng bài hay, cô còn là người yêu thương và quan tâm hết mực đến học sinh của mình. Cô nắm vững hoàn cảnh gia đình của từng bạn trong lớp. Cô phát động lớp góp quỹ bằng cách gom những đồ có thể bán cho hàng ve chai. Quỹ đó dùng để mua đồ dùng học tập giúp đỡ cho những bạn có hoàn cảnh quá khó khăn.
+ Cô chọn những bạn học giỏi trong lớp và phân công các bạn kèm cặp cho những bạn học còn yếu. Nhờ vậy, kết quả học tập của cả lớp tương đối đều.
+ Cô luôn dạy dỗ chúng em phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
+ Cô không trách phạt học sinh mà luôn dùng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc để khuyên bảo, giúp chúng em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.
+ Trong các buổi lớp em lao động, bao giờ cô cũng phân công rất cụ thể cho từng tổ, thậm chí có việc cô còn giao cho từng cá nhân. Cô thường xuyên nhắc nhở chúng em chú ý giữ an toàn khi tham gia lao động.
* Kết bài
- Em yêu thương và kính trọng cô chủ nhiệm - người mẹ thứ hai của chúng em.
- Lời hứa hẹn : Sau này, lớn lên, dù đi đâu, học ở đâu, em vẫn sẽ mãi mãi lưu giữ trong tim hình ảnh cô chủ nhiệm của mình.
3 / Tả người gắn với hoạt động.
3.1/ Tả mẹ khi chăm sóc em ốm.
* Mở bài:
Dùng một câu ca dao về công cha nghĩa mẹ để dẫn dắt vào đề, giới thiệu mẹ là người luôn ân cần chăm sóc em, nhất là khi em bị ốm.
* Thân bài: Tả mẹ chăm sóc em khi bị ốm.
- Tả dáng vẻ mẹ lúc em bị ốm.
+ Mẹ rất lo lắng và hoảng hốt.
+ Khi em lên cơn sốt, mẹ chạy đôn chạy đáo để mua thuốc, nấu cháo cho em.
- Tả hành động của mẹ lúc em bị ốm.
+ Mẹ nấu cháo và bón cho em ăn.
+ Mẹ mua thuốc cho em.
+ Mẹ chườm khăn cho em mỗi khi em bị sốt.
+ Mẹ nhìn em trìu mến.
+ Mẹ xin cô cho em nghỉ học.
+ Mẹ chạy tất bật, mẹ vừa chăm sóc em vừa phải làm việc.
+ Mẹ rất mệt nhưng vẫn không than vãn.
+ Mẹ luôn luôn quan sát em.
* Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về mẹ khi chăm sóc em bị ốm, lòng biết ơn và lời hứa hẹn của em với mẹ.
3.2/ Tả mẹ hoặc cha khi em làm được việc tốt.
* Mở bài:
Dùng một câu ca dao về bổn phận của con cái với cha mẹ để dẫn dắt vào đề, giới thiệu đối tượng cần tả: Hình ảnh mẹ / cha khi em làm được một việc tốt.
* Thân bài:
- Khái quát chung về hoàn cảnh được tả:
+ Em làm được việc tốt khi nào (thời gian)?
+ Việc tốt đó là việc gì? (đạt điểm cao, được khen thưởng, giúp đỡ bạn, nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất…).
- Hình ảnh mẹ / cha khi biết em làm được việc tốt:
+ Vẻ mặt: Vui mừng, sung sướng, hài lòng…
+ Đôi mắt: Ánh lên niềm vui và tự hào, nhìn em thân thương, trìu mến…
+ Miệng cười tươi rạng rỡ…
+ Lời nói: Khen ngợi, động viên, tự hào, tin tưởng…
+ Hành động: Xoa đầu khen ngợi, ôm em vào lòng, ân cần, quan tâm chăm sóc, …
* Kết bài:
- Cảm xúc của em trước tình yêu thương của cha / mẹ.
- Tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để cha mẹ vui lòng.
4 / Tả cảnh mùa hè.
* Mở bài
Giới thiệu đối tượng miêu tả
Ta vẫn luôn yêu tha thiết quê hươg mình, nơi chôn rau cắt rốn đong đầy kỉ niệm. Yêu quê hương, mỗi khi xa quê thì hình ảnh quê hương lại in đậm trong tâm trí mỗi người. Đó là cảnh sắc quê hương vào mùa hè đẹp đẽ và thi vị.
* Thân bài
- Cảnh sắc thiên nhiên, vạn vật mùa hè:
+ Nàng tiên mùa xuân qua đi, tiết trời mùa xuân se se lạnh với những cơn mưa phùn cũng dần tan biến. Những tia nắng vàng như rót mật dần len lỏi khắp nơi nơi. Không gian như tươi sáng hẳn lên, thời tiết nóng lên trông thấy.
+ Cây cối giờ đây đã xanh tốt hơn nhiều.
+ Cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực cả một khoảng trời, như một ngọn lửa khổng lồ rừng rực đốt cháy giữa không trung bao la, tiếng ve râm ran hát khúc đồng ca mùa hạ.
+ Đầm sen tỏa hương ngào ngạt, rung rinh đùa vui dưới nắng.
+ Mùa hè cũng là mùa làng quê bước vào mùa thu hoạch: Từng cánh đồng lúa trĩu bông kéo dài đến tận chân trời trông như một tấm thảm dát vàng khổng lồ trong nắng; những thân bắp khô quắt lại trên nương, giơ ra những trái bắp to, căng đầy hạt, chỉ chờ bàn tay con người đến hái.
+ Con sông quê nằm nghiêng mình soi bóng những hàng tre dưới làn nước trong xanh văn vắt.
+ Tiếng tu hú gọi bầy nô nức bên góc vườn vải đang bắt đầu chín rộ.
+ Đàn trâu thủng thẳng gặm cỏ sườn đê giữa tiếng sáo diều vi vút.
+ Đôi chim chiền chiện chao liệng giữa không trung, vui đùa cùng những cuộn mây trắng xốp, bồng bềnh.
+ Vạn vật như được tiếp thêm sinh khí.
- Cảnh cuộc sống sinh hoạt của con người
+ Mùa hè, những bác nông dân đi làm đồng từ rất sớm. Vừa đi, vừa gặt, họ vừa cất lên những câu hát vang tận trời xanh.
+ Chiều chiều, dưới gốc đa già, các ông bà già ngồi thưởng thức chén trà quê, ngồi trò chuyện đầy vui vẻ.
+ Lũ trẻ nhỏ bày thật nhiều trò chơi vui vẻ và nhộn nhịp. Chúng cùng nhau dắt trâu ra đồng, vừa chăn trâu, vừa thả diều, đánh khăng, đánh đáo,... Cánh diều bay lên cao cao mãi mang theo khát vọng tuổi thơ.
* Kết bài
Cảnh mùa hè trên quê hương thật đẹp, đẹp giản dị và thanh khiết. Đó đã trở thành một phần trong tâm trí mỗi người dân quê, là phần yên bình, thanh thản, lưu giữ mãi trong tim chúng ta, làm dịu đi bao ồn ã và lo toan của cuộc sống thường nhật.
5 / Tả ngôi trường em đang học.
* Mở bài:
Dùng lời bài hát “Em yêu trường em ...” để dẫn dắt, giới thiệu : tuy em mới là học sinh lớp 6, mới bước chân vào ngôi trường THCS Phan Bội Châu được một năm, nhưng em đã rất yêu và tự hào về ngôi trường mang tên một danh sĩ, một nhà cách mạng lớn của dân tộc.
* Thân bài:
- Tả bao quát về ngôi trường:
+ Trường nằm trên đường Lê Quý Đôn, trung tâm của các trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông.
+ Trường mới được xây dựng nên nhìn rất khang trang, rộng rãi và thoáng đãng.
- Tả ngôi trường với những chi tiết nổi bật:
+ Cổng chính của trường được xây rộng rãi, khang trang, phía trên đề dòng chữ “Trường THCS Phan Bội Châu” rất nổi bật.
+ Trường xây bằng xi măng, cửa kính. Mái lợp ngói đỏ tươi. Đầu năm học, trường thường được quét vôi nên trông cứ như mới. Nền được lát gạch hoa rất sạch sẽ.
+ Cảnh khu lớp học (chạy dài thẳng tắp, trang trí giống nhau, dãy bàn học ngay ngắn, thứ tự, gợi lên những khuôn mặt thân quen...)
+ Cảnh dãy văn phòng: phòng thầy (cô) hiệu trưởng, phòng giáo viên, phòng chức năng, phòng truyền thống của Đội, đặc biệt là Thư viện với rất nhiều các loại sách báo bổ ích...
+ Cảnh sân trường: sạch sẽ, hàng cây, các bồn hoa, cột cờ, sân trường rộng ...
- Cảnh sinh hoạt của học sinh:
+ Trước buổi học hay mỗi giờ ra chơi : sân trường đông vui, nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói cười.
+ Trong giờ học: Không khí trở nên lắng đọng, yên tĩnh, thi thoảng vang lên những tiếng đọc bài trầm bổng, tiếng thước kẻ gõ nhịp hay những tràng pháo tay rôm rả tán thưởng cho một bạn học snh nào đó vừa tích cực xây dựng bài, ...
+ Sau giờ học : Học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ, ùn ùn kéo về phía cổng trường, tiếng trò chuyện râm ran, tiếng còi xe inh ỏi. Sau một hồi ồn ã, học sinh về hết, không gian trở nên tĩnh lặng, thoảng chút buồn buồn, man mác của ngôi trường.
* Kết bài
Nêu cảm nghĩ: em rất yêu mến ngôi trường THCS Phan Bội Châu, em tự nhủ sẽ góp phần xây dựng trường lớp sạch đẹp và sẽ cố gắng học tập để không uổng những tháng ngày được học tập dưới mái trường và không phụ lại công lao dạy dỗ của các thầy, các cô.
MẾN CHÚC CÁC EM HOÀN THÀNH TỐT KÌ THI!
Xem thêm các bài tiếp theo bên dưới