Công thức toán học không thể tải, để xem trọn bộ tài liệu hoặc in ra làm bài tập, hãy tải file word về máy bạn nhé
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NAM ĐỀ CHÍNH THỨC
| KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II NĂM HỌC 2020-2021 Môn: NGỮ VĂN – Lớp 8 Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
|
I. ĐỌC - HIỂU (5.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu của đề:
(1) Nay ta bảo thật các ngươi: nên nhớ câu “đặt mồi lửa vào dưới đống củi” là nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ. (2) Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên; khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. (3) Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các ngươi trăm năm về sau tiếng vẫn lưu truyền; chẳng những danh hiệu ta không bị mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu thơm. (4) Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui vẻ phỏng có được không?
(Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập hai)
Câu 1. (1.0 điểm)
Xác định phương thức biểu đạt chính và tác giả của đoạn trích.
Câu 2. (1.0 điểm)
Trong đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn? Những đặc điểm hình thức nào cho biết đó là câu nghi vấn?
Câu 3. (1.0 điểm)
Chỉ ra hành động nói được thực hiện ở câu (3). Hành động nói ấy được dùng trực tiếp hay gián tiếp?
Câu 4. (1.0 điểm)
Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 5. (1.0 điểm)
Mỗi thời kì lòng yêu nước được biểu hiện khác nhau. Vậy hôm nay, em có thể làm những gì để thể hiện lòng yêu nước?
II. LÀM VĂN (5.0 điểm)
Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về lợi ích của việc đọc sách.
---------Hết---------
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA HỌC KỲ II - NĂM HỌC 2020 - 2021
QUẢNG NAM Môn Ngữ văn - Lớp 8
HƯỚNG DẪN CHẤM
(Hướng dẫn chấm này có 02 trang)
A. Hướng dẫn chung
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm.
- Cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
- Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Tránh tâm lí ngại cho điểm tối đa (Một bài làm đạt điểm tối đa có thể vẫn còn có những sai sót nhỏ).
- Điểm lẻ toàn bài tính đến 0.25 điểm. Sau đó, làm tròn số đúng theo quy định.
B. Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) | ||
Câu | Nội dung, yêu cầu cần đạt | Điểm |
Câu 1 (1.0 đ) | - Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. - Tác giả: Trần Quốc Tuấn. | 0.5 0.5 |
Câu 2 (1.0 đ) | - Câu nghi vấn: Câu (4) Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui vẻ phỏng có được không? - Đặc điểm hình thức: + Có cặp từ nghi vấn: có…không (nếu học sinh chỉ xác định từ không cũng ghi điểm) + Kết thúc câu bằng dấu chấm hỏi. | 0.5 0.5 |
Câu 3 (1.0 đ) | - Hành động trình bày. - Cách dùng trực tiếp. | 0.5 0.5 |
Câu 4 (1.0 đ) | Nội dung chính: Khẳng định những hành động đúng các tướng sĩ nên làm (đề cao cảnh giác, tập luyện võ nghệ…) để đem lại những kết quả yên vui, tốt đẹp. | 1.0 |
Câu 5 (1.0 đ) | Mức 1. Học sinh nêu được ít nhất 2 việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với bản thân. | 1.0 |
Mức 2. Học sinh nêu được ít nhất 1 việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với bản thân. | 0.5 | |
Mức 3. Học sinh nêu được việc làm cụ thể, nhưng chưa thật sự thiết thực, phù hợp với bản thân. | 0.25 | |
Mức 4. Không có câu trả lời hoặc trả lời không đúng với yêu cầu của đề. | 0.0 | |
II. LÀM VĂN (5.0 điểm) | ||
Tiêu chí đánh giá | Điểm | |
* Yêu cầu chung: - Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lập luận chặt chẽ; hạn chế mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Kết hợp giữa nghị luận và biểu cảm. | ||
* Yêu cầu cụ thể: a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài: biết dẫn dắt hợp lí và giới thiệu được vấn đề cần nghị luận; phần thân bài: biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài: khái quát được vấn đề nghị luận. | 0.25 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lợi ích của việc đọc sách. | 0.25 | |
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp: Vận dụng tốt kĩ năng nghị luận kết hợp với yếu tố biểu cảm; học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý: | 4.0 | |
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lợi ích của việc đọc sách | 0.5 | |
- Giải thích: + Sách là sản phẩm trí tuệ của con người ghi lại những kiến thức, kinh nghiệm… ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. + Đọc sách là phương thức quan trọng để tiếp nhận nguồn tri thức trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội,… | 0.5 | |
- Lợi ích của việc đọc sách: + Có thêm vốn tri thức, mở rộng sự hiểu biết; + Phát triển năng lực ngôn ngữ; + Bồi dưỡng tinh thần, tình cảm, giúp hoàn thiện nhân cách của bản thân; + Giúp giải trí sau những giờ học tập, lao động mệt mỏi; + Đọc sách là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công… | 2.0 | |
- Liên hệ, mở rộng: Phê phán những người không chú trọng đến việc đọc sách, hay chỉ đọc lướt qua, đọc tràn lan, đọc nhưng không có hiệu quả… | 0.5 | |
- Khẳng định vấn đề: Khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách và rút ra bài học cho bản thân. | 0.5 | |
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. | 0.25 | |
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0.25 |